Người nghiện khó quên được ma túy vì đó là biểu hiện của một chứng bệnh “thèm nhớ” ma túy. Điều đó thể hiện ở việc có rất nhiều người, dù mới cai nghiện hay đã cai nghiện thành công rất nhiều năm thì khi gặp phải ma túy hay thấy có người sử dụng ma túy họ vẫn nghiện lại.
Bản chất của cơn “thèm nhớ” ma túy
Xét về bản chất, “thèm nhớ” là sự thôi thúc của bộ não khiến con người thực hiện hành vi sử dụng ma túy. Các cơn thèm nhớ hình thành sau một thời gian con người sử dụng ma túy và nó cũng là biểu hiện chính của sự lệ thuộc tâm lý vào ma túy.
Cơn thèm nhớ ma túy mãnh liệt nhất lúc người nghiện mới ngưng sử dụng ma túy, đi kèm với các hội chứng cai và nguy hiểm hơn là nó có thể tồn tại rất lâu ngay cả sau khi người nghiện đã cai được ma túy một thời gian rất dài.
Cơn thèm nhớ ma túy chính là nguyên nhân chính thôi thúc người nghiện đi tìm ma túy để sử dụng, vì vậy việc hiểu được bản chất và biết cách đối phó với cơn thèm nhớ là yếu tố rất quan trọng để người nghiện thoát được khỏi ma túy.
Cơn thèm nhớ hình thành thế nào?
Về cơ chế tự nhiên, trong sinh hoạt hằng ngày chúng ta ai cũng có lúc trải qua những vui buồn và những cảm xúc này do các chất hóa học trong não bộ tiết ra để điều chỉnh. Ví dụ như khi bạn làm được điều gì đó mà bạn thích, não bộ sẽ tiết ra chất dopamine khiến bạn cảm nhận được cảm giác vui vẻ, dễ chịu.
Khi não bộ tiết ra dopamine thì đường dẫn truyền khoái cảm cũng được kích hoạt. Thông thường, chất dopamine sẽ được tiết ra nhiều nhất khi bạn thực hiện những hành vi như: ăn uống, vui chơi, quan hệ tình dục hay khi nhận được sự yêu thương.
Những hành vi này là rất bình thường và liên quan mật thiết đến sự sinh tồn của cơ thể nên mỗi khi đường dẫn truyền khoái cảm được kích hoạt, não bộ sẽ tự động ghi nhớ những hành động làm tiết dopamine là cần thiết và quan trọng đối với cơ thể. Từ đó trở thành phản xạ có điều kiện để thôi thúc, khuyến khích con người lặp đi lặp lại những hành động này mà không cần suy nghĩ.
Khi bạn sử dụng ma túy, các chất ma túy sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến đường dẫn truyền khoái cảm, gây ra việc sản sinh một lượng lớn dopamine trong não bộ, tạo nên cảm giác hưng phấn và khoái cảm mạnh mẽ. Vì thế, nếu sử dụng ma túy lặp lại nhiều lần sẽ tạo thành phản xạ có điều kiện, gây rối loạn sản xuất dopamine trong não bộ.
Sử dụng ma túy trong thời gian dài sẽ khiến não bộ của con người quen và đáp ứng với lượng dopamine được tiết ra do tác động kích thích của các chất ma túy bằng cách sản sinh ra ít dopamine hơn hoặc giảm lượng dopamine tiếp nhận các khoái cảm từ những kích thích tự nhiên như ăn uống, vui chơi, quan hệ tình dục…
Điều này sẽ khiến người nghiện mất cảm xúc và không còn cảm thấy hứng thú và vui vẻ trước những kích thích tự nhiên thông thường. Do vậy, khi thiếu ma túy, người nghiện sẽ cảm thấy buồn chán, mệt mỏi, thiếu sức sống, trầm uất… Từ đó, họ sẽ lên cơn “thèm nhớ” ma túy và muốn sử dụng ma túy để kích thích não bộ sản sinh dopamine, giúp họ có được cảm giác “phê” quen thuộc.
Sử dụng ma túy trong thời gian dài có thể kéo theo sự thay đổi các thói quen hoặc hệ thống trí nhớ vô thức nhằm thích nghi với việc sử dụng ma túy. Đó là những phản xạ có điều kiện như chúng ta ăn cơm, mặc quần áo hằng ngày. Do vậy, người nghiện không thể điều chỉnh được hành vi của mình khi lên cơn thèm ma túy.
Điều nguy hiểm là những phản xạ có điều kiện này rất bền vững và khó có thể mất đi ngay cả khi người nghiện đã ngừng sử dụng ma túy nhiều năm. Cũng bởi nguyên nhân này mà rất nhiều người dù đã cai nghiện được rất nhiều năm nhưng chỉ cần nhìn thấy ma túy, hay ngửi thấy mùi ma túy họ sẽ lên cơn thèm nhớ ma túy điên cuồng và bất chấp mọi giá để nghiện lại.
Đặc điểm của cơn thèm nhớ
- Cơn thèm nhớ xuất hiện do chất kích thích trong ma túy làm thay đổi chức năng hoạt động của não bộ, khiến người sử dụng trở nên lệ thuộc vào ma túy.
- Cơn thèm nhớ mãnh liệt nhất vào giai đoạn cắt cơn và có đi kèm hội chứng cai.
- Cơn thèm nhớ cũng không diễn ra thường xuyên, chúng xuất hiện bất chợt và sẽ nhanh chóng biến mất nếu người nghiện có ý chí cao.
- Cơn thèm nhớ ma túy xuất hiện do các yếu tố gợi nhớ đến ma túy và cũng một phần do sự căng thẳng về thể chất hoặc tinh thần của con người.
- Tần xuất suất hiện của cơn mạnh yếu phụ thuộc theo thời gian, thời gian ngưng sử dụng ma túy càng lâu thì cơn thèm nhớ xuất hiện càng ít.
- Cơn thèm nhớ hoàn toàn có thể kiểm soát được.
- Cơn thèm nhớ là nguyên nhân chính dẫn đến hành vi tái sử dụng ma túy.
- Quá trình tự động dẫn tới hành vi tái sử dụng ma túy diễn ra như sau: Yếu tố gợi nhớ -> suy nghĩ về ma túy -> cơn thèm nhớ -> căng thẳng và có thể xuất hiện hội chứng cai -> tái nghiện.
Biện pháp đối phó với cơn thèm nhớ ma túy
Cơn thèm nhớ ma túy xuất hiện là do sau một thời gian sử dụng ma túy đã làm thay đổi chức năng hoạt động của não bộ, khiến người nghiện bị lệ thuộc vào ma túy bất chấp những hậu quả mà nó mang lại.
Do vậy, để cai nghiện và tránh tái nghiện, người nghiện ma túy cần được trang bị những kỹ năng đối phó với cơn thèm nhớ ma túy và chiến thắng ham muốn sử dụng ma túy của bản thân. Dưới đây là một số biện pháp tức thời giúp người nghiện đối phó nhanh với cơn thèm nhớ ma túy.
Trì hoãn quyết định sử dụng ma túy
Khi cơn thèm nhớ ma túy xuất hiện, bạn sẽ phải đấu tranh giữa ham muốn sử dụng lại và mong muốn từ bỏ ma túy. Lúc này, bạn hãy tự trả lời câu hỏi: Dùng hay không dùng ma túy? Nếu không dùng thì sẽ thế nào, nếu dùng ma túy thì sẽ thế nào?
Thông thường, cơn thèm nhớ chỉ kéo dài khoảng 30 phút. Vì vậy, trong 30 phút này bạn hãy cố gắng trì hoãn quyết định sử dụng ma túy của mình cho đến khi cường độ của cơn thèm nhớ giảm thiểu đáng kể.
Đánh lạc hướng bản thân bằng những hoạt động khác
Bạn có thể lựa chọn những hoạt động mà bản thân yêu thích hay cảm thấy hứng thú khi thực hiện như xem phim, nghe nhạc, chơi thể thao… để đánh lạc hướng cơn thèm mà túy.
Để làm được điều này, bạn hãy dừng lại mọi suy nghĩ về ma túy và hãy tập chung làm việc mình thích. Cơ chế hoạt động của não bộ chỉ có thể cho phép tập trung cao độ vào một việc nào đó trong khoảng thời gian nhất định, do đó bạn đánh lạc hướng cơn thèm ma túy bằng một việc khác cho đến khi cơn thèm nhớ đi qua.
Độc thoại tích cực
Tự độc thoại cũng là một cách kiểm điểm bản thân và độc thoại tích cực có thể có sức mạnh rất lớn để bạn vượt qua được cơn thèm nhớ ma túy, nhất là khi bạn tự độc thoại về những hậu quả có thể xảy ra nếu bạn tiếp tục sử dụng ma túy. Ví dụ như:
- Tôi sẽ chết nếu như tôi tiếp tục sử dụng ma túy.
- Tôi sẽ mất tất cả nếu như tôi sử dụng lại ma túy.
- Nhiều người bỏ được ma túy, tôi cũng phải làm được.
- Tôi sẽ mất hết tự do nếu tôi tiếp tục sử dụng ma túy
- Sự thèm muốn này rồi sẽ biến mất, và tôi có thể chịu đựng được nó.
- Nếu sử dụng lại ma túy, sẽ không còn ai tin tưởng vào tôi nữa
- Nếu sử dụng ma túy, tôi sẽ không còn tiền, không bạn bè, không tương lai…
Chia sẻ với người khác về cơn thèm nhớ
Khi bạn bị thèm nhớ ma túy, hãy gọi điện thoại hay nói chuyện trực tiếp với bạn bè hoặc người thân nào đó đáng tin cậy để giải tỏa những khó chịu mà bản thân đang phải chịu, đồng thời tìm kiếm những sự giúp đỡ hữu ích từ người xung quanh và tăng thêm động lực để cai nghiện ma túy.
Thư giãn, tưởng tượng
Thư giãn và tưởng tượng về những thứ tốt đẹp là cách tốt nhất để chống lại cơn thèm nhớ ma túy. Thay vì việc luôn nghĩ đến ma túy, bạn hãy tập trung tưởng tượng đến những hình ảnh tốt đẹp, hay chơi những trò chơi, tham gia những trò giải trí thú vị để tìm kiếm sự thoải mái, dễ chịu.
Đồng thời, bạn cũng có thể giúp bản thân trở nên thư giãn, thả lỏng hơn bằng những bài tập đơn giản hay bằng bài tập hít thở để đưa cơ thể trở về trạng thái cân bằng hơn, loại bớt những ảnh hưởng khó chịu do cơn thèm nhớ gây ra.
Ra quyết định
Đến thời điểm cơn thèm nhớ đã dần dần trở nên ổn định hơn, bạn hãy loại bỏ cơn thèm nhớ bằng cách nhớ lại toàn bộ những lý do tại sao bạn muốn cai ma túy, bạn làm thế nào để vượt qua lúc cắt cơn…
Đồng thời, bạn cũng cần liệt kê những nguy hại cho bản thân, gia đình và xã hội nếu bạn tiếp tục sử dụng ma túy và những lợi ích khi bạn bỏ được ma túy để khi đối mặt với những yếu tố cám dỗ hay khi xuất hiện cơn thèm nhớ, bạn có thể đưa ra được những quyết định một cách nhanh chóng và đúng đắn.
Viết nhật ký cơn thèm nhớ
Việc ghi chép nhật ký thèm nhớ ma túy mỗi ngày sẽ cho phép người cai nghiện theo dõi được quá trình xuất hiện và biến mất của mỗi cơn thèm nhớ cùng với các yếu tố liên quan đến việc hình thành cơn thèm nhớ, từ đó có thể kiểm soát cơn thèm nhớ một cách hiệu quả hơn.
Những yếu tố cần theo dõi trong nhật ký thèm nhớ:
- Những người, địa điểm, vật dụng, tình huống, cảm xúc , sự kiện nào khiến cơn thèm nhớ ma túy xuất hiện?
- Cơn thèm nhớ kéo dài trong bao lâu?
- Cơn thèm nhớ biểu hiện như thế nào: triệu chứng thể chất, triệu chứng tâm lý…
- Làm thế nào để vượt qua cơn thèm nhớ?
Đồng thời, viết nhật ký cơn thèm nhớ cũng giúp người cai nghiện theo dõi được những sự tiến bộ của bản thân cũng như sự thay đổi của các cơn thèm nhớ, kế thừa được kinh nghiệm từ những lần cắt cơn thèm nhớ thành công, giúp ta có thêm động lực và sự tự tin để đối phó với những cơn thèm nhớ tiếp theo.
Nếu bạn đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình cai ma túy hoặc gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện biện pháp chống thèm ma túy thì có thể Gọi thoại – Gọi video với bác sĩ chuyên khoa Cai nghiện trên hệ thống khám từ xa Wellcare để được tư vấn cách cai nghiện ma túy dứt điểm.
Xem thêm: Ma túy: Dễ nghiện, khó cai, nhanh tái
Làm thế nào để tránh tái nghiện khi đang cai nghiện ma túy?