Thực phẩm “bẩn” – chuyện cần “nói mãi”!

(Baonghean) – Câu nói hài hước nhưng là nhận định không thể thẳng thắn hơn, đầy chua xót, bất an của một vị đại biểu Quốc hội khóa XIII rằng, “Con đường từ dạ dày tới nghĩa địa chưa bao giờ trở nên ngắn và dễ dàng đến thế” đã phản ánh đúng thực trạng và nỗi lo của người dân về an toàn thực phẩm.

Thật khó khăn khi phải chấp nhận cách nói không ai muốn về an toàn thực phẩm với việc dùng các chữ “bẩn” và “độc”. Bẩn là thực phẩm nhiễm khuẩn do trong quá trình giết mổ (đối với gia súc, gia cầm) không bảo đảm quy trình, giết mổ tùy tiện. “Độc” vì trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt, bảo quản… gia súc, gia cầm, thực phẩm được “tắm”, được “ăn” những hóa chất độc hại, miễn sao đạt năng suất cao nhất, lợi nhuận của người kinh doanh và chăn nuôi đạt cao nhất…

Vì vậy, câu nói hài hước nhưng là nhận định không thể thẳng thắn hơn, đầy chua xót, bất an của một vị đại biểu Quốc hội khóa XIII rằng, “Con đường từ dạ dày tới nghĩa địa chưa bao giờ trở nên ngắn và dễ dàng đến thế” đã phản ánh đúng thực trạng và nỗi lo của người dân về an toàn thực phẩm. Và cũng chẳng có gì phải ngạc nhiên khi lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) chính thức phát đi lời hứa sẽ thưởng “nóng” từ 1 – 50 triệu đồng cho người nào báo tin về thực phẩm bẩn, tùy theo mức độ giá trị của thông tin. 

Là một nước nông nghiệp, lẽ ra người dân phải cảm thấy hạnh phúc vì mình có được nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào, đằng này càng nhiều lại càng lo. Bởi lẽ, nếu như các loại hàng hóa nông sản xuất khẩu được kiểm soát chặt chẽ từ khâu giống, chăm sóc đến tận bàn ăn thì những thực phẩm phục vụ thị trường trong nước hoàn toàn bị bỏ ngỏ. Thực tế thời gian qua, nhiều lô hàng nông sản xuất khẩu đã bị trả về đã đi đâu về đâu, được xử lý như thế nào không ai biết? 

Theo số liệu của Bộ Công an, trong năm 2015, Cảnh sát môi trường cả nước phát hiện 3.365 vụ sản xuất, buôn bán, tiêu thụ thực phẩm bẩn, nhiều nhất là ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương có cửa khẩu như Lạng Sơn, Quảng Ninh… Điều đó cho thấy, tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm đang ở mức báo động đỏ. Họp Quốc hội, có đại biểu phải kêu lên rằng: “Thực phẩm bẩn bủa vây người tiêu dùng”.  

Ra chợ hay vào nhà hàng, người tiêu dùng thật khó phân biệt đâu là thực phẩm sạch, đâu là thực phẩm bẩn. Càng bắt mắt, càng thơm tho thì có khi lại càng độc hại, trong khi hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm mới chỉ phát hiện được khoảng 30% số hóa chất nguy hại trong tổng số hơn 2.000 hóa chất bảo vệ thực phẩm.  

Người tiêu dùng mất niềm tin vào thị trường nông sản trong nước. Điều đó là hoàn toàn có cơ sở, bởi qua kiểm tra ngay tại Hà Nội, lực lượng chức năng đã phát hiện tình trạng trà trộn rau bẩn vào rau sạch để bán. Mớ rau đã vậy thì những thứ đắt hơn như thịt, cá… càng có nguy cơ bị trà trộn cao hơn. Nghĩa là người dân đã mất tiền mua “mác” rau sạch, thịt sạch với giá cao lại còn rước thuốc độc vào người.

Người ta từng thấy có những lời kêu ca trên các phương tiện truyền thông rằng “người Việt Nam đang tự đầu độc chính mình”. Nhưng những lời  kêu gào khẩn thiết ấy vẫn chỉ như đá ném ao bèo. Tại diễn đàn “Đón sóng thực phẩm sạch” diễn ra mới đây, một thông tin làm mọi người phải giật mình: “Có 40/120 mẫu rau chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; 455/ 735 mẫu thịt gia súc, gia cầm không an toàn cho người sử dụng.” Còn Cục Bảo vệ thực vật – Bộ NN&PTNT thì tiết lộ: “Có hơn 2.000/11.000 cơ sở sản xuất và buôn bán thuốc kém chất lượng; hơn 2.500/11.000 cơ sở sản xuất và buôn bán vi phạm quy trình chuẩn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật”. 

Nông dân có thể vì hám lợi mà tặc lưỡi sử dụng chất tạo nạc để chăn nuôi. Nhưng liệu có thấm tháp gì so với cái lợi của những kẻ cấp phép, nhập khẩu thứ thuốc độc hại đó về bán cho họ. Người chăn nuôi vừa là kẻ thủ ác, cũng vừa là nạn nhân của những “con buôn máu lạnh” và những nhà quản lý vô cảm.

Ông bà ta thường nói: “Bệnh từ miệng mà vào” quả không sai. Ăn phải thực phẩm bẩn, trước mắt là ngộ độc, lâu dài có thể đối mặt với những căn bệnh mãn tính, gây đột biến gen, ung thư. Ngành Y tế cho biết: nếu như 5 năm trước, số người mắc bệnh ung thư khoảng 75.000 – 100.000 ca/năm thì nay đã lên tới 130.000 – 160.000 ca/năm. Ước tính đến năm 2020, con số này sẽ là 200.000 ca. Hậu quả nhãn tiền là mỗi năm, hơn một nửa số ca ung thư đã chết. Ngày càng có nhiều “làng ung thư” bị phát hiện; nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra từ đơn lẻ, đến hàng chục, thậm chí là hàng trăm người mắc ở các trường học, công ty, xí nghiệp. 

Để bảo vệ chính mình, người dân không có cách nào khác là phải trang bị kiến thức về thực phẩm an toàn, mua thực phẩm có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng, chí ít cũng nên mua ở cửa hàng quen; biết cách phân biệt thực phẩm có màu sắc, mùi vị bất thường, không mua thực phẩm quá hạn. Cơ quan chức năng cần coi tình trạng kinh doanh thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc là một thứ tệ nạn, một loại tội phạm không thể dung thứ mà đấu tranh quyết liệt, thậm chí là phải trừng trị nghiêm khắc bằng pháp luật. Các đoàn thể quần chúng, dư luận xã hội cũng cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa trong việc lên án, tố cáo những đối tượng có hành vi vô đạo đức, vì lợi nhuận mà bất chấp mạng sống người dân khi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn.

Nguyễn Vân (VOV)

TIN LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *