Thủ tục làm giấy khai sinh theo quy định mới nhất 2022

Đăng ký khai sinh là thủ tục pháp lý về hộ tịch được thực hiện phổ biến trong đời sống hàng ngày. Đây là thủ tục nhằm xác lập tư cách một cá nhân, một công dân làm tiền đề cho việc thực hiện các thủ tục khác về cư trú, bảo hiểm,…. Tuy nhiên, việc thực hiện thủ tục này sao cho đúng thì không phải ai cũng biết, cũng nắm được. Do đó, quá bài viết này, Luật Hoàng Phi sẽ cung cấp các thông tin hữu ích về Thủ tục làm giấy khai sinh theo quy định mới nhất 2022.

Thủ tục làm giấy khai sinh cho con 2022

Điều 16 Luật Hộ tịch quy định về thủ tục đăng ký như sau:

Điều 16. Thủ tục đăng ký khai sinh

1. Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.

2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.

Công chức tư pháp – hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.

3. Chính phủ quy định chi tiết việc đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em chưa xác định được cha, mẹ, trẻ em sinh ra do mang thai hộ; việc xác định quê quán của trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em chưa xác định được cha, mẹ.

Làm giấy khai sinh cần giấy tờ gì?

Khi cha mẹ thực hiện thủ tục làm giấy khai sinh cho con thì rất nhiều người chưa nắm rõ các giấy tờ cần chuẩn bị khi đăng ký khai sinh cho con. Theo quy định hiện nay khi đi đăng ký khai sinh cần chuẩn bị các giấy tờ như sau:

– Tờ khai đăng ký khai sinh theo mẫu;

– Bản chính Giấy chứng sinh; trường hợp không có Giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh;

– Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, con hoặc quan hệ mẹ, con gồm:

+ Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.

+ Trường hợp không có văn bản nêu trên thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.

Người đi khai sinh cho trẻ phải xuất trình được giấy tờ tùy thân như hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của người có yêu cầu đăng ký khai sinh, nhận cha, mẹ, con; Giấy tờ chứng minh nơi cư trú để chứng minh thẩm quyền đăng ký khai sinh, nhận cha, mẹ, con (trong giai đoạn chuyển tiếp).

Thẩm quyền đăng ký khai sinh

Theo quy định tại Điều 13 của Luật hộ tịch năm 2014 quy định: “Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh“.

Như vậy, các trường hợp đăng ký khai sinh không có yếu tố nước ngoài sẽ được tiến hành tại Ủy ban nhân dân cấp xã. Hiện tại một số địa phương đã triển khai thí điểm đăng ký khai sinh qua mạng để tiết kiệm thời gian cho công dân.

Thời hạn đăng ký khai sinh là bao lâu?

Ngoài thủ tục làm giấy khai sinh thì thời hạn đăng ký khai sinh cũng là một vấn đề cần phải biết được.Theo quy định Điều 14, Điều 15 Luật hộ tịch năm 2014 thì trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.

Mẫu giấy khai sinh

Theo Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28 tháng 5 năm 2020 của Bộ Tư pháp Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch thì mẫu giấy khai sinh như sau:

Một số nội dung có liên quan Quý khách hàng có thể tham khảo

Câu hỏi: Thủ tục đăng ký khai sinh cho con có mẹ là người Việt Nam, cha là người nước ngoài

Tôi là Nguyễn Bích ở huyện Đan Phượng – Hà Nội, xin Luật sư tư vấn cho tôi trường hợp như sau:

Tôi có lấy chồng là người nước ngoài (cụ thể là người Trung Quốc). Hiện tôi đang mang thai được 5 tháng, dự định tôi sẽ sinh tại Việt Nam nhưng tôi chưa biết rõ về thủ tục khai sinh cho con, xin Luật sư tư vấn cho tôi thủ tục đăng ký khai sinh cho con như thế nào? phải nộp những chi phí gì không? Phần quốc tịch mà chúng tôi thỏa thuận cho con của mình là quốc tịch Việt Nam rồi nhưng anh chồng tôi lại muốn đặt tên con theo tiếng Trung vậy xin hỏi Luật sư như thế có được không? Cảm ơn Luật sư rất nhiều!

Trả lời:

Với câu hỏi của bạn Luật Hoàng Phi xin trả lời như sau:

Thứ nhất, về thủ tục đăng ký khai sinh cho con có mẹ là người Việt Nam và cha là người nước ngoài.

Thủ tục đăng ký khai sinh cho con bạn sinh ra tại Việt Nam có mẹ là công dân Việt Nam còn cha là công dân nước ngoài thực hiện theo Luật hộ tịch 2014, cụ thể

+ Về thẩm quyền đăng ký khai sinh:Điều 35 Luật Hộ tịch 2014 quy định như sau:

Điều 35. Thẩm quyền đăng ký khai sinh

Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em trong các trường hợp sau đây:

1. Trẻ em được sinh ra tại Việt Nam:

a) Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch;

b) Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước còn người kia là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;

c) Có cha và mẹ là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;

d) Có cha và mẹ là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch;

2. Trẻ em được sinh ra ở nước ngoài chưa được đăng ký khai sinh về cư trú tại Việt Nam:

a) Có cha và mẹ là công dân Việt Nam;

b) Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam.”

Với trường hợp của bạn, như bạn đã trình bày, bạn dự định sinh con ở Việt Nam vào tháng 12/2016. Hơn nữa bạn là người Việt Nam còn chồng bạn là người Trung Quốc nên theo quy định tại Điểm a, Khoản 1 Điều 35 Luật hộ tịch 2014 đã nêu trên thì Ủy ban nhân dân huyện Đan Phượng là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký khai sinh cho con bạn.

+ Về trình tự, thủ tục đăng ký khai sinh: Điều 36 Luật hộ tịch 2014 quy định như sau:

Điều 36. Thủ tục đăng ký khai sinh

1. Người đi đăng ký khai sinh nộp giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật này cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ là người nước ngoài thì phải nộp văn bản thỏa thuận của cha, mẹ về việc chọn quốc tịch cho con.

Trường hợp cha, mẹ chọn quốc tịch nước ngoài cho con thì văn bản thỏa thuận phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước ngoài mà người đó là công dân.

2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức làm công tác hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại Điều 14 của Luật này vào Sổ hộ tịch; trường hợp trẻ em có quốc tịch nước ngoài thì không ghi nội dung quy định tại điểm c khoản 1 Điều 14 của Luật này.

 Công chức làm công tác hộ tịch, người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.

3. Chính phủ quy định thủ tục đăng ký khai sinh đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 35 của Luật này.

Như vậy, bạn cần chuẩn bị hồ sơ gồm:

+ Tờ khai đăng ký khai sinh (theo mẫu)

+ Giấy chứng sinh, (do Bệnh viện, Cơ sở y tế nơi con bạn được sinh ra ra cấp). Nếu không có giấy chứng sinh thì phải có văn bản xác nhận của người làm chứng về việc sinh. Nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh…

+ Văn bản thỏa thuận của bạn và chồng bạn về việc chọn quốc tịch cho con là Quốc tịch Việt Nam. Giấy thỏa thuận phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước mà chồng là công dân (Trung Quốc) về việc chọn quốc tịch cho con là phù hợp với pháp luật của Trung Quốc (đã được hợp pháp hóa lãnh sự và dịch sang tiếng Việt).

+ Bản sao kèm bản chính đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực các loại giấy tờ sau: Giấy Chứng nhận đăng ký kết hôn của vợ chồng bạn; chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu; sổ hộ khẩu hoặc sổ đăng ký tạm trú ; thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú hoặc chứng nhận tạm trú (đối với chồng bạn là người Trung Quốc cư trú tại Việt Nam).

– Nơi nộp: UBND huyện Đan Phượng – Hà Nội

Vì hai vợ chồng bạn thỏa thuận con mang quốc tịch Việt Nam, nên chỉ cần có văn bản thỏa thuận, có chữ ký của hai bên mà không cần phải hợp pháp hóa lãnh sự. Sau khi nhận đủ giấy tờ trên thì công chức làm công tác hộ tịch sẽ ghi nội dung khai sinh vào Sổ hộ tịch.

Lưu ý: 

 – Làm giấy khai sinh không tính lệ phí, trừ trường hợp thực hiện không đúng thời hạn;

 – Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày sinh con. Bạn hoặc chồng phải đi khai sinh cho con. Nếu không thể đi được thì nhờ ông, bà hoặc người thân thích đi làm giùm. Quá thời hạn quy định thì bị phạt cảnh cáo theo Khoản 1 Điều 27 Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

Thứ hai, về việc chồng bạn muốn đặt tên cho con bạn bằng tiếng Trung

Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 04/2020 TT-BTP quy định cụ thể như sau:

1. Việc xác định họ, dân tộc, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; không đặt tên quá dài, khó sử dụng. 

2. Trường hợp cha, mẹ không thỏa thuận được về họ, dân tộc, quê quán của con khi đăng ký khai sinh thì họ, dân tộc, quê quán của con được xác định theo tập quán nhưng phải bảo đảm theo họ, dân tộc, quê quán của cha hoặc mẹ.

Mặt khác, theo quy định tại Điều 26 Bộ luật dân sự

Điều 26. Quyền có họ, tên:

1. Cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó.

2. Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán.

Như vậy, pháp luật hiện hành không quy định bắt buộc họ, chữ đệm, tên của trẻ em phải là tên tiếng Việt. Điều này phụ thuộc vào việc thỏa thuận giữa cha và mẹ. Hoặc trong trường hợp của bạn thì đó là phụ thuộc vào sự quyết định của bạn đối với họ, chữ đệm, tên của con bạn. Do cha của con bạn là người nước ngoài có quốc tịch Trung Quốc nên bạn có thể đặt tên con bạn hoàn toàn bằng tiếng Trung theo sự lựa chọn, thỏa thuận của hai vợ chồng bạn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *