Có thể bạn chưa biết…
01
Trắc nghiệm tính cách MBTI là gì?
- Trắc nghiệm tính cách MBTI (Myers-Briggs Personality Type Indicator) là một phương pháp sử dụng bảng hỏi dạng trắc nghiệm để xác định loại tính cách, điểm mạnh, điểm yếu cũng như sở thích, cá tính của một cá nhân. Ngày nay, MBTI là một trong những công cụ đánh giá, phân loại tính cách được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Trung bình mỗi năm có khoảng 2 triệu người làm bài kiểm tra trắc nghiệm tính cách MBTI.
- Nghiên cứu về phân loại tính cách và phát triển trắc nghiệm tính cách MBTI được tiến hành từ Chiến tranh thế giới thứ II với mục đích hiểu được sự khác biệt trong tính cách của từng cá nhân. Bằng cách giúp mọi người hiểu hơn về bản thân mình, Myers và Briggs tin rằng họ có thể giúp mọi người lựa chọn nghề nghiệp phù hợp nhất với loại tính cách và có cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc hơn.
- Dựa trên đáp án của các câu hỏi trắc nghiệm, mọi người sẽ được phân loại vào 1 trong 16 loại tính cách. Mục tiêu của MBTI là cho phép người trả lời khám phá và hiểu thêm về tính cách của họ bao gồm sở thích, những gì không thích, điểm mạnh, điểm yếu, phù hợp với nghề nghiệp nào và khả năng tương tác với người xung quanh.
- Không có kiểu tính cách nào là “tốt nhất” hoặc “tốt hơn” so với kiểu tính cách khác. Trắc nghiệm tính cách MBTI không phải là một công cụ được thiết kế để tìm kiếm rối loạn chức năng hoặc bất thường. Thay vào đó, mục tiêu của nó chỉ đơn giản là giúp bạn tìm hiểu thêm về bản thân.
Bảng câu hỏi được tạo thành từ 4 thang đo khác nhau:
Bảng câu hỏi được tạo thành từ 4 thang đo khác nhau:
- Hướng ngoại (E) – Hướng nội (I): Cho thấy cách mọi người phản ứng và tương tác với thế giới xung quanh.
- Cảm nhận (S) – Trực giác (N): Thang đo này liên quan đến việc xem xét cách mọi người thu thập thông tin.
- Suy nghĩ (T) – Cảm nhận (F): Xác định cách mọi người đưa ra quyết định dựa trên thông tin mà họ thu thập được.
- Đánh giá (J) – Nhận thức (P): Xu hướng phản ứng và xử lý các vấn đề trong thực tế.
Mỗi yếu tố của 4 nhóm trên sẽ được kết hợp với nhau, tạo ra tổng thể 16 kiểu tính cách.
02
Vì sao cần trắc nghiệm MBTI
Trắc nghiệm tính cách MBTI không phải một “bài kiểm tra” bắt buộc nhưng giúp ích rất nhiều cho mỗi cá nhân trên hành trình hiểu đúng, đầy đủ về bản thân, lựa chọn nghề nghiệp phù hợp nhất với điều kiện của chính mình.
Với cá nhân
Các cá nhân làm trắc nghiệm MBTI chủ yếu là chủ động, một phần tò mò muốn hiểu hơn về mình, còn phần lớn là muốn dựa vào đó để có thêm căn cứ, cơ sở nhằm đưa ra các lựa chọn nghề nghiệp chính xác nhất. Trắc nghiệm tính cách MBTI giúp bạn:
- Hiểu rõ về bản thân, xác định chính xác những gì bạn thích và không thích, từ đó cải thiện giao tiếp, ứng xử, có cơ sở để đưa ra các quyết định quan trọng như chọn chuyên ngành học, nghề nghiệp.
- Nhận ra điểm mạnh và điểm yếu để phát huy tối đa điểm mạnh, khắc phục điểm yếu, từ đó tiến bộ, ngày một hoàn thiện và thăng tiến sự nghiệp.
- MBTI giúp bạn phân tích, phán đoán chính xác các tình huống và ra quyết định, giải quyết vấn đề hiệu quả, đối phó với căng thẳng, quản lý thói quen và hạn chế xung đột.
- Hiểu rõ hơn về người khác, xây dựng các mối quan hệ tích cực trong công việc và cuộc sống nhờ khả năng đoán biết, lường trước được tình huống, sau đó điều chỉnh hành vi để gia tăng sự hòa hợp.
- Hạnh phúc, hài lòng hơn với lựa chọn nghề nghiệp và các quyết định quan trọng khác trong cuộc sống.
Với nhà tuyển dụng
Ngày càng có nhiều nhà tuyển dụng sử dụng trắc nghiệm tính cách MBTI như một bài test để đánh giá, sàng lọc ứng viên ngay từ khi bắt đầu quá trình tuyển dụng vì MBTI giúp:
- Đánh giá chính xác mức độ phù hợp của ứng viên với vai trò, vị trí cụ thể, đồng thời xác định mức độ phù hợp với môi trường, văn hóa công ty.
Ví dụ, 2 ứng viên cho vị trí nhân viên lễ tân đều có kinh nghiệm, trình độ tương đương nhưng trắc nghiệm MBTI chỉ ra rằng ứng viên A có tính cách hòa đồng, dễ thích nghi và hợp tác trong khi ứng viên B là cá tính, sáng tạo và dễ cảm thấy nhàm chán với các nhiệm vụ lặp đi lặp lại. Lúc này, nhà tuyển dụng có thể dễ dàng đưa ra quyết định chính xác hơn (ứng viên A sẽ được cho là phù hợp hơn).
- Lựa chọn và định hướng ứng viên, nhân viên mới dựa trên khả năng làm việc độc lập hoặc teamwork của họ.
Về cơ bản, trắc nghiệm tính cách MBTI có thể là một công cụ hỗ trợ hữu ích cho cả các cá nhân và nhà tuyển dụng, doanh nghiệp để xác định nghề nghiệp và kết nối đúng người, đúng việc.
Về cơ bản, trắc nghiệm tính cách MBTI có thể là một công cụ hỗ trợ hữu ích cho cả các cá nhân và nhà tuyển dụng, doanh nghiệp để xác định nghề nghiệp và kết nối đúng người, đúng việc.
03
Lưu ý trước khi làm trắc nghiệm MBTI
Trước khi làm trắc nghiệm tính cách MBTI, bạn cần xác định rằng:
- Trắc nghiệm tâm lý nói chung đều mang tính chất tương đối.
- Giữ bình tĩnh và tỉnh táo khi làm bài test, cân nhắc kỹ dựa trên lựa chọn thực tế bạn sẽ đưa ra trong tình huống thực.
- Duy trì khả năng tập trung vì các câu hỏi trắc nghiệm khá dài, dễ gây xao nhãng.
- Dành đủ thời gian để trả lời các câu hỏi, không phóng đại hoặc lựa chọn các đáp án vì bạn cảm thấy như vậy sẽ tích cực hơn.
- Dù kết quả bạn thuộc nhóm tính cách nào, không có nghĩa là bạn tệ hơn hay tốt hơn nhóm khác, đơn giản là mọi người đều khác biệt.
- Trung thực với những lựa chọn của bạn, không chịu ảnh hưởng, tác động từ những người xung quanh.
- Kết quả trắc nghiệm MBTI có thể khác nhau tùy vào độ tuổi, kinh nghiệm của bạn, khi nhận thức và tâm trạng thay đổi thì nhóm tính cách có thể sẽ thay đổi theo.
- Tránh làm đi làm lại bài kiểm tra tính cách trong vòng một ngày, có thể thử lại sau 2 hoặc 3 tháng.
Nhìn chung, kết quả trắc nghiệm tính cách MBTI nên được sử dụng để tham khảo, hỗ trợ trong quá trình ra quyết định của bạn. Thành công trong xác định và xây dựng sự nghiệp tương lai của bạn sẽ phụ thuộc phần nhiều vào sự nỗ lực.
04
MBTI và nghề nghiệp
Mọi người đều muốn hiểu hơn về mình để xác định nghề nghiệp một cách khách quan. Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc xác định mục tiêu nghề nghiệp hoặc chưa chắc chắn về những công việc phù hợp, những gì bạn muốn làm thì kết quả MBTI có thể là kim chỉ nam, đưa ra gợi ý khách quan nhất.
Các ngành nghề khác nhau đòi hỏi sự kết hợp khác nhau giữa các đặc điểm tính cách, kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng mềm để thành công. Lựa chọn nghề nghiệp dựa trên MBTI có thể hữu ích, nhưng cũng có một số điều khác bạn nên cân nhắc đến các yếu tố tổng thể như:
- Xem xét điểm mạnh và điểm yếu của bạn
- Đánh giá mục tiêu
- Đánh giá đúng kỹ năng chuyên môn
- Cân nhắc dựa trên kỹ năng mềm và năng khiếu bạn có
- Kết quả trắc nghiệm tính cách MBTI
- Xác định sở thích của bạn.
05
Bảng % dân số theo nhóm tính cách
- ISTP: 5%
- ISTJ: 12%
- ISFP: 9%
- ISFJ: 14%
- INTP: 3%
- INTJ: 2%
- INFP: 4%
- INFJ: 2%
- ESTP: 4%
- ESTJ: 9%
- ESFP: 9%
- ESFJ: 12%
- ENTP: 3%
- ENTJ: 2%
- ENFP: 8%
- ENFJ: 3%
Lưu ý: Tỷ lệ phần trăm dân số thuộc các nhóm tính cách khác nhau giúp bạn hình dung được mức độ phổ biến cũng như ít phổ biến, hiếm gặp của 16 nhóm tính cách. Dù kết quả bài trắc nghiệm MBTI cho thấy bạn thuộc nhóm tính cách nào, tỷ lệ phần trăm cao hay thấp thì điều đó không có nghĩa là bạn ưu việt hay kém cỏi hơn những người thuộc nhóm khác.
Trắc nghiệm MBTI là một phương pháp đánh giá, phân loại nhóm tính cách được áp dụng rộng rãi từ lâu, giúp mọi người hiểu rõ hơn về chính mình và những người xung quanh, đặc biệt có ý nghĩa đối với việc chọn ngành, chọn nghề nghiệp. Bạn hãy coi MBTI là một phương pháp hỗ trợ, khách quan nhưng trên hết, hãy tin vào chính mình. Cho dù bạn lựa chọn nghề nghiệp nào đi chăng nữa, JobOKO sẽ luôn đồng hành cùng bạn trên con đường hướng đến các mục tiêu sự nghiệp. Chúc bạn thành công!