Sức mạnh đi lên làm đẹp cuộc đời…
Ngày ấy, tôi mới 17 tuổi, không phải là đội viên Thanh niên xung phong. Tôi mơ hồ về lực lượng này, và cái tên gọi Thanh niên xung phong đã làm tôi mất cảm tình. Trong mắt tôi lúc đó, TNXP là một đám người hỗn độn được tụ tập lại, được sắp xếp thành đội ngũ để hò hét xung phong làm mấy chuyện trời ơi, đất hỡi mà ai cũng chán chê. Tôi đã nghĩ rằng, hai đơn vị TNXP 4C Thành Đoàn và Tổng đội TNXP Xây dựng kinh tế mới cũng giống như hai “cỗ máy” hút người khổng lồ làm trung tâm cung ứng lao động đa dụng giá rẻ cho Thành phố. Và những người tham gia TNXP thì có thể là con của nhà ngụy quân, ngụy quyền, là thành viên của gia đình tư sản bị cải tạo, những người thất nghiệp, lang bạt, tha phương thuộc diện cần thu gom, cũng có những người hăng máu thanh niên tiên tiến đang mưu cầu tiền đồ… Nói chung, tôi tin đó là những người thiếu tự tin, đi kiếm con đường tồn tại, rồi đi lên bằng con đường khổ nhục kế, hoặc không còn lối thoát cơm, áo, gạo, tiền.
Lúc đó, tôi đang học cấp 3 tại một trường trung học công lập khá nổi tiếng ở Sài Gòn. Ngoài chuyện học hành, tôi có những lần tập trung đi lao động Xã hội Chủ nghĩa theo trường hoặc địa phương vào các ngày nghỉ. Tại nông trường Lê Minh Xuân, tôi cùng các bạn cuốc đất, đào kênh, trồng khóm và làm quen dần với lối sống tập thể. Không xa nơi lao động của chúng tôi, bên cạnh các con kênh mới đào giữa đồng không mông quạnh là các lán trại, công trường của TNXP. Và những nam nữ TNXP trẻ đang lao động miệt mài, sôi động nhưng có tổ chức kỷ luật và năng suất, làm ra làm, chơi ra chơi. Những khi nghỉ lao động, họ hội họp, ăn uống, ca hát, sinh hoạt, chuyện trò đối đáp vui vẻ như không hề có gian khổ, thiếu thốn. Những hình ảnh đó khiến tôi có sự thông hiểu nhất định và bắt đầu có những suy nghĩ tích cực, cởi mở, ấn tượng tốt hơn về họ. Tuy thế, tôi cũng chẳng mấy ham cái vui, cái khỏe đó mà vẫn có cảm giác ái ngại cho họ.
TNXP ra hiện trường
Một ngày của tháng 5/1976, tôi nhận được tin thằng bạn hàng xóm thân quen, chơi chung, học chung vừa lên đường đi TNXP. Nhà tên này kinh tế không đến nỗi, nhân thân, học lực, tư cách đều rất tốt, lại đang có khuynh hướng tiến thân đầy triển vọng vì là đoàn viên Thanh niên Cộng sản đang sinh hoạt cùng Chi đoàn Phường với tôi, thế mà sao lại “Đi vào ngõ cụt” – tôi băn khoăn. Bạn tôi sau đó được điều đến một địa chỉ tôi đã biết là Nông trường Lê Minh Xuân. Và ngay từ đầu, hắn đã lao động quần quật, cày cuốc khai hoang, phục hóa, đào kênh, lên liếp trồng khóm, chuyển gạo, tranh tre, củi, gỗ, cất nhà và trăm công việc không tên khác mà trước giờ nó chưa bao giờ biết đến, đụng đến. Vật bất ly thân, gần gũi với nó là những cây leng, cuốc, xẻng tối ngày méo mó, hư hỏng. Với tình cảm bạn bè thân thiết, tôi đã phải tận dụng những lần đi lao động chủ nghĩa hoặc ngày nghỉ rảnh rỗi để khăn gói ghé thăm nó. Trong những lần ấy, quà là dăm ba thứ khô mắm rẻ tiền, gặp mặt trò chuyện rập khung giờ giấc giống như thăm nuôi ở trại cải tạo vậy. Tôi thấy thê thảm cho bạn quá, bảo: “Ai biểu mày ngu, đi TNXP chi”, thế mà lạ thay, nó vẫn cười toe toét, ăn nói sôi nổi, thân thủ lại có vẻ linh hoạt, rắn rỏi hẳn ra làm tôi càng thêm thắc mắc “Sao đi vào ngõ cụt cuộc đời mà nó vui vẻ, hào hứng thế nhỉ?”.
Cuối tháng 11 năm 1976, tôi lên đường nhập ngũ theo đợt nghĩa vụ quân sự đầu tiên của Thành phố sau ngày đất nước thống nhất và được huấn luyện ở quân trường Quang Trung, dưới biên chế một Trung đoàn độc lập có danh hiệu anh hùng của Quân khu 7. Tôi bắt đầu những ngày tháng tập làm quen với cuộc sống xa nhà trong môi trường có kỷ luật nghiêm minh, và mọi thứ trong sinh hoạt đều nhất nhất theo điều lệnh quân sự. Tôi dần ngộ ra là lối sống tập thể cũng có lắm cái hay, cái vui, cái đáng học hỏi. Rồi tôi liên tưởng đến thằng bạn của mình, chắc nó cũng trải qua và học được nhiều điều hay trong lao động, học tập, sinh hoạt… Cũng “Cá mè một lứa” cả thôi, nhưng tôi vẫn tinh tướng nghĩ là mớ cá chúng tôi “oách” hơn, cao giá hơn.
Xong 3 tháng rèn luyện quân sự, tôi được điều đi học quy hoạch, thống kê, đo đạc ở một trường nghiệp vụ thuộc Quân khu 7. Thời gian học sơ cấp 3 tháng vừa xong, tôi được điều về một Sư đoàn sản xuất ở La Ngà – Đồng Nai và bắt đầu những tháng ngày khảo sát, đo vẽ, thống kê nông nghiệp. Tôi vẫn nhận đều thư của thằng bạn từ nơi mà chúng tôi quen gọi là “Phật cô đơn” ở Lê Minh Xuân gởi đến. Vẫn những câu chuyện về cuộc sống tập thể, hội thao, hội diễn, thi đua học tập, lao động, thành tích công tác, khen thưởng, kỷ luật, mâu thuẫn sinh hoạt, và dĩ nhiên luôn có những mẩu chuyện vui trong tập thể TNXP, chuyện yêu trong thầm lặng.
Năm 1977, bọn Pôn Pốt đã mở những chiến dịch xâm lấn quấy phá các huyện biên giới Tây Nam nước ta. Chúng tôi, cũng như bộ đội toàn quân khu được đặt trong tình trạng báo động, sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới. Cũng thời gian này, từ Tây Ninh, thằng bạn gởi thư cho tôi báo tin rằng, nó đang cùng đồng đội đắp tuyến phòng thủ biên giới, chặt tre, xẻ gỗ, làm đường, cất nhà, dựng trại cho dân và vận chuyển lương thực, đạn dược cho bộ đội. Và tôi được biết rằng, những tổng đội, liên đội TNXP khác cũng đã lên đường ra chiến trường phục vụ chiến đấu, bảo đảm hậu cần, tải thương cho bộ đội, giúp dân di tản, tạm cư, trú tránh bom đạn và tái sản xuất.
Ở chiến trường biên giới Tây Nam, dù được trang bị vũ khí hạn chế nhưng khi đụng độ với địch, dẫu không cân sức, TNXP vẫn anh dũng chống trả quyết liệt. Thời điểm này, khi giao chiến, kẻ thù cũng không biết đang đụng độ với bộ đội, dân quân hay TNXP nữa. Thực tế ác liệt của cuộc chiến ấy đã xóa nhòa ranh giới phân biệt giữa bộ đội và TNXP. Với tôi, mọi người đều là chiến sĩ với nhiệm vụ bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống an lành cho nhân dân. Từ thái độ thờ ơ, khinh mạn những người TNXP ở buổi ban đầu, tôi đã bắt đầu ngước nhìn họ với tấm lòng trân trọng sâu sắc.
Từ tháng 2/1979, sau khi nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Pôn Pốt, thằng bạn của tôi cùng với những đồng đội khác chuyển sang công tác hỗ trợ quân tình nguyện ở đất bạn, vài đứa còn chuyển hẳn sang bộ đội theo chính sách động viên lúc đó. Những chuyến công tác, thực tập tại các Mặt trận 479, 779 trên đất bạn – nơi vẫn còn bao hiểm nguy rình rập – đã cho tôi thấy TNXP làm việc và chiến đấu như thế nào với khó khăn, hy sinh, mất mát, nhiễu nhương, còn vất vả, gian truân gấp trăm ngàn lần khi làm nhiệm vụ khai hoang, trồng trọt trên những cánh đồng hoang hóa ở quê nhà.
Trật tự viên du lịch hướng dẫn cho du khách
Qua năm 1980, thằng bạn tôi chuyển về làm tại nhà máy cao su thuộc Sở Công nghiệp Thành phố. Tôi thì đến năm 1982 cũng chuyển ngành về Cảng Sài Gòn và làm việc chung với những TNXP được điều động về Cảng tham gia giải phóng hàng hóa tồn đọng. Những người TNXP vẫn vậy, vẫn xốc vác, năng nổ và lao động có chất lượng, kỷ luật. Sau này, có nhiều người trở thành công nhân viên cảng Sài Gòn. Thậm chí, có những người đã phấn đấu để trở thành những cán bộ chỉ huy, lãnh đạo giỏi của Cảng. Thằng bạn lâu lâu vẫn ghé thăm tôi, và cũng là thăm hỏi gặp gỡ luôn vài đứa bạn cùng đơn vị cũ của nó ở đây. Lạ thật, chúng tôi đã trở thành một cộng đồng nhỏ với tính cách gần như nhau, những chuyện kể, chuyện bàn như nhau. Đơn giản là vì có cùng những kỷ niệm giống nhau của một thời khốc liệt, đến nỗi tôi quên là đã có lúc mình từng có những ấn tượng rất tiêu cực về những con người này! Năm 1986, thằng bạn tôi sau vài năm vừa làm vừa học tại chức, đã xin chuyển lên Tây Nguyên, làm việc ở các nông trường trồng cây công nghiệp của TNXP. Qua những lá thư, tôi biết nó đã trở thành cán bộ của một công ty cao su.
Trải qua thực tế, sống, chiến đấu, làm việc cùng với những người TNXP, cũng như trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, tôi mới hiểu được ý nghĩa câu nói của đồng chí Võ Văn Kiệt: “Thanh niên xung phong, đó là sức mạnh đi lên làm đẹp cuộc đời, làm đẹp lòng người của Thành phố mới…” mà tôi đã từng nghĩ sai về nó. Đúng là lúc đó tôi đã dùng lăng kính thiển cận, cái đầu óc hiểu biết hạn chế, quan điểm chính trị mù mờ, non nớt cộng với tính cách nông nổi, tự mãn để nhìn cuộc sống và có những suy nghĩ, quan niệm sai lạc, tiêu cực như vậy. Tôi nghiệm thấy rằng, Lực lượng TNXP như một “cỗ máy” nhân văn mà đầu vào là những “nguyên liệu thô” – những con người có thể xốc xếch, bất trị nhưng đầu ra dứt khoát là tươm tất, hoàn thiện như một “thành phẩm” tinh xảo.
Giờ đây, trải qua 40 năm xây dựng và trưởng thành, TNXP vẫn với trang phục màu xanh – màu của cây cỏ, sông nước quê hương – màu của hòa bình – màu của hy vọng. Họ có mặt tại các đường phố, bến phà, các trường, cơ sở giáo dục cai nghiện… để làm nhiệm vụ công ích, nhiệm vụ xã hội. Họ đang ngày đêm dùng bàn tay, khối óc, công sức lao động chân chính của mình để làm đẹp cuộc đời của chính họ, của mọi người và của Thành phố này.
Lê Năng Hùng
CÁC TIN BÀI KHÁC: