Thưởng Trầm Hương, cảm thơ Kiều: Những tượng đài văn hoá Việt chinh phục trái tim thế giới

Thứ Năm 27/02/2020 | 14:20 GMT+7

VHO- “Muốn hiểu người Việt Nam, phải hiểu Truyện Kiều” – một cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, nay là Giáo sư giảng dạy về Truyện Kiều tại trường Đại học De Anza (Hoa Kỳ) 1 đã nhận định như thế.

Giáo sư S Dukakis- cựu Thống đốc bang Massachusetts – Hoa Kỳ cùng Chủ tịch Công ty Trầm hương Khánh Hòa Nguyễn Văn Tưởng 

Cho nên không dưới ba lần, các nhà lãnh đạo cấp cao Hoa Kỳ đã “mượn” thơ Kiều để bày tỏ thành ý với người Việt Nam. Ngày xuân, đốt thanh Hương Trầm, ngẫm đôi câu Kiều mới nhận ra: qua hơn 3.000 câu thơ, tiền nhân không chỉ kể chuyện người mà còn kể bao chuyện thế sự, đạo lý. Không chỉ là một đại thi hào của Việt Nam, Nguyễn Du còn được biết đến như một danh nhân văn hoá thế giới với những tác phẩm mang đầy đủ ba giá trị: hiện thực, nhân văn và nghệ thuật. Nguyễn Du nhiều lần có chủ ý nhắc đến Trầm Hương trong Kiều vào những thời khắc vô cùng đặc biệt. Giữa tiết trời xuân, xin nhắc chuyện nàng Kiều giữa làn khói thơm của Trầm – hai trong những hiện thân cao quý nhất của văn hoá Việt Nam – để thấy những tinh hoa của đất nước vẫn luôn trường tồn qua thăng trầm của lịch sử, tiếp tục chinh phục trái tim và khối óc của bạn bè thế giới.

Những điều đến từ trái tim sẽ chạm đến trái tim. Giống như Trầm Hương kết nối trí tuệ, trái tim và nguyện ước tốt lành của nhiều thế hệ, nhiều nền văn hoá bất chấp những khác biệt về địa lý, màu da, sắc tộc. Dù ở thời đại nào, Trầm Hương cũng hiện diện ở những chốn trang nghiêm. Trong ánh sáng của những vị thần luôn có làn khói thiêng của Trầm. Dù có là ai, thắp một thanh Hương Trầm là tin vào sự tồn tại của thế giới tâm linh, của những đấng oai linh; chắp tay cúi đầu trước làn khói Trầm là biết tu thân, biết răn mình, biết hướng thiện. Dù là Ấn Độ giáo, Hồi giáo hay Phật giáo; dù nền văn minh phương Tây hay phương Đông, tất thảy đều không thể phủ nhận sự thiêng liêng của Hương Trầm. Bởi thế giữa 3254 câu thơ Kiều, thi nhân Nguyễn Du luôn ưu ái nhắc đến làn Hương Trầm trong những phút giây đặc biệt nhất.

Từ buổi ban đầu khi Kim Trọng – Thuý Kiều gặp gỡ:

“Liền tay ngắm nghía biếng nằm,

Hãy còn thoang thoảng Hương Trầm chưa phai”.

Cho đến khi Kim Trọng đi tìm Thuý Kiều, bày tỏ lòng thương nhớ nàng:

“Có khi vắng vẻ thư phòng,

Đốt lò hương giở phím đồng ngày xưa.

Bẻ bai rủ rỉ tiếng tơ,

Trầm bay nhạt khói gió đưa lay rèm.

Dường như bên nóc trước thềm,

Tiếng Kiều đồng vọng bóng xiêm mơ màng.

Bởi lòng tạc đá ghi vàng,

Tưởng nàng nên lại thấy nàng về đây”

Và cuối cùng khi hai người thành tâm nguyện, trở về bên nhau:

“Phím đàn dìu dặt tay tiên,

Khói Trầm cao thấp tiếng huyền gần xa.

Khúc đâu đầm ấm dương hòa,

Ấy là Hồ Điệp hay là Trang Sinh.

Khúc đâu êm ái xuân tình,

Ấy hồn Thục Đế hay mình Đỗ Quyên”

Trong những khoảnh khắc đặc biệt nhất, những lúc tiếng lòng chàng Kim Trọng một mực hướng về người mình yêu thương, Trầm Hương đều hiện diện. Trong khi những thi nhân xưa thường mượn ánh trăng để nói thay tấm lòng, mượn nhật nguyệt để minh chứng tâm can, thì Nguyễn Du lại chọn Trầm Hương. Thật lạ nhưng cũng thật “đắt”! Bởi Trầm Hương là tinh khiết, là thanh tao, là hiện thân của những điều tốt đẹp nhất mà đất trời gửi gắm qua hương thơm nên còn gì cao quý hơn những phút giây có Hương Trầm. Đó cũng là tiếng lòng chàng Kim Trọng: chẳng có gì trân quý hơn hình bóng người thương, chẳng điều gì so sánh được tấm chân tình chàng dành cho Thuý Kiều. Vượt lên cả những khuôn phép phong kiến đương thời, dẫu biết phận nàng Kiều chìm nổi là thế, nhưng chân tình không hề vướng bóng dáng của sự chiếm hữu, phê phán hay cay nghiệt. Trái lại, chàng đặc biệt trân trọng đức hy sinh của người phụ nữ, gạt bỏ tình riêng, bán mình chuộc cha:

“Như nàng lấy hiếu làm trinh

Bụi nào cho đục được mình ấy vay?”

Nhờ vậy, chuyện Kim – Kiều trong thơ Nguyễn Du được nhân gian đời đời ca ngợi bởi cái tình vượt trên cả ranh giới tình yêu nam – nữ thông thường, đạt đến sự cảm thông, thương xót cho những buồn đau, thiệt thòi của đối phương. Bởi có những chân tình như vậy nên Truyện Kiều để lại cho nhân gian lòng tin, niềm hy vọng vào những tình cảm tốt đẹp, thuỷ chung giữa người với người. Giữa thói đời vẫn quen với câu “chữ trinh đáng giá nghìn vàng”, đoạn tình cảm Kim Trọng – Thuý Kiều trong thơ Nguyễn Du xứng đáng với lời ngợi khen là vượt tầm thời đại. Qua thơ, chữ “trinh” vốn để người đời gông cùm thân phận, thân xác người phụ nữ được cởi bỏ, thay vào đó bằng sự trân quý vẻ đẹp của tình yêu và lòng thuỷ chung tinh thần. Chữ “trinh” trong mắt người đời có thể đem ra trao đổi bằng nghìn vàng, có thể đánh mất sau một cuộc “ngã giá”. Còn chữ “trinh” tinh thần trong thơ Nguyễn Du “cũng có ba bảy đường”(2). Một khi đã coi chữ “trinh” là lòng thuỷ chung, là chân tình của người phụ nữ thì chẳng vàng nào có thể đổi được, chẳng thế lực nào có thể chiếm hữu được. Vì thế mà nàng Kiều trong lòng Kim Trọng mãi là vẹn nguyên, mãi là “gương trong chẳng chút bụi trần”(3). Thực trân quý biết bao!

Bởi những tư tưởng rất nhân văn như thế mà Truyện Kiều được ái mộ ở nhiều quốc gia phương Tây, khiến các tác giả hiện đại phải thán phục về tư duy cấp tiến, khác biệt của một nhà thơ thời kỳ phong kiến. Ra đời từ cách đây 2 thế kỷ nhưng nhiều quan điểm gửi gắm qua dòng thơ Kiều chứng minh được tính đúng đắn trong cả đời sống hiện đại. Tính đến nay, Truyện Kiều đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng với 60 bản dịch khác nhau. Vượt qua những khác biệt, tính nhân văn và tư tưởng vượt thời đại đã kết nối một tượng đài văn hoá Việt Nam với bạn bè thế giới. Cảm xúc tự hào này là nguồn cảm hứng vô tận, cũng là hành trang tôi luôn luôn mang theo khi nói về Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế.

Giống như thơ Nguyễn Du, Trầm Hương ngày nay vẫn là sứ giả đại diện cho những ước vọng và tinh thần của người Việt Nam, đồng hành cùng tôi trên chặng đường lan toả giá trị Việt Nam đến với thế giới. Thi nhân xưa đã trân quý Trầm Hương đến vậy là bởi sự tinh khiết, cao quý của vật phẩm này. Tiếp bước tiền nhân, tôi vô cùng tự hào được đưa Trầm Hương đến với thế giới như là minh chứng cho sức sống mãnh liệt và chất nhân văn của người Việt Nam. Từ vết thương trên thân mình, Trầm toả hương – một mùi hương vĩnh cửu, không phai mờ theo thời gian. Đó là món quà tạo hoá ban tặng cho loài cây có sức sống mãnh liệt, bất chấp tổn thương vẫn lan toả giá trị cho mọi người. Cũng như dân tộc Việt Nam, trải qua đau thương vẫn là một dân tộc nhân ái, yêu chuộng hoà bình.

Trầm Hương xưa nay luôn hiện diện ở nơi cao quý, tôn nghiêm, từ cung son điện ngọc đến những chốn linh thiêng, là sứ giả kết nối con người với thế giới của những vị thần. Nơi nào có Trầm Hương, nơi đó có sự tập trung của tinh thần, sự tinh tấn của trí tuệ, sự kết nối giữa nhiều thế hệ để hướng đến những điều tốt đẹp. Dâng Trầm bởi thế trở thành nghi thức thiêng liêng, khi con người nguyện soi lòng mình trước ánh sáng của những vị thần, để thấu tỏ hết phải – trái, đúng – sai, để trao truyền những ý thiện điều lành.

Nhân loại chúng ta có thể khác nhau về màu da, về thời đại, nhưng không khác nhau về mơ ước. Mơ ước về những điều tốt đẹp, về một thế giới hoà bình, yêu thương và thấu hiểu lẫn nhau. Nhờ mơ ước chung này mà chúng ta ngày càng xích lại gần nhau, bỏ qua khác biệt, vượt lên quá khứ, cùng chung tay dựng xây những điều tốt đẹp. Việt Nam là minh chứng điển hình nhất cho việc hiện thực hoá mơ ước đó. Từ thù thành bạn, từ đau thương thành yêu thương – chúng ta đã chứng minh cho thế giới: tình yêu thương, sự tha thứ có thể hoá giải mọi hận thù, lấp đầy mọi hố sâu ngăn cách. Đại diện cho thiện chí đó, không gì xứng đáng và phù hợp hơn Trầm Hương. Danh xưng Việt Nam – Quốc Gia Trầm Hương nhờ vậy đã ra đời, đại diện cho những khát vọng và giá trị nhân văn mà người Việt Nam sẵn sàng lan toả ra thế giới. Danh xưng đó không chỉ là để nói về chúng ta, mà là nói về những ước mơ tốt đẹp mà cả nhân loại đang hướng về và Việt Nam sẽ là một đại diện xứng đáng, tích cực trong việc hiện thực hoá ước mơ đó.

Nói đến đây, có lẽ chúng ta đã hiểu lý do vì sao Trầm Hương được lựa chọn làm món quà mà Việt Nam trao tặng cho nhiều lãnh đạo, học giả, doanh nhân hàng đầu của thế giới trong đó có lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC trong sự kiện APEC Việt Nam 2017. Chiếc quạt Trầm Hương, vòng tay Trầm Hương, Hương Trầm chính là tài năng, tinh hoa của người Việt thể hiện qua tạo tác mà Đất, Trời Việt Nam ban tặng. Cầm trên tay những vật phẩm này, những trí tuệ hàng đầu thế giới hiểu rằng: người Việt Nam và cả thế giới có một ước mơ chung, một khát vọng chung về một thế giới hoà bình và bao dung – nơi tất cả các quốc gia cùng thấu hiểu, biết trân trọng vẻ đẹp, tính nhân văn và cùng phát triển.

Từ lâu, nhiều quốc gia trên thế giới đã thấu hiểu và vô cùng trân trọng những giá trị văn hoá Việt Nam. Trong lịch sử quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đã có ít nhất ba lần các nhà lãnh đạo cấp cao của Mỹ mượn “Truyện Kiều” để bước những bước gần hơn đến với người Việt Nam. Lần thứ nhất, trong diễn văn đáp từ của Nguyên Tổng thống Mỹ Bill Clinton tháng 11 năm 2000:

“Sen tàn cúc lại nở hoa,

Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”.

“Just as the lotus wilts, the mums bloom forth,

Time softens grief, and the winter turns to spring”.

Và chính ông đã luận giải ý tứ của mình gửi gắm qua những dòng thơ: “Nay những ký ức băng giá về quá khứ đã bắt đầu tan. Những phác thảo của một tương lai ấm áp chung đã bắt đầu hình thành. Cùng nhau, chúng ta hãy tận hưởng mùa xuân mới này”(4). Hay như lời của Nguyên Phó Tổng thống Mỹ Joe Binden khi tiếp đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Hoa Kỳ vào tháng 7 năm 2015, bày tỏ lòng cảm kích khi hai đất nước từng ở hai phía của cuộc chiến nay đã gác lại quá khứ, cùng hướng về tương lai chung:

“Trời còn để có hôm nay,

Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”.

“Thank heaven we are here today,

To see the sun through parting fog and cloud”.

Và mượn Truyện Kiều, Nguyên Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định hai dân tộc đã sẵn sàng cho những cam kết lâu dài, trở thành những đối tác uy tín của nhau trong chuyến thăm Việt Nam năm 2016:

“Rằng trăm năm cũng từ đây,

Của tin gọi một chút này làm ghi”.

“Henceforth I’m bound to you for life, he said

Call these small gifts a token of my love”.

Mượn thơ Kiều là biểu trưng cho sự trân trọng tinh hoa văn hoá Việt Nam, là mượn chiếc cầu văn hoá để bước vào trái tim người Việt. Lựa chọn này của các lãnh đạo cấp cao Hoa Kỳ cho thấy: giá trị văn hoá là cầu nối ngắn nhất, chân thành nhất giữa các dân tộc. Tôn trọng văn hoá của một dân tộc là tôn trọng bản sắc, truyền thống, lịch sử đã hun đúc nên dân tộc ấy, mở đường cho sự thấu hiểu lẫn nhau, là bước đi nhanh nhất tới hoà bình, hợp tác và phát triển. Chính bởi lẽ đó, bản sắc văn hoá cần được coi trọng và dựng xây như một nền tảng giá trị cơ bản khi nước nhà bước ra thế giới, để hoà nhập chứ không hoà tan, để lan toả giá trị, cùng có lợi thay vì xung đột, bất đồng. Hiểu được giá trị của văn hoá, tôi luôn tự hào khi giới thiệu đến bạn bè thế giới những tinh hoa của Việt Nam – những di sản, biểu trưng văn hoá vượt thời đại – đại diện cho bản sắc và tinh thần của người Việt Nam. Giống như Truyện Kiều, Trầm Hương Khánh Hoà đến với bạn bè thế giới, chinh phục những trí tuệ hàng đầu như một đại diện của bản sắc Việt Nam.

Trầm Hương Khánh Hoà gắn liền với truyền thuyết của người Chăm Pa ở mảnh đất miền Trung nắng gió: Trong ánh hào quang của Nữ thần Ponagar – Thiên Y A Na Thánh Mẫu uy nghiêm với núi non trời biển luôn có mùi hương thanh khiết của Trầm. Hương Trầm là sứ giả đại diện cho những vị thần, là ngôn ngữ chung giữa nhiều nền văn hoá. Dù ở đâu, Hương Trầm cũng là lời nguyện cầu thành kính của con người với Tổ tiên, Trời đất và thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn mà người Việt luôn coi trọng. Dâng thanh nhang Trầm cầu cho bách gia an lành, dân tộc thịnh vượng đã trở thành nét đẹp văn hoá đi cùng người Việt qua hàng nghìn năm. Nét đẹp văn hoá được hun đúc từ Trầm đã nuôi dưỡng nhiều thế hệ người Việt Nam kiên cường trước thách thức, chăm chỉ trong lao động, sáng tạo trong nghiên cứu và biết yêu những điều tốt đẹp.

Hình ảnh Việt Nam yêu chuộng hoà bình, nét đẹp văn hoá Việt Nam đã chinh phục thế giới, tự hào đưa đất nước hình chữ S trở thành điểm đến của mọi khát vọng hoà bình khác, trở thành trung tâm hoà giải của thế giới. Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều diễn ra hồi tháng 2 năm 2019 tại Thủ đô Hà Nội của Việt Nam là sự kiện mang tính bước ngoặt, khiến cả thế giới hướng về Việt Nam. Cuộc gặp gỡ giữa nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Cộng Hoà Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên luôn được thế giới ngóng đợi bởi nó đánh dấu nỗ lực đáng kể của các nhà nước trong việc đem lại hoà bình, không chỉ trên Bán đảo Triều Tiên mà còn trên phạm vi khu vực và quốc tế. Tầm quan trọng của sự kiện này đòi hỏi nước chủ nhà phải là các quốc gia có độ an toàn gần như tuyệt đối về an ninh, chính trị, xã hội và sở hữu năng lực triển khai các sự kiện tầm cỡ quốc tế. Diễn ra lần đầu tiên tại Singapore và lần thứ hai tại Việt Nam, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều là lời khẳng định của thế giới về năng lực và giá trị của Việt Nam trên bản đồ chính trị và kinh tế thế giới – một quốc gia mang trong mình giấc mơ hoà bình, đã thực hiện được giấc mơ đó và sẵn sàng lan toả không gian hoà bình cho thế giới.

Hình ảnh người Việt Nam với những giá trị tốt đẹp được thể hiện qua trầm hương cũng đã hiện diện ở nhiều sự kiện quan trọng: Festival Biển Nha Trang và Hội nghị Quốc tế về Biển và Kinh tế Biển (tháng 7.2015), Hội nghị APEC Việt Nam (tháng 11.2017), Lễ Dâng Trầm đầu tiên của Việt Nam (tháng 4.2019), Diễn đàn Liên minh Lãnh đạo Thế giới – Club de Madrid (tháng 10.2019) tại Madrid (Tây Ban Nha). Sắp tới, danh xưng Việt Nam – Quốc Gia Trầm Hương sẽ lại một lần nữa đóng vai trò quan trọng trong chương trình nghị sự của Diễn đàn Liên minh Lãnh đạo Thế giới diễn ra cuối tháng 4.2020 tại Đại học Harvard (Hoa Kỳ). Đó là sự ghi nhận và trân trọng của tầng lớp tinh hoa thế giới với giá trị mà Việt Nam đang lan toả ra thế giới. Giống như những lời tốt đẹp mà bà Vaira Vike-Freiberga – Cựu Tổng thống Latvia đồng thời là Chủ tịch Club de Madrid – dành cho Trầm Hương Khánh Hoà tại Diễn đàn Club de Madrid 2019: “… một hiện thân tuyệt vời của tâm hồn và ý chí của người Việt Nam, cũng là những giá trị mà thế giới cùng chia sẻ trong kỷ nguyên Trí tuệ Nhân tạo”.

Trao tặng chiếc quạt Trầm Hương cho bà Vaira Vike-Freiberga, Chủ tịch Club de Madrid và ông ông Nguyễn Anh Tuấn (phải), Giám đốc Diễn đàn Toàn cầu Boston

“Việt Nam đã thực sự thoát khỏi vỏ bọc của một dân tộc đi qua khói lửa chiến tranh. Lúc này, các bạn đã sẵn sàng trở thành một thành viên tích cực và đầy tiềm năng trên vũ đài thế giới”, đó là chia sẻ của Giáo sư John Quelch từ Đại học Harvard trong những ngày ông đến làm việc tại Khánh Hoà, Việt Nam. Được mệnh danh là “Phù thuỷ Marketing” của các Tập đoàn đa quốc gia, John Quelch cũng có đánh giá xác đáng về tiềm năng của Trầm Hương trên con đường đưa giá trị Việt Nam đến với thế giới. Ông khẳng định “Trầm Hương và những giá trị mà nó mang lại sẽ là điều duy nhất chỉ có ở Việt Nam, chứ không có ở bất cứ đâu trên thế giới”.

Trong một tương lai không xa, chúng ta có thể tự tin mà nói rằng: cảm được Hương Trầm cũng là hiểu được tinh thần của người Việt Nam. Trong tương lai đó, nhắc đến Việt Nam là nhắc đến Quốc Gia Trầm Hương, là nhắc đến Văn Hoá Thiền Trầm. Những giá trị đó sẽ tạo cho Việt Nam một vị thế mới và một nguồn năng lượng mới để tiến nhanh tiến mạnh trên trường quốc tế, như lời khẳng định của PGS. TS. Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: “Trầm Hương và Văn Hoá Thiền Trầm sẽ là một ngành kinh tế, là động lực mang lại sự khác biệt cho mảnh đất này”.

Nhân dịp đầu xuân, mượn khói Trầm Hương, mượn vần thơ Kiều, Trầm Hương Khánh Hoà bày tỏ lòng tự hào với đất nước, với dân tộc Việt Nam, tôi có một niềm tin rằng những người Việt Nam hôm nay sẽ ngày càng hiểu, yêu, trân trọng và lan toả giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc vươn xa hơn nữa. Đất nước qua bao gian nan mới có mùa xuân tươi đẹp như hôm nay. Những mùa xuân đang và sẽ tới tươi đẹp đến đâu, rực rỡ đến nhường nào, phụ thuộc rất lớn vào cái tâm, cái tài của người dân Việt Nam. Trong đó, cái tâm – đại diện cho giá trị tinh thần, nhân văn cao đẹp – cần tiếp tục được nuôi dưỡng và trân trọng. Bên cạnh luyện tài, càng cần phải chú trọng tu tâm, như lời thi hào Nguyễn Du đã nói:

“Thiện căn kia bởi lòng ta,

Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”.

Chủ tịch Trầm Hương Khánh Hòa ATC Nguyễn Văn Tưởng

[1] Giáo sư John Swensson, Đại học De Anza (bang California, Hoa Kỳ)

[2] Truyện Kiều, câu 3115, 3116: Xưa nay trong đạo đàn bà – Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường

[3] Truyện Kiều, câu 3173, 3174: Gương trong chẳng chút bụi trần – Một lời quyết hẳn muôn phần kính thêm!

[4] Trích Toàn văn Bài Diễn văn của Tổng thống Clinton. Báo Nhân dân, ngày 18.11.2000

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *