Khổ
Khổ hay không là do tâm mình, không phải do hoàn cảnh bên ngoài tác động. Khi chúng ta càng biết thu gọn lại những mong cầu không cần thiết, giới hạn sự hưởng thụ, giảm bớt lòng tham, khi chúng ta càng biết đủ, biết hài lòng và trân trọng những gì mình đang có, thì chúng ta càng bớt khổ.
Bên cạnh đó, để bớt khổ thì chúng ta cũng nên điều chỉnh tâm thức của mình khi đối mặt với khổ đau, nhìn nhận chúng ở 1 khía cạnh tích cực. Có khổ, bạn mới hiểu được giá trị của hạnh phúc, mới có thể đồng cảm với nỗi khổ của người khác. Có khổ, bạn mới xây dựng đủ sức mạnh nội tại để bước đi giữa thăng trầm 1 cách ung dung, tự tại & không lo sợ.
Dù bạn có tài năng đến đâu thì sự bất như ý vẫn sẽ xảy ra như lẽ tự nhiên, ta không thể mong cầu cuộc đời luôn bằng phẳng. Thay vào đó, hãy mong cầu bản thân đủ vững vàng để vượt qua sóng gió. Hãy ngưng đổ lỗi, không chống đối và luôn nhìn vào mặt tích cực. Lúc này, bạn sẽ không còn thấy thống khổ nữa.
Tuyệt vọng
Tuyệt vọng là phản ứng chống trả nhất thời của bản ngã, xảy ra khi chúng ta chưa đủ cam đảm để chấp nhận thực tại.
Cách để chữa lành sự tuyệt vọng, đó là hãy chấp nhận nó, đừng cố che đậy hay phủ nhận. Hãy nhớ rằng dù bạn có đang tuyệt vọng đến thế nào, rồi chúng cũng sẽ biến đổi như mọi hiện tượng tâm lý khác chứ không kéo dài mãi mãi.
Hãy buông bỏ hết mọi tranh đấu, toan tính ngoài kia & dành cho mình khoảng thời gian thử thả, 1 không gian yên tĩnh, hoà mình vào thiên nhiên. Khi con người ta tiếp xúc sâu sắc với những điều tươi đẹp đang hiện hữu bằng thái độ cởi mở, vô tư & không lo nghĩ, những tổn thương dẫn sẽ được chữa lành. Lúc bình tâm lại, bạn sẽ hiểu được rằng, có phiền não mới có sự giác ngộ và có tâm vững chãi.
Lo lắng
Sự sợ hãi, lo lắng bắt nguồn từ việc bạn thiếu niềm tin vào kiến thức và kinh nghiệm của bản thân, thiếu bản lĩnh để chấp nhận mọi tình huống xảy ra mà không sợ mình bị mất giá trị hay tổn thương.
Lo lắng ở 1 mức độ nhất định, mặc dù có thể thúc đẩy ta làm việc siêng năng hơn, nhưng cũng có thể khiến tâm trí luôn bị chiếm đóng bởi những âm thanh hỗn loạn, từ đó khiến ta mệt mỏi, tê liệt và không còn sáng suốt. Bí quyết để sống không lo lắng, là rèn cho mình thái độ sống tuỳ duyên.
Tuỳ duyên không phải thái độ sống buông xuôi, mà là cách sống luôn phấn đấu, cố gắng đạt được mục tiêu với tâm bình tĩnh. Đó là cách sống và làm việc hết mình nhưng sẵn sàng đón nhận kết quả tồi tệ nhất, là cách sống trọn vẹn & sâu sắc cho hôm nay mà không lo lắng về quá khứ hay tương lai. Chính thái độ sống tập trung vào quá trình, vào hiện tại, không quan trọng kết quả thành bại mới có thể giúp ta có đủ sự sáng suốt để đi đúng hướng.
Khi bạn không kiểm soát được lo lắng, hãy thử áp dụng 2 cách dưới đây:
Cách 1: Viết lo lắng lên giấy và nghĩ về giải pháp. Sau đó, dồn hết năng lượng để áp dụng những giải pháp ấy. Khi đã hoàn thành, đừng nghĩ về kết quả mà hãy loại bỏ chúng ra khỏi suy nghĩ. Tập trung vào điều bạn cần làm tiếp theo.
Cách 2: Hãy tạm gác suy nghĩ về vấn đề bạn đang phải đối mặt lại bằng cách tìm lại năng lượng từ thiên nhiên, thả lỏng, nghỉ ngơi, chú tâm vào hơi thở, vào những điều đang hiện trước mắt bạn ở thời điểm hiện tại trong vài giờ hoặc vài ngày. Bạn sẽ nhận thấy tâm mình an định và sáng suốt hơn so với thời điểm bị những suy nghĩ lo lắng chiếm đóng.
Do dự
Chọn lầm đường chưa chắc đã nguy hiểm bằng do dự. Nếu bạn cứ lưỡng lự mãi thì sẽ làm xói mòn những cơ hội trong tương lai. Đừng quá lo lắng cho con đường mình đã chọn, vì những gì ta học hỏi, phát triển được trong quá trình đi trên con đường ấy mới quan trọng.
Nói vậy, không phải cổ xuý bạn tin vào may rủi & phó thác vào số phận. Hãy chỉ “liều” khi bạn đã xây dựng được nền tảng kiến thức & kinh nghiệm, khi bạn đã kiến tạo cho mình điều kiện đủ đầy nhất có thể để đạt được mục tiêu mong muốn.
Tức giận
Có 2 lý do chính khiến con người ta dễ tức giận. Thứ 1, là do sự nuông chiều của cha mẹ, khiến ta có tâm thế mình luôn là trung tâm, mọi việc phải theo đúng ý mình. Thứ 2, là do tâm thức cho rằng nổi giận là sức mạnh, là bản năng tự vệ để người khác không dám động đến quyền lợi mình.
Nếu là nguyên do thứ 1, thì cần có người giúp bạn thay đổi nhận thức rằng con người ai cũng bình đẳng như nhau. Bạn bình thường như bao người khác, ý kiến của bạn cũng như ý kiến của mọi người, không kể vai về hay địa vị trong xã hội. Ta là trung tâm của chính mình, nhưng với công động – ta chỉ là 1 nhân tố nhỏ. Con người chúng ta luôn phải nương tựa và trợ giúp vào nhau để tồn tại, nếu không muốn sống cô độc, ta cần học cách tôn trọng sự khác biệt & tôn trọng người khác.
Nếu là nguyên do thứ 2, thì chúng ta phải hiểu rằng nhận thức trên là sai lầm. Khi ta càng đáp trả, cơn giận càng lớn mạnh & đốt sạch năng lượng trong chính con người ta, khiến mọi lời nói và hành động vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Có phải làm như vậy là sẽ giải quyết được gốc rễ vấn đề hay càng làm tình hình tệ hơn?
Khi đang tức giận ai đó, đừng nói thêm lời nào, đừng phân bua đúng sai mà hãy tìm nơi vắng vẻ để ngồi 1 mình khoảng 15-20 phút. Tập trung vào hơi thở để lắng dịu cơn giận, rồi sau đó tìm cách giãi bày sự không hài lòng 1 cách hiểu biết và thiện chí. Bạn đừng cố giữ cơn giận trong lòng, càng không bày tỏ thành lời, cơn giận với đối phương và cảm xúc tiêu cực càng âm ỉ lâu bên trong bạn.
Nếu bạn có thể rộng lượng bỏ qua khi bị ai đó làm tổn thương, hiểu rằng họ phải trải qua những điều tiêu cực hay áp lực trong quá khứ mới hành xử như vậy, thì chính tâm bạn được an yên trước tiên, chính bạn đã không chọn để những lời nói hay hành động tiêu cực đó làm xáo trộn nhân tâm mình.
Nghi ngờ
Nghi ngờ là cảm xúc rất bình thường của con người, nó xảy ra khi bạn nhận thấy 1 sự kiện nào đó đi ngược với nguồn thông tin/kiến thức/kinh nghiệm đã định sẵn trong bạn. Tuy nhiên, nghi ngờ tích cực hay tiêu cực lại tuỳ vào nhận thức của mỗi người.
Có người, nghi ngờ giúp họ phát triển, bởi “đại nghi đại ngộ”, càng có nhiều thắc mắc, thì người này càng muốn học hỏi để đi tìm câu trả lời. Có người, nghi ngờ là cách để bảo vệ cái tôi khỏi bị tổn thương, là tâm lười biếng lười tìm hiểu. Họ không mở lòng để tin vào người khác, để học hỏi & tìm hiểu thêm những thứ mới, mà mặc định xác nhận nghi ngờ dựa trên thành kiến cũ ấy là đúng. Họ luôn trong tâm thế đi tìm kiếm chứng cứ củng cố thêm nghi ngờ của họ, từ đó khiến cả bản thân và đối phương mệt mỏi.
Nghi ngờ dẫn đến phán xét. Khi thấy bản thân đang có những nhận định tiêu cực về ai đó, hãy luôn hỏi lòng “có chắc không”, “liệu có phải là điều thấy vậy nhưng không phải vậy” để tạo cho mình cơ hội được quan sát và tìm hiểu người khác nhiều hơn, rất có thể bạn chỉ thấy đc 1 mặt của con người họ.
Kể cả khi suy nghĩ của bạn là đúng đi nữa, đừng cho rằng người kia mãi mãi như vậy. Con người có thể chuyển hoá, hãy luôn cho họ cơ hội bằng cách nhìn nhận họ ở con người hiện tại. Đừng dùng thành kiến của mình để tỏ thái độ ứng xử kém tôn trọng người, cũng đừng giao truyền nhận định cá nhân của bạn về họ đi khắp nơi để mong cầu sự đồng thuận của số đông, để bảo vệ cái bản ngã hẹp hòi của mình.
Một lần nữa, vũ trụ này luôn công bằng. Bạn gửi tần số xấu về ai đó với người khác, thì sớm muộn ta cũng sẽ phải đón nhận lại nó, cả gốc và lãi. Vì vậy, trừ khi bạn thật lòng muốn giúp đỡ người khác bằng cách chia sẻ & góp ý trực tiếp với họ, nếu không đừng bao giờ buông lời phán xét làm tổn hại đến người, và cũng huỷ mầm sống của chính mình.
Thất bại
Thất bại là điều bình thường và đương nhiên cần diễn ra để chúng ta có được bài học cho riêng mình. Đó là cơ hội để để bạn nhìn nhận lại bản thân, để cái tính hiếu thắng, tự mãn, chủ quan rơi rung bớt, để khả năng sinh tồn được rèn luyện, để cái tôi yếu đuối trong bạn mạnh mẽ hơn.
Khi thất bại, bạn sẽ nhận ra rằng yếu tố chính dẫn đến thất bại là tâm mưu cầu, tâm ham muốn của bạn quá lớn, vượt qua khỏi những kinh nghiệm và kỹ năng bạn có được. Khi bạn chưa đủ vững vàng thì đừng mong cầu thành công, hãy đón nhật sự thất bại như 1 cách để tôi luyện sự chịu đựng và chuyển hoá tâm tính của mình. Con người muốn có sự nghiệp lớn, phải biết huy động mọi năng lượng tích cực để đương đầu với nghịch cảnh, để giữ được sự hăng hái trên con đường chông gai.
Khi thất bại, bạn đừng vội vàng, đừng nôn nóng bắt đầu lại để chứng tỏ giá trị bản thân, mà hãy kiên nhẫn chờ đến khi tâm mình đủ tĩnh lại và vết thương lành hẳn. Lúc ấy, bạn mới đủ tỉnh táo để nhìn nhận lại lỗi lầm, để sáng suốt để vạch ra mục tiêu mới phù hợp với bản thân hơn. Cuối cùng, hãy luôn nhớ rằng thất bại cũng chỉ là 1 phần của cuộc sống, nó không ảnh hưởng đến giá trị bên trong con người bạn. Thất bại thực sự, là khi bạn không giữ được niềm tin vào chính mình nữa.
Tham vọng
Sống mà không vươn lên, không có tham vọng phát triển bản thân là kiếp sống mòn. Chúng ta chỉ có thể đạt được mơ ước khi nỗ lực, chăm chỉ & luôn giữ được sự hăng hái để tiến lên phía trước. Tuy nhiên, cũng giống như “sự nghi ngờ”, tham vọng tích cực hay tiêu cực tuỳ vào nhận thức của mỗi người.
Bởi tâm tham vọng thường kèm theo những áp lực, mệt mỏi, phiền não, và nguy hiểm hơn đó là đánh mất nhân cách, sống ích kỷ, tham lam. Bạn cần rèn cho mình sức mạnh nội tại khi đương đầu với tham vọng để nó không khiến con người bạn trở nên hèn kém, bằng cách áp dụng 5 điều dưới đây:
Thứ 1: Giữ sự khiêm tốn, luôn mở lòng để học hỏi, không ngừng mài giũa tài năng, trau dồi kiến thức từ sách vở và kinh nghiệm của người đi trước.
Thứ 2: Quan sát kỹ diễn biến của “tâm tham” trong suốt lộ trình & kiểm soát nó. Tự hỏi thành quả mình gặt hái được có hướng tới phục vụ lợi ích của mọi người, có khiến xã hội trở nên tốt đẹp hơn, hay chỉ chăm chăm vào lợi ích cá nhân hay gia đình.
Thứ 3: Tạo được sự cân bằng giữa đời sống đời thường và tham vọng trong công việc.
Thứ 4: Ý thức được rằng tham vọng này không phải lý do duy nhất để bạn thấy được giá trị của mình. Nếu không đạt được cũng không lung lay niềm tin vào bản thân.
Thứ 5: Khi tham vọng trở nên như ý, bạn phải hiểu rằng thành công bạn đạt hôm nay, ngoài sự cố gắng của bản thân, bạn cũng phải phải nương nhờ vào vô số điều kiện bên ngoài giúp đỡ. Một mình bạn không thể làm được gì, vậy nên đừng kiêu ngạo.
Cô đơn
Khi bạn cảm thấy cô đơn, là do cái tôi của bạn còn quá lớn, và còn nhìn người khác bằng ánh mắt phân biệt.
Cuộc sống ngày nay khiến chúng ta luôn trong trạng thái phòng thủ và sống khép kín, không muốn sống thật, không muốn người khác nhìn thấy lỗi lầm hay yếu điểm của mình để bị đánh giá thấp. Hoặc càng lên đỉnh cao của danh vọng, ta càng tách biệt với mọi người & không cho họ có cơ hội tiếp cận mình, ta thấy mình phi thường còn người khác tầm thường. Ai muốn chia sẻ, trò chuyện với những người luôn tạo bức tường ngăn cách ấy, những người vẫn còn quá nâng niu và muốn bảo vệ cái tôi của mình. 1 người vướng vào cảm xúc tự ti hay tự tôn đều khiến họ trở nên cô lập với cộng đồng xung quanh.
Để hết cô đơn, đơn giản hãy mở cửa trái tim, hãy mở lòng với tất cả mọi người mà không kỳ thị phân biệt. Hãy chủ động chia sẻ, giúp đỡ & tạo cảm giác dễ chịu gần gũi với mọi người, đừng sợ bị tổn thương. Một người tử tế, rộng lượng, luôn mở lòng & luôn tôn trọng người khác sẽ không bao giờ cảm thấy cô đơn, cho dù họ sống 1 mình đi chăng nữa.
Yếu đuối
Con người ta ai cũng có lúc yếu đuối, đó là khi ta đánh mất sự tỉnh thức và để cảm xúc dẫn dắt bản thân mình. Nếu ta cứ để cho sự yếu đuối đó trở thành thói quen lâu ngày, cứ mặc kệ và không chuyển hoá nó, thì ta sẽ gặp phải vô vàn khó khăn trước những thăng trầm trong cuộc sống.
Người yếu đuối là người quá sức nuông chiều cảm xúc của bản thân, biết điều nên làm mà không làm được, biết điều không nên nhưng vẫn làm. Nếu ngay cả bản thân mình còn không vượt qua & làm chủ được, thì làm sao bạn có thể đương đầu với những khó khăn của cuộc đời. Kẻ thiếu sức mạnh bên trong, chính là kẻ nhiều đau khổ nhất.
Bên cạnh đó, người vẫn dựa vào sự công nhận của người khác mới thấy cuộc đời họ có giá trị hay người dễ bị tổn thương, giao động bởi những lời nói bên ngoài cũng là những cá thể yếu đuối, chưa tìm thấy sức mạnh nội tại. Ngược lại, kẻ có thể cô lập với những đòi hỏi từ bên ngoài để quay về thấu hiểu và làm chủ nội tâm bên trong chính mình, kẻ dám sống thật, dám chia sẻ quan điểm mà không cần để lại ấn tương tốt cho ai cả, dám chấp nhận điểm thiếu sót của bản thân để hoàn thiện mình mỗi ngày, dám hạ cái tôi xuống để lắng nghe & học hỏi 1 cách khiêm tốn – là những kẻ thật sự mạnh mẽ & vững vàng về nội tâm.
Ghen tuông
Người ta hay nói, có yêu mới có ghen. Nhưng thật chất, nếu chúng ta vẫn còn phải ghen khi yêu, thì tình yêu đó chưa đậm sâu, bởi nền tảng của tình yêu thật sự là lòng tin tưởng và thấu hiểu.
Ghen tuông, thực chất là do ta yêu bản thân mình hơn người kia, là do chính ta lo sợ bản thân bị tổn thương, bị mất đi 1 điểm tựa. Nếu thật sư yêu thương ai đó, ta đã không bao giờ làm nửa kia khổ sở vì cảm xúc nhất thời của mình. Nghĩ lại xem, khi ghen, bạn vì quyền lợi của mình hay vì lợi ích của người ấy, vì thực tâm mong muốn người ấy hạnh phúc? Vì vậy, đừng nhân danh tình yêu mà cho hợp lý hoá cho sự ghen tuông ích kỷ của bản thân mình.
Trong tình yêu, có khi không nắm lại được tất cả, càng nắm lại càng chẳng được gì bởi bản chất của tình cảm luôn là sự tự nguyện. Càng buông xả, càng để cho nhau tự do, cho nhau có không gian để thở thì đối phương càng muốn ở lại và trân trọng ta. Càng giam hãm, thì càng làm họ mệt mỏi, muốn thoát ly để tìm sự bình an ở đối tượng khác.
Hạnh phúc
Bạn đang không hạnh phúc, là bởi vì bạn đang tham cầu & muốn hưởng thụ quá nhiều thứ. Khi có được thứ mà bạn cho rằng nếu có nó sẽ hạnh phúc như nhà cửa hay xe cộ, bạn lại mau chóng nhàm chán và hướng tới cái lớn lao hơn. Bạn càng tìm kiếm hạnh phúc từ sự tiện nghi vật chất, bạn càng cách xa khỏi hạnh phúc thật sự.
Cũng giống như khổ, hạnh phúc xuất phát từ tâm con người. Khi bạn biết đủ & không tìm kiếm thêm điều gì từ bên ngoài, chấp nhận những thứ được vũ trụ ban cho với tâm hài lòng và biết ơn, đó là lúc bạn có được bình an & hạnh phúc.
Hạnh phúc, cũng chỉ được cảm nhận rõ rệt nhất bởi những con người đã nếm trải qua khổ đau. Như khi đói, bạn mới thấy hạnh phúc khi có những bữa ăn đủ đầy. Như khi phải chia lìa, bạn mới cảm nhận được niềm hạnh phúc khi được đoàn tụ…
Buông xả
Buông xả là không bám víu, chứ không phải không cần. Con người ta, càng buông xả được bao nhiêu, càng biết giới hạn mình trước mọi sự hưởng thụ bao nhiêu (dù sự hưởng thụ đó là xứng đáng), thì càng cảm thấy nhẹ nhõm & thanh thản bấy nhiêu. Càng tích góp, càng nhiều lo lắng và phiền não.
Bên cạnh vật chất, thì buông xả những tiện nghi về tinh thần cũng rất quan trọng để giữ được sự thảnh thơi trong tâm trí. Buông xả tinh thần là khi ta không để những lời chê trách, nói xấu, vu khống của người khác làm ta khổ sở, là khi ta giỡ bở được sự cố chấp & cái tôi nhỏ nhen của mình để bao dung với người khác.
Hãy nhớ rằng, vũ trụ này luôn công bằng. Khi bị người khác xúc phạm hay làm tổn thương, tức là họ đã nợ ta 1 cảm xúc xấu. Nếu ta chấp nhận thua thiệt, buông xả, không để tâm, là lúc ta đã biếu không họ món nợ này. Bằng cách này hay cách khác, vũ trụ sẽ gửi lại cho ta 1 cảm xúc tốt khác. Bên cạnh đó, tha thứ cũng giúp ta ngăn chặn những năng lượng tiêu cực xâm chiếm trong mình. Tha thứ cho người khác, thật ra ta được nhiều hơn mất.
Bình yên
Khi lòng còn mong cầu, là còn không yên. Chỉ khi tâm ta ở trạng thái quân bình với chính mình, hài lòng với những gì mình đang có, không cần thêm cũng không cần bớt – đó mới là lúc ta giữ được cảm giác yên bình chân thật và lâu dài nhất.
Tâm bình yên, không phải là thái độ sống buông xuôi. Bình yên là mặc dù luôn phấn đấu để có cái ăn cái mặc, để đạt được mục tiêu cuộc đời mình, nhưng không để công việc lấn át sự sống quý giá, không để những áp lực, ghen tức của đời sống thường trực ảnh hưởng đến tâm trí. Là biết tận dụng những nhân duyên đang hội tụ trong hiện tại để hướng tới mục đích, chấp nhận những gì vũ trụ ban cho với thái độ bình thản, không đòi hỏi. Nói cách khác, là hài lòng với những gì bạn có.
Bình yên khi không có nghịch cảnh vây khốn thì vẫn chưa ổn, chỉ khi ta có đủ bản lĩnh đứng trước mọi thành bại, được mất, khen chê nhưng vẫn ung dung tự tại, là khi ta biết cách mỉm cười giữa giông bão & bình tĩnh trước điều chẳng như ý, thì đó mới đúng là bình an, thành thơi thật sự.
Hãy nhớ rằng tâm ta thế nào thì ta sẽ cảm nhận thế giới xung quanh thế ấy. Vạn vật trên thế gian đều vận hành theo nguyên tắc nhân quả và duyên sinh, chỉ là do tâm ta còn tham lam, còn mong cầu, còn chống đối, thì ta mới không cảm nhận được sự bình yên.
Điều ta nhận được khi giữ tâm yên bình là có cái nhìn sâu hơn về vạn vật, thấy rõ đâu là giả, đâu là thật, đâu là thứ phù phiếm, đâu là giá trị cốt lõi. Giữ được tâm an, bạn cũng sẽ biết cách đối mặt với thử thách, với khó khăn với tâm thế không vội vàng, không nôn nóng. Càng giữ được sự bình yên trong tâm hồn, cuộc sống của bạn càng ung dung & tự tại.
Tha thứ
Cuộc sống bận rộn ngày nay khiến chúng ta mất dần khả năng nhìn sâu sắc vào bản chất của 1 người để thấy được điều hay về họ, mà chỉ tập trung vào những khuyết điểm để đánh giá, phán xét. Trên đời không ai có thể vui vẻ khi làm điều sai trái, họ lầm lỡ chỉ là do họ chưa được chỉ dẫn đúng đắn, chưa được giác ngộ mà thôi.
Với trẻ nhỏ và thành niên, các em sa ngã là bởi sự dạy dỗ sai lầm của cha mẹ. Có thể các em thiếu đi sự thấu hiểu, tình thương yêu, hoặc quá được nuông chiều, không được chỉ bảo lẽ phải. Ngày nay, phần lớn các bậc phụ huynh chỉ mong con cái thành tài, nhà trường thì trông mong vào thành tích, mấy ai còn đề cao giá trị của đạo đức. Đến người lớn còn chưa thấm nhuần giá trị ấy – thì ai là người có thể giúp các em có niềm tin vào cuộc sống, có tình thương với mọi người. Hãy thông cảm và tha thứ cho các em.
Với người trưởng thành, đa phần họ sa ngã là nền giáo dục sai lầm của gia đình đã ăn sâu vào tiềm thức, hoặc do guồng quay cuộc sống của họ quá bận rộn, quá rối ren, khiến họ không có thời gian để nhìn nhận lại bản thân và lương tâm của mình.
Họ không có thời gian để chuyển hoá năng lượng tiêu cực như mệt mỏi, lo âu hay áp lực, khiến mọi thứ cứ đè nén, chồng chất ngày này qua tháng khác. Nếu bị những tần số năng lượng thấp & tiêu cực như vậy bưở vây, thì con người ta rất khó làm chủ được suy nghĩ và hành động của chính mình.
Khi trừng phát họ, bạn cho rằng làm vậy mới khiến họ tỉnh ngộ, nhưng thực chất là bạn vẫn còn bị những cảm xúc tổn thương khống chế & muốn trả đũa. Nếu thật sự thương họ, hãy dùng tình cảm để cảm hoá dù có thể chính bạn sẽ gặp thiệt thòi.
Chỉ có tình thương yêu mới có thể cảm hoá được con người, chứ không phải sự trừng phạt bạn ạ. Chính chúng ta còn chưa hoàn hảo, còn có lúc làm tổn thương người khác, còn có những lầm lỡ, vậy nên cũng đừng đòi hòi người khác luôn hoàn hảo với mình.
Hãy luôn cho người khác cơ hội được chuyển hoá. Cho người khác 1 cơ hội, cũng là cho ta 1 lối thoát trong tương lai, bởi chính con người ta còn chưa toàn vẹn. Muốn nhận được sự giúp đỡ hay chia sẻ tận tình khi ta gặp phải hoàn cảnh khốn đốn, hãy chủ động trao đi điều đó trước tiên.
Ái ngữ
Lời nói là thứ có thể cứu vớt người, cũng có thể đẩy người xuống vực thẳm. Nó là thứ truyền đi năng lượng rất mạnh mẽ. Mình muốn nhắc lại, vũ trụ này vận hành theo luật nhân quả, nếu bạn muốn nhận được nguồn năng lượng tích cực, bạn cần chủ động trao đi những lời nói an lành.
Nếu bạn là người không kiểm soát được lời nói khi bực tức, hãy áp dụng biện pháp thực tập im lặng trong 1 tuần để sửa đổi cảm xúc ham thích nói năng bồng bột. Nếu có điều gì buộc phải giải toả, hãy viết xuống giấy. Đây là khoảng thời gian có thể giúp bạn thấu hiểu và nhìn nhận bản thân sâu sắc hơn cả. Hãy giảm bớt công việc nhất có thể để có nhiều cơ hội quan sát và nhìn nhận lại mình.
Khi bắt đầu trở lại, hãy nói thật chậm để kịp nghe rõ từng câu chữ, quát sát từng dòng cảm xúc của bản thân khi truyền đạt đến người nghe. Hãy tự hỏi lời nói ấy có là sự thật hay không & có cần thiết hay hữu ích cho đối phương hay không, tuyệt đối không nói tuỳ tiện. Thực tập nói chậm 1 thời gian, bạn sẽ thấy giọng nói của mình tròn đầy, chắc chắn và tự tin hơn, kể cả khi giao tiếp với người có uy lực.
Làm mới
Cuộc sống ngày nay nhiều mong cầu và áp lực khiến chúng ta quá bận rộn, không muốn dành thời gian để làm mới, để nuôi dưỡng cho tâm hồn. Chúng ta cứ ở trong guồng quay công việc mà không nhận ra mình có vô tình làm tổn thương ai hay không, mình có hành động đúng đắn với người khác hay chưa.
Cần nhớ rằng, trong cả công việc và tình cảm, con người luôn là yếu tố cần ưu tiên nhất. Thành công và hạnh phúc lâu bền luôn cần hội tụ đủ 3 yếu tố thiên thời, địa lợi & nhân hoà. Trong đó, khi ta đạt được yếu tố thứ 3, nghĩa là sống với tâm trong sáng, buông bỏ được tâm cao ngạo, đó kỵ, tranh chấp, hết lòng nâng đỡ mọi người, nói ngắn gọn là sống có phước đức, thì ta mới có thể kết nối với 2 yếu tố còn lại.
Vì vậy, làm mới luôn là phương diện quan trọng để giữ tâm bình ổn và kịp thời nhìn nhận những sai lầm, tháo gỡ những khúc mắc. Hãy luôn dành cho bản thân mình 1 khoảng trống để nghỉ ngơi, có thể là 1 đến 2 ngày mỗi tuần hoặc vài giờ cuối ngày để xem xét lại suy nghĩ, tâm tính & hành động của bản thân nhằm kịp thời sữa chữa và trau dồi nhân tâm.
Thành công
Sự thành công cần thiết nhất mà con người cần hướng tới là khám phá và làm chủ chính mình. Thành công về tiền bạc có thể khiến bạn thoả mãn nhu cầu vật chất, nhưng nếu bỏ quên sự nâng niu giá trị nhân tâm và mục đích sống, thì bạn sẽ chỉ cảm thấy cô đơn và trống rỗng hơn.
Vì vậy, bạn cần học cách cân bằng cả 2 khía cạnh, đừng quá tập trung vào thứ chỉ tạo ra của cải, mà hãy dành cả thời gian làm những điều khiến cuộc sống của bạn có ý nghĩa và chuyển hoá những năng lượng độc hại còn có trong bản thân mình như sự ích kỷ, lòng tham, ghen tị, v.v, đồng thời khơi gợi năng lượng tích cực, hướng thiện bên trong con người mình.
Bạn đừng vì thứ gọi là thành công trong tương lai mà đánh mất đi món quà hiện tại bạn đang có. Bởi có những điều khi mất đi rồi, chúng ta sẽ không bao giờ lấy lại được dù có bao nhiêu tiền đi chăng nữa. Vì vậy, hãy cứ bước những bước chân thong thả, phấn đấu vươn lên nhưng hãy gìn giữ & trân trọng hiện tại. Chỉ cần đi đúng hướng với thái độ siêng năng, rồi bạn sẽ đến vạch đích mà mình mong muốn.
Biết đủ
Cuộc sống này vốn ngắn ngủi và không đoán trước được điều gì, bạn đừng hờ hững để nó trôi theo vật chất bên ngoài. Để nếu ngay mai phai ra đi, bạn chưa kịp tận hưởng những thời gian vui vẻ, thoải mái thì thật đáng tiếc. Hãy hình dung độ tuổi về hưu của mình, bạn muốn mình có thật nhiều tiền nhưng lạc lõng, không có lấy 1 người bạn chân thành, hay 1 cuộc sống mặc dù không giàu sang, nhưng luôn được quan tâm bởi gia đình, bởi những người bạn tri kỷ đã nâng đỡ nhau trong cuộc sống, 1 cuộc đời mang lại ý nghĩa cho nhiều người khác.
Khi bạn suốt ngày chỉ có công việc, bạn còn có thời gian nào để chăm sóc sức khoẻ của bản thân, để học hỏi phát triển, để trau dồi và làm mới nội tâm, để trò chuyện và chia sẻ với mọi người, để thấu hiểu con cái. Hành trang giúp 1 đứa trẻ vững tin vào đời không phải là số tài khoản cao ngất hay nhà cao cửa rộng, điều chúng cần ở cha mẹ là sự quan tâm, thấu hiểu, hướng dẫn chỉ bảo & chia sẻ với chúng mọi điều trong cuộc sống.
Hãy nhớ rằng, tuổi thơ là thời gian quan trọng nhất để hình thành nên tính cách và quan điểm sống của trẻ. Vì vậy, hãy sống biết đủ, sống cân bằng để không đánh mất những giá trị quan trọng mà tiền cũng không thể lấy lại được bạn nhé.
Thành thật
Mặc dù ai cũng biết thành thật là đức tính tốt, nhưng 1 khi bị cuốn vào vòng tranh chấp bất tận của cuộc sống, ta càng thấy rằng lòng thành thật là trở ngại để đi tới thành công, là thái độ sống ngây thơ để bị người đời lợi dụng. Thế rồi, chúng ta đến với nhau bằng những màn trình diễn, bằng những chiếc mặt nạ. Chỉ cần thu phục hay để lại ấn tượng tốt cho đối phương, chúng ta không ngại nhồi nặn nên những điều không đúng với sự thật hay suy nghĩ của mình.
Nhưng bạn hãy nhớ rằng, mặc dù kiểu sống kỹ xảo như vậy có thể giúp bạn được việc, nhưng sẽ dần rút cạn năng lượng trong bạn. Đến khi bạn mỏi mệt, không đủ sức để giả tạo được nữa, thì niềm tin của mọi người với bạn cũng không còn, bởi họ không biết đâu là con người thật của bạn.
Mất đi quyền lợi thì có vạn cách để khôi phục, nhưng mất đi niềm tin thì khó còn cách nào. Cuộc đời này, con người ta luôn phải dựa dẫm vào nhau để sống, bạn không thể tồn tại và phát triển 1 mình nếu không có sự hỗ trợ từ người khác. Nếu bạn không chân thành, không tử tế, thì ai còn muốn tin để trợ giúp bạn trong lúc khó khăn? Vì vậy, đừng vì những lợi ích vật chất mà đánh mất đi lòng chân thật của mình. Khi nói hay làm điều không đúng với lương tâm, ta sẽ chẳng bao giờ sống thanh thản, bình an và hạnh phúc được.
Để thành thật với người khác, trước tiên hãy học cách thành thật với chính mình. Con người nhân vô thập toàn, không ai là hoàn hảo cả. Thay vì phủ nhận, chối bỏ những đức tính còn chưa tốt của mình, hãy chấp nhận, thấu hiểu và kiên nhẫn quan sát chúng thường xuyên với thái độ nhẹ nhàng.
Khi đó, ta sẽ nhận thức được nguyên nhân sâu xa nào đã thúc đẩy & tạo nên những tâm lý độc hại đang hiện hữu và từ đó chuyển hoá chúng. Đừng dùng ý chí để nhồi nặn tâm mình thành hình mẫu tốt đẹp, đàn áp, ép buộc chúng phải đúng ngay từ đầu mà chính bạn còn chưa hiểu được vì sao.
Sám hối
Cuộc đời này ai cũng mắc phải lỗi lầm, đó là do chúng ta chưa có nhận thức và hiểu biết đúng đắn, không phải bản chất con người bạn. Vì vậy, đừng mặc cảm và cho rằng mình là con người xấu xa, xứng đáng bị ghét bỏ khi lỡ mắc phải sai lầm. Tuy vậy, bạn cần phải hết lòng để chuyển hoá những điều không đúng đắn đó, bởi nếu cứ để nó thao túng thì bạn sẽ không bao giờ tìm thấy bản chất con người thật của mình. Cách chuyển hoá hiệu quả nhất là sám hối.
Có nhiều cách để sám hối. Trước tiên, bạn có thể chia sẻ với người bạn tin tưởng, có thể giãi bày với thần linh, có thể viết thư cho chính mình để nhận diện rõ ràng lỗi lầm. Sau đó, hãy tìm giải pháp, hãy làm mọi cách để bạn tuyệt đối không lặp lại lỗi lầm đó nữa.
Việc dám thay đổi chính mình để hướng tới điều đúng đắn, mặc dù khó khăn nhưng mang lại hiệu quả và ý nghĩa cao hơn rất nhiều so với việc nói những lời ăn năn, hối cải xuồng xã. Thật tâm sám hối, là cách tốt nhất để chúng ta hoàn thiện bản thân mình mỗi ngày.
Khiêm cung
Thành quả hôm nay bạn đạt được, bạn có tự tin rằng chỉ 1 mình bạn làm nên, hay cần nhờ có tác động của thiên thời, địa lợi, nhân hoà? Thái độ khiêm cung chỉ có được khi ta ý thức được 1 sự thật rằng những gì ta có hôm nay, ngoài sự cố gắng của bản thân, thì cũng cần nhờ vào công lao đóng góp của rất nhiều người và nhờ năng lực yểm trợ vũ trụ này.
Bạn càng nhận được nhiều may mắn & ưu ái, có nghĩa là vũ trụ đã gửi gắm đến bạn sứ mệnh mang lại ý nghĩa và lợi ích cho cuộc đời. Hãy đền đáp lại bằng thái độ khiêm cung và luôn hướng tới việc giúp đỡ người khác. Nếu bạn vin vào thành quả mình có mà kiêu ngạo, khinh thường mọi người, thì sớm muộn cũng sẽ bị vũ trụ lấy lại tất cả.
Bản chất của mong muốn thê hiện mình xuất phát từ sự yếu đuối, luôn lo sợ bị người khác vượt trội hơn. Người có tài thực sự cũng như hoa có mùi thơm, tự động được nhiều người biết đến mà không cần tìm cách chứng tỏ hay khẳng định mình. Họ không cần dùng ngôn từ hay cử chỉ nào để hô hào mà mộ người vẫn tin tưởng và khuất phục. Người càng khiêm cung, càng hướng thiện thì càng nhận được sự ưu ái lâu dài của vũ trụ này.
Nương tựa
Con người ta, dù có tài giỏi cỡ nào cũng không thể sống riêng biệt & cách ly khỏi sự yểm trợ từ những điều kiện bên ngoài, chúng ta luôn phải nương tựa vào nhau để tồn tại. Nhất là trong lần đầu bỡ ngỡ hoặc trong nghịch cảnh lớn, sự giúp đỡ của những người xung quanh luôn cần thiết. Vì vậy, đừng ngân ngại hay tự ti khi nhờ vả người khác, hãy tự tin rằng sẽ có ngày bạn có thể đàn đáp lại họ.
Tuy nhiên, bạn cũng đừng xem sự giúp đỡ đó là cái cớ để thiếu trách nghiệm lèo lái con thuyền cuộc đời mình, đừng bám víu vào sự trợ giúp quá lâu, nếu không sẽ hình thành tâm dựa dẫm và lười nhác. Hãy nhớ rằng, nương tựa vào chính mình mới là an ổn nhất. Chúng ta chỉ cần đến người khác khi đã cố hết sức mình mà không vượt qua nổi.
Thời đại văn mình khiến con người ta ngày càng tôn sùng chủ nghĩa cá nhân, không đụng đến ai cũng không muốn ai đụng đến mình. Sống chỉ biết bản thân, sống hờ hững, không buồn quan tâm đến người khác. Chính vì vậy, đời sống càng phát triển thì tỷ lệ người rơi vào trầm cảm ngày càng nhiều.
Hãy chọn con đường đi bên nhau, cùng nhau chia sẻ những khó khăn. Đừng vì cái tôi hẹp hòi của mình mà lúc nào cũng dùng tâm nghi ngờ, sợ hãi để đối phó với mọi người. Hạnh phúc thật sự chỉ có được khi ta biết chia sẻ, tin tưởng và thương yêu, bạn ạ.
Nâng đỡ
Sự nâng đỡ không những giúp con người ta lấy lại niềm tin ở bản thân sau thất bại, mà còn có thêm niềm tin tưởng vào con người. Vì vậy, khi bản thân bạn đang an ổn, vững chãi, hãy nhìn xung quanh xem có ai đang cần đến bàn tay nâng đỡ của bạn. Khi ta nâng đỡ người, cũng là nâng đỡ chính mình. Bởi con người ta không thể sống đơn độc, mà luôn cần nương tựa và giúp đỡ lẫn nhau. 1 ngọn lửa ấm áp của tình thương bao giờ cũng cần cho trái tim lạc loài sau cơn bão.
Đừng xem sự nâng đỡ là điều gì to tát, đôi khi chỉ là hành động lắng nghe chăm chú, 1 lời an ủi động viên, 1 niềm tin vô điều kiện, 1 thái độ cảm thông mà không buộc tội hay trách móc, cũng góp phần chữa lành vết thương trong người khác rất nhiều.
Để sự nâng đỡ đạt hiệu quả, bạn cần “vào vai” của người đang gặp khó khăn để thấu hiểu và cảm thông. Bạn chỉ có thể làm được như vậy, khi bản thân đã từng trải qua khó khăn giống như họ. Vì thế, hãy cảm ơn những thất bại, những khó khăn đau khổ mà bạn đã từng trải qua, bởi nó không chỉ giúp bạn thêm vững vàng, mà còn giúp bạn có thể là nguồn ánh sáng cho những tâm hôn đang lạc lối.
Niềm tin
Niềm tin chúng ta trao đi hôm nay có thể nâng đỡ 1 người ra khỏi bế tắc. Có thể bạn sẽ phải chịu thiệt thòi khi tin người, nhưng hãy nhớ rằng tất cả những gì xảy ra với mỗi chúng ta đều theo nguyên tắc nhân quả và duyên sinh của vũ trụ, thứ bạn mất đi rồi cũng sẽ được trả về, bằng cách này hay cách khác. Còn tin vào con người, là bạn còn tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Vì vậy, khi bạn đủ sáng suốt để thấu hiểu ai đó, thì đừng quá nao núng khi đặt niềm tin vào họ.
Để tin người, ta phải tin vào mình trước tiên. Khi chúng ta tin sâu vào thực lực và đức hạnh của mình, ta mới tin mình đủ đức và tài để đương đầu với mọi tình huống bất trắc trong cuộc sống mà không lo sợ.
Ngoài ra, niềm tin còn tạo nên ý chí, người ý chí là người luôn nhìn thấy cơ hội trong khó khăn để sống vượt lên hoàn cảnh, không dựa vào số phận mà buông xuôi. Khi bạn duy trì được niềm tin vào bản thân, nó sẽ trở thành nguồn năng lượng mạnh mẽ giúp bạn vượt qua mọi trở ngại. Cũng hãy nhớ rằng, vũ trụ luôn vận hành theo luật hấp dẫn, cuộc sống sẽ chuyển hướng theo những điều mà chúng ta có niềm tin sâu sắc nhất.
Hiến tặng
Hiến tặng chỉ có ý nghĩa thật sự khi người hiến tặng có mục đích hoàn toàn vì người khác mà không sen kẽ bất cứ lợi lạc của bản thân mình vào. Chỉ khi ta thực hành hiến tặng mà không lựa chọn giá trị cao thấp, không cân đo đong đếm, thì khi ấy ta mới có thể nhận được sự hồi đáp tích cực từ vũ trụ này.
Còn khi hiến tặng, giúp đỡ người mà ta vẫn mong muốn người kia ghi nhớ công ơn, đền đáp, để cảm thấy mình cao thượng hay để tích phước cho bản thân thì chúng ta sẽ chẳng nhận lại được gì. Đó là lý do vì sao, có những người siêng năng làm việc công đức nhưng cuộc đời vẫn rất ít khởi sắc.
Vì vậy, hãy chăm sóc nội tâm của mình trước rồi hãy bố thí hay hiến tặng người khác. Khi ấy, ta mới có thể giúp người với tình thương thực sự mà không mong cầu điều gì cho mình. Có như vậy, hiến tặng mới có giá trị thực sự.
Nguyên tắc
Người sống có nguyên tắc là người bản lĩnh, dám đạt mình vào khuôn khổ đúng đắn để vươn tới chân thiện mỹ. Quan điểm này hoàn toàn đúng với những người đang trong quá trình hoàn thiện nội tâm của mình. Sống có kỷ luật, có nguyên tắc, không nuông chiều cảm xúc, không dễ dãi, tuỳ hứng là cách hiệu quả để kìm hãm sự nông nổi của bản năng.
Tuy vậy, đối với người đã có nội tâm vững chãi thì nguyên tắc là điều không quá cần thiết, có hay không cũng không quan trọng. Bởi họ đã tìm thấy sức mạnh trong chính tâm hồn mình mà không cần bám víu vào những điều kiện bên ngoài. Họ có thể hoà nhập nhưng không hoà tan, có thể tiếp xúc với mọi đối tượng, mọi hoàn cảnh mà không bị lay động, họ có năng lực nội tâm vững vàng để ứng phó với mọi nghich cảnh, mọi thử thách.
Nguyên tắc chung quy cũng chỉ là phương tiện để rèn nên 1 nội tâm vững vàng cho chính mình, không phải là thứ che đậy sự thiếu độ lượng. Vì vậy, đừng áp dụng nguyên tắc với người khác, bởi nó chẳng có tác dụng khiến người khác tốt lên, chỉ có lòng bao dung và nâng đỡ mới là điều giá trị nhất khi ứng xử với người. Đối xử với người nếu chỉ dựa trên nguyên tắc cứng nhắc, không có cảm thông chia sẻ, thì chúng ta là con người hay cỗ máy?
Định tâm
Định tâm, là năng lượng chú tâm hoàn toàn vào 1 đối tượng sự việc, là đứng yên trong hiện tại và nhận biết sâu sắc những gì đang xảy ra trong ta và xung quanh ta. Sự chậm rãi và tập trung của tâm ý có thể đốt cháy phiền não, giúp tâm ta nhẹ nhàng, trầm tĩnh và sáng suốt hơn.
Phần lớn, những suy nghĩ mông lung về quá khứ hay tương lai chỉ khiến ta thêm căng thẳng mà không giải quyết được vấn đề gì. Chỉ khi ta dừng những lo lắng, dừng những vọng tưởng lao xao, chú tâm & tin tưởng vào ta của hiện tại, thì đó mới là cách sống giúp ta quan sát thấu đáo và chuyển hoá được những phiền não đời thường.
Để rèn tâm an định, ta phải bớt bận rộn và rèn cách sống không qua vội vàng, tập trung vào những điều quan trọng nhất, sống chậm nhưng không ỷ lại. Ta không thể định tâm khi vẫn còn muốn nắm bắt quá nhiều thứ.
Trách nghiệm
Ngày nay, hầu hết mọi người đều sống trong tình trạng bất an. Không phải vì thiếu ăn thiếu mặc, mà vì thiếu hiểu biết. Khi thấy quyền lợi, họ nhảy vào ngay lập tức bất chấp thủ đoạn, bất chấp những ảnh hưởng gây nên cho “cái chung” của xã hội mà quên mất rằng, vũ trụ này luôn vận hành theo quy luật nhân quả. Khi ta cố hơn thua, cố vun vén cho cá nhân thì vũ trụ sẽ rút lại tình cảm hay sức khoẻ của ta. Khi ta càng sống bồi đắp cho cái chung, càng mở lòng hướng tới lợi ích của người khác thì càng được vũ trụ ưu ái về mọi mặt trong cuộc sống.
Cuộc sống ngày càng phát triển, con người ta càng sống thiên về tính thuận tiện & rút bỏ trách nghiệm với những lợi ích của cộng đồng. Hãy nhớ rằng, những cái chung như môi trường, không khí, nguồn tài nguyên có mệnh hệ gì, thì bao nhiêu tiền cũng không sửa chữa được. Đời con cháu chúng ta sẽ sống như thế nào? Dưới đây là 1 số trực trạng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường cần được con người hiểu rõ và thay đổi sớm nhất có thể.
- Sử dụng túi nilon thường xuyên
Túi nilon được làm từ dầu mỏ, khí đốt & các chất phụ gia độc hại như chất hoá dẻo, phẩm màu, kim loại nặng (chì, cadmium, v,v). Vì vậy, quá trình để chế tạo nên túi nilon sẽ tạo ra khí C02 làm tăng nguy cơ nóng lên toàn cầu.
Khi đốt, túi nilon sẽ thải ra chất độc dioxin gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp, hệ nội tiết, giảm khả năng miễn dịch và tăng nguy cơ ung thư não & phổi. Khi sử dụng để đựng đồ ăn nóng, kim loại nặng sẽ bị thôi nhiễm trực tiếp vào thức ăn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ
Túi nilon mất hàng ngàn năm mới có thể phân huỷ. Nếu được chôn xuống đất, nó gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước & chất dinh dưỡng, từ đó cây cối không thể phát triển. Nếu chúng bị vứt xuống ao hồ, sông ngòi hay biển, chúng sẽ làm tắc nghẽn cống rãnh và có thể khiến các sinh vật biển nuốt vào.
- Không tiết kiệm giấy
Rừng đóng vai trò rất quan trọng đối với sự tồn vong của chúng ta. Nhờ có tán lá xòe rộng mà nước mưa không xối thẳng xuống mặt đất, nên lớp đất bề mặt khó bị rửa trôi theo nước mưa và nắng cũng không đốt cháy mặt đất.
Rừng không chỉ bảo vệ đất mà còn làm tăng độ màu mỡ cho đất, là nơi dự trữ nguồn nước để nước thong thả chảy về nuôi các con sông trong thời gian không mưa. Cho nên, những vùng có rừng che phủ sẽ giảm bớt hạn hán. Rừng còn có chức năng làm cho các cơn lũ giảm mức tấn công đột ngột. Điều quan trọng nhất là rừng đã hấp thụ khí thải CO2 từ khói xe và nhà máy, để nhả ra dưỡng khí O2 cho con người. Rừng chính là lá phổi của chúng ta.
Một trong những lý do lớn khiến hàng vạn khu rừng liên tục ngã xuống đó là việc sản xuất giấy. Cứ 1 tấn giấy thành phẩm thì phải cần có 5m3 gỗ và 100 m3 nước.
- Sử dụng chất hoá học trong nông nghiệp và chăn nuôi
Thực trạng sử dụng các loại thuốc BVTV trong canh tác nông nghiệp và chăn nuôi ngày càng thiếu kiểm soát, khiến các hoá chất độc hại thôi nhiễm vào nguồn đất và nguồn nước. Các loại hoá chất để hình thành nên thuốc BVTV đều có khả năng tồn tại rất lâu, đến hàng trăm năm mới có thể phân huỷ và cũng có khả năng phát tán đi rất xa khỏi nơi phát thải. Một số nghiên cứu khoa học cho thấy, ngay cả những vùng không có hoạt động canh tác như Bắc Cực hay Nam Cực cũng nhận thấy chứa hàm lượng hoá chất trong nguồn nước.
Vì vậy, nếu chúng ta cứ sử dụng thuốc BVTV vô tội vạ, thì thời gian không lâu sau, nhân loại sẽ không còn nước sạch để sử dụng. Nếu ở các quốc gia phát triển thì có thể áp dụng các công nghệ lọc nước tiên tiến, nhưng còn ở các nước chưa & đang phát triển như châu Phi hay 1 số nước châu Á thì sao?
Hiện nay, đã có khoảng 1/6 dân số thế giới không được dùng nước sạch, và hằng năm có hơn 2 triệu người mà phần lớn là trẻ em chết vì khát hoặc vì các chứng bệnh liên quan tới nguồn nước.
- Sử dụng xe hơi & xe máy thường xuyên
Theo WHO – mỗi năm có 600.000 người châu Á chết bởi các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Nguyên nhân bởi họ phải hít khí thải độc hại như C02, N02, S02 & bụi mịn PM10 từ các phương tiện sử dụng xăng dầu như xe hơi & xe máy thường xuyên.
Bên cạnh đó, những loại khí trên cũng tạo nên các trận mưa axit làm chết rừng.
- Tiêu thụ các loại thịt động vật
Quá trình chăn nuôi đóng góp từ 50-65% chất thải metan CH4 (loại khí làm trái đất nóng lên mạnh gấp 3 lần so với C02) vào bầu khí quyển. Bên cạnh đó, chăn nuôi cũng chiếm dụng đất trồng rừng để làm trang trại hoặc làm vùng trồng nguyên liệu cho gia súc & cực kỳ tiêu tốn tài nguyên nước (1 chú bò trưởng thành có thể cần đến 41.500 lít nước mỗi năm).
Hãy sống có trách nghiệm với tài nguyên chung để đời con cháu chúng ta được hưởng phước lành, các bạn nhé.
Tình yêu
Tình yêu chỉ vững bền khi song hành với tình thương. Bởi yêu đơn thuần chỉ dựa trên cảm xúc, mà cảm xúc của con người là thứ rất dễ thay đổi & bão hoà, đặc biệt khi ta nhận thấy những điểm chưa tốt từ đối phương, hoặc bắt gặp đối tượng hấp dẫn hơn.
Nhưng để thương 1 người, ta phải rất thấu hiểu người đó. Có hiểu mới có cảm thông với những khiếm khuyết, mới có sự tin tưởng & bên cạnh nhau lúc khó khăn, mới không giận hờn vụn vặt và trân trọng những điểm tốt của nhau. Trong bất cứ mối quan hệ nào, niềm kính trọng cũng là nền tảng quyết định sự tồn tại lâu bền. Con người ta chỉ kính trọng nhau, khi hiểu được giá trị chân thật trong nhau.
Yêu thương thực sự, không phải là cảm giác ngày nhớ đêm mong, hay niềm mong muốn được ở cạnh nhau như hình với bóng, mà là sự có mặt kịp thời trong lúc người kia cần đến bạn nhất. Càng cuốn lấy nhau, bản thân mỗi người sẽ không có thời gian riêng để sữa chữa lại thân tâm, nuôi dưỡng phẩm chất và năng lực của mình.
Khi yêu thương nhau thực sự, bạn sẽ nhận ra để chẳng cần làm điều gì lớn lao hay to tát, chỉ riêng việc nửa kia luôn để ý đến những sở thích, thói quen nhỏ của bạn để rồi có những điều chỉnh giúp bạn sống thoải mái hơn, cũng là quá đủ. Khi đối phương gặp vấn đề, không cần bạn phải khuyên nhủ hay giải quyết cho họ, chỉ cần bạn ở đó lắng nghe, đồng cảm, chia sẻ là họ đã thấy được chữa lành rồi.
Cuối cùng, bạn chỉ thực sự yêu ai đó, khi bản thân bạn đã tròn vẹn & không mong ngóng gì từ nửa kia của mình. Để làm được vậy, chính bạn phải có 1 đời sống bình an & hạnh phúc khi 1 mình, để khi kết đôi cùng người khác thì 2 bạn là 2 nửa song hành cùng nhau chứ không phải bổ trợ khiếm khuyết cho nhau. Có vậy, mối quan hệ mới không có mệt mỏi, chịu đựng và duy trì được lâu bền.
Trao thân
Sự trao thân mà không dựa vào tình yêu và tình thương, thì đó đơn giản chỉ là trao đổi cảm xúc & thoải mãn nhu cầu. Con người ta, càng dễ đạt được đến đỉnh cao của cảm xúc, thì càng dễ thoả mãn, nhàm chán và không còn hứng thú để tìm hiểu nhau sâu sắc hơn. Trong tình cảm mà không có sự thấu hiểu, thì không có tôn trọng. Đằng sau cảm xúc thăng hoa kia là sự khinh rẻ vì đạt được cảm xúc 1 cách dễ dãi.
Hãy nhớ, người yêu ta có thể sẽ chẳng cần ta nữa khi ta không thoả mãn cảm xúc cho họ. Chỉ có người tôn trọng, hiểu & thương ta, mới là người có trách nhiệm và không bỏ mặc ta lúc khó khăn. Trao thân – hãy chỉ làm khi 2 tâm hồn hoà thành 1.
Cảm xúc
Cảm xúc là những phản ứng nhất thời để bảo vệ quyền lợi của bản ngã. Người càng bị cảm xúc khống chế, thì càng có xu hướng sống bản năng và có lối hành xử rất bồng bột, mặc dù họ có thể biết nhiều điều hay lẽ phải.
Ngược lại, người ít biểu lộ cảm xúc ra ngoài, mặc dù không dễ gây thiện cảm với mọi người nhưng càng tiếp xúc, ta càng thấy họ an ổn và có thể tin tưởng, bởi họ có khả năng chịu đựng và chịu trách nghiệm rất cao. Họ hiểu rằng, những lời nói hay hành động dựa trên những cảm xúc nhất thời của mình có thể gây tổn thương cho người khác.
Người càng dễ nuông chiều cảm xúc của bản thân, thì càng là người yếu đuối. Kẻ bản lĩnh luôn biết hi sinh những cảm xúc tốt không cần thiết, chấp nhận những cảm xúc không tốt tạm thời để vươn tới mục đích cao cả..
Một cách để rèn sự khống chế bản năng hay cảm xúc tiêu cực của mình, là hãy thử làm những ngành nghề trái ngược với tích cách và trò chuyện, gần gũi với đối tượng mà mình không ưa. Tập ghi nhận những lời chê bai, góp ý và bỏ ngoài tai những lời khen tặng.
Mỗi khi cảm xúc tiêu cực trào lên, hãy ngưng mọi công việc lại để quan sát chúng. Khi quan sát, bạn sẽ hiểu rằng nó từ đâu đến và làm sao để nó biến mất. Sự quan sát chính là chánh niệm, chỉ cần chánh niệm vững vàng thì cảm xúc xấu sẽ tự tan biến, để lại 1 nội tâm trong vắt và yên tĩnh như mặt hồ không gợn sóng. Học cách khống chế cảm xúc cũng giúp ta có khả năng quan sát mọi đối tượng 1 cách tường tận & chính xác hơn.
Tóm tắt sách Hiểu Về Trái Tim
Người tóm tắt: Ngọc Vũ
Trạm Sách