Chữa đái ra máu do viêm nhiễm mạn tính đường tiết niệu
Chữa sốt cao, li bìm mê sảng trong bệnh sởi trẻ em
Chữa viêm phổi ở trẻ em thể phong nhiệt, sốt cao
Điều trị các triệu chứng sốt cao, hôn mê, co giật trong viêm não Nhật Bản B
Chữa sốt cao phiền khát, ra mồ hôi nhiều
Một số bài thuốc
Danh pháp
Tên khoa học
Anemarrhena asphodeloides
Tên tiếng Việt
Tri mẫu, Chi mâu
Phân loại khoa học
Giới Plantae
Bộ Asparagales
Họ Liliacea (Họ Bách hợp)
Chi Anemarrhena
Loài A. asphodeloides
Mô tả cây
Tri mẫu lúc đầu được gọi là Chi mâu – trứng con kiến, vì lúc mầm cây này mọc lên trong giống trứng của con kiến. Sau đọc chệch thành Tri mẫu.
Tri mẫu là một loại cây cỏ sống lâu năm. Thân rễ dày, dẹt, mọc ngang boa bọc bởi những phần còn sót lại của gốc lá, màu đỏ hay vàng đỏ, mặt trong màu vàng. Lá mọc vòng, tụ tập ở gốc thành cụm, hình dài, dài khoảng 20 – 70cm, rộng 3 – 6mm, hẹp, đầu thuôn nhọn, phía dưới gốc có bẹ to mọc ôm vào nhau, hai mặt nhẵn.
Cụm hoa mọc từ giữa túm lá thành hình bông hoa nhỏ, hơi cong, cán thẳng và dài 0,5 – 1m; hoa nhỏ, mùi thơm, thường nở vào buổi chiều, bao hoa màu trắng hay tía nhạt, chia 6 thùy dính nhau ở gốc; nhị 3, chỉ nhị rất ngắn; bầu 3 ô, vòi nhị hình chỉ.
Quả nang, hình trứng, nhọn đầu, có cánh; hạt 1 -2, hình tam giác, màu đen.
Sinh thái
Mùa hoa: tháng 7 – 8.
Phân bố
Trên thế giới
Phân bố thường ở các tỉnh ở Trung Quốc
Tại Việt Nam
Cho đến nay nước ta vẫn phải nhập Tri mẫu từ Trung Quốc, chưa thấy trồng ở nước ta.
Bộ phận dùng
Thân rễ Tri mẫu được sử dụng để làm thuốc.
Thu hái, chế biến
Thu hái
Thu hoạch vào mùa xuân, thu, thường vào tháng 3 – 4.
Chế biến
Đào lấy thân rễ.
Tri mẫu: Loại tạp chất, rửa sạch, cắt bỏ rễ con, ủ mềm, thải lát dày, phơi khô.
Tri mẫu chế muối: Đem Tri mẫu rang trên lửa nhỏ đến khô, lấy ra tẩm nước muối, lại đem đi sao khô, lấy ra để nguội (100kg Tri mẫu phiến dùng 2,8kg muối).
Bảo quản
Để dược liệu ở nơi khô ráo, tránh ẩm, sâu mọt
Thành phần hóa học
Trong thân Tri mẫu chứa nhiều saponin và sapogenin steroid, chủ yếu là sarsasapogenin cùng với các sarsa – sapogenin glycosid; có một chất saponin gọi là asphonin. Ngoài ra còn một chất có tinh thể chưa được xác định.
Thuộc nhóm này có các timosaponin bao gồm timosaponin A – (I, II, III, IV), timosaponin B – (I, II, III).
Cũng thuộc nhóm saponin và sapogenin steroid có anemarsaponin F, G; nhóm furostanol saponin trong dó có anemarsaponin B, C, E.
Theo quy định của Dược điển Trung Quốc 1997, Tri mẫu phải chứ ít nhất 1% sarsasapogenin, tính theo nguyên liệu khô kiệt.
Ngoài ra, Tri mẫu còn chứa nhiều chất thuộc các nhóm hóa học khác: nhóm norlignan (có ở thân rễ), nhóm glycan (thân rễ), nhóm xanthon C – glucosid (ở phần trên mặt đất).
Mangiferin thấp nhất vào tháng 3 (0,12%), cao nhất vào tháng 4 (1,26%).
Nhóm các chất khác gồm: nonacosanol và acid octacosanoic.
Tác dụng dược lý
Tri mẫu có các tác dụng kháng khuẩn, hạ sốt, ức chế ngưng kết tiểu cầu, ức chế ung thư biểu mô và hạn chế tổn thương do tia xạ.
Cao chiết với nước – methanol từ thân rễ Tri mẫu có tác dụng hạ đường huyết trên chuột nhắt trắng.
Phân đoạn saponin từ thân rễ Tri mẫu và sản phẩm thủy phân sarsasapogenin cũng như dẫn chất hemisucinyl còn nhanh hơn cả tác dụng của ouabain.
Sarsasapogenin cũng ức chế Na+/K+/ATPase của hồng cầu người in vitro. Tác dụng ức chế phát triển chậm và có thể tăng lên do ion Na+ từ bên ngoài và đối kháng bởi ion Rb+ từ bên ngoài. Tác dụng ức chế trên ATPase có thể có liên quan đến tác dụng hạ sốt của sarsasapogenin.
Norlignan hinokiresinol và dẫn chất oxy và tetrahydro – đều thể hiện hoạt tính ức chế đáng kể trên AMP vòng phosphodiesterase in vitro. Ngoài ra, binokiresinol kéo dài thời gian giấc ngủ gây bởi hexobarbital trên chuột nhắt trắng khi cho với liều 25 – 100mg/kg.
Bốn glycan phân lập từ thân rễ của Tri mẫu là anemaran A, B, C và D thể hiện tác dụng hạ lượng đường huyết có ý nghĩa trên chuột nhắt trắng bình thường và chuột gây tăng đường máu bằng aloxan.
Một chế phẩm thuốc cổ truyền được Trung Quốc bào chế từ thân rễ Tri mẫu và rễ Sinh địa được thử nghiệm trên chuột nhắt, mắc một type đái tháo đường không phụ thuộc insulin. Chế phẩm này làm giảm đường máu ở chuột nhắt. Thuốc cũng làm giảm đường máu và làm tăng sự dung nạp glucose 5 tuần sau khi cho uống những liều lặp lại trên chuột nhắt.
Các norlignan 1,3-di-p-hydroxyphenyl-4-penten-1-on và cis-hinokiresinol phân lập từ cao methanol của thân rễ Tri mẫu thể hiện hoạt tính ức chế hyaluroidase trong thử nghiệm trên đĩa vi lượng với nồng độ ức chế 50%.
Các hợp chất chống dị ứng trong đó có baicalein phosphat và di-natri-cromoglycat không chỉ có tác dụng ức chế sự giải phóng histamin mà còn có hoạt tính kháng hyaluronidase.
Hinokiresinol có tác dụng ức chế mạnh sự gắn của leucutrien B4 vào các thụ thể trên các bạch cầu hạt trung tính còn nguyên vẹn của người. Các chất kháng với thụ thể của leucotrien B4 có hoạt tính chống viêm.
Tính vị, quy kinh
Khổ, cam, hàn, không độc. Quy vào ba kinh phế, vị, thận.
Công năng: Thanh nhiệt, tả hỏa, trừ phiền chỉ khát, nhuận tảo, bổ thủy, tăng tân dịch, ích khí, hoạt trương..
Chủ trị: Nhiệt bệnh có sốt cao khát nước, trào nhiệt, phế thận âm hư có cốt chưng; ruột ráo táo bón, nội nhiệt tiêu khát.
Công dụng và liều dùng
Công dụng
Tri mẫu thường được dùng làm thuốc chữa ho, tiêu đờm, chữa sốt, sốt do viêm phổi, đo đờm thở dốc, ho lao sốt âm ỉ về chiều và đêm.
Còn được sử dụng để trị đái tháo đường, ngực nóng khó chịu, đại tiện táo bón, tiểu tiện vàng, ít, phụ nữ động thai.
Theo y học cổ truyền Trung Quốc, Tri mẫu được dùng làm thuốc hạ sốt, an thân và lợi tiểu; trị các bệnh sốt và nhiễm khuẩn, bệnh lang ben phối hợp với các dược liệu khác
Dùng ngoài, Tri mẫu mài với giấm bôi tri hắc lào.
Liều dùng
Ngày dùng từ 6 – 12g, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán.
Các thầy thuốc thường dùng phối hợp Tri mẫu với các vị thuốc khác.
Một số bài thuốc
Chữa sốt cao phiền khát, ra mồ hôi nhiều
Tri mẫu, Mạch môn, Trá tre, mỗi vị 20g. Sắc uống với bội thạch cao nung 12g chia làm 3 lần.
Điều trị các triệu chứng sốt cao, hôn mê, co giật trong viêm não Nhật Bản B
Tri mẫu 16g; Thạch cao 40g; Kim ngân, Huyền sâm, Sinh địa, mỗi vị 16g; Hoàng liên, Liên kiều, mỗi vị 12g; Cam thảo 4g. Sắc uống.
Chữa ho lao sốt nhiều, ho đờm thở dốc
Tri mẫu 20g; Hoàng cầm, Sa sâm, Bách bộ, Địa cốt bì, Huyền sâm, mỗi vị 12g; Cam thảo 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Chữa viêm phổi ở trẻ em thể phong nhiệt, sốt cao
Tri mẫu, Liên kiều, Hoàng cầm, Hoàng liên,, mỗi vị 6g; Thạch cao 20g; Kim ngân hoa 16g; Tang bạch bì 8g; Cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
Chữa sốt cao, li bìm mê sảng trong bệnh sởi trẻ em
Tri mẫu, Sừng trâu, mỗi vị 8g; Huyền sâm, Gạo tẻ, mỗi vị 12g; Cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
Chữa đái ra máu do viêm nhiễm mạn tính đường tiết niệu
Tri mẫu, Chi tử sao đen 8g; Cỏ nhọ nồi; 16g; Hoàng bá, Sinh địa, Quy bản, rễ Cỏ tranh, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.
Bài thuốc trị âm hư, đau nhức xương
Tri mẫu, đơn bì, phục linh, trạch tả mỗi vị 12g; hoàng bá, sơn thù du mỗi vị 8g, địa hoàng 20g , sơn dược 16g .Sắc với nước đem uống.
Chữa dương vật cường luôn
Tri mẫu, Cam thảo sống, Hoàng bá, Mộc thông, Thiên môn đông, Xa tiền, mỗi vị 4g. Sắc uống.
Chữa đái dầm, nước tiểu vàng
Tri mẫu, Chi tử, Mộc thông, Sinh địa, Sài hồ, mỗi vị 8g; Hoàng bá, Long đởm thảo, Cam thảo, mỗi vị 6g. Sắc uống ngày 1 thang.
Chữa âm hư gầy yếu, mệt mỏi (Tri bá bát vi hoàn gia giảm)
Tri mẫu, Thục địa, Sinh địa, mỗi vị 20g; Mẫu đơn bì, Hoàng bá, Hoài sơn, mỗi vị 12g; Trạch tả, Bạch linh, Sơn thù, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang hay làm viên uống ngày 25g.
Chữa nóng âm, mồ hôi trộm, háo khát, ho khan, đái tháo đường
Dùng bài “Tri bá bát vị hoàn gia giảm” nêu trên, thêm Huyền sâm, Thiên môn, Thiên hoa phan, mỗi vị 16g.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng vị thuốc Tri mẫu
Người hư hàn không nên dùng.
Tri mẫu nên kiêng kỵ ở người bệnh thận dương hư – mạch hai bộ xích vi nhược và người bệnh đại tiện lỏng.
Tri mẫu uống lâu sinh đi lỏng.
Phụ nữ có thai không nên dùng vì chưa có chứng mình nào sử dụng Tri mẫu an toàn cho phụ nữ mang thai.
Tài liệu tham khảo
- 1. Đỗ Tất Lợi (2013), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Hồng Đức.
- 2. Trần, C. L., Đỗ, V. M., & Vũ, T. B. (2016). Giáo trình Dược liệu học.
- 3. Nguyễn Nhược Kim (2007). Bào chế đông dược.
- 4. Trường Đại Học Dược Hà Nội – Chủ biên: PGS. TS. Nguyễn Mạnh Tuyển (2021), Dược lý dược cổ truyền, NXB Y Học.