Tin tức du lịch
Truyền thuyết trên Núi Mẫu Sơn
Đến với mỗi điểm du lịch ngoài những thông tin cơ bản về danh lam thắng cảnh, thời tiết, khí hậu, ẩm thực và địa hình, … thì bạn nên tìm hiểu những truyền thuyết thú vị mà người dân lưu truyền để hiểu thêm 1 phần nơi mà bạn đặt chân đến.
Truyền thuyết Núi Mẫu Sơn: Ngày xưa, xa lắm rồi có một gia đình sống với nhau rất hạnh phúc. Người cha dũng mãnh; người mẹ khéo léo, đảm đang đang, hiền thục và chung thủy; những người con ngoan ngoãn, chăm chỉ… Một ngày nọ, quân xâm lược tràn đến giày xéo mảnh đất này, người cha phải đi đánh trận theo lệnh của nhà vua. Người mẹ ở nhà thay chồng chăm sóc đàn con và chu tất việc gia đình. Lại nói, có một gia nhân từ lâu đem lòng yêu người mẹ. Lợi dụng người cha vắng nhà, nhiều lần hắn lân la gạ gẫm, nhưng đều bị người mẹ kiên quyết cự tuyệt. Thời gian đó, có chàng trai tên Chóp Chài hoàn cảnh nghèo khó nhưng tốt bụng thường qua lại buôn bán và giúp đỡ dân bản. Nhiều hôm mải giúp dân bản làm việc, dừng tay thì trời đã sập tối. Đường về xa xôi, cách trở lại lắm cọp beo rình bắt người qua lại. Thương chàng trai tốt bụng, mấy mẹ con thường mời chàng trai ở lại chờ hôm sau trời sáng mới về. Bị tuyệt tình, gã gia nhân đem lòng thù hận, quyết trả thù người mẹ.
Ba năm sau, người cha thắng trận trở về, gã gia nhân đê tiện rỉ rả thưa với người cha rằng, người mẹ đã ngoại tình với Chóp Chài trong khi người cha đi vắng. Cả giận mất khôn, người cha rút dao kề cổ vợ, đòi gặp Chóp Chài để chém chết hai người cho hả giận. Không còn cách già để thanh minh, người mẹ đề nghị cho các con ra ngoài, rồi người cha muốn xử sao cũng được, đoạn vén tóc, cúi đầu để người cha ra tay. Lưỡi đao oan nghiệt đã phá tan hạnh phúc gia đình, máu của người mẹ chảy mãi thành suối, thành sông, mỗi độ xuân về thấm vào những cánh hoa bích đào, tạo nên một màu đỏ rực trên các triền núi. Đào Mẫu Sơn mới ra quả đỏ rực như ớt chín, khi lớn lên mới chuyển màu hồng nhạt.
Sau cơn nóng giận, người cha tỉnh ngộ vội vén bụng vợ ra xem, thấy dấu tích ngày nào vẫn còn nguyên vẹn, biết vợ bị oan bèn vác đao tìm kẻ gia nhân ti tiện, thì hắn đã cao chạy xa bay. Người cha tột cùng đau khổ, gọi các con quay trở về lập miếu thờ người vợ yêu quý của mình, đêm ngày gào thét cầu xin người vợ được sống lại. Người cha khóc ròng rã mấy năm trời, những giọt nước mắt tuôn ra biến thành giống chanh quả nhỏ nhưng rất thơm ngon, ai ăn một lần sẽ nhớ mãi, chỉ ở Mẫu Sơn mới có. Hồn người mẹ mang nỗi oan khuất lên gặp Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng sai 7 nàng tiên xuống trần điều tra, làm rõ sự việc. Sau thời gian dài xác minh, các nàng tiên về tâu lại ngọn ngành và cả ước nguyện của người cha mong cho cả gia đình được đoàn tụ bên nhau mãi mãi. Ngọc Hoàng chấp nhận lời thỉnh cầu của các nàng tiên. Từ đó hình thành nên quần thể Mẫu Sơn hùng vĩ. Chàng Chóp Chài khi biết về cái chết oan khuất của người mẹ cũng biến thành ngọn núi đứng biệt lập, ngày đêm khắc khoải nhìn về, như nhắc nhở người đời bài học về ứng xử trong cuộc sống. Ngọn núi này du khách có thể nhìn thấy khi đứng trên đỉnh Mẫu Sơn, hoặc ở thành phố Lạng Sơn, nó có hình chóp nón rất đẹp, đứng độc lập ở vùng Văn Lãng – Đồng Đăng.
Mẫu Sơn hiện nằm phía Đông Bắc tỉnh Lạng Sơn, cách thành phố Lạng Sơn 30km. Quần thể gồm 80 ngọn núi lớn nhỏ, ngọn cao nhất là Phia Po, cao 1.541m so với mặt biển. Các ngọn núi đều có nhiều ao hồ, thác ghềnh quanh năm đầy nước. Hơn chục con suối chảy từ đỉnh núi xuống xung quanh, ẩn chứa câu chuyện về dòng máu oan khuất của người mẹ và nước mắt hối hận của người cha, làm nên chất lượng tuyệt hảo của chè Mẫu Sơn. Nhân dân nơi đây lấy nước này nấu rượu, tạo thành thứ rượu Mẫu Sơn thơm ngon nổi tiếng.
Gà 6 cựa: là loài gà “lục trảo” tồn tại cùng với cuộc sống của người Dao ở vùng đất này, tuy đã thất truyền khá lâu, khoảng chục năm trở lại đây, bỗng nhiên gà “lục trảo” lại xuất hiện trở lại, vì thế gia đình nào ở Đán Khao có được vài con gà quý thì giữ như báu vật. Đặc biệt là khi gà ấp nở vào dịp tết thì được xem như một điềm may mắn cho cả năm, làm ăn phát lộc phát tài.
Nhiều nhà khoa học cho rằng gà 6 cựa cũng là một hiện tượng lạ nhưng có thể giải thích được bằng sự biến đổi gien hay nguyên lý của đa dạng sinh học. Tuy vậy, người dân ở đây cho biết, “gà tiên” này đã xuất hiện từ rất lâu rồi, từ khi họ sinh ra đã có. Qua bao đời nay nó vẫn tồn tại như một phần không thể thiếu trong đời sống người Dao ở vùng này.
Truyền thuyết về phiến đá “rỉ máu”: xưa kia, một người đàn ông dân tộc Dao ở thôn Lặp Pịa, Lộc Bình vào rừng đi săn, đến khu rừng già, nơi chưa từng ai đặt chân đến, nghe nói là vùng đất thiêng, ông nhặt được một hòn đá rất đẹp liền mang về đặt trong nhà bếp. Tối hôm đó trời mưa tầm tã, sáng ra anh thấy nền nhà bếp loang đỏ, và nơi xuất tiết không đâu khác chính là hòn đá kỳ lạ.
Kinh hãi, anh cõng viên đá chạy trối sống trối chết lên đỉnh Mẫu Sơn, đến thánh địa thiêng lập đền thờ cầu mong trời xá tội. Có thuyết cho rằng, đền thờ đá thiêng cũ giờ chính là di tích đền Mẫu Sơn và các vùng phụ cận đã trở thành vùng linh địa. Cho đến những năm 20 của thế kỷ XX, người dân xứ Lạng vẫn hành hương lên vùng đất thiêng vào mỗi độ xuân về.
Mộ đá chìm trong sương: trên đỉnh cao 1.200m so với mặt nước biển và nằm cách biệt với làng bản thuở xưa, giới khảo cổ đã hết sức ngỡ ngàng khi bắt gặp loại hình kiến trúc đá lớn. Đó là những hầm mộ kiểu khối hộp chữ nhật vuông thành sắc cạnh do các tảng đá lớn có kích thước trung bình dài 2,8m, rộng 1m, cao 0,5m xếp thành.
Các nhà khảo cổ học cho rằng, làm được một khu mộ kiểu này người thợ phải dựng khối đá tự nhiên để tạo một vách mộ phía tây một cách chắc chắn và kiên cố. Còn mặt phía bắc và phía đông thì được ghép với hai phiến đá đã được gia cố bằng kỹ thuật đục, đẽo rất tỉ mỉ.
Phiến đá vách bắc và vách đông tạo thành một góc vuông có chiều dài 2m, rộng 0,6m, dày 0,2m. Sau khi tạo được 3 vách: bắc, đông, tây, phần trần mộ được đậy bằng một phiến đá vuông có kích cỡ nhỏ hơn. Do vậy, khối đá trần chỉ đậy khít các phiến đá ở mặt phía bắc, tây và đông.
Riêng vách phía nam do khối đá gốc còn chạy tiếp ra phía sau và phía trước hầm mộ nên đã tạo thành lối vào hầm mộ dài 2m. Xung quanh 3 vách đông, tây, bắc của hầm mộ được xếp chèn nhiều hòn đá nhỏ tự nhiên, bản thân nóc hầm cũng có đất đá kê xếp tạo hình mai rùa… Ngoài ra, còn có hầm mộ được xây dựng với mái che 2 tầng!
Đây là những truyền thuyết được người đân lưu truyền và kể lại trong cuộc sống đời thường hết sức bình dị của họ, nếu đến vùng đất này bạn an hiểu những câu chuyện lịch sử, những truyền thuyết của bà con thì bạn cũng đã hiểu được 1 phần của điểm đến, để góp phần thổi hồn vào cho những những điểm đến thêm thú vị.