Thiên Hậu Thánh Mẫu trong tín ngưỡng của người Hoa

Thiên Hậu Thánh Mẫu trong tín ngưỡng của người Hoa

Các vị thần trong tín ngưỡng của người Hoa cũng được thờ rất nhiều, họ thờ Quan Công, Thần Tài, ông Táo, Thổ Địa và các vị nữ thần. Trong đó, Thiên Hậu Thánh Mẫu – vị thần nữ có một vị trí rất đáng kể trong tín ngưỡng văn hoá của họ.

Thiên Hậu Thánh Mẫu xưa nay được người Hoa xem như một vị thần biển có công giúp đỡ ngư dân, thương gia… Trong cuộc mưu sinh của họ, bà thường hiển linh trợ giúp kịp thời những thuyền, tàu mỗi khi gặp sóng to, gió lớn, phù hộ cho dân chài có được cuộc sống bình yên. Chính vì lẽ đó, hình ảnh của bà luôn được cộng đồng người Hoa suy tôn là một vị thần, một vị thần theo lệnh trời phò tá cho muôn dân. Và cũng chính vì điều đó mà qua các triều đại bà luôn được truy phong của triều đình.

Theo truyền thuyết, vào đời Tống Thái Tổ, năm Kiến Long nguyên niên (960) tại huyện Bố Điền, tỉnh Phước (phúc) Kiến, có người con gái thứ 6 của Lâm Nguyên lúc mới lọt lòng mẹ đã toả hào quang, hương thơm. Khi lớn có thể cưỡi chiếu ra biển, cưỡi mây đi du ngoạn khắp nơi. Đến năm Tống Thái Tôn thứ 4 (987) bà giã từ cõi trần, hưởng dương 27 tuổi. Truyền thuyết dân gian cho rằng bà thường hiển linh, mặc đồ đen bay lượn trên biển. Từ đó, mỗi triều đại bà đều được phong tước hiệu, đời Nguyên, được phong là Thiên Phi, đời Thanh Khang Hy, được gia phong làm Thiên Hậu…

Theo sử liệu, vào niên đại Mãn Thanh (đầu năm 1760) có rất nhiều thương gia đi tàu sang Việt Nam buôn bán, làm ăn do sóng to, gió lớn nên trên tàu đều có thờ Thánh Mẫu để mong được phù hộ. Lúc bấy giờ, tàu, bè đi biển phải trông theo hướng gió, thường đi từ lúc mùa gió bắc và về lúc gió nam, nên phải ở lại Việt Nam vài ba tháng mỗi năm. Nhiều người trong số thương nhân đã đề nghị hùn tiền xây miếu để thờ bà và xây Hội quán để làm nơi dừng chân của họ. Sau này có những giai đoạn đất nước Trung Hoa không ổn định, nên nhiều thương gia đã ở lại Việt Nam an cư lạc nghiệp.

Những người Hoa ở lại Việt Nam thường sống thành cụm dân cư cùng một xóm, một ngõ phố, tạo thành nét đặc trưng trong nếp sống cộng đồng của họ. Vì là những người tha phương, sống nơi đất khách quê người nên họ thường giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn, và dĩ nhiên về lĩnh vực sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của họ cũng có những nét chung. Đời sống tâm linh tiểu biểu của người Hoa là Hội quán, đây là nơi lưu giữ, kế truyền, sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng đặc trưng nhất, là nơi tôn nghiêm, thiêng liêng trong đời sống tinh thần của họ. Do đó, những gì cao quý, trân trọng đều được người Hoa đem vào Hội quán để lưu giữ hay thờ phụng. Lễ vía bà Thiên Hậu Thánh Mẫu của cộng đồng người Hoa là một minh chứng cho điều này.

Hàng năm, cứ vào ngày 23/3 âm lịch, người Hoa đều tổ chức lễ vía Bà ở các Hội quán của họ. Để tổ chức tốt cho kỳ lễ vía, người Hoa đã chuẩn bị nhiều ngày trước đó. Khoảng 18/3 âm lịch là họ đã tập trung ở Hội quán để sửa sang, quét dọn, chuẩn bị cho ngày trọng đại. Nơi bà ngự được quét dọn sạch sẽ, căng màn che lại, người ta nấu nước sôi để nguội rồi đổ vào thau, hái lá bưởi cho vào và cử 2 cô gái dùng khăn tắm rửa cho bà. Lá bưởi được người Hoa tin như một thứ bùa hộ mệnh dùng để tẩy sạch bụi trần, bao điều phiền muộn, những thứ xui xẻo. Sau khi tắm cho bà xong, người ta mặc quần áo mới cho bà và lấy nước đó về tắm cho trẻ em để cầu mong nó khoẻ mạnh, nên người.

Khoảng 6 giờ sáng, ngày 23/3 âm lịch, những người trong Ban Tổ chức của Hội quán đến chuẩn bị lễ vật cho ngày vía Bà. Lúc này cũng có những người đến cúng. Khi đến cúng bà, người ta mang theo nhang, đèn, trà, rượu… gà, vịt đã làm sẵn. Cúng xong, họ mang lễ vật về, nhưng cũng có người để lại đó. Hoặc có nhà hảo tâm thì cúng tiền vào thùng phước thiện, để Ban Tổ chức có kinh phí trùng tu, sửa chữa hay mua vật dụng cho Hội quán mình. Đúng 9 giờ là chính thức làm lễ vía Bà, bởi số 9 được người Hoa quan niệm là con số may mắn, 9 giờ là giờ tốt. Những người trong Ban Tổ chức Hội quán và đồng bào người Hoa làm lễ cúng bà. Thức cúng có: heo quay, trà, rượu, bánh, mứt… được đặt trên bàn, trước tượng bà. Khi cúng có người châm trà, rót rượu và đọc văn tế. Nội dung của văn tế là cầu cho mưa thuận, gió hoà, mua may bán đắt, làm ăn phát đạt, khoẻ mạnh, an khang… Trong ngày vía này, người Hoa cũng mời các ban, ngành, đoàn thể, dân làng đến tham dự, chung vui, dùng bữa cơm thân mật để thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng.

Trước đây, khi lễ vía Bà ở Hội quán xong, người Hoa còn tổ chức khiêng tượng bà đi du ngoạn quanh các đường phố, các con đường lớn gọi là thỉnh Bà hành cung. Trong buổi du ngoạn có đại diện Ban Tổ chức Hội quán, đông đảo người Hoa mặc đồ lễ, có lọng che, cờ phướn, cờ lệnh, trống, kèn… nô nức và nhộn nhịp. Mục đích của chuyến du ngoạn này là để cho Bà xem nhân tình thế thái, cảnh sắc quê hương… Trên đường bà đi qua, có một vài gia đình người Hoa đặt bàn cúng trước nhà để hộ tống bà và cầu bà ban cho phước, lộc, tiền, tài… Ngày nay, lệ này dường như không còn nữa vì tổ chức rất rườm rà và tốn kém.

Loại bỏ một vài yếu tố huyền bí thì lễ vía Thiên Hậu Thánh Mẫu thật sự là một ngày hội của cộng đồng người Hoa và dân làng, nhằm thể hiện tình đoàn kết giữa các cộng đồng dân tộc, thể hiện ước vọng bình yên, và cũng là một nét bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hoá dân tộc của Việt Nam.

Nguồn: Dân tộc & Thời đại, số 66,5/2004, tr 12, 21

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *