(*) Nhắn nhắn: Đợt này mình có một vài công việc bận nên hầu như không có thời gian để trả lời phản hồi, câu hỏi tại blog, Youtube hay Facebook. Mình sẽ cố gắng trả lời đầy đủ nhưng chậm hơn mọi khi, các bạn chịu khó đợi một chút nha.
——–
Về món chè này thì mình quả thật rất chậm tiến, cực kì chậm tiến. Bởi tới mùa Hè năm thứ 4 kể từ thời điểm nó nổi tiếng ở VN mình mới làm và ăn thử. Lý do chính của sự chậm trễ này là vì mình đã từng rất hoài nghi về việc nó có ngon thật hay không 😛 Tuy biết có một thời gian ở VN nhà nhà ăn chè khúc bạch, người người mở cửa hàng bán khúc bạch, nhưng mình cực kì lăn tăn khi xem các thành phần của chè. Nói thẳng ra là không thể nào hiểu nổi sao lại có thể ghép đôi kem tươi kèm sữa – một thứ vốn dĩ cực ngậy cực béo – với vị ngọt của nhãn và thanh mát của nước đường phèn?! 😛 Có rất nhiều món ăn ngon ra đời từ sự kết hợp ẩm thực Âu Á, nhưng việc mang panna cotta của Ý đi ăn cùng với nhãn, nước đường và hạnh nhân thì quả thực là mình không hiểu nổi.
Đấy là lý do của việc chần chừ mãi không thử chè khúc bạch của 4 năm về trước. Còn nguyên nhân tại sao đến giờ lại làm là bởi trong nhà có người nghiện panna cotta – chính là món thạch sữa mềm dẻo trong chè khúc bạch. Mà làm panna cotta chính thống mãi cũng chán nên mình nhớ ra món này và quyêt định thử panna cotta theo kiểu Việt Nam xem sao. Và sau cái lần làm thử ấy thì mình chính thức ghi tên vào danh sách “hội những người phát cuồng vì chè khúc bạch” :”>
Đợt này trời ở đây vẫn còn lạnh lắm, khoảng 10 độ C, nhưng vẫn không làm giảm đi được sự sung sướng khi làm một cốc chè khúc bạch thay cho tráng miệng sau bữa tối. Sau rất nhiều buổi miệt mài làm và ăn chè khúc bạch thì mình phát hiện ra là ăn món chè này nên dùng thìa to một chút. Có như thế trong một miếng mới cảm nhận được tất cả các vị: mát dẻo ngậy béo của thạch sữa, giòn ngọt đậm đà của nhãn, bùi thơm của hạnh nhân, sần sật vui miệng của hạt é và mùi thơm ngọt nhưng vẫn rất thanh của nước đường phèn lá dứa. Ôi tóm lại là ngon không thể tả!!!
Tuy ở Việt Nam chè khúc bạch đã thành “món cũ” rồi nhưng mình nghĩ là vị ngon của nó thì chẳng bao giờ giảm bớt đâu. Hôm trước tình cờ đăng tấm ảnh chụp lên Facebook, thấy có rất nhiều bạn hỏi công thức để tự làm (vì giờ kiếm hàng chè khúc bạch khá là khó), nên mình quay video lại tất cả các bước từ A-Z luôn. Như mọi khi, video đã được đăng tại kênh YouTube của Savoury Days. Ở dưới video là công thức đầy đủ kèm theo một số giải thích và ghi chú thêm của mình về các trường hợp như là muốn làm thạch dai/ mềm hơn, làm gì khi thạch không đông, thay thế nguyên liệu… nếu các bạn chưa bao giờ làm chè khúc bạch thì đừng bỏ qua nhé.
Nếu không xem được video tại blog, các bạn có thể xem trực tiếp trong link này nhé. Video có chế độ bản đẹp HD. Các bạn có thể xem hướng dẫn cách chỉnh chế độ HD ở cuối bài viết cách làm bánh flan này.
CÁCH LÀM CHÈ KHÚC BẠCH
Nguyên liệu
A. Phần thạch kem sữa
- 300 ml sữa tươi không đường (ở nhiệt độ phòng)
- 300 ml kem tươi – hàm lượng béo 30 – 40% (ở nhiệt độ phòng)
- 60 g đường
- 21 g Gelatin dạng bột hoặc lá
- 15 ml sy-rô dâu để làm thạch màu hồng hoặc màu thực phẩm đỏ và hương liệu vị dâu
- 2 g bột trà xanh + 15 ml nước sôi để làm thạch màu xanh
B. Phần nước chan
- 1 lít nước
- 5 cái lá dứa (lá nếp) tươi (không bắt buộc)
- 90 g đường phèn (hoặc đường trắng)
C. Nguyên liệu khác
- 1 kg nhãn/ vải tươi (nguyên quả) hoặc nhãn hay vải hộp
- 15 g hạt é (không bắt buộc)
- 40 g hạnh nhân lát (có thể thay bằng lạc/ đậu phộng)
Cách làm
1. Làm thạch kem sữa (nên làm trước tối thiểu 4 giờ)
– Lấy 150 ml sữa từ 300 ml sữa trong phần A, cho vào 3 bát, mỗi bát 50 ml. Chia Gelatin làm 3 phần, mỗi phần 7 gram, cho vào ngâm trong sữa trong tối thiểu 15 phút tới khi Gelatin nở mềm.
– Đun sôi một chút nước trong nồi, khi nước sôi thì hạ lửa xuống mức nhỏ nhất. Đặt bát đựng Gelatin vào nồi, quấy liên tục. Hơi nóng từ nước sẽ giúp Gelatin tan từ từ. Quấy tới khi Gelatin tan hoàn toàn vào sữa, không còn một vụn hay gợn nhỏ nào trong bát. Lưu ý vét đáy bát, tránh để Gelatin bị đọng ở đáy bát.
– Cho 100 ml kem tươi và 50 ml sữa còn lại vào bát. Nêm đường vào từng bát, mỗi bát khoảng 15 – 20 g đường tuỳ khẩu vị. Quấy đều để đường tan hết. Đổ hỗn hợp qua rây, cho vào khuôn hay hộp vuông, để nguội rồi cho vào tủ lạnh.
– Làm tương tự với hai phần thạch còn lại (đun chảy Gelatin, hoà kem tươi, sữa, đường…)
- Để làm thạch vị trà xanh: Cho từng chút nước sôi một (từ phần 15 ml nước sôi) vào trà xanh, vừa đổ nước vừa quấy đều để trà xanh tan từ từ, chuyển thành dạng sệt. Múc khoảng 40 – 50 ml kem sữa tươi ở bước (3), hoà với nước trà xanh sệt này, quấy cho tan đều. Đổ phần sữa pha trà xanh này qua rây, vào lại bát đựng kem sữa, quấy đều cho hoà quyện. Lọc lại hỗn hợp một lần nữa rồi đổ vào khuôn, để nguội rồi cho vào tủ lạnh. Bột trà xanh rất khó tan nên làm theo cách này sẽ giúp bột trà tan hết và hoà quyện trong kem sữa đều hơn.
- Để làm thạch vị dâu: Dùng sy-rô dâu hoặc một vài giọt màu thực phẩm đỏ cùng với hương vị dâu, cho vào bát đựng kem sữa, quấy đều.
(*) Ghi chú chung cho phần thạch:
– Thạch nên được để trong ngăn mát tủ lạnh trong tối thiểu 3 – 4 giờ, tới khi đông hoàn toàn mới dùng. Thạch càng để lạnh lâu thì càng dẻo và chắc. Tuy nhiên không nên để thạch trong tủ lạnh quá 4 ngày.
– Thông thường, lượng Gelatin đủ để làm đông 600 ml chất lỏng (như trong công thức) là 15 gram. Tuy nhiên, dùng 21 gram như công thức sẽ cho thạch sữa có độ dẻo và dai một chút. Nếu bạn thích ăn thạch rất mềm thì có thể giảm lượng Gelatin về 15 – 16 g. Nếu bạn muốn thạch cứng, dẻo và dai hơn nữa thì có thể tăng Gelatin. Càng nhiều Gelatin, thạch sẽ càng dẻo. Tuy nhiên, nếu dùng quá nhiều, đặc biệt là Gelatin dạng bột thì thạch có thể có mùi hơi khó chịu từ Gelatin.
– Đun sữa có pha Gelatin theo kiểu cách thuỷ như trong công thức có ưu điểm là giúp cho sữa không bị sôi và mất chất. Kem tươi có thể “ăn sống”, không nên đun (như hướng dẫn của khá nhiều ct chè khúc bạch), vì đun nóng dễ làm chất béo trong kem bị tách nước. Khi thạch đông có thể có lớp váng trên mặt hoặc thạch bị tách làm hai lớp, phần nước và phần béo.
– Bạn có thể dùng các loại màu thực phẩm hoặc hương vị khác để làm các loại thạch khác nhau, ví dụ dùng nước cà phê đặc hoặc bột ca cao để làm thạch sữa có màu nâu đen, dùng chiết xuất lá dứa (lá nếp) để tạo màu xanh…
– Nếu thạch của bạn không đông thì có thể do một trong số các nguyên nhân sau:
- Gelatin chất lượng không tốt
- Làm sai quy trình. Lưu ý là Gelatin luôn cần phải được ngâm nước mát cho nở rồi mới dùng nhiệt để làm tan chảy. Không cho Gelatin vào nước nóng ngay từ đầu.
- Trong khi đun chảy Gelatin, không quấy kĩ để Gelatin chưa tan hết hoặc dính vào thành hay đáy bát.
2. Chuẩn bị các nguyên liệu khác
– Cho 1 lít nước cùng đường phèn vào nồi. Đun sôi và quấy nhẹ tay để đường tan hết. Rửa sạch lá dứa, buộc thắt nút lại cho gọn. Khi nước sôi và đường đã tan hết thì thả lá dứa vào nồi. Bắc khỏi bếp, để nguội rồi cho nước này vào ngăn mát tủ lạnh, giữ lạnh tới khi dùng. Có thể đun lá dứa trong nước, mùi lá dứa sẽ đậm hơn nhưng nước sẽ có chút màu xanh phai ra từ lá.
– Ngâm hạt é trong nước nóng khoảng 15 đến 20 phút, tới khi hạt é nở hết.
– Rang hạnh nhân trong chảo chống dính ở lửa vừa tới khi hạnh nhân xém cạnh, vàng thơm. Đảo nhẹ tay trong khi rang, tránh để hạnh nhân bị vỡ vụn. Cho ra bát, để nguội.
– Bóc nhãn, tách lấy riêng phần cùi nhãn. Có thể thay nhãn bằng vải hoặc các loại quả khác như dâu tây, dâu ta, đào, mận, xoài, mít… Nếu dùng vải hay nhãn hộp, nên giữ lại nước ngâm nhãn trong hộp để pha thêm vào nước đường lá nếp, sẽ làm nước đậm đà hơn.
– Gỡ thạch ra khỏi khuôn: Dùng dao rọc quanh thành khuôn rồi gỡ thạch ra khỏi khuôn. Hoặc có thể nhúng nhanh khuôn vào nước nóng khoảng 10 giây, thạch sẽ tự tróc khỏi khuôn. Cắt thạch thành miếng vừa ăn. có thể dùng dao lưỡi răng cưa để cắt miếng thạch đẹp hơn. Nhúng dao vào nước trước khi cắt sẽ giúp cắt thạch dễ và đường cắt sắc nét, đẹp hơn.
3. Thưởng thức:
– Cho các loại thạch, nhãn và hạt é vào bát. Chan nước dùng, rắc hạnh nhân lên. Dùng lạnh.
4. Thay thế nguyên liệu
– Thay “Kem tươi” bằng gì? Một trong các yếu tố chính giúp cho món chè này ngon là vị mềm dẻo và béo ngậy của thạch. Hương vị này cần một thứ nguyên liệu có hàm lượng béo cao như kem tươi (whipping cream) mới tạo nên được. Do đó, không nên thay kem topping vì kem topping hoàn toàn không có mùi vị thơm ngon, ngậy béo như kem tươi.
Nếu không có kem tươi, mình nghĩ các bạn có thể pha sữa đặc với sữa tươi và bỏ đường trong công thức. Tỉ lệ cụ thể sữa đặc: sữa tươi phụ thuộc vào việc bạn muốn thạch ngọt chừng nào. Bạn có thể pha với tỉ lệ tuỳ ý, miễn là tổng lượng sữa cuối cùng bằng với 600 ml tổng lượng kem và sữa tươi trong công thức. Sau khi pha xong, dùng 1 phần sữa này để ngâm Gelatin, các bước tiếp theo giống như trong công thức. Thạch này sẽ kém ngậy hơn thạch dùng kem tươi kha khá nhưng vẫn ngon 🙂
Nếu có sữa bột, nên dùng thêm một chút để tăng độ béo và thơm cho thạch (trường hợp không có kem tươi)
– Thay “Gelatin” bằng gì? Bột rau câu Agar cũng có thể làm đông chất lỏng như Gelatin. Tuy nhiên, Agar cho thạch có vị cứng giòn còn Gelatin cho thạch có vị dẻo dai, mềm và tan trong miệng. Hai kiểu đông này rất khác nhau và với công thức này, mình nghĩ nếu thay Gelatin bằng Agar thì sẽ mất đi vị ngon khá nhiều (trừ phi bạn thích ăn thạch giòn hơn thạch mềm). Tại Việt Nam mình nghe nói là có loại thạch Jelly dẻo hay thạch rau câu cá dẻo gì đó, có thể làm ra món thạch dẻo chứ không giòn. Các bạn có thể thử loại thạch này (mình chưa dùng bao giờ, chỉ nghe kể và biết là có nó thôi nhé).
Chúc các bạn có món chè khúc bạch ngon như ý! 🙂