Thạch dừa là món thạch ăn vặt màu trắng, dai dẻo ngọt ngon đặc sản của Bến Tre – “xứ dừa miền Tây”. Món thạch này, cùng với nước ngâm, có thể được ăn riêng như một món tráng miệng giải khát, hoặc ăn kèm với các món tráng miệng khác – như chè, kem,…Cách tự làm thạch dừa tại nhà cũng rất đơn giản. Dịp cuối tuần, hãy thử áp dụng theo công thức dưới đây để làm thạch tráng miệng cho cả gia đình nhé.
Thạch dừa giòn giòn, dai dai là món ăn vặt yêu thích từ thuở bé của rất nhiều người. Nay chỉ với vài công thức đơn giản là bạn hoàn toàn đã có thể tự biến tấu cho mình phiên bản thạch dừa hấp dẫn tại nhà rồi. Còn chần chờ gì nữa mà không bắt tay vào bếp ngay thôi nào.
1. Thạch dừa bao nhiêu calo?
1.1. Thạch dừa chứa bao nhiêu calo, ăn có béo không?
Theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia dinh dưỡng thì trong 100g thạch dừa chỉ khoảng 92 calo. Từ đó có thể thấy hàm lượng calo có trong thạch dừa không quá cao. Ngoài calo, thạch dừa còn chứa: Protein, chất béo và carbohydrate. Do đó, bạn không cần quá lo lắng về cân nặng của mình khi dùng món thạch này tráng miệng.
Thạch dừa thô chỉ chứa khoảng 92 calo. Ảnh: Internet
1.2. Thạch dừa ăn có tốt không?
Thạch dừa không chỉ là món ngon mà nó còn chứa rất nhiều dưỡng chất tốt đối với sức khỏe, đặc biệt là người lớn và trẻ nhỏ. Dưới đây là một số tác dụng của thạch dừa đối với sức khỏe như:
- Hỗ trợ đường ruột, tốt cho hệ tiêu hóa
- Giảm cholesterol xấu
- Thanh nhiệt và làm mát cơ thể
- Tăng cường chức năng não bộ
- Thạch được chế biến từ rau câu, nước dừa và những loại hoa quả hoàn toàn mát và tốt cho cơ thể phụ nữ mang thai.
Mặc dù có nhiều lợi ích nhưng cũng cần phải ăn một cách hợp lý. Bởi vì ăn quá nhiều sẽ dễ gây đầy bụng, khó tiêu.
2. Hướng dẫn cách làm thạch dừa xiêm thô trắng dẻo ngọt ngon Bến Tre
Thạch dừa thô được tạo ra trong môi trường từ nước của những trái dừa già được cấy vào vi khuẩn Acetobacter xylinum. Sau đó ủ lên men để tạo thành mảng rắn màu trắng trong suốt có độ dai và kết cấu gần như thạch. Loại thạch này thường được sử dụng phổ biến để làm các món ăn vặt , tráng miệng ngọt.
2.1. Nguyên liệu
- Thạch dừa thô: 500 gr
- Đường phèn: 1 kg
- Hạt chia: 1 muỗng cà phê
- Lá dứa, hoa đậu biếc
- Bột matcha và siro dâu
- Nước vải ngâm: 3 muỗng canh
Chuẩn bị các gói bột thạch thô. Ảnh: Internet
2.2. Cách làm thạch dừa thô từ dừa xiêm trắng dẻo dai ngon của Bến Tre
2.2.1. Sơ chế thạch khử vị chua
- Để khử vị chua của thạch dừa thô, bạn hãy cho thạch dừa vào nước bóp và rửa lại trong vài lần, mỗi lần khoảng 5 phút. Sau đó rửa lại thạch 1 lần nữa trực tiếp dưới vòi nước, vắt mạnh thạch dừa để ráo hết nước còn sót lại bên trong. Sau đó, cho thạch vào ngâm với nước lọc trong 8 tiếng cho nở đều.
- Thạch sau khi ngâm hãy cho vào nồi nước sôi trụng sơ trong khoảng 1 phút. Rồi cho vào thau nước lạnh ngâm khoảng 2 phút. Sau đó, vớt thạch ra ép mạnh cho ráo hết nước.
Ngâm bột thạch dừa thô và nấu đúng cách để nở dai mềm. Ảnh: Internet
- Bắc nồi lên bếp với 3 lít nước rồi thêm đường phèn vào khuấy đều đến khi đường tan hoàn toàn. Sau đó cho thạch dừa và lá dứa vào nồi đun trong 20 phút rồi thêm vào 3 lít nước nữa rồi đun tiếp 10 phút thì tắt bếp.
- Cho hoa đậu biếc vào chén nước sôi ngâm trong 5 đến 7 phút để tạo màu xanh rồi vớt hoa ra ngoài. Cho bột matcha vào chén hòa tan với 30ml nước sôi. Cùng lúc, cho 30ml siro dâu vào 1 cái chén khác.
2.2.2. Cách nấu thạch dừa thô ngon
- Chuẩn bị ba cái tô, mỗi tô múc vào 3 muỗng thạch dừa vừa nấu. Đối với 3 chén, hãy lần lượt cho mỗi loại nước màu vào từng phần thạch để tạo thành thạch màu xanh tím, xanh lá và đỏ. Sau đó ngâm trong 15 – 20 phút để thạch dừa thấm màu và rửa lại với nước lạnh, để ráo. Cuối cùng cho 1 muỗng cà phê hạt chia vào chén nước ấm và ngâm đến khi nở hoàn toàn là được.
- Phần thạch dừa trắng còn dư trong nồi thêm vào 3 muỗng canh nước vải ngâm rồi khuấy đều để nước đường thêm thơm ngon hơn. Ngoài nước vải ngâm, bạn có thể thêm nước của trái cây khác bạn yêu thích như: nhãn ngâm, đào ngâm hoặc dứa ngâm….
2.2.3. Thưởng thức món thạch ngon hạ nhiệt mùa hè
- Thạch dừa sau khi trộn màu thì cho vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 3 – 4 tiếng cho giòn hơn rồi lấy ra sử dụng. Cho một ít thạch dừa với đủ loại màu vào ly, thêm hạt chia, đá lạnh rồi đổ phần nước nấu thạch vào là có thể dùng rồi.
- Ly thạch ba màu đan xen bắt mắt, giòn giòn, dai dai chuẩn vị. Nước đường ngọt, thơm nhẹ mùi vải, hạt chia nổ tanh tách trong miệng khi nhai cực thú vị. Đây chắc chắn là món ăn vặt vô cùng lý tưởng cho những ngày hè nắng nóng.
Thạch dừa thô 3 màu mát lạnh, màu sắc phong phú cực kì hấp dẫn cho mùa hè. Ảnh: Internet
3. Cách làm rau câu dừa dầm
3.1. Nguyên liệu
- Cơm dừa non, cùi dừa, dừa bào
- Đậu phộng, nước dừa, đường
- Sữa tươi không đường
- Nước cốt dừa
- Bột năng, sữa đặc, bột rau câu, nước
- Dụng cụ: Rây lọc, nồi, ly, chén, hộp vuông làm khuôn
3.2. Cách làm thạch rau câu dừa dầm giòn ngon
- Trộn bột rau câu với đường, cho vào nồi nước dừa đun lửa lớn cho đến khi sôi cho hỗn hợp đường và bột rau câu vào, khuấy liên tục cho tan đều. Khi hỗn hợp sôi thì hạ lửa vừa, khuấy liên tục trong 3 – 4 phút đến khi bột rau câu tan hoàn toàn. Sau đó cho 1/2 lượng nước rau câu vào khuôn.
- Cho sữa tươi không đường vào nước cốt dừa khuấy đều tay. Sau đó, cho nước sữa dừa vào nồi đựng nước rau câu còn lại, đun lửa vừa cho tan. Khi lớp rau câu trong khuôn bắt đầu đông nhẹ thì đổ từ từ phần rau câu sữa dừa vào khuôn. Đổ nhẹ từ mép khuôn để lớp rau câu trước không bị vỡ rồi để nguội cho 2 lớp rau câu đông lại rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh 2 tiếng rồi cắt miếng nhỏ vừa ăn.
- Chọn cùi dừa khô, cùi dừa rửa sạch và cắt hạt lựu. Đổ nước sôi vào bột năng, trộn đều và nhào thành khối dẻo mịn. Sau đó cho nhân dừa vào rồi nặn thành viên trân châu bột năng tròn nhỏ. Đun sôi nước, cho trân châu vào đến khi nổi lên thì vớt ra cho vào tô nước đường để nguội.
- Đổ bột năng vào nước khuấy tan. Cho vào nồi nước cốt dừa, sữa tươi không đường, nước dừa, đường và sữa đặc. Để lửa vừa, khuấy đến khi sôi lăn tăn thì cho nước bột năng vào, đun nóng để hỗn hợp sánh mịn rồi tắt bếp chứ không đun sôi. Sau đó lọc qua rây để phần nước sữa dừa được mịn.
- Cho tất cả nguyên liệu vào ly, một ít cùi dừa, dừa non, thạch rau câu , trân châu dừa , một ít đá nhuyễn. Cuối cùng là rưới lên một lớp sữa dừa và dừa bào sợi, rắc đậu phộng lên cho đẹp mắt.
Món rau câu dừa dầm trân châu giòn ngon ngọt ngào thơm mát. Ảnh: Internet
4. Cách làm rau câu trái câu nước cốt dừa hình con cá ngộ nghĩnh
4.1. Nguyên liệu
- 10 gram bột rau câu giòn
- 180 gram đường trắng
- 200 ml nước cốt dừa nguyên chất
- 800 ml nước lọc
- 1 trái xoài chín (gọt vỏ, bỏ hột, thái lựu)
- 1 trái kiwi (gọt vỏ, thái lựu)
- Chuẩn bị 1 khuôn làm bánh silicon hoặc khuôn đổ rau câu hình con cá
4.2. Cách làm thạch rau câu trái cây cốt dừa hình con cá
- Trộn đường trắng, bột rau câu trong nồi vừa. Từ từ chế nước cốt dừa cùng nước lọc vào nồi, quấy đều cho đường và bột tan hoàn toàn.
- Bắc nồi rau câu lên bếp, đun lửa vừa. Trong lúc nấu, dùng muỗng khuấy đều tay cho hỗn hợp hòa quyện lại sánh đặc. Nước rau câu sôi, bạn tắt bếp, để nguội hoàn toàn.
- Chuẩn bị khuôn rau câu hình con cá, xếp xoài và kiwi vào các khuôn cho đều. Đợi nước rau câu nguội thì bạn chế vào gần ngập khuôn.
- Cho khuôn rau câu vào tủ lạnh, để ít nhất 5 tiếng cho đông sương lại thì lấy ra. Tách thạch rau câu trái cây cốt dừa hình cá ra dĩa, bày trí đẹp mắt và thưởng thức.
Thành phẩm rau câu trái cây nước cốt dừa hình con cá đẹp mắt và ngộ nghĩnh. Ảnh: Internet
5. Thạch/ rau câu dừa bảo quản được bao lâu?
Trên thực tế, rất nhiều gia đình có thói quen làm thật nhiều thạch rồi để trong ngăn mát tủ lạnh ăn dần. Tuy nhiên đối với thạch rau câu, chúng ta chỉ nên nên sử dụng trong thời gian từ 2 đến 3 ngày kể từ ngày chế biến. Vì điều này sẽ giúp cho thạch giữ được hương vị thơm ngon hơn.
Món thạch dừa mát lạnh, thơm ngon thật dễ làm đúng không nào? Hãy bắt tay ngay vào làm món tráng miệng mát lạnh này cho gia đình mình thưởng thức nhé. Chúc các bạn thành công.
Bích Tuyền