Ngôi đền cổ dưới chân núi Dùm
Đền Thượng nằm tại chân đỉnh núi Dùm
Tuyên Quang là mảnh đất mảnh đất giàu truyền thống cách mạng và là nơi khắc ghi sâu đậm hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp. Đến Tuyên Quang du khách không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp mà còn hiểu thêm những giá trị về văn hóa, về truyền thống lịch sử của một vùng quê cách mạng qua các di tích lịch sử – văn hóa, các công trình kiến trúc nghệ thuật, được thưởng thức các hoạt động văn hóa mang sắc thái riêng. Trong đó phải kể đến các công trình kiến trúc cổ, vừa có giá trị cao về nghệ thuật kiến trúc vừa có giá trị về văn hóa tâm linh; giá trị từ sự linh thiêng của tín ngưỡng Thờ Mẫu – một nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt.
Bên dưới ngôi đền là dòng sông Lô trữ tình lững lờ trôi
Đạo Mẫu là tín ngưỡng bản địa hàng đầu của các dân tộc Việt Nam, trong đó “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” vừa được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại có giá trị đặc sắc bởi di sản này gắn liền với đời sống tinh thần và các phong tục tập quán văn hóa của người dân, được cộng đồng trân trọng và lưu truyền từ ngàn đời nay. Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Tuyên Quang có từ rất sớm được hình thành vào khoảng đầu thế kỷ XVII phát triển mạnh vào thế kỷ XVIII, nơi đây còn được cho là nơi phát tích của mẫu đệ tam (Mẫu Thoải), vị thần cai quản vùng sông nước.
Cổng đền Thượng thuộc xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang
Từ bến xe ô tô Tuyên Quang, theo đường Bình Thuận qua cầu Nông Tiến khoảng 500 m, rẽ trái theo Quốc lộ 2C mới du khách dừng chân tại xã Tràng Đà, nơi tọa lạc ngôi đền thờ Mẫu linh thiêng nhất xứ Tuyên. Một phong cảnh thanh bình, trù phú hiện ra trước mắt…
Đền Thượng nằm tại chân đỉnh núi Dùm, một bên dựa vào núi, bên dưới là dòng sông Lô trữ tình lững lờ trôi, uốn lượn từ phải qua trái, ôm lấy ngôi đền tạo nên khung cảnh trữ tình, thanh bình, linh thiêng.
Ngôi đền Thượng đã từng có các tên gọi: Đền Sâm Sơn (hay đền Tình Húc). Đây là tên gọi dưới thời Nguyễn, vì lúc đó, núi Dùm được gọi là núi Sâm Sơn thuộc thôn Viên Lâm, xã Tình Húc, tổng Bình Ca, huyện Hàm Yên, phủ Yên Bình (Tuyên Quang). Trong nhân dân còn lưu truyền câu: “Thượng thác Ghềnh, Hạ cầu Chả” – nghĩa là trên thác Ghềnh có đền Thượng, phía dưới gần cầu Chả có đền Hạ. Tên đền Thượng được nhân dân gọi đến ngày nay.
Đền Thượng là một ngôi đền cổ có từ lâu đời (sắc phong sớm nhất vào năm 1743) có niên đại cùng thời với đền Hạ – đền thờ hai nữ thần có quan hệ mật thiết với nhau. Khi tín ngưỡng thờ Mẫu trong dân gian phát triển, nhân dân đã đưa Mẫu Thượng Thiên và Mẫu Thoải cùng hệ thống tượng Ngọc Hoàng, Long Vương, quan Hoàng vào phối thờ.
Một chiếc khánh cổ được đúc đầu thể kỷ XIX còn lưu giữ tại đền
Tương truyền, từ xưa kia có hai công chúa của vua Hùng là Ngọc Lân (tức Mai Hoa công chúa) và Phương Dung công chúa (tức Quỳnh Hoa công chúa) theo xa giá đi xem xét địa phương đỗ thuyền ở bờ sông. Đến đêm nổi cơn mưa gió, hai công chúa vụt bay lên trời, người ta cho là linh dị, lập đền để thờ. Nơi con thuyền dừng đỗ đã được bà con xây dựng thành đền Hạ. Sau này, có giặc giã, nhân dân đã mang tượng các công chúa sơ tán vào đất Ỷ La. Sau khi tan giặc giã, nhân dân khôi phục đền Hạ, đồng thời tại nơi sơ tán tượng công chúa được xây dựng thành đền Ỷ La. Còn đền Thượng ra đời sau khi có đền Hạ và đền Ỷ La.
Theo quan niệm của dân gian, hai vị công chúa chính là hiện thân của con gái Long Vương. Đền Thượng thờ Ngọc Lân công chúa và Đền Hạ thờ Phương Dung công chúa được tôn là Mẫu Thoải vì có sắc phong của nhà nước phong kiến xưa.
Đền Thượng là công trình kiến trúc của một tín ngưỡng cổ, với nhiều di vật, hiện vật bằng nhiều chất liệu khác nhau. Hiện nay trong đền còn chứa đựng nhiều văn bản, thư tịch Hán Nôm cổ như: hoành phi, câu đối, sắc phong… Đền Thượng là di tích rất có giá trị trong việc nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng và là địa điểm hấp dẫn thu hút khách thập phương về chiêm bái sự linh nghiệm của đền. Năm 2015, đền Thượng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Lễ hội 3 đền
Đền Mẫu Thượng cùng với Đền Hạ, đền Ỷ La tạo thành một cụm di tích thờ hai cô công chúa của vua Hùng là Phương Dung Công Chúa và Ngọc Lân Công Chúa tại thành phố Tuyên Quang. Chính vì vậy, phần lễ hội trong năm của 3 đền có liên quan đến nhau.
Trong năm, tại đền Thượng thường tổ chức các ngày lễ lớn như: Lễ khai bút vào ngày 2 tháng Giêng âm lịch (ngày mở cửa đền); Lễ Thượng nguyên vào ngày 10 tháng Giêng âm lịch (lễ giải hạn cho dân); Lễ cầu mưa từ ngày 8 đến ngày 10 tháng 4 âm lịch; Lễ mừng sinh nhật các Mẫu và các vị quan Hoàng vào các tháng 5, 6, 7, 8, 9, 10. Đặc biệt, trước đây trong tháng 2 và tháng 7 âm lịch có hội rước Mẫu. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm và là dịp để nhân dân thể hiện các nghi thức diễn xướng.
Lễ hội rước Mẫu đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La ra đời và tồn tại từ lâu đời, gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu tại ba ngôi đền đền Hạ, đền Thượng và đền Ỷ La. Hiện nay, lễ rước Mẫu tại thành phố Tuyên Quang đã được khôi phục và được tổ chức vào ngày 12 tháng 2 âm lịch – rước Mẫu từ đền Ỷ La và đền Thượng về nhập cung tại đền Hạ (hai chị em công chúa gặp nhau) và ngày 16 tháng Giêng làm lễ hoàn cung với nhiều hoạt động độc đáo và hấp dẫn. Phần lễ gồm lễ rước kiệu Mẫu và lễ tế. Lễ rước kiệu Mẫu bắt đầu từ đền Mẫu Ỷ La ra đền Hạ, tiếp đến lễ rước kiệu Mẫu từ đền Thượng qua sông về đền Hạ để cùng hợp tế.
Phần hội được tổ chức với nhiều hoạt động hấp dẫn như: Thi đấu thể thao, các trò chơi dân gian (Kéo co, đẩy gậy, cờ tướng, bóng chuyền hơi, đập niêu, nhảy bao bố, chọi gà,…) cùng các hoạt động giao lưu, giới thiệu văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu như: Giới thiệu trang phục (khăn áo) trong Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ; trình diễn diễn xướng dân gian (nghi thức hầu đồng) kết hợp với biểu diễn âm nhạc (hát văn).
Một giá hầu đồng tại đền Thượng. (Ảnh tư liệu)
Những năm gần đây, đền Mẫu Thượng là điểm nhấn tâm linh tín ngưỡng của đông đảo nhân dân và du khách thập phương trong hành trình du lịch văn hóa tâm linh, nhớ về nguồn cội. Mỗi năm có tới hàng chục ngàn lượt du khách từ khắp các tỉnh, thành trong nước hành hương tìm về đền dâng hương kính Mẫu, vãn cảnh đền và nguyện cầu cho quốc thái dân an, cầu lộc, cầu tài, cầu bình an trong cuộc sống.
Ngày 23/01/2017, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 217/QĐ-BVHTTDL đưa Lễ hội rước Mẫu đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La (thành phố Tuyên Quang) vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.