Tôn Trung Sơn (1866-1925) là nhà chính trị cách mạng tiên phong của phong trào cách mạng dân chủ Trung Quốc đầu thế kỷ XX, ông đã sáng tạo ra một hệ thống lý luận chính trị cách mạng sâu sắc – chủ nghĩa Tam dân, làm tôn chỉ cách mạng dẫn đường cho Cách mạng Tân Hợi 1911 thành công, lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế kéo dài hơn hai ngàn năm và thiết lập nên nhà nước cộng hoà đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.
Các bài viết trong cuốn sách là tập hợp những tham luận trong Hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 140 năm ngày sinh Tôn Trung Sơn và 95 năm Cách mạng Tân Hợi do Viện Nghiên cứu Trung Quốc tổ chức với mục đích để các nhà sử học, Trung Quốc học nhìn nhận lại một cách khách quan và sâu sắc hơn về Tôn Trung Sơn, về Cách mạng Tân Hợi và ảnh hưởng qua lại giữa phong trào cách mạng hai nước Việt Nam – Trung Quốc đầu thế kỷ XX cho đến nay.
Tôn Trung Sơn, được các nhà nghiên cứu lịch sử Trung Quốc hiện nay đánh giá là một trong “ba vĩ nhân của lịch sử hiện đại Trung Hoa” cùng với Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Lênin đánh giá cuộc Cách mạng Tân Hợi do ông lãnh đạo là “một nhân tố tiến bộ lớn đối với châu Á và đối với loài người”. Quan điểm của ông là sự kết hợp giữa “văn minh chính trị” phương Tây với truyền thống văn hoá và thực tiễn cụ thể của Trung Quốc lúc bấy giờ với những luận giải khoa học và hết sức thuyết phục về chủ nghĩa dân tộc, dân quyền, dân sinh…
Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích cho bạn đọc, bởi cho đến nay, những luận điểm của ông vẫn mang tính thời sự, có tác dụng gợi mở đối với thế hệ trẻ, cả ở Trung Quốc và nước ngoài.
Sách gồm 174 trang, giá 25.000đ.
GIAO LINH