Tri mẫu: nguồn gốc, tác dụng và cách sử dụng hiệu quả – Chia sẻ kiến thức mỗi ngày

Tri mẫu là một loại thảo dược được sử dụng từ rất lâu trong y học cổ truyền. Vị thuốc này có vị ngọt, hơi đắng, có nhiều công dụng với sức khỏe như hạ nhiệt, kháng khuẩn, an thần,… Vậy cây tri mẫu có những đặc tính gì và cần lưu ý gì khi sử dụng? Hãy cùng chiase24.com tìm hiểu trong bài viết này nhé!

1. Giới thiệu về cây tri mẫu

1.1. Cây tri mẫu là cây gì?

– Tên khoa học: Anemarrhena asphodeloides

– Tên dược: Rhizoma anemarrhenae

– Tên gọi khác: dã liêu, địa sâm, liên mẫu

– Họ: Hành tỏi (Liliaceae)

– Tên nước ngoài (Trung Quốc): Zhi Mu

Tri mẫu là một loại cây thân thảo, sống lâu năm, chiều cao trung bình khoảng 60 – 90 cm. Thân rễ mọc ngang, dày, dẹt, có màu đỏ hoặc vàng đỏ, được bao bọc bởi các phần còn lại của gốc lá.

Cây thường ra hoa vào mùa hè. Hoa khá nhỏ, mùi thơm, màu trắng, có lẫn vạch tím, nhạt, cụm hoa mọc giữa nhúm lá hình bông, hơi cong. Bao hoa màu trắng hoặc tía nhạt. Lá cây mọc nhóm ở gốc thành cụm dày, gốc cây có các bẹ to ốp vào nhau, đầu thuôn nhọn, hai mặt nhẵn. Quả nứt, hình trứng, có 3 góc, bên trong có 1 – 2 hạt màu đen.

Rễ cọc, hình trụ hoặc khúc dẹt, phân nhánh, chiều dài khoảng 3 – 15cm, đường kính khoảng 8 – 15mm. Rễ cứng, dễ bẻ gãy, khi bẻ ra có mùi thơm nhẹ.

1.2. Tri mẫu phân bố ở đâu?

Cây tri mẫu sinh trưởng chủ yếu ở Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ. Ở Trung Quốc, cây này có nhiều ở Hà Bắc, Hà Nam, Hồ Bắc, Quảng Đông, Giang Tô, Nội Mông, Ninh Hạ. Hiện nay, loại dược liệu này chưa được trồng ở nước ta và phải nhập hoàn toàn từ Trung Quốc.

1.3. Thu hái, chế biến, bảo quản tri mẫu

Cây tri mẫu được thu hái vào các mùa xuân, thu hằng năm. Sau khi đào rễ lên, đem cắt bỏ các rễ con, rửa sạch và sấy hoặc phơi khô. Tri mẫu có chất nhầy dính nên cần phải đảo luôn khi phơi. Loại tri mẫu có rễ củ mập to, khô chắc, mặt ngoài có nhiều lông nhung tơ vàng, cắt ngang màu trắng ngà là loại tốt. Loại tri mẫu có rễ củ gầy dẹt, mặt ngoài có lông đen tro, bên trong màu xám là loại kém.

Ngoài ra, tri mẫu còn được chế biến với muối (tri mẫu chế muối). Đem tri mẫu rang trên nhỏ lửa đến khô, lấy ra tẩm với nước muối, sao khô tiếp, lấy ra để nguội. Dùng 2,8 kg muối cho mỗi 100 kg tri mẫu phiến.

Cần bảo quản tri mẫu ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc, vì dễ biến chất.

1.4. Bộ phận sử dụng của cây tri mẫu

Bộ phận thường được sử dụng để làm thuốc là rễ.

2. Thành phần hóa học của tri mẫu

Thân rễ của cây tri mẫu chứa nhiều saponin và sapogenin steroid, chủ yếu là sarsasapogenin và các sarsasapogenin glycosid. Ngoài ra, trong tri mẫu còn chứa nhiều chất thuộc những nhóm hóa học khác như: nhóm norlignan (hinokiresinol, oxyhinokiresinol, cis-hinokiresinol), nhóm glycan (anemaran A, B, C và D), nhóm xanthon C-glucosid (mangiferin, isomangiferin, neomangiferin), cùng các thành phần khác (2,6,4’-trihydroxy-4-methoxy-benzophenone, p-hydroxyphenyl-crotonic acid, nyasol = (z)-1,3-bis(4-hydroxyphenyl)-1,4-pentadiene,…)

3. Tri mẫu có tác dụng gì đối với sức khỏe?

Tri mẫu là một loại thuốc được sử dụng lâu đời để chữa rất nhiều bệnh.

Theo y học cổ truyền, tri mẫu có vị ngọt, hơi đắng, hơi nhớt khi nhai, tính hàn, không độc; tác động vào 3 kinh Tỳ, Vị và Thận, có tác dụng mát phổi, mát thận, hạ nhiệt, chỉ khát, trừ phiền, tăng tân dịch, nhuận táo, ích khí, hoạt trường. Chủ trị chứng phiền khát, phế nhiệt, phế vị thực nhiệt, sốt cao, phế táo khái thấu, tân thương khẩu khát, phế hư triều nhiệt, tiêu khát chứng.

Trong một số sách Y văn cổ còn ghi lại về lợi ích của tri mẫu. Ví dụ sách Nhật hoa tử bản thảo: “thông tiểu tràng, tiêu đàm chỉ thấu, nhuận tâm phế, bổ hư, an tâm, chỉ kinh quí”; sách Bản kinh: “chủ tiêu khát nhiệt trung, trừ tà khí, chi thể phù thũng, hạ thủy, bổ bất túc, ích khí”; sách Bản thảo cương mục: “Tri mẫu cay đắng hàn lương, đi xuống thì thuận thận táo mà tư âm, đi lên thanh phế kim mà tả hỏa, là thuốc trị phần khí của 2 kinh”; sách Dụng dược pháp tượng: “tả thuận hỏa vô căn, trị chứng cốt chưng có mồ hôi, trị nhiệt do hư lao, tư thận âm”; sách Bản thảo cầu nguyên: “trị thấy huyết, suyễn, lâm, khẩu bệnh, niệu huyết, ách nghịch, đạo hãn, di tinh, tý nuy, chế túng (điên dại, động kinh).

Hiện nay, y học hiện đại đã chứng minh các tác dụng dược lý của tri mẫu, gồm: kháng nấm, chống oxy hóa, kháng vi-rút, chống ung thư, hạ sốt, chống viêm, lợi tiểu, trị đái tháo đường (mangiferin), hạ huyết áp.

3.1. Tri mẫu có tác dụng hạ nhiệt

Kết quả nghiên cứu thực nghiệm đã chỉ ra tri mẫu có tác dụng hạ nhiệt rõ rệt với cả chứng hư hay thực nhiệt. Thành phần saponin từ thân rễ tri mẫu và sản phẩm thủy phân sarsasapogenin cũng như dẫn chất 2 hemisucinyl đều có tác dụng ức chế mạnh trên Na+/K+ ATPase và làm giảm lượng oxy thu nhận trong gan được xử lý với thyroxin.

Sarsasapogenin cũng ức chế Na+/K+ ATPase của hồng cầu người in vitro. Tác dụng ức chế phát triển chậm và có thể tăng lên do ion natri từ bên ngoài và đối kháng bởi ion rubidi từ bên ngoài. Tác dụng ức chế trên ATPase có thể liên quan với tác dụng hạ sốt của sarsasapogenin.

3.2. Tri mẫu có tác dụng kháng khuẩn

Thành phần Nyasol trong tri mẫu có tác dụng ức chế mạnh đối với các loại trực khuẩn thương hàn, trực khuẩn đường ruột, tụ cầu khuẩn hơn 10 loại vi khuẩn khác.

3.3. Tri mẫu có tác dụng an thần

Tri mẫu có thể làm giảm tính hưng phấn của hệ thần kinh, đặc biệt khi phối hợp cùng các loại dược liệu khác. Ví dụ khi kết hợp với Toan táo nhân sẽ làm giảm tính hưng phấn của vỏ đại não, giúp trị mất ngủ. Khi kết hợp với hoàng bá sẽ giảm tính kích thích tình dục. Khi kết hợp với quế chi sẽ giúp giảm đau khi bị chứng viêm khớp (thấp khớp). Khi kết hợp với bạch thược sẽ làm tăng hưng phấn thần kinh cơ, trị chứng run giật cơ.

3.4. Tri mẫu có tác dụng hóa đờm

Xét về dược lý cổ truyền, tri mẫu có tác dụng thanh nhiệt nhuận phế, tư thận bổ thủy. Tác dụng này của tri mẫu là nhờ hoạt chất saponin trong thành phần giúp long đờm, chữa ho, tăng cường sinh lực.

4. Cách sử dụng Tri mẫu hiệu quả chuẩn khoa học

Tùy theo vào mục đích sử dụng và thể trạng người bệnh mà có thể dùng tri mẫu theo nhiều cách, phối hợp với các thảo dược khác nhau. Trường hợp dùng ở dạng sắc uống thì chỉ nên dùng khoảng 4 – 10g/ ngày. Liều cao có thể dùng là 30g/ ngày.

5. Một số bài thuốc với tri mẫu

Tri mẫu là một loại dược liệu có mặt trong rất nhiều bài thuốc chữa bệnh. Dưới đây là một số bài thuốc tiêu biểu với tri mẫu:

5.1. Bài thuốc thanh nhiệt, giáng hỏa

– Bài thuốc 1: Chuẩn bị 12g tri mẫu, 24g thạch cao sống, 8g cam thảo, 8g ngạnh mễ. Sắc uống 1 thang/ ngày, đặc trị bệnh nhiệt cấp tính với các triệu chứng như sốt cao, miệng khát, đổ nhiều mồ hôi.

– Bài thuốc 2: Chuẩn bị 32g tri mẫu, 62g thạch cao, 6g thuyền thoái, 6g liên kiều. Sắc uống 1 thang/ ngày với 1 lít nước trên lửa nhỏ trong 15 phút.

Tác dụng chính: Giúp thanh nhiệt, giáng hỏa.

5.2. Bài thuốc nhuận phổi, dịu ho

– Bài thuốc 1: Chuẩn bị 12g tri mẫu, 12g bối mẫu. Mỗi ngày sắc uống 1 thang. Sử dụng đặc trị viêm phế quản mãn tính, viêm phổi, ho vì âm hư phổi nhiệt.

– Bài thuốc 2: Chuẩn bị 16g tri mẫu, 8g bối mẫu, 12g hoàng kỳ, 8g sài hồ, 12g tử uyển, 12g hạnh nhân, 12g mã đậu linh, 12g pháp bán hạ, 12g tang bạch bì, 12g khoản đông hoa và 2g bạch phàn. Mỗi ngày sắc uống 1 thang, điều trị ho do nhiệt phổi, có đờm vàng, tinh thần căng thẳng, mệt mỏi.

Tác dụng chính: Giúp nhuận phổi, dịu ho.

5.3. Bài thuốc chữa phì đại tuyến tiền liệt

  • Chuẩn bị: 20g tri mẫu, 20g ngưu tất, 20g hoàng bá, 10g đại hoàng, 30g đan sâm, 40g ích mẫu.
  • Thực hiện: Đem rửa sạch các dược liệu rồi cho vào ấm sắc cùng với 1 lít nước trên lửa nhỏ. Đến khi nước thuốc rút xuống còn phân nửa thì tắt bếp. Uống khi thuốc còn ấm, mỗi ngày chỉ dùng 1 thang.
  • Tác dụng chính: Chữa phì đại tuyến tiền liệt.

5.4. Bài thuốc sinh thân chỉ khát

  • Chuẩn bị: 16g tri mẫu, 16g thiên hoa phấn, 12g cát căn, 16g sơn dược, 12g hoàng kỳ, 8g ngũ vị tử, 12g kê nội kim.
  • Thực hiện: Mỗi ngày sắc uống 1 thang.
  • Tác dụng chính: Dùng điều trị các triệu chứng của bệnh đái tháo đường.

5.5. Bài thuốc hỗ trợ điều trị ung thư dạ dày, thực quản

  • Chuẩn bị: 15g tri mẫu, 20g đương quy, 20g đẳng sâm, 15g thiên môn, 15g đại giả thạch, 10g thị sương, 8g bán hạ.
  • Thực hiện: Đem tất cả các nguyên liệu cho vào ấm sắc chung với 800ml nước đến khi mực nước còn phân nửa thì tắt bếp. Mỗi ngày sắc uống 1 thang duy nhất.
  • Tác dụng chính: Hỗ trợ điều trị ung thư dạ dày, thực quản.

5.6. Bài thuốc trị gầy ốm hư lao ở phụ nữ

  • Chuẩn bị: 30g tri mẫu, 30g hoàng cầm, 30g mạch môn, 40g sài hồ, 20g chích thảo, 40g sinh địa, 30g thăng ma, 30g xích thược, 30g xạ can.
  • Thực hiện: Đem tán các dược liệu trên thành bột mịn. Mỗi lần dùng 16g, kết hợp với 0,2g sinh khương và 27 lá đạm trúc diệp rồi sắc uống.
  • Tác dụng chính: Trị gầy ốm hư lao.

5.7. Bài thuốc trị nội nhiệt, phiền táo ở phụ nữ mang thai

  • Chuẩn bị: Tri mẫu và nhục táo với lượng bằng nhau.
  • Thực hiện: Đem tán các dược liệu thành bột rồi làm hoàn. Mỗi ngày uống khoảng từ 12 – 16g với nước cháo.
  • Tác dụng chính: Trị nội nhiệt, phiền táo ở phụ nữ mang thai.

5.8. Bài thuốc chữa ôn bệnh, miệng khô khát, sốt cao nhức đầu

  • Chuẩn bị: 20g tri mẫu, 40g thạch cao, 40 – 60g gạo tẻ, 8g cam thảo.
  • Thực hiện: Cho các nguyên liệu vào ấm, sắc cùng với 1 lít nước. Đến khi lượng nước rút còn phân nửa thì tắt bếp. Nên uống khi thuốc còn ấm.
  • Tác dụng chính: Chữa ôn bệnh, miệng khô khát, sốt cao nhức đầu.

5.9. Bài thuốc chữa sốt về chiều, đổ nhiều mồ hôi

  • Chuẩn bị: 16g tri mẫu, 12g mạch môn và 14g hoàng bá.
  • Thực hiện: Sắc chung các dược liệu với 600ml nước trên lửa nhỏ trong 10 phút. Mỗi ngày dùng 1 thang, uống khi thuốc còn ấm.
  • Tác dụng chính: Chữa sốt về chiều, đổ nhiều mồ hôi.

5.10. Bài thuốc chữa dương vật cương luôn

  • Chuẩn bị: 4g tri mẫu, 4g hoàng bá, 4g mộc thông, 4g xa tiền, 4g cam thảo.
  • Thực hiện: Sắc chung các dược liệu với 800ml nước trên lửa nhỏ. Khi lượng nước rút còn phân nửa thì tắt bếp. Ngày dùng 1 thang, uống khi thuốc còn ấm.
  • Tác dụng chính: Chữa dương vật cương luôn.

5.11. Bài thuốc điều trị các triệu chứng sốt cao, co giật, hôn mê trong viêm não Nhật Bản

  • Chuẩn bị: Tri mẫu 16g; thạch cao 40g, kim ngân, huyền sâm, sinh địa, mỗi vị 16g; hoàng liên, liên kiều mỗi vị 12g; cam thảo 4g.
  • Thực hiện: Đem các thảo dược sắc lấy nước uống. Ngày dùng 1 thang, uống khi còn ấm
  • Tác dụng chính: Điều trị các triệu chứng sốt cao, co giật, hôn mê trong viêm não Nhật Bản.

5.12. Bài thuốc chữa tiểu ra máu do viêm nhiễm mạn tính đường tiết niệu

  • Chuẩn bị: Tri mẫu 8g, cỏ nhọ nồi 16g, hoàng bá, thục địa, quy bản, rễ cỏ tranh mỗi vị 12g, chi tử sao đen 8g.
  • Thực hiện: Đem các thảo dược sắc lấy nước uống. Ngày dùng 1 thang, uống khi còn ấm.
  • Tác dụng chính: Trị tiểu ra máu do viêm nhiễm mạn tính đường tiết niệu.

5.13. Bài thuốc chữa di tinh, mộng tinh

  • Chuẩn bị: Tri mẫu 12g, thục địa 16g, hoàng bá, quy bản, kim anh, khiếm thực, liên nhục, tủy lợn mỗi vị 12g.
  • Thực hiện: Làm thành viên, mỗi ngày dùng 25g.
  • Tác dụng chính: Trị di tinh, mộng tinh

5.14. Bài thuốc chữa viêm loét lợi

  • Chuẩn bị: Tri mẫu 8g, thạch cao sống 40g; sinh địa, huyền sâm mỗi vị 16g; hoàng cầm, liên kiều, ngưu bàng tử, bạc hà, ngọc trúc, thăng ma, mỗi vị 12g; hoàng liên 8g.
  • Thực hiện: Đem các thảo dược sắc lấy nước uống. Ngày dùng 1 thang, uống khi còn ấm
  • Tác dụng chính: Chữa viêm loét lợi

5.15. Bài thuốc chữa viêm khớp dạng thấp

  • Chuẩn bị: Tri mẫu 12g; thạch cao 30g; kim ngân, tang chi mỗi vị 20g; nganh mề 16g; tần giao 12g; cam thảo, quế chi mỗi vị 4g.
  • Thực hiện: Đem các thảo dược sắc lấy nước uống. Ngày dùng 1 thang, uống khi còn ấm
  • Tác dụng chính: Chữa viêm khớp dạng thấp

5.16. Bài thuốc chữa âm hư gầy yếu, mệt mỏi (Tri bá bát vị hoàn gia giảm)

  • Chuẩn bị: Tri mẫu, thục địa, sinh địa mỗi vị 20g; mẫu đơn bì, hoàng bá, hoài sơn, mỗi vị 121g; trạch tả, bạch phục linh, sơn thù, mỗi vị 8g.
  • Thực hiện: Đem sắc uống 1 thang/ ngày hoặc vo thành viên rồi uống 25g/ngày.
  • Tác dụng chính: Chữa âm hư gầy yếu, mệt mỏi.

5.17. Bài thuốc chữa huyết áp cao, nhức đầu, hoa mắt, khó ngủ

Sử dụng bài thuốc Tri bá bát vị hoàn gia giảm nêu ở trên và thêm thảo quyết minh sao 20g, chi tử 12g.

5.18. Bài thuốc dân gian trị hắc lào, ban chẩn, dị ứng

Đem mài tri mẫu với giấm và bôi lên vết thương, ngày 2-3 lần.

6. Một số món ăn (phương thuốc) bổ dưỡng từ tri mẫu

6.1. Tri mẫu ngân nhĩ hoá dịch thang (thang ngân nhĩ, Tri mẫu hoá tinh dịch)

  • Chuẩn bị: Ba ba 1 con, Thiên môn đông 10g, Tri mẫu 10g, Nữ trinh tử 10g, Hoàng bá 10g, Ngân nhĩ 15g, Gia vị vừa phải
  • Thực hiện: Ngân nhĩ đem ngâm nở, rửa sạch, bỏ các vị thuốc vào túi vải thắt miệng lại. Ba ba nhúng vào nước sôi cho chết, bóc mai, vứt bỏ lòng ruột, đầu, móng, lấy thịt cho vào nồi, thêm nước, gừng thái miếng, hành sắt khúc vào, đun to lửa cho sôi, sau đó đun nhỏ lửa lại, ninh cho thịt gần chín, cho ngân nhĩ và túi thuốc vào, khi nào thịt nhừ thì lấy ra khỏi nồi, thêm mì chính vào, ăn thịt uống thang.
  • Công dụng: Dùng cho người tinh dịch không hoá được.

6.2. Nhị mẫu đoàn ngư thang (thang ba ba, Tri mẫu bối mẫu)

  • Chuẩn bị: Ba ba 1 con, Tri mẫu 15g, Điền hạnh nhân 15g, Ngân sài hồ 15g, Bối mẫu 15g
  • Thực hiện: Ba ba sau khi làm thịt, rửa sạch, lấy thịt, chặt miếng, cho vào nồi cùng 4 vị thuốc trên, thêm vừa phải nước, nấu cho đến khi thịt chín. Ăn thịt uống thang, có thể cho thêm ít muối vừa ăn.
  • Công dụng: Dùng cho người phế thận âm hư, cốt chưng triều nhiệt, nóng gan bàn tay bàn chân, đổ mồ hôi trộm, ho, họng khô v.v… hoặc bị bệnh lao thuộc diện âm hư phát nhiệt.

6.3. Tri mẫu thục phụ tử chúc (cháo Tri mẫu, thục phụ tử)

  • Chuẩn bị: Thục phụ tử 9g, Mai rùa 18g, Tri mẫu 9g, Gạo lứt 60g, Hà thủ ô 15g, Đường đỏ vừa phải.
  • Thực hiện: Cho cả Thục phụ tử, Tri mẫu, hà thủ ô, mai rùa vào túi vải, sắc thang bỏ bã, sau đó cho gạo lứt, đường đỏ vào nước đó, nấu cháo. Ngày ăn 1 thang, ăn liền 7-8 thang.
  • Công dụng: Trị viêm tai giữa do thận hư sinh ra.

6.4. Tri mẫu mẫu lệ liên tử thang (thang Tri mẫu, con hà, hạt sen)

  • Chuẩn bị: Con hà tươi 20g, Hạt sen 30g, Tri mẫu 6g, Đường trắng 1 thìa
  • Thực hiện: Con hà và Tri mẫu cho vào nước, nấu sôi trong vòng nửa giờ, chắt lấy nước. Hạt sen rửa sạch, đổ nửa bát nước nóng ngâm trong 1 giờ, đổ lẫn cả nước ngâm vào nồi đất, cho nước thuốc vào, đun nhỏ lửa một giờ, cho đường trắng vào đun thêm 1 giờ nữa, cho tới khi hạt sen nhừ nát. Dùng làm món điểm tâm.
  • Công dụng: Dùng cho người mộng di do tướng hoả vượng, huyết áp thiên cao.

6.5. Nhị mẫu nhị đông cao (cao 2 đông 2 mẫu)

  • Chuẩn bị: Thiên môn đông 150g, Tri mẫu 100g, Đường phèn 200g, Mạch môn đông 150g, Bối mẫu 50g
  • Thực hiện: Đem 5 vị thuốc trên sắc 3 lần nước, lấy 2000 ml, cho đường phèn vào, đun nhỏ lửa cô lại thành cao, pha thêm chất chống thối vào. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 15 – 20g.
  • Công dụng: Dùng để trị bệnh ho khan do phế âm hư, thổ huyết, đổ máu cam có tính qui luật vào mỗi kỳ kinh và trước khi hành kinh, lượng huyết hồng nhiều, đầu váng tai ù, buồn bực nóng nảy dễ nổi giận, đau tức hai bên lườn v.v…

6.6. Tri bá sâm đông chúc (cháo Tri mẫu, hoàng bá, nhân sâm mạch môn đông)

  • Chuẩn bị: Tri mẫu 15g, Mạch môn đông 25g, Gạo lức 60g, Hoàng bá 15g, Trần bì 5g, Nhân sâm 10g, Cam thảo 2,5g
  • Thực hiện: Đem các vị thuốc trên sắc 2 lần nước, trộn lẫn, lọc lấy nước. Sau đó đổ gạo vào nấu cháo. Ăn nóng vào hai bữa sáng, tối.
  • Công dụng: Dùng đặc trị các chứng khí hư lao thương, mặt vàng gầy còm, khí khiếp thần li, động tác mỏi mệt, buổi sáng ho phiền nhiệt, buổi chiều thở hổn hển.

7. Một số lưu ý khi sử dụng tri mẫu

– Tri mẫu có tác dụng hoạt trường, do đó, chống chỉ định trong trường hợp tỳ hư, tiêu chảy và các chứng bệnh thuộc biểu chưa giải được.

– Người phế hàn mà ho, thận khí quá hạ mà không có hỏa tàng thì cũng không nên dùng.

– Không nên sử dụng tri mẫu quá nhiều, vì dễ gây đi tả.

– Trước khi đem sử dụng tri mẫu, cần rửa sạch để tránh bụi bẩn và thuốc trừ sâu.

Có thể thấy, tri mẫu là một vị thuốc quý, được dùng trong nhiều bài thuốc tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, cũng giống như bất kỳ loại dược liệu nào khác, không nên lạm dụng để tránh những tác hại với sức khỏe.

5/5 – (363 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *