Triết lý giáo dục của thầy giáo Chu Văn An

1. Chu Văn An – Người Thầy của muôn đời (“Vạn thế sư biểu”)

Chu Văn An (còn gọi là Chu An) tên hiệu là Tiều Ẩn, tên chữ là Linh Triệt, người làng thôn Văn, xã Quang Liệt, huyện Long Đàm (hay Thanh Đàm, ngày nay là huyện Thanh Trì – Hà Nội). Ông sinh năm Nhâm Thìn (1292) và mất năm Canh Tuất (1370).

Ngay từ hồi còn trẻ, Chu Văn An đã nổi tiếng là một người cương trực, sửa mình trong sạch, giữ tiết tháo, không cầu danh lợi, chỉ ở nhà đọc sách và dạy học. Thượng hoàng Trần Minh Tông đã mời ông làm Tư nghiệp ở Quốc Tử Giám- một chức lãnh đạo ngôi trường cấp cao nhất nước ta. Có lẽ Chu Văn An là người duy nhất trong thời phong kiến nước ta, do việc tự học, tự dạy học mà được triều đình mời ra làm quan – chức quan trông coi việc Quốc học, Quốc giáo. Đến đời vua Trần Dụ Tông, chính sự càng thối nát, nhà vua chơi bời phóng đãng, dung túng bọn quyền thần. Sau nhiều lần can ngăn vua không được, Chu Văn An đã dâng sớ xin chém bảy kẻ quyền thế nịnh thần (“Thất trảm sớ”). Nhà vua không nghe, ông bèn “treo mũ ở cửa Huyền Vũ” từ quan về quê dạy học nhưng tâm can vẫn đau đáu ưu lo chính sự. Ít lâu sau, ông dời nhà đến ở ẩn tại núi Phượng Hoàng (Chí Linh – Hải Dương ngày nay). Ông viết nhiều tác phẩm: Quốc ngữ thi tập (chữ Nôm); Tiều Ẩn thi tập (chữ Hán);  Tứ thư thuyết ước; Y học yếu giải tập chu di biên. Khi vua Trần Nghệ Tông lên ngôi, sai người đến mời ông ra giúp chính sự, ban chức tước nhưng ông không nhận. Không lâu sau đó, ông ốm mất. Vua Nghệ Tông ban tặng tên thụy cho ông là Văn Tri], sai bề tôi đến tế lễ và cho được thờ ở Văn Miếu.

Trong lịch sử giáo dục nước ta, Chu Văn An đã giành được địa vị cao quí bậc nhất. Trần Nguyên Đán đánh giá đạo học của ông cao như Bắc Đẩu, Thái Sơn, có khả năng “xoay làn sóng biển học làm cho phong tục trở lại thuần hậu,… chính sự và giáo hoá được đổi mới”

[3]. Sử gia Phan Huy Chú ngợi ca: “học nghiệp thuần túy, tiết tháo cao thượng, làng Nho nước Việt trước sau chỉ có mình ông, các ông khác không thể so sánh được”.

Người dân nước Việt đã bao đời đều tôn vinh ông là “Vạn thế sư biểu” – Người thầy của muôn đời. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, để tưởng nhớ tới đạo đức và sự nghiệp của ông, nhân dân Thủ đô đã lấy tên ông để đặt tên cho một đường phố và một ngôi trường trung học lớn của Hà Nội. Năm 2000, Nhà nước đã cho tạc tượng ông để thờ tại nhà Thái học – Quốc Tử Giám (Hà Nội), nhằm khuyến khích và phát huy truyền thống văn hiến của dân tộc.
2. Triết lý giáo dục hành động của Chu Văn An

Hiện nay, nghiên cứu về tư tưởng, nội dung và phương pháp giáo dục của Chu Văn An là rất khó khăn, bởi những tác phẩm của ông không còn được lưu giữ một cách đầy đủ. Tuy nhiên, trong tâm thức dân tộc, ông luôn được thừa nhận là một nhà giáo dục hành động chứ không phải là một nhà giáo dục thuần lí và triết lí giáo dục của ông là triết lí hành động, triết lí thực tiễn.

Trước hết, triết lí giáo dục của Chu Văn An thể hiện ở việc đem nhiệt tình và tài năng của mình cống hiến cho đất nước. Nhà bác học Lê Quý Đôn trong “Quế Đường thi tập” cho biết Chu Văn An dạy học trò là Tú Sĩ rằng: “Phàm học thành đạt cho mình là để thành đạt cho người, công đức tới dân, ân huệ để lại đời sau, đấy đều là phận sự của nhà Nho chúng ta”. Ở đây, có lẽ tư tưởng của Khổng Tử

[4] được Chu Văn An thể hiện một cách rõ ràng và mang tính tiến bộ vượt bậc khi ông coi nhiệm vụ của nhà Nho là phải “công đức tới dân, ân huệ để lại đời sau”. Việc ông không hề có tham vọng đem tài năng thi thố làm quan mà lại được mời ra làm một chức quan trông coi việc giáo dục cho triều đình đã thể hiện rõ tinh thần của Thánh hiền đạo Nho: “Không cầu người biết đến mình mà chỉ lo mình không có tài đức để người ta biết đến”. Chu Văn An đã dùng chính thực học và tài đức của mình mà ảnh hưởng tới nền giáo dục đương thời.

Thứ hai, triết lí giáo dục của Chu Văn An thể hiện rõ ở chủ trương giáo dục không phân biệt đối tượng. Thời nhà Trần đã có một số trường công do triều đình mở ra như Quốc Tử Giám, trường học ở Phủ Thiên Trường,… nhưng phần lớn các trường này là chỉ dành cho con em quý tộc. Chu Văn An đã mở trường tư thục Huỳnh Cung ở quê nhà để thu nhận học trò nghèo có ý chí trau dồi kinh sử để thi thố tài năng giúp nước. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Ông ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa, vào chính phủ”. Thực hiện tư tưởng “hữu giáo vô loại” của Khổng Tử, ông nhận dạy tất cả những người cầu học: Thái tử con vua (sau này làm vua); các học trò đỗ đạt cao, làm quan trong triều (như Lê Quát, Phạm Sư Mạnh) và biết bao nhiêu học trò khác tuy không thành đạt được như vậy nhưng chí ít cũng thấm đẫm tư tưởng và tinh thần của ông mà đem ảnh hưởng đó tác động đến sự thay đổi của xã hội đương thời. Với tình cảm thương yêu học trò, không phân biệt đối xử, ông nhận được ở họ sự trân trọng, khâm phục và kính yêu. Khi ông mất, nhiều học trò làm nhà bên mộ ông để trọn tình nghĩa thầy trò.

Chu Văn An là một nhà sư phạm mẫu mực, suốt cuộc đời gắn bó, tận tụy với nghề dạy học, không ham công danh phú quý mà quên đi công việc “dạy chữ, dựng người”. Việc có nhiều đối tượng học trò đến xin học (tương truyền có tới hơn ba nghìn người) và trưởng thành dưới mái trường của ông đã thực sự chứng tỏ uy tín và đạo đức của ông. Uy tín ấy vượt ra khỏi cả sự lưu truyền trần thế, khiến cho vua Thủy Tề cũng phải gửi con theo học (theo truyền thuyết). Như thế, tư tưởng hành đạo, noi theo gương sáng của ông Tổ đạo Nho (Khổng Tử) “học không biết chán, dạy người không biết mỏi” (Học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện) đã được Chu Văn An hiện thực hóa. Với việc mở trường tư thục dạy học, ông đã góp phần làm cho không khí học tập cuối thời Trần trở nên sôi nổi.

Qua sử sách các đời sau ghi lại, Chu Văn An đã thực hiện một phương pháp sư phạm mẫu mực, đó là “làm Thầy phải nghiêm”. Sách “Tam tự kinh” – loại sách “khai tâm” của học trò xưa có câu: “Giáo bất nghiêm, sư chi nọa” (Dạy không nghiêm, đạo thầy hỏng). Nghiêm không phải là dữ đòn để cho học trò sợ, mà đối với Chu Văn An, “nghiêm” là thái độ nghiêm trang, mẫu mực trong giáo dục, là việc giảng dạy chặt chẽ, có quy củ, kỷ cương. Đại Việt sử kí toàn thư viết: “Kẻ nào xấu thì ông nghiêm khắc trách mắng, thậm chí la hét không cho vào. Ông là người trong sạch, thẳng thắn, nghiêm nghị, lẫm liệt đáng sợ đến như vậy đấy”. Sự nghiêm nghị, tiết tháo, thanh cao của ông đã thực sự là tấm gương lẫm liệt tỏa sáng cho học trò noi theo. Ảnh hưởng từ tấm gương thực tiễn của ông đối với trí thức đương thời là rất lớn.

Thứ ba, về nội dung giáo dục, Chu Văn An chủ yếu truyền đạt tư tưởng Nho gia. Việc ông giảng giải và viết “Tứ thư thuyết ước” đã chứng tỏ cho mục đích cao nhất của ông là “giáo kính, giáo trung, giáo văn”, nghĩa là dạy sự cung kính, dạy sự trung hậu, dạy sự văn nhã. Tuy có ảnh hưởng triết học Phật giáo và Lão giáo nhưng khuynh hướng Nho học ở ông là chủ đạo. Các học trò của ông đều thể hiện rõ tư tưởng “sùng Nho”, “bài Phật” (sùng bái đạo Nho, bài bác Đạo Phật). Nội dung tư tưởng và thực tiễn giáo dục theo tinh thần Nho học của Chu Văn An được thể hiện ở những nét chính sau đây:

Một là, Chu Văn An dẫn dắt học trò đi theo con đường hành đạo của một nhà nho chân chính: sống trong thời loại lạc, dẫu có thất thế cũng không pha màu u uất, xa lánh trần tục một cách hoàn toàn mà vẫn cứng cỏi trụ vững ở đời, trái tim vẫn chung nhịp với thế cuộc bể dâu. Tuy ở ẩn nhưng “Tấc son nào đã như tro nguội/ Nghe nói Tiên hoàng giọt lệ sa”

[5]. Hành động ông trở về triều mừng vua Trần Nghệ Tông lên ngôi (sau sự biến Dương Nhật Lễ) đã thể hiện rõ quan điểm sống không xa rời những biến chuyển của lịch sử.

Triết lí giáo dục hành động của Chu Văn An còn được thể hiện rõ trong phương châm dạy học luôn gắn liền với thực tiễn đời sống của nhân dân. Ông dạy học trò phải biết kính yêu người dân lao động, có trách nhiệm chăm lo đến đời sống của họ. Tương truyền, trong khi dạy học ở trường Huỳnh Cung gặp phải năm trời đại hạn, Thầy Chu nói với một học trò (sau này ông mới biết là Thủy thần) đem tài năng cầu trời làm mưa để cứu dân. Người học trò ấy đã hi sinh thân mình vẩy mực lên trời cầu mưa cứu cho dân qua khỏi đại hạn đói khát. Tuy câu chuyện có tính chất huyền hoặc nhưng nó cũng cho chúng ta thấy sự lưu truyền về cách dạy học gắn với thực tế đời sống của tiên triết Chu Văn An.

Hai là, ông giáo dục học trò triết lí sống phải có tinh thần dũng cảm, tiết tháo cao thượng, trừ hại giúp dân cứu nước, sẵn sàng hi sinh tính mạng của mình. Điều này thể hiện trong hành động dâng “Thất trảm sớ” của ông. Cho đến nay, không ai biết nội dung bản sớ đó ra sao, ông đòi vua phải chém đầu những tên quyền thần nào nhưng với hành động “Nghĩa động Càn Khôn, nghĩa động Quỷ thần” đó, Chu Văn An đã giáo dục học trò và người đời, cả nhà vua khi đó, một bài học: cần phải nghiêm khắc trừng trị những kẻ nịnh thần, gian tham hại dân hại nước. Chỉ ba chữ “Thất trảm sớ” đã làm cho người đời khâm phục, kính trọng ông và hành động theo ông để giữ tròn tiết tháo của một người có trách nhiệm với đất nước non sông. Theo nhận định của sử thần Ngô Sĩ Liên, tấm gương Chu văn An đã góp phần tích cực cải tạo đạo đức xã hội: “Hãy lấy Văn Trinh mà nói, thờ vua tất thẳng thắn can ngăn, xuất xử thì làm theo nghĩa lí, đào tạo nhân tài thì công khanh đều ở cửa ông mà ra, tiết tháo cao thượng thì thiên tử cũng không thể bắt làm tôi được. Huống chi tư thế đường hoàng mà đạo làm thầy được nghiêm, giọng nói lẫm liệt mà bọn nịnh hót phải sợ. Ngàn năm về sau, nghe phong độ của ông, há không làm cho kẻ điêu ngoa thành liêm chính, người yếu hèn biết tự lập được hay sao? Nếu không tìm hiểu nguyên cớ, thì ai biết thụy hiệu của ông xứng đáng với con người của ông. Ông thực đáng được coi là ông tổ của các nhà nho nước Việt ta mà thờ vào Văn Miếu”.

Thứ tư, trong giáo dục và đào tạo học trò, Chu Văn An quan tâm đến việc biên soạn sách để giúp cho người học có được tài liệu học tập. Đây là một điểm mới trong cách quan niệm về nội dung và phương pháp giáo dục của ông. Không chỉ chú trọng nội dung giáo dục về đạo làm người theo tinh thần Nho gia (ông viết “Tứ thư thuyết ước” – đã thất lạc – và có lẽ đây là bộ sách đầu tiên luận giải về Nho giáo một cách có hệ thống) mà Chu Văn An còn biên soạn cả những tài liệu về y học trị bệnh cứu người – “Y học yếu giải tập chu di biên”. Ông cũng viết hai tập thơ “Quốc ngữ thi tập” và “Tiều ẩn thi tập” để bồi bổ thêm tinh thần và kiến thức sâu rộng, toàn diện cho học trò. Việc Chu Văn An viết sách không chỉ đơn giản là để làm tài liệu học tập mà cao hơn cả là qua đó, để gìn giữ và khuếch trương di sản văn hóa của dân tộc (dùng chữ Nôm), khẳng định sự độc lập về văn tự đối với nền văn hóa Hán. Cũng trong các tác phẩm ấy, để thể hiện rõ tính chất dân tộc trong văn hóa, thi ca, ông không hề vay mượn những điển tích ngoại lai mà chỉ miêu tả những gì hiện thực trước mắt, những cảnh đẹp thiên nhiên và con người Đại Việt. Đây là phong cách đặc biệt trong các nhà nho thời Trần mà đi đầu là nhà sư phạm mẫu mực Chu Văn An.

Tóm lại, suốt cuộc đời mình, Chu Văn An cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Đặc điểm lớn nhất trong triết lí giáo dục của ông chính là ở việc thực thi tư tưởng “hữu giáo vô loại”, đem đạo đức Nho gia mà truyền dạy cho các thế hệ học trò nhằm tác động biến đổi thời cuộc có lợi cho muôn dân. Tiếc thay, nhà Trần đến mạt suy vong, một mình Thầy Chu cũng không cưỡng lại được bánh xe lịch sử. Cốt cách, tinh thần ông, trí tuệ như sao Bắc Đẩu, đạo học cao như Thái Sơn của ông đã tạo nên một nhân cách lớn mẫu mực trong truyền thống lịch sử giáo dục nước nhà. Cho đến nay, nhân cách thanh cao, liêm khiết, cương nghị của người thầy giáo vĩ đại Chu Văn An vẫn luôn in đậm trong tâm trí người dân Việt Nam cùng những vần thơ thắm mãi cùng năm tháng:

“Thân nhàn tựa áng mây trôi,

Gió trăng nửa gối, việc đời nhẹ thênh.

Cõi trần xa, cõi Phật thanh.

Sân hoa máu đỏ, chim oanh lứu lường”
 

Theo http://fpe.hnue.edu.vn/index.php?showpost=1676

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *