I. Những người đàn ông không thích đeo nhẫn cưới
Tôi lang thang trên các trang mạng xã hội và đọc được một câu hỏi gây cười nhưng ẩn chứa trong đó là bao nhiêu sự tủi hờn của một người vợ.
Cô ấy hỏi ( mình xin trích nguyên văn): “Mình và ông xã cưới nhau được bốn năm. Bốn năm ông xã vẫn đeo nhẫn bình thường.Tự nhiên gần đây, có một anh ở cơ quan tặng cho một chiếc nhẫn bạc nam kiểu cách, xã mình đeo chiếc nhẫn đó và bỏ nhẫn cưới ra. Sau đó mình bắt ảnh đeo nhẫn cưới, không cho đeo nhẫn đó nữa thì ảnh bỏ hết cả 2 nhẫn, không đeo nhẫn nào cả. Nhiều lần yêu cầu xã đeo nhẫn cưới, xã ko chịu đeo, nói là không thích đeo, đeo nhẫn để làm gì. Mình tự hỏi tại sao đa số đàn ông lại không thích đeo nhẫn cưới? Vậy mua nhẫn cưới để làm gi? Em có nên bán nhẫn cưới đi không? Vì nếu xã không đeo thì để lại cũng chẳng làm gì, cứ cất một chỗ, nhìn ngứa mắt lắm, một mình em đeo cũng không có ý nghĩa gì hết. Nhưng nhẫn của bọn em được làm phép ở nhà thờ rồi (vì bọn em theo đạo Thiên Chúa) nên bán đi cũng lo lo hix hix… các mẹ cho em lời khuyên với.”
Thật bất ngờ khi hàng loạt các comment trả lời câu hỏi đều là không sao, quan trọng là ăn ở với nhau thế nào và nhắn nhủ nữ chính hãy yên tâm vì chồng họ cũng như vậy với hai lí do chính: chồng thấy vướng víu, chồng bị lên cân…
Tuy nhiên các bạn có thấy rằng. Câu hỏi “Vậy mua nhẫn cưới để làm gì?” vẫn còn bỏ ngỏ, và với hai lí do đơn giản như vậy, người phụ nữ chúng ta, dù thường xuyên phải làm việc nhà và lên cân do sinh nở, vẫn có thể khắc phục dễ dàng. Bởi phụ nữ chúng ta hiểu được giá trị của cặp nhẫn cưới, vậy còn đàn ông thì sao lại thấy khó khăn đến như vậy?
Mình nhớ lại câu chuyện của chính mình. Khi mình sinh con, hai vợ chồng đã vô tình tháo bỏ nhẫn cưới xuống vì mình tăng cân và quay cuồng với bỉm sữa. Mình không kịp nhận ra những thay đổi từ phía chồng. Hai vợ chồng trở nên xa cách, nói với nhau hai câu trở nên quá khó khăn, tất cả mọi giao lưu chỉ vọn vẹn là dăm ba câu về đứa con nhỏ. Chồng thường xuyên ra ngoài sau giờ làm cùng bạn bè, và hờ hững khi ở nhà. Lúc đó mình hoàn toàn không đủ nhạy cảm để nhận ra khoảng cách giữa hai người ngày một xa hơn. MÌnh không ngờ rằng có những biểu hiện nhỏ như việc tự nguyện tháo bỏ nhẫn cưới cũng có thể là một điểm báo.
Rất đau lòng nhưng, lí do chính, đằng sau những lí do vô thưởng vô phạt kia, để người đàn ông không muốn đeo nhẫn cưới sau một thời gian chung sống đó là:
Tình cảm dần dần lạnh nhạt từ khi người trong cuộc không còn muốn đeo chiếc nhẫn cưới trên tay…
Có những người đàn ông luôn coi nhẫn cưới như báu vật, nhưng có những người đàn ông lại chỉ thích giấu chiếc nhẫn cưới của mình đi. Một trong những sự thật đau lòng đằng sau việc không đeo nhẫn cưới của đàn ông, chính là việc họ đã không còn yêu người phụ nữ của họ trọn vẹn như thuở ban đầu. Sau một khoảng thời gian khi họ bắt đầu bước vào cuộc sống hôn nhân, bắt đầu mệt mỏi bởi guồng quay nhàm chán của công việc và cuộc sống, cũng như hàng nghìn trách nhiệm trói buộc từ hai chữ “hôn nhân”. Họ bắt đầu không còn tha thiết với cuộc sống gia đình. Họ cần một khoảng bình yên phía sau cánh cửa nhà, và họ không còn cảm thấy yêu thương người phụ nữ của mình như thuở ban đầu nữa. Họ lẩn trốn hôn nhân. Họ bắt đầu tháo nhẫn.
Họ tháo bỏ chữ “ Nhẫn” khỏi tay.
Nhiều người nói rằng. Nhẫn cưới tượng trưng cho sự Nhẫn nại, điều mà ai cũng phải học để có thể có một hôn nhân viên mãn.
Chữ Nhẫn (忍) bao gồm chữ(刀 – đao )phía trên chữ(心 – tim), theo Hán học có nghĩa hình tượng là “con dao đâm vào tim”, là minh chứng cho sự kiên trì tới cùng dù có bị chém những nhát dao đầy đau đớn. Nhưng, nhiều người vợ và cả người chồng vin vào chữ “Nhẫn”, vào sự trói buộc trong hôn nhân, mặc sức để mình trở nên cũ kỹ và nhàm chán, mặc sức nhẫn nại trước mọi biểu hiện, mặc sức để những bồn bề mỏi mệt vô tình làm tổn thường lẫn nhau.
Tôi ước giá mà tôi đã hiểu điều này sớm hơn
Chồng tôi thật sự đã có người thứ ba.
Sau một khoảng thời gian tôi vô tâm, im lặng và hờ hững tôi thật sự đã nổ tung. Tôi trút giận lên tất cả mọi thứ. Tôi đập phá và gào thét trong căn nhà của mình. Tổ ấm của tôi vỡ vụn, những niềm tin xụp đổ trở thành những đống đổ nát. Nhưng nhờ vậy chúng tôi đã được tái sinh.
Sau những giận dữ và đổ nát, chúng tôi đã hiểu ra rằng hóa ra tình cảm dành cho nhau vẫn còn rất nhiều. Chúng tôi vẫn còn muốn ghen tuông và sở hữu nhau. Chúng tôi đã lạc mất nhau vì sự vô tâm vì tin vào chữ “nhẫn” ở mỗi người. Tôi đã vì con mà quên mất chính mình, quên mất sự hiện diện của người yêu, người bạn đời sẽ cùng tôi buồn vui trong suốt cuộc đời này. Trong nước mắt, chồng tôi đã đeo lại chiếc nhẫn cưới vào tay tôi. Chúng tôi tin vào một chữ “ Nhẫn” mới của riêng chúng tôi.
“Chữ “Nhẫn” đó không còn là con dao đâm cứa vào trái nữa, mà đó sẽ là mũi tên tình yêu của thần Cupid xuyên qua trái tim. Chúng tôi sẽ quên đi những gánh nặng và mọi dây trói trách nhiệm nặng nề mang tên hôn nhân, mà đơn thuần dành cho nhau một trái tim yêu thương để cảm nhận từng nhu cầu dù bé nhỏ nhất của nhau. Để khi nhìn vào chiếc nhẫn cưới trên ngón tay, chúng tôi sẽ chỉ cảm thấy một câu chuyện ngọt ngào và lãng mạn. Câu chuyện về hai trái tim cùng trúng mũi tên số phận của của thần tình yêu, và nhờ vậy, hai mảnh linh hồn lạc lối đã tìm được về với nhau, kết nối thành một linh hồn toàn vẹn, để được đồng hành bên nhau, cùng tự nguyện bù đắp và hướng dẫn nhau trở thành phiên bản hoàn thiện hơn của chính mình qua việc trải nghiệm mọi dư vị thăng trầm của cuộc đời.”
Như vậy hôn nhân sẽ nhẹ nhàng biết bao.
Đó mới là ý nghĩa đích thực của một cặp nhẫn cưới như nó vốn là!
II.Chiếc nhẫn cưới đầu tiên trên trái đất chỉ đơn thuần mang ý nghĩa lãng mạn của sự sở hữu thể xác và linh hồn.
Bắt đầu từ những chất liệu như cói, bấc, sậy, gai…, các chàng trai Ai Cập cổ đại đã tự tạo ra một vòng tròn để buộc vào ngón tay người con gái của mình với ý nghĩa họ đã thu phục được cả thể xác và linh hồn của cô gái đó.
Khi chiến tranh thế giới thứ hai xảy ra và rất nhiều người đàn ông phải chia tay những người vợ yêu thương của mình để ra chiến trường, họ bắt đầu đeo chiếc nhẫn cưới như biểu tượng của hôn nhân và sự gợi nhớ tới người vợ của họ. Đó là một hành động rất lãng mạn, tràn đầy tình yêu thương của người đàn ông.
Bàn về ngón tay đeo nhẫn cũng có nhiều điều thú vị để nói.
Hãy thử nghiệm một ví dụ rất thú vị sau đây: khi bạn để hai bàn tay đối diện, gập ngón giữa lại và áp sát vào nhau. Tiếp đến mở hai bàn tay ra mà vẫn để các ngón còn lại chống vào nhau ở đầu mút ngón. Điều thú vị là các ngón tay khác dễ dàng tách ra, chỉ riêng ngón áp út là không thể rời. Sau đó, bạn úp hai bàn tay theo quá trình ngược kiểu làm trên, vẫn chỉ có ngón áp út là không thể tách rời. Điều đó. Chính là lí do khiến người xưa nghĩ ngay đến sự không thể tách rời giữa chồng và vợ
Theo một truyền thống lãng mạn bắt nguồn từ những người Hy Lạp, tại ngón tay thứ tư của bàn tay trái được cho là có đường tĩnh mạch, gọi là ‘Vena Amoris’ hoặc ‘Vein of Love ‘ kết nối trực tiếp từ ngón tay vào trái tim. Đường mạch máu này được ví như sợi dây tình yêu, là con đường đi đến trái tim. Và chính ngón tay thứ tư với đường đến trái tim này cần được “ đặt” vào một vật đặc biệt – một “vòng tròn không có điểm đầu và điểm kết thúc”- nhẫn cưới, như một ổ khóa chỉ có thể kết nối duy nhất với chiếc khóa tương đồng.
Một vòng tròn là hình ảnh của vòng tròn âm dương – mặt trời, mặt trăng – biểu tượng của sự sống. Chính vì vậy, vòng tròn trong hình hài chiếc nhẫn cưới chứa đựng những điều bí ẩn, tựa như cánh cửa mở ra một hành trình mới không có điểm đầu và điểm kết thúc, tròn trịa hạnh phúc được tạo nên từ những niềm vui và nỗi buồn.
Vì vậy, nhẫn cưới đã ra đời với ý nghĩa rất nhân văn. Nhẫn cưới để xác lập tính trung thực giữa hai cá thể riêng biệt đối với một cam kết linh hồn và thể xác. Nhẫn cưới là vật đính ước, khẳng định sự kết nối giữa hai con người, hai trái tim. Lúc này, trong giây phút còn đeo chiếc nhẫn trên tay, sự thật luôn hiện hữu là cả hai người đang thuộc về nhau.
Chiếc nhẫn vật hiện hữu của tình yêu, không phải dễ dàng trao cho một người nào đó.
Vì vậy, đừng dễ dàng tháo bỏ chiếc nhẫn cưới!
III.Từ “ Nhẫn” cho đến “Tin” yêu
Em có tin trên đời này có tình yêu vĩnh cửu không?
Em tin, bởi vì niềm tin sẽ mang lại hạnh phúc!
Khi tình yêu đích thực xuất hiện, chiếc nhẫn sẽ gắn chặt vào ngón tay không thể nào tháo ra được…
Mình có một người chị đồng nghiệp. Lúc mình vào cơ quan thì chị đã có hai con nhỏ và đang mang bầu em bé thứ ba. Nhìn vẻ hạnh phúc rạng ngời của chị, mình không hề biết rằng hai vợ chồng chị đã xa nhau được bảy năm. Anh đi công tác nước ngoài xa nhà nhiều năm từ lúc họ mới cưới, chị ở nhà đi làm và chăm sóc hai đứa nhỏ, nhưng ở họ dường như không hề có sự chia xa. Một năm cả gia đình sẽ cố gắng đoàn tụ nhau vào các dịp lễ tết. Và trong các bức ảnh của ảnh chị, mình luôn thấy hiện diện một cặp nhẫn cưới. Chị khoe mình về cặp nhẫn cưới “Tin” của anh chị.
Chị nói: “Tình yêu của mình phải khiến cho người mình yêu cảm thấy tự do”. Anh chị đã chọn một cặp nhẫn được thiết kế riêng với viên kim cương vuông tại nhẫn chị, và viên kim cương tròn tại nhẫn của anh. Bí mật đặc biệt nhất đó là hai viên kim cương đều được đính nạm bên trong nhẫn kèm với một từ “believe”.
Những điều quý giá nhất chính là anh, chính là em. Những điều quý giá nhất ta phải cất đặt thật cẩn thận, giữ gìn và nâng niu, đặt sát nơi ta có thể cảm nhận. “Tin” nhau ta cất giữ nhau trong lòng để mỗi hơi thở, mỗi bước đi của chúng ta có thể lấp đầy bởi bình an, hạnh phúc và sự thanh thản. “Tin” nhau ta không cần sự ngưỡng mộ ảo ảnh bên ngoài để không cần phải gồng mình với chiếc áo quá đẹp.
Với chữ “belive” khắc ngay bên cạnh “anh” và “em” là “vuông” và “tròn”, anh chị tinh rằng cặp nhẫn “Tin” sẽ là lời cam kết tinh tế nhất, tròn trịa nhất mà anh chị sẽ dành cho nhau.
Mình xin được trích dẫn bức thư tình anh đã viết cho chị, với tất cả sự ngưỡng mộ nhất:
“Tình yêu à… 6 năm yêu nhau và đã quyết về chung 1 nhà được tròn 12 năm. Sau từng đấy năm anh cũng biết cách yêu chiều em theo cách riêng của mình. Khi đi ngủ cũng chỉ cần chạm ngón chân vào anh, thỉnh thoảng cho em gãi, véo là kiểu gì ngủ cũng ngon, kể cả anh ngáy to như sấm. Em hay cằn nhằn phết nhưng giờ anh biết cách rồi… em đang nằm trên giường thì chỉ cần massage cho em, đang đi bộ hay đi xe máy chỉ cần cầm tay em là được, đi ô tô đường dài thì cho em gối đầu & điều khiển nhạc cho em nghe 1 phút 2 bài. Còn nếu có phải đi công tác xa lâu ngày cứ cho em đẻ thêm 1 đứa với cầm thẻ lương là mọi chuyện lại êm đẹp. 18 năm anh chưa làm được gì nhiều cho em ngoài 3 thiên thần đứa to đứa nhỏ… nhưng những phát hiện của anh, tuy không mới nhưng giờ anh chắc chắn có thể thực hiện được để chiều em. Anh không chúc gì đâu nhưng cứ ngày này hàng năm mình lại trốn thiên thần đi chơi, Anh sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát hiện thêm những điều có thể làm em vui và hạnh phúc và thực hiện bằng được em nhé.”
Yêu thương chỉ đơn giản là vậy thôi phải không? Chia xa tâm tưởng mới là nguyên nhân giết chết tình yêu. Hãy để trái tim dẫn lối, bạn sẽ tự nhiên như hơi thở học được cách để yêu thương và tin tưởng nhau.
Chị bảo: “ Trước khi anh đi, anh chị đã hứa với nhau sẽ không bao giờ tháo bỏ nhẫn xuống. Chiếc nhẫn của chị đủ tinh giản để không vướng víu, và nếu chật rộng chị có thể mang đi chỉnh size được cơ mà. Chị nhớ anh lắm, mỗi lần mang nhẫn chị tin rằng đó là tình yêu của anh, đang hiện diện ở bên mẹ con chị.”
Còn bạn thì sao? Bạn có chọn người đàn ông, sẽ vì bạn mà sẽ đeo chiếc nhẫn cưới này cả đời không?