Không biết tự bao giờ, tôi bắt đầu đam mê tìm hiểu và học hỏi những tư tưởng của Lão Tử qua cuốn Đạo Đức Kinh, từ đó, tôi tiếp tục đọc và tìm hiểu thêm những chương luận và bài viết sau này về những tư tưởng vô cùng vi diệu (vi tế, kỳ diệu) của Ngài về con người, vũ trụ, vật chất và sinh tồn. Càng đọc nhiều những sách viết sau này, tôi càng thấm thía những tư tưởng thâm thúy, cao siêu của Lão Tử mà lại được thể hiện qua 5.000 chữ ít ỏi trong cuốn Đạo Đức Kinh. Nhưng ai đã từng biết Leonardo da Vinci thì chắc hẳn phải quen thuộc với câu nói nổi tiếng của ông ““Simplicity is the ultimate sophistication.” Câu nói này cũng được Steve Job sử dụng rất nhiều trong bài thuyết trình của ông, hay đó cũng là lẽ sống của Steve vậy. Nói như vậy, vì tôi không muốn một thói chấp thông thường rằng ta gán lời nói đơn giản cho những thứ đơn sơ, mông muội. Ngược lại tôi muốn sự thấm nhuần, kiên nhẫn, và suy nghĩ sâu sắc để hiểu được những tư tưởng vượt thời gian đó. Tôi chợt nhớ ra một câu châm ngôn “Hiểu người cần hiểu những gì ẩn sau lời nói. Hiểu sách, phải hiểu những gì ẩn giữa các dòng chữ. Vậy nên, tôi mạnh dạn chia sẻ qua những câu chữ thô thiển này cũng mong nhận được sự thông hiểu sâu sắc từ các bạn bởi vì câu chữ cũng là một giới hạn cho minh triết của ta.
Nói về Lão Tử, có thể ai cũng biết, nhưng tôi cũng tóm tắt một vài thông tin về Ngài để các bạn cùng tham khảo. Lão Tử là một nhà triết học nổi tiếng thời xưa ở Trung Quốc. Ông là người khai sáng ra Đạo Lão , một môn học về Vũ Trụ, Thiên Nhiên, Vật Chất. Ông đã sọan ra kinh sách để dạy người đời dựa trên nền tảng triết lý, hay còn gọi là Đạo Vô Vi – Mọi vật thể theo tự nhiên. (Vô Vi nghĩa đen là “không là gì cả”).
Trích dẫn
Tri túc chi túc hà thời túc, Tri nhàn chi nhàn hà thời nhàn
Biết đủ là đủ, tức là đủ, Biết nhàn là nhàn tức là nhàn
Bình giải: Trong những năm gần đây, chúng ta cổ súy mạnh mẽ cho trào lưu kỹ năng mềm, kỹ năng làm giàu, kỹ năng sống, tư duy tích cực…Nhưng mọi chương trình thiên quá nhiều về ‘ngọn” của vấn đề mà chưa truyền tải trọn vẹn nội dung chân lý. Giống như tảng băng, ta mới chỉ thấy vẻn vẻn bề nổi (30%) mà quên mất rằng điều sâu sắc thực sự nằm ở phần dười tảng băng, không dễ dàng thấy được (invisible). Nói về “tri túc” tức là “biết đủ” không đơn giản là bằng lòng với hiện tại mà đó là cốt lõi của triết lý nhân sinh. Lão Tử đã nói, ba phẩm chất quan trọng của một người là tiết kiệm, nhân ái, không dám đứng trước thiên hạ, vì tiết kiệm mà sinh ra giàu có (tri túc), nhân ái sinh ra dũng cảm, không dám đứng trước thiên hạ mà có cả thiên hạ. Nghĩ lại thực tại của chúng ta, lối sống hưởng thụ quá mức (overconsumption) đã đẩy con người tới lòng tham vô độ, mất hết tình người, kinh doanh bằng mọi cách. Thiếu đi lòng nhân ái nên sinh ra phân hóa giàu nghèo, cướp của giết người, coi rẻ mạng sống. Do vội vàng, tham lam mà mua quan, bán chức ai còn chịu đứng sau thiên hạ…?
Vũ trụ bao la vô cùng tận, Nhân Sinh tự cổ vốn Vô Thường
Bình giải: Vũ trụ vốn tự nó đã thế, vốn vô thường nhưng vô cùng tận. Lão Tử đã viết: “Có một vật hỗn độn mà thành trước cả trời đất. Nó yên lặng, vô hình, đứng một mình mà không thay đổi vĩnh cửu, vân hành khắp vũ trụ không ngừng, có thể coi nó là mẹ của vạn vật trong thiên hạ. Ta không biết tên nó là gì, tạm đặt tên cho nó là đạo. Đạo mà diễn tả được thì đó không còn là đạo bất biến nữa, tên mà gọi ra được thì đó không còn là tên bất biến nữa.
Đạo trời không tranh mà khéo thắng, không nói mà khéo đáp, không gọi mà vạn vật tự chuyển động, bình thản vô tâm mà khéo sắp đặt mọi việc. Đạo trời không thiên vị ai, luôn giúp đỡ cho người lương thiện. Lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng khó lọt (Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất thất). Không tên là gốc trời đất, có tên là mẹ vạn vật. Đạo trời ví như cánh cửa khép mở, vạn vật từ đó đi ra rồi lại trở về đó. Đạo có tính chất trừu tượng, nó không có hình thù cụ thể, không thể nắm rõ, không sáng ở nơi rực rỡ, không mờ ở nơi tối tăm và cũng không có tiếng động. Đạo vĩnh viễn không có tên gọi. Vạn vật chuyển động theo một vòng tròn khép kín. Tất cả bắt đầu từ “có”, có lại bắt đầu từ “không”. Lời nói hợp đạo nghe như ngược đời.
Thuyết Vô Vi
Động mà không động, Không động mà động, Không tức thị Có, Có tức thị Không, Có có, Không không, Không không, Có có, Có rồi lại Không, Không rồi lại Có, Có cũng như không, Không tốt hơn có, Không có mà Có,Có vẫn hơn Không
Có Không, Không Có
Phần này tôi chằng dám bàn thêm, nhưng ai biết kinh Bát nhã chắc cũng hiểu tư tưởng Phật giáo cũng mang đậm yếu tố Vô vi (Sắc bất dị không, không bất dị sắc). Nhưng tôi đang nghĩ nhiều về triết lý “không sở hữu”. Tôi mạo muội nghĩ tới thuyết vô vi là vì vậy. Trong bữa cơm, vợ tôi nói chuyện về một chi tiết trong cuốn tiểu thuyết “11 giờ’ liên quan tới việc sở hữu. Có một cô gái được chim thần giúp đỡ, cô nảy sinh ý tưởng giữ cho riêng mình, rồi cuối cùng chim chết (chi tiết thế nào mời bạn đọc thêm, nhưng đại ý là như vậy). Ở đây tôi muốn nói rằng, trong gia đình, hay công sở, thì việc kiểm soát quá mức là điều rất nguy hiểm. Vì không kiểm soát mà nhân viên có được tự do, vì được tự do nên nhân viên sẽ sáng tạo, từ đó nâng cao chất lượng công việc,….
Con người
Tôi mạnh dạn viết nhiều hơn về con người trong phần này, vì con người là yếu tố quan trọng nhất trong tất cả các yếu tố. Trong phát triển xã hội, không ai không kể đến vai trò của nguồn nhân lực. Mác còn phải thừa nhận yếu tố con người có tính chất quyết định trong quá trình lao động sản xuất. Nền giáo dục có tốt, phải có thầy thật giỏi, ….Vậy nên tôi lấy câu nói này mà bình giải:
Tướng do tâm sanh, Tâm tịnh Thần sáng, Thần sáng Trí minh, Tâm bất tịnh, Thần suy, Thần bất tịnh Trí bất minh
Bình giải: khi còn học lớp 11, tôi vô tình đọc cuốn “nhân tướng học” trong đó tôi chẳng thể nào quên được câu nói kết sách : “Hữu tướng vô tâm, tướng tùy tâm diệt; Hữu tâm vô tướng, tướng tùy tâm sinh” (Nghĩa là: người có tướng mà chẳng có tâm thì tướng kia cũng sẽ lụy tàn theo tâm ác mà thôi; và ngược lại dù tướng mạo không rạng ngời nhưng tâm tốt thì tùy tâm mà tướng sinh). Hẳn nghĩa này cũng đúng trong tư tưởng Phật giáo: Đức năng thắng số” hay sao? hay Khổng Tử cũng bàn: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” đó hay. Thế nên, cũng không thể dựa vào hình tướng mà đánh giá được số mạng, hay phầm giá của một con người. Ta cũng nên dựa vào những suy nghĩ, lời nói, hành động họ làm mà phán xét cho phù hợp (thân-khẩu-ý). Phải chăng đây cũng là Nhân quả?
Tâm tịnh, Thần sáng, Thần sáng Trí minh: Ta thấy rằng trí tuệ của con người cũng do Tâm mà có. Tâm dao động thì làm sao ta còn học hỏi được, cũng giống như chỉ nghe bao lời ba hoa thì làm sao đủ sáng suốt để đưa ra quyết định đúng đắn. Đó cùng là lý do tại sao tôi hay nhắc đến Thiền (cũng chính là vô vi vậy = emptiness). Thiền là cách thức để luyện Tâm, an định tâm cho Thần sáng tỏ từ đó mà có Trí tuệ sáng suốt, biết đúng làm đúng. Quay lại thực tại, ai cũng biết rằng ta đang sống trong sự toàn cầu hóa, bùng nổ công nghệ thông tin. Ta cũng biết rằng chính sự kết nối của mạng internet vô cùng tận cũng làm Tâm bất ổn, hay đơn giản Trí không định. Ta bị oanh tạc bởi vô số những công cụ bên ngoài, quên đi nhiệm vụ chính, thiếu nhiệt huyết cho công việc đang làm, xao nhãng học tập….Gần đây người ta mới nói tới idisorder là vì thế, hay trong bài thuyết trình “Being connected, feeling alone là vậy.