Tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở đền Phố Cát

Tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở đền Phố Cát

Di tích và thắng cảnh Phố Cát trước đây thuộc xã Thành Vân, nay là thị trấn Vân Du (Thạch Thành). Phố Cát không chỉ là một vùng đất của lịch sử và huyền thoại, mà nơi đây còn là trung tâm thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh – nét đẹp truyền thống trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.

Tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở đền Phố CátĐền Phố Cát – nơi thực hành tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Khi tìm hiểu về Phố Cát, Nhân dân địa phương và các nhà nghiên cứu đã phát hiện được nhiều hiện vật quý của thời đại đá giữa (thuộc văn hóa Hòa Bình) ở một vài núi đá và hang động. Từ Phố Cát đến hang Con Moong cũng chỉ cách vài cây số. Và, đây cũng là vòng quay của nhiều sự kiện lịch sử thời Đinh – Lê (thế kỷ X) và các thời tiếp theo. Nhiều truyền thuyết nói về cuộc hành quân của các tướng lĩnh Lam Sơn và sự tham gia đóng góp của Nhân dân cũng được ghi nhận ở vùng này. Phố Cát và lũy thành xưa còn minh chứng rằng đây là căn cứ và là quê hương của cuộc khởi nghĩa nông dân lớn vào thế kỷ XVIII (cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Mật) chống lại chúa Trịnh. Phố Cát còn là nơi in dấu những bước đường hành quân của các chiến sĩ du kích chiến khu Ngọc Trạo. Là đầu mối và căn cứ quan trọng của chiến khu Hòa – Ninh – Thanh trong suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp. Ngoài đóng góp sức người, Nhân dân Phố Cát còn quyên góp được rất nhiều tiền của cho kháng chiến…

Bên cạnh yếu tố lịch sử, địa lý và cảnh đẹp, có lẽ yếu tố quan trọng nhất của Phố Cát đó chính là sự ngưỡng mộ của Nhân dân đối với vị đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh và các sinh hoạt văn hóa tinh thần mang tín ngưỡng dân tộc ở ngôi đền này. Theo truyền thuyết dân gian, Thánh Mẫu Liễu Hạnh là con gái của Ngọc Hoàng. Vì lỡ tay làm vỡ chén ngọc nên bị đầy xuống trần gian. Sau đó một thời gian, nàng được gọi về trời, nhưng thượng đế rủ lòng thương cho nàng được hạ giới để trả nợ trần. Nàng cùng hai tiên nữ giáng hạ ngay giữa vùng Phố Cát, nơi có phong cảnh đẹp mỹ lệ, tốt tươi. Các nữ thần cũng ban nhiều phép lạ cho dân chúng địa phương. Để tỏ lòng biết ơn, Nhân dân đã lập ngôi đền thờ ở lưng chừng núi phụng thờ hương khói. Vì vậy, nàng được suy tôn là Tiên chúa, đệ nhất thành hoàng, Mẫu nghi thiên hạ…

Khi đánh giá về Thánh Mẫu Liễu Hạnh, có vị giáo sư đã viết: “Trong bốn vị “Tứ bất tử” của Việt Nam thì Liễu Hạnh là một phụ nữ và là một biểu tượng đa dạng mà sinh động, một nhân vật phi thường song lại bình thường. Ở Liễu Hạnh ta gặp một người yêu, một người vợ. Liễu Hạnh hiện ra khi là một cô gái, một nàng tiên, khi là một nhà văn, một nữ tướng. Liễu Hạnh có hiếu nghĩa theo Nho giáo, có pháp thuật theo Đạo giáo, có quy y theo Phật…”. Nói chung, trong cảm quan huyền thoại ở truyền thuyết dân gian, chúng ta thấy nhân vật nữ thần Liễu Hạnh đã thể hiện được những ước vọng cần thiết của bất kỳ ai trên cõi đời này. Do đó mà trong tâm thức của đông đảo người dân đều thống nhất đề cao và tôn trọng nữ thần.

Đền Phố Cát nằm ở lưng chừng núi, với thế đất tay ngai. Phía trước đền có ba ngọn núi đá gọi là tam thai án ngữ như một bức bình phong. Gần đền có một dòng suối nhỏ, có những hòn non bộ và các thác nước nhỏ chảy qua như khúc nhạc thánh thót bên tai. Đến trước cửa đền thì dòng suối đổ vào một cái vũng như một cái hồ nhỏ. Ở đó có rất nhiều cá chép, cứ vào mùa hội đền người dân lại bắt gặp từng đàn cá tung tăng bơi lội. Tại đây, Tổng đốc Thanh Hóa đã cho xây một cái tháp vọng ngư hình lục lăng để dành riêng cho vua nhà Nguyễn ngồi thưởng lãm ngắm cá.

Trong thế tay ngai của ngôi đền là các công trình độc lập từ thấp lên cao, gồm sân rồng với nghinh môn 8 mái, cung đệ tam, cung đệ nhị và cung đệ nhất. Mỗi cung có 3 gian thông. 2 gian 2 đầu cung nhị và cung tam làm đường liên cung lên xuống. Bên trong các cung là tượng và các đồ thờ bằng chất liệu rất quý. Bên cạnh công trình chính là nhà khách và tiếp lễ, cổng tam quan, tháp vọng ngư, tường hoa, cây cảnh, cầu cong bằng đá bắc qua suối để khách bộ hành đến đền Quan Giám và đền Bùi. Tất cả kiến trúc đều là thời Nguyễn.

Tam quan của đền Phố Cát có kiến trúc rất đẹp và hoàn hảo về mặt thẩm mỹ. Mặc dù là kiến trúc thời Nguyễn nhưng nghệ thuật thể hiện lại đạt ở trình độ rất cao về mọi phương diện. Nó kết hợp kiểu kiến trúc cung đình với kiến trúc truyền thống thật tài tình. Tam quan được làm theo kiểu 2 tầng 8 mái, hai bên tả, hữu đều có bậc tam cấp lượn vòng lên xuống thật uyển chuyển, hòa nhập với cách bố cục hợp lý. Bước lên tầng hai của tam quan, chúng ta có cảm tưởng như đứng trên tháp nghinh phong với một tâm hồn lộng gió và xúc cảm kỳ thú khi ngắm nhìn cảnh trí và tạo vật xung quanh. Cấu trúc và nghệ thuật của tam quan có thể nói uy nghi tráng lệ nhằm đề cao uy quyền của đức Thánh Mẫu. Mặt khác cũng thể hiện được ý niệm, tâm linh truyền thống của dân tộc.

Bên cạnh tam quan là tháp vọng ngư, có hình lục lăng, bố cục hài hòa, cân đối. Tầng trên cùng được trang trí bao bọc như đài hoa. Các bậc tam cấp từ chân tháp ăn dần xuống chân suối. Toàn bộ công trình tạo nên nét thơ mộng và hấp dẫn cho du khách mỗi lần đến ngắm cá. Cùng với đó là cây cầu bằng đá bắc qua suối hình vòng cung, được làm rất kiên cố bằng những cột đá và các phiến đá lớn. Trải qua thời gian năm tháng, cầu vẫn đứng vững và tôn thêm phần mềm mại, duyên dáng cho cả một vùng Phố Cát cũng như khu tâm linh này.

Từ đền Phố Cát, vượt qua cây cầu đá, chúng ta có thể tiếp tục cuộc hành trình du ngoạn ở khu vực này chỉ trong vòng hơn 1 cây số để đến các điểm tham quan hấp dẫn khác như: Động Thiên Lôi, động Lá Lốt, bãi đá thiên tạo, đền Quan Giám, đền Bùi, vực Voi và các thác nước trong trẻo, mát lành như đang ngân lên bản hòa ca của thiên nhiên thơ mộng.

Hiện nay, di tích và thắng cảnh Phố Cát chỉ còn lưu giữ được một số hiện vật, như: Tượng, kiệu và 4 tấm bia đá thời Nguyễn (1 tấm bia nói về việc trùng tu lại đền Phố Cát và 3 tấm bia ghi tên công đức). Nghiên cứu, sưu tầm các nguồn tài liệu nói về di tích và thắng cảnh Phố Cát là điều cần thiết và ý nghĩa, bởi nơi đây chứa đựng nhiều dung lượng lịch sử và văn hóa xã hội. Chỉ riêng việc nghiên cứu về sự hình thành và tồn tại của đền Phố Cát (thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh), chúng ta cũng thấy điều thú vị về sự hình thành và vươn dậy của tín ngưỡng – văn hóa dân tộc. Ở Phố Cát, khi Thánh Mẫu Liễu Hạnh được đề cao (bởi phù hợp với ước vọng của Nhân dân) thì triều đình phong kiến đã định dập tắt yếu tố thần quyền này. Song, do sự đấu tranh và thỉnh cầu của Nhân dân, triều đình phong kiến buộc phải chấp nhận và phong thần cho Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Đồng thời ngôi đền cũng được dựng lại khang trang hơn trước.

Di tích và thắng cảnh Phố Cát đã được xếp hạng cấp tỉnh năm 1999. Theo dòng chảy thời gian, đến nay nhiều hạng mục công trình đã có dấu hiệu xuống cấp. Vì vậy, việc bố trí nguồn vốn hỗ trợ kinh phí để tu bổ, tôn tạo và mở rộng khu vực di tích là hết sức cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của Nhân dân, cũng như tăng cường kết nối giữa các điểm tham quan, thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn.

Bài và ảnh: Ngọc Anh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *