Văn hay lớp 9: Suy nghĩ của em về tình mẫu tử trong đoạn trích trong lòng mẹ
Cùng tham khảo dàn ý và bài viết cụ thể cho đề bài Suy nghĩ của em về tình mẫu tử trong đoạn trích Trong lòng mẹ của tác giả Nguyên Hồng qua bài viết dưới đây nhé!
I. Dàn ý
1. Mở bài
– Giới thiệu về đoạn trích, về tác giả
– Nói về tình mẫu tử của bé Hồng và mẹ thông qua đoạn trích
2. Thân bài
Đoạn 1: Kể lại hoàn cảnh đáng thương của chú bé Hồng
– Ra đời trong một gia đình không hạnh phúc, bố nghiện ngập, người mẹ khao khát có tình yêu thương nhưng đành sống với người chồng tệ bạc.
– Khi cha mất, mẹ em bỏ đi tha hương cầu thực, em sống trong sự ghẻ lạnh của họ hàng
Đoạn 2: Tình cảm của chú bé Hồng đối với mẹ
– Dù bà cô nói gì cũng vẫn giữ được tình yêu thương đối với mẹ
– Đau khổ và khóc khi cô nói không tốt về mẹ và không tin những lời đồn về mẹ
– Cảm xúc khi gặp lại mẹ của em
Đoạn 3: Suy nghĩ của em về tình mẫu tử trong đoạn trích
3. Kết bài
Khẳng định lại về tình mẫu tử trong đoạn trích
II. Bài văn
Bài làm
Đối với mỗi con người, tình mẫu tử có lẽ là một thứ tình cảm thiêng liêng nhất, lớn lao nhất. Nó tạo động lực giúp con người ta vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để được sống hạnh phúc bên cạnh người mà mình yêu thương. Đọc đoạn trích Trong lòng mẹ – trích Những ngày thơ ấu của nhà văn Nguyên Hồng, ta cảm thấy được tình mẫu tử thiêng liêng của bé Hồng với người mẹ của mình.
Không giống như những đứa trẻ bình thường khác, Hồng là kết quả của một cuộc hôn nhân không hạnh phúc của ba mẹ em. Mẹ em vốn là một người phụ nữ trẻ trung, xinh đẹp khao khát có được một tình yêu thương, một gia đình hạnh phúc. Ấy thế mà bà đành ngậm ngùi chôn vùi tuổi xuân của mình bên một người chồng tối ngày nghiện ngập. Cuộc sống càng trở nên bất công với bé Hồng hơn khi cha em qua đời, người mẹ – chỗ dựa còn lại duy nhất của em – bỏ đi tha hương cầu thực, để lại em sống trong sự ghẻ lạnh và những lời nói cay nghiệt của họ hàng.
Nhưng mỗi nhân vật trong các tác phẩm của nhà văn Nguyên Hồng không đơn thuần chỉ là câu chuyện của chính họ mà qua đó, ta còn thấy được những phẩm chất, tình cảm đáng quý của nhân vật. Chính trong hoàn cảnh đáng thương, ta mới thấy được tình yêu thương của bé Hồng dành cho mẹ và tình mẫu tử thiêng liêng của hai mẹ con. Sống cuộc sống không có người thân chở che, đã biết bao lần Hồng nhận được những câu nói cay nghiệt của người cô:
“- Hồng, mày có muốn vào Thanh Hóa chơi với mẹ mày không?”
“- Sao lại không vào, mợ mày phát tài lắm, có như dạo trước đâu!”
“Vào mà bắt mợ mày may vá sắm sửa cho và thăm em bé chứ!”
Một loạt những câu nói cay nghiệt, xỉ nhục mẹ của người cô được hỏi liên tiếp mà không hề để tâm đến việc nó sẽ làm tổn thương đến tâm hồn nhỏ bé, non nớt của Hồng. Hồng muốn vào thăm mẹ lắm, em nghĩ tới những đêm mình phải khóc thầm vì nhớ mẹ, nên cũng muốn trả lời là có. Thế nhưng, Hồng nhận ra cái ý nghĩ cay độc trong lời nói của bà cô, em chỉ im lặng không đáp. Cậu bé yêu thương và không muốn bất kì một ai nói những lời lẽ không tốt với mẹ của mình: “Chỉ vì tôi thương mẹ tôi và căm tức sao mẹ tôi lại vì sợ hãi những thành kiến tàn ác mà xa lìa anh em tôi, để sinh nở một cách giấu diếm…. Tôi cười dài trong tiếng khóc.” Trạng thái “vừa khóc vừa cười” cho thấy tâm trạng đau đớn, xót xa của chú bé Hồng. Cậu cười vì không hiểu được lí do vì sao người đời lại nói những lời lẽ ác độc như vậy, cười vì chẳng biết làm gì ngoài chấp nhận. Nhưng cậu cũng khóc, vì Hồng thương người mẹ của mình, không muốn mẹ phải chịu tổn thương vì những lời đồn đại không đáng có. Có thể nói, với một đứa trẻ như Hồng, việc cậu bé luôn tin tưởng mẹ, khao khát tình yêu thương của mẹ dù phải chịu những tổn thương từ họ hàng cho thấy tình cảm dành cho mẹ của em rất lớn, em yêu mẹ rất nhiều.
Tình mẫu tử đã giúp cho Hồng vượt qua được bao khó khăn và thể hiện rõ khi em được gặp lại người mẹ của mình. Ta có thể thấy ngay điều đó qua hành động chạy theo của em khi thấy bóng dáng của một người giông giống với mẹ. Dù không chắc chắn đó có chính xác là mẹ hay không, nhưng trái tim em thôi thúc rằng em phải đuổi theo ngay. Em gọi mẹ:
– “Mợ ơi! Mợ ơi! Mợ … ơi!”
Bao nhiêu mong mỏi, khao khát bấy lâu nay của em như được giải tỏa, bật ra thành tiếng gọi mẹ đầy thân thương. Ở đây, ta còn thấy xót xa hơn khi em biết rằng vẫn nếu đó không phải mẹ, em sẽ bị mọi người cười nhạo và xỉ nhục một lần nữa. Nhưng hạnh phúc đã mỉm cười với em khi người mà em nhìn thấy chính là mẹ. Hình ảnh mẹ Hồng “lấy vạt áo nâu thấm nước mắt” cho em cùng với cảm giác “ngồi trên đệm xe, đùi áp đùi mẹ tôi, tôi thấy những ấm áp bao lâu đã mất đi giờ lại mơn man khắp da thịt” cho thấy được sự vui sướng vô cùng của bé Hồng khi gặp lại mẹ. Em đã được mẹ lau nước mắt, được ngồi cạnh và nói chuyện với mẹ, tất cả những mong ước trở thành sự thật rồi. Ở bên mẹ, Hồng không còn nhớ đến những lời nói cay nghiệt của bà cô mà với em lúc này, chỉ toàn là hạnh phúc.
Đoạn trích ngắn mà gây được xúc động mạnh mẽ đến với người đọc, từ những suy nghĩ trong nội tâm đến những hành động của bé Hồng, ta đều có thể cảm nhận được tình yêu thương vô bờ của em dành cho mẹ. Và mẹ của em cũng vậy, khi nhìn thấy em, mẹ đã che chở và ôm em vào lòng, cho em cảm nhận được một tình mẫu tử thiêng liêng.
Bằng những từ ngữ giàu cảm xúc, cách kể chuyện đi vào lòng người, nhà văn Nguyên Hồng đã đem đến cho người đọc một câu chuyện về tình mẫu tử trong cuộc sống. Qua đó, ta có thể thấy được giá trị của nó đối với mỗi con người, đặc biệt là trẻ em.
Kết lại bài văn Suy nghĩ của em về tình mẫu tử trong đoạn trích Trong lòng mẹ và dàn ý suy nghĩ của em về tình mẫu tử trong đoạn trích Trong lòng mẹ, Cunghocvui hy vọng các em sẽ đạt được kết quả cao trong bài kiểm tra này!