Tình yêu là đề tài muôn thuở của văn chương. Để nói về cái ngây ngất của kẻ đang đắm mình trong men say của ái tình, văn nhân Việt đã thốt lên những lời dịu ngọt, đầy lưu luyến.
Khi đứng trước người con gái mình yêu, ngay cả một anh chàng nhút nhát cũng có thể thốt lên vài lời có cánh, huống hồ gì các văn nhân. Họ là những người đàn ông có thừa lãng mạn cùng sự tinh tế trong cách sử dụng ngôn từ.
Lời tình tự của thi nhân trăm năm sau vẫn khiến kẻ đang yêu thổn thức. Dưới đây là những lời có cánh mà một số nhà văn, nhà thơ nổi tiếng dành tặng người mình yêu.
Nguyễn Đình Thi
“Ta nghĩ về em trong mỗi bước chân, từng nhịp thở. Nếu được lựa chọn một lần nữa, ta vẫn sẽ chọn em. Nhưng ta vẫn cứ đặt em trong tim thôi, vì ta không muốn lấy mất của nước Pháp một người tài hoa. Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người”.
Mối tình của Nguyễn Đình Thi và nhà báo Pháp Madeleine Riffaud được nhiều người ngưỡng mộ. Ảnh: Ct.qdnd.vn.
Sinh thời, mối tình của nhà thơ Nguyễn Đình Thi và nữ nhà báo người Pháp Madeleine Riffaud được rất nhiều người ngợi ca và ngưỡng mộ. Tuy không thể thành vợ chồng, nhưng họ đã dành cho nhau một tình yêu đẹp: Cao cả, giàu hy sinh và rất chân thành. Sau khi trở về Pháp, bà Madeleine Riffaud không kết hôn và sống một mình đến cuối đời.
Hàn Mặc Tử
“Đi khắp thế gian ta mới nhận ra chỉ có hai thứ dù đứng bất cứ đâu ta cũng có thể thấy. Ánh trăng và khuôn mặt em-người ta yêu”.
Chuyện tình của Hàn Mặc Tử đã được nhắc đến nhiều trong phim ảnh và các nghiên cứu về ông. Ảnh: Phim Hàn Mặc Tử.
Chàng thi sĩ của thôn Vỹ Dạ nổi tiếng là người đào hoa và đa tình. Những mối tình thời trai trẻ của ông với các giai nhân nổi tiếng như: Hoàng Cúc, Mộng Cầm và Mai Đình đã khiến hậu thế tốn không biết bao nhiêu giấy mực. Sự rung động tha thiết từ con tim đã tạo nên những cảm thức đẹp trong áng thơ vừa lãng mạn, lại phảng phất buồn.
Xuân Diệu
“Cả đời này, nàng sẽ mãi là người của ta. Vì ta đã chôn nàng vào tim mình rồi!”.
Nhắc tới thơ tình, người ta không thể quên Xuân Diệu. Ảnh: Tư liệu.
Khi nói về tình yêu, nếu không nhắc đến “ông hoàng thơ tình” thì quả thật là một thiếu sót lớn. Tác giả của Vội vàng đã dùng đôi mắt ướt của kẻ say tình để nhìn ngắm thế giới. Ai mới là người tình được ông nhắc tới ông nhắc tới trong những vần thơ? Đến bây giờ, điều đó vẫn là một câu hỏi lớn. Thế nhưng, người yêu thơ Xuân Diệu vẫn cảm nhận được ông đã yêu họ bằng trái tim chân thành.
Huy Cận
“Nếu hạnh phúc cũng có thể để dành, giống như chiếc bánh mẹ cho ngày bé, để những lúc đói lấy ra nhăm nhi, thì nhất định anh sẽ để dành lại cho đến những ngày bên em”.
Với Huy Cận, hạnh phúc đến từ những điều giản đơn. Ảnh: Tư liệu.
Khi yêu, nhớ nhung là điều dễ hiểu. Giống như hàng ngàn, hàng vạn kẻ si tình trên đời; với Huy Cận, hạnh phúc đơn giản là được ở bên người mình yêu. Những ai từng trải qua xa cách và bị chia cắt bởi chiến tranh, chắc chắn sẽ hiểu được niềm vui nhỏ nhoi ấy, nó bình dị mà đáng quý vô ngần.
Nguyễn Bính
“Nếu nói nỗi nhớ của anh nhiều như sao trên trời thì thật vô lí! Vì sao trời còn có ngày không mọc nhưng anh thì không có đêm nào không nhớ về em”.
Nhà thơ Nguyễn Bính (thứ 2 từ trái qua) và các bạn. Ảnh: Dantri.com.
Nàng Juliet từng nói với chàng Romeo rằng: Chàng đừng lấy vầng trăng ra để thề thốt, vì trăng có khi tròn, khi khuyết. Vạn vật đều thay đổi, nên chúng dẫu có đẹp, cũng không thể so sánh với tình yêu. Tuy cách nhau mấy thế kỷ, nhưng đại văn hào người Anh và Nguyễn Bính đã có chung một nỗi niềm. Sao trên trời có khi không mọc, nhưng nếu đã si tình thì luôn da diết nhớ nhung.
Nguyễn Huy Tưởng
“Em có biết sự giống nhau giữa em và Hà Nội là gì không? Đó là đều được anh yêu suốt 1.000 năm”.
Trong lời tỏ tình, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng vẫn nhớ về Hà Nội. Ảnh: Tư liệu
Nguyễn Huy Tưởng được mệnh danh là “người chép sử của Hà Nội bằng văn”. Ngay cả khi bày tỏ với người mình yêu, ông vẫn luôn nhớ tới thành phố nghìn năm tuổi cổ kính và hào hoa.
Nam Cao
“Phàm đã là nam nhân trong thiên hạ trước khi muốn đặt môi mình lên khuôn miệng xinh đẹp của nữ nhân nào đó thì trước tiên phải có trách nhiệm đổ đầy cơm vào”.
Khi suy tư về tình yêu, tác giả của Chí Phèo vẫn rất thực tế. Ảnh: Nam Cao qua nét vẽ của họa sĩ Nguyễn Hữu Quý.
Nói đến Nam Cao là nhắc tới một nhà văn hiện thực phê phán xuất sắc. Bởi vậy, cách mà ông tỏ tình cũng đầy thực tế. Người ta không thể yêu nhau để rồi quên hết trăm ngàn mối lo thường nhật. Trước khi nhắc đến ái tình, người ta vẫn cần một cuộc sống đủ đầy. Khó khăn có thể là nấm mồ của tình yêu. Đó cũng chính là hiện thực không hề lãng mạn mà nhà văn đã tái hiện trong một số tác phẩm của mình.