“Cây… cam… n..gọt…” Đó là lời tập bẹ hồi nhỏ của chúng ta khi đọc một dòng chữ trong câu chuyện “Cây cam ngọt của tôi”. Khi chúng ta sinh ra, ta đã được bố mẹ chỉ những câu từ trên những cuốn sách cổ tích đầy màu sắc. Sách như một người bạn không thể thiếu trên kệ tủ trong căn nhà của chúng ta. Là những chiếc thảm bay khổng lồ mang biết bao nhiêu tri thức đưa ta bay từ ngày này sang tháng nọ, không hề ngừng nghỉ.
Cuốn sách và chiếc giỏ đựng than
Chuyện kể rằng, tại miền núi thuộc bang Kentucky có hai ông cháu sống cùng nhau. Vào mỗi buổi sáng, người ông đều thức dậy sớm ngồi vào bàn để đọc sách. Cậu cháu trai thấy vậy, cũng cố gắng bắt chước ông mình đọc sách.
Một ngày cậu hỏi ông mình: “Ông ơi, cháu đã cố gắng đọc những quyển sách như ông nhưng vẫn không thể hiểu nó. Có những đoạn cháu hiểu, nhưng khi gấp sách lại thì quên nó ngay. Vậy đọc sách có lợi ích gì đâu?”
Người ông liền đứng dậy, lấy hết than trong giỏ ra và nói: “Cháu hãy mang giỏ đựng than này ra ngoài sông và mang nước về giúp ông nhé!”
Cậu bé làm theo lời ông, nhưng toàn bộ nước chảy ra hết trước khi cậu quay về đến nhà. Người ông liền cười và nói: “Lần sau cháu cần đi nhanh hơn nữa“. Rồi người ông đưa lại cho cậu bé cái giỏ để đi lấy giỏ nước khác…
Lần này cậu cố chạy nhanh hết sức nhưng nước vẫn chảy hết ra ngoài giỏ trước khi cậu về đến nhà. Cậu bé nói: “Ông nhìn này, thật là vô ích!”
- “Con nghĩ nó vô ích? Hãy nhìn vào chiếc giỏ kia!” – người ông nói.
Cậu bé nhìn vào chiếc giỏ và lần đầu tiên cậu nhận thấy rằng chiếc giỏ trông thật khác. Thay vì một chiếc giỏ đựng than cũ kỹ và bẩn, nó lại trông sạch sẽ.
“Đó là tất cả những gì xảy ra khi cháu đọc sách. Có thể cháu không hiểu hoặc không nhớ mọi thứ, nhưng khi đọc, sách sẽ làm thay đổi bên trong tâm hồn của cháu, như nước đã làm sạch giỏ than kia vậy”.
Bạn có hiểu ý nghĩa của câu chuyện này không? Qua câu chuyện tôi mang đến, bạn có nhận ra được những giá trị của sách mang lại không? Sách không chỉ mang đến cho ta những kiến thức chuyên ngành, những bài học cuộc sống mà sách còn gột rửa tâm hồn. Có câu nói “Sách là ngọn đèn bất diệt của trí tuệ con người” bạn thấy có đúng không?
Nhưng hiện nay khoa học công nghệ phát triển, con người luôn quan tâm đến những thiết bị công nghệ mà bỏ quên đi những giá trị của sách. Những cuốn sách mang những giá trị cốt lõi lại bị lãng quên ở trên giá làm bạn với bụi bặm và tơ nhện. Với thời đại của công nghệ số hiện nay việc đọc sách sẽ không bó hẹp trong những trang sách – cách đọc truyền thống nữa, mà có thể đọc các thể loại sách nói, radio sách,… rất nhiều lựa chọn nhưng họ lại bỏ qua và chú trọng hơn vào những nền tảng mạng xã hội. Với xã hội phát triển như ngày nay, việc đọc sách đã trở nên rất dễ dàng nhưng giới trẻ vẫn thờ ơ, bỏ qua điều đó dẫn tới văn hóa đọc của giới trẻ hiện nay bị xuống cấp.
Sức mạnh vô hình của thói quen đọc sách
Văn hóa đọc là những ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân trong một cộng đồng, ba yếu tố này như ba vòng tròn không đồng tâm nhưng giao nhau; ba yếu tố này cũng mang ba thành phần khác nhau là: thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc. Văn hóa đọc của giới trẻ xuống cấp là do không có thói quen đọc sách, không có sở thích đọc sách, hay không có kỹ năng đọc sách đúng nên nghĩ đọc sách là nhàm chán, vô bổ. Vậy nên hãy dành ra vài phút đọc bài viết này, cùng nhau nghĩ xem có phải văn hóa đọc của giới trẻ hiện nay đang xuống cấp không nhé.
Đầu tiên là thói quen đọc sách. Thói quen là một chuỗi phản xạ có điều kiện do rèn luyện mà có. Phản xạ có điều kiện là những hành vi (nếp sống, phương pháp làm việc) được lặp đi lặp lại nhiều lần trong cuộc sống và rèn luyện (học tập, làm việc), đó là những hành vi định hình trong cuộc sống và được coi là bản chất của con người nhưng nó không sẵn có mà là kết quả của việc sinh hoạt, học tập, rèn luyện, tu dưỡng của mỗi cá nhân trong cuộc sống hằng ngày.
Theo nghiên cứu, để tạo dựng nên một thói quen thông thường phải mất hơn 2 tháng để một hành vi mới trở thành tự động, chính xác là 66 ngày. Sự khác biệt về thời gian này phụ thuộc vào hành vi, con người và hoàn cảnh, thực tế bạn phải mất từ 2 đến 8 tháng để thay đổi hành vi trong cuộc sống. Vậy nên để tạo dựng thói quen đọc sách thì đó là cả một quá trình thay đổi và rèn luyện, từ đây có thể tạo được cho bạn tính nhẫn nại, kiên trì.
Do ngay từ bé đã được tiếp xúc sớm với các thiết bị điện tử nên gần như giới trẻ hiện nay không có thói quen đọc sách. Vậy nên hãy bắt tay thay đổi bản thân bằng cách dành ra 30 phút đến một tiếng buổi tối để đọc một cuốn sách thay vì ngồi lướt Facebook, Instagram, TikTok,…
Thứ hai là sở thích đọc sách. Sở thích là những hoạt động thường xuyên hoặc theo thói quen để đem lại cho con người niềm vui, sự phấn khởi trong khoảng thời gian thư giãn. Sở thích cũng liên quan đến sự hứng thú, thái độ ham thích đối với một đối tượng nhất định khiến tâm tư của họ được thoải mái, hạnh phúc, hoặc có thể qua đó tạo thành động lực lớn để theo đuổi. Vậy nên để tạo dựng được đọc sách là một sở thích thì trước hết chúng ta cần nhận được niềm vui, sự thú vị từ việc đọc sách.
Hãy đọc những cuốn sách phù hợp với sở thích của bản thân mình, đọc sách ở nơi khiến bạn vui vẻ, thoải mái. Điều đơn giản để bạn có một sở thích đọc sách là ngay từ lúc nhỏ đã ham mê đọc sách, điều đó sẽ dẫn tới sở thích đọc sách của bạn sau này. Nhưng đáng tiếc ngay từ bé các bậc phụ huynh đã không chú trọng điều này mà bỏ qua nó, lấy lý do công việc mệt nhọc mà tối tối ngồi lướt điện thoại, không dành thời gian đọc sách cho con; đến bữa cơm con không ăn lại lấy điện thoại mở YouTube cho con xem để dỗ con ăn; không thường xuyên mua sách truyện cho con đọc mà thay vào đó để con xem tivi;…
Cuối cùng là kỹ năng đọc sách. Kỹ năng đọc là một loại kỹ năng mềm, phương thức giúp người đọc có thể tiếp nhận thông tin một cách nhanh nhất. Cùng với nhu cầu đọc, hứng thú đọc thì kỹ năng đọc là yếu tố quan trọng cấu thành văn hóa đọc.
Kỹ năng đọc là thành tố quan trọng nhất trong cấu trúc văn hóa đọc, là khả năng hiểu, lĩnh hội và cảm thụ tác phẩm, biến tri thức, kinh nghiệm trong sách thành tri thức, kinh nghiệm của bản thân để có thể vận dụng một cách nhuần nhuyễn, sáng tạo trong khi tiến hành các hoạt động sống khác nhau. Kỹ năng đọc phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tri thức, kinh nghiệm, năng lực và mục đích đọc của mỗi cá nhân. Trong đó, mục đích đọc là yếu tố quan trọng để lựa chọn phương pháp đọc phù hợp với yêu cầu đọc. Từ đó sẽ giúp các bạn tránh được đọc tràn lan, tốn công sức và quản lý thời gian đọc sách hợp lý.
Thực trạng văn hóa đọc hiện nay
Theo những ý đó, văn hóa đọc của giới trẻ hiện nay đang xuống cấp hay do cách nhìn nhận thay đổi? Tôi nghiêng về ý đầu hơn, còn bạn? Trước sự phát triển như vũ bão của các phương tiện truyền thông đại chúng; tiện ích xã hội như báo điện tử, truyền hình, Facebook, Youtube, TikTok… giới trẻ hoàn toàn có thể đọc sách, tiếp cận với sách theo những phương thức khác nhau. Nhưng không hề, họ không đọc sách mà chỉ tiếp cận các trang mạng để cập nhật tin tức không có giá trị cho cuộc sống như những vụ cãi lộn, những vụ đánh ghen, những hot trend TikTok chỉ mang tính chất giải trí.
Chỉ với những thông tin ấy họ có thể dành cả mấy tiếng đồng hồ để “hóng”. Nhưng với những nguồn thông tin, kiến thức bổ ích họ lại tiếc rẻ vài phút để đọc một trang sách. Theo số liệu của ComScore, ở Việt Nam có khoảng 87,5% người dân đã và đang sử dụng các mạng xã hội, trong đó độ tuổi 15-34 chiếm khoảng 71%. Nhưng chỉ có 30% người đọc sách thường xuyên, 44% người thỉnh thoảng đọc sách, 26% người không đọc sách. Thời gian đọc sách cho người Việt Nam ta trung bình là 1 giờ/người/tuần. Đây đều là những con số thấp so với các nước trong khu vực.
Theo số liệu khảo sát của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường về việc sử dụng thời gian rảnh để làm việc gì là chủ yếu, có đến 41,7% số bạn trẻ trả lời là lên mạng, 20% xem phim, 16,7% nghe nhạc và chỉ có 15% trả lời là đọc sách. Và trong một khảo sát đối với sinh viên TP.HCM, có 47,26% sinh viên nhận thức được tầm quan trọng của sách, 26.37% nghĩ rằng đọc sách là cần thiết; 25,15% cho rằng việc đọc sách là bình thường, có hay không cũng được và 1,22% nghĩ rằng việc đọc sách là không cần thiết.
Những số liệu này đã đủ để chứng tỏ rằng văn hóa đọc của giới trẻ hiện nay là xuống cấp chứ không phải là cách nhìn nhận thay đổi. Họ không nhận biết được sự quan trọng của những kiến thức mà sách vở mang lại: không biết gì thì họ sẽ tìm kiếm trên mạng, tìm hiểu kiến thức như vậy là tốt nhưng lâu dần đã tạo nên thói thụ động của giới trẻ không chủ động tìm kiếm, tìm hiểu, ghi chép, chọn lọc kiến thức mà luôn luôn tìm kiếm trên Google trước, nếu không có thì mới chủ động lật sách vở để chắt lọc thông tin; họ thà lướt xem những mẩu tin trên mạng hay những video trên mạng hơn là đọc những mẩu truyện, những bài học trên sách;…
Như vậy những giá trị mãi mãi mà sách mang lại đã bị giới trẻ bỏ quên để theo chân những giá trị chỉ mang ý nghĩa chóng vánh của các trang mạng xã hội. Chúng ta sẽ không nói những trang mạng xã hội đó là vô bổ, là độc hại mà thực tế cũng rất tiện lợi để ta cập nhật thông tinh nhanh hơn, kết nối với nhau gần gũi hơn; nhưng hiện tại chúng lại đang bị giới trẻ quá lạm dụng. Sử dụng có chừng mực, đúng mục đích thì rất tốt nhưng lạm dụng quá chúng lại trở nên vô bổ. Vậy nên giới trẻ cần xác định rõ mục đích của mạng xã hội, hạn chế sử dụng quá thường xuyên; cần theo đuổi những giá trị cốt lõi mang tính trường tồn mà hạn chế lại những thứ chỉ mang tính chóng vánh như Facebook, TikTok, YouTube,…
Một số bài viết mà bạn đọc có thể tham khảo:
Cảm ơn bạn đọc đã đọc bài viết! Hy vọng bài viết sẽ hữu ích với mọi người. Hãy cùng theo dõi BlogAnChoi biết thêm nhiều thông tin bổ ích nhé. Chúc bạn đọc một ngày tốt lành!