Văn mẫu lớp 12: Suy nghĩ về vai trò của lí tưởng trong cuộc sống con người
2 Dàn ý & 10 bài văn mẫu lớp 12
TOP 10 mẫu Nghị luận về lý tưởng sống siêu hay trong bài viết dưới đây của Download.vn sẽ giúp các bạn học sinh lớp 12 có thêm nhiều gợi ý tham khảo, ôn luyện kiến thức, biết cách viết bài văn nghị luận về một tư tưởng đạo lý hay, đủ ý để đạt được điểm cao trong các bài kiểm tra sắp tới.
Lý tưởng sống là gì? Lý tưởng sống là mục tiêu cao nhất, tốt đẹp nhất mà con người chúng ta phấn đấu để đạt tới, đó là niềm tin, là điều con người tôn thờ, khao khát. Lí tưởng sống cao đẹp sẽ là động lực giúp nhiều bạn trẻ hiện nay vượt qua những khó khăn, cám dỗ của cuộc sống hiện đại để học tốt, sống tốt. Để hiểu rõ hơn về lý tưởng sống, mời các bạn cùng theo dõi 10 bài văn mẫu dưới đây của chúng tôi nhé.
Nghị luận về lý tưởng sống hay nhất
- Dàn ý suy nghĩ về vai trò của lí tưởng trong cuộc sống
- Dàn ý số 1
- Dàn ý số 2
- Nghị luận về lý tưởng sống – Mẫu 1
- Nghị luận về lý tưởng sống – Mẫu 2
- Nghị luận về lí tưởng sống – Mẫu 3
- Vai trò của lí tưởng trong cuộc sống con người – Mẫu 4
- Vai trò của lí tưởng trong cuộc sống con người – Mẫu 5
- Vai trò của lí tưởng trong cuộc sống con người – Mẫu 6
- Vai trò của lí tưởng trong cuộc sống con người – Mẫu 7
- Vai trò của lí tưởng trong cuộc sống con người – Mẫu 8
- Vai trò của lí tưởng trong cuộc sống con người – Mẫu 9
- Vai trò của lí tưởng trong cuộc sống con người – Mẫu 10
Dàn ý suy nghĩ về vai trò của lí tưởng trong cuộc sống
Dàn ý số 1
I. Mở bài
Giới thiệu vấn đề nghị luận: Trong cuộc sống, ai cũng cần phải có lí tưởng dù lớn dù nhỏ để phấn đấu đi lên. Xác định đúng vai trò của lí tưởng, văn hào Nga Lép Tôn-xtôi đã từng nói: “Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng kiên định thì không có cuộc sống”.
II. Thân bài
1. Giải thích
– Lí tưởng là mục đích, điều mơ ước cao nhất, tốt đẹp nhất mà con người phấn đấu để đạt tới…
– Không có mục đích sống, cuộc sống của con người sẽ mất phương hướng và trở nên vô nghĩa.
2. Chứng minh
– Nếu không có lí tưởng thì ta không thể xác định được cho mình một phương hướng kiên định: Chúng ta không thể biết ta sống để đạt được điều gì và sẽ làm gì? Hướng đi chính trong cuộc đời là con đường nào?.
– Nếu một khi không có phương hướng kiên định thì cuộc sống sẽ không còn ý nghĩa đối với ta nữa: Chúng ta không có động lực để phấn đấu và không đạt được điều gì trong cuộc sống.
3. Bình luận
– Lí tưởng sống có vai trò quyết định tương lai của mỗi người; tất yếu phải có lí tưởng để vươn lên.
– Cũng lưu ý suy nghĩ chín chắn mà chọn cho mình một lí tưởng “đẹp” và không ngừng vươn lên, phấn đấu cho con đường mình đã chọn với rất nhiều cách.
– Phê phán những ai sống không có lí tưởng, sống buông thả, sống dựa dẫm người khác…
III. Kết bài
– Khẳng định: Câu nói của Lép Tôn-xtôi thể hiện quan niệm đúng đắn về vai trò quan trọng có tính quyết định của lí tưởng đối với cuộc sống con người.
– Bài học nhận thức: Biết đặt ra lí tưởng và con đường phấn đấu trong cuộc sống.
– Bài học hành động: luôn không ngừng học tập và lao động.
Dàn ý số 2
I. Mở bài
– Dẫn dắt vấn đề cần nghị luận: vai trò của lí tưởng đối với cuộc sống con người
– Con người cần sống có lí tưởng, đặc biệt là thanh niên.
II. Thân bài
* Giải thích:
– Lí tưởng sống là gì?
- Lí tưởng là niềm tin, lòng ao ước mong mỏi của mỗi người đặt ra trong cuộc sống.
- Lí tưởng chính là cái mục tiêu phấn đấu.
- Lí tưởng trở thành một phần của cuộc sống, và ví thế cuộc sông sẽ vô vị biết bao nếu thiếu đi “lí tưởng”.
- “Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường”: nhấn mạnh vai trò soi sáng, định hướng
=> Lý tưởng sống là những mục đích tốt đẹp mà mỗi con người muốn hướng tới, là lí do, mục đích mà mỗi con người mong mỏi đạt được.
- Lí tưởng là mục đích sống cao đẹp.
- Lí tưởng sống cao đẹp là lí tưởng sống vì mọi người.
- Lí tưởng của thanh niên Việt Nam trong những giai đoạn cách mạng vừa qua là sống chiến đấu đế bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
- Người có lý tưởng sống cao đẹp là người luôn suy nghĩ tích cực và hành động để hoàn thiện mình hơn, giúp ích cho mình, gia đình xã hội và đất nước. Sinh ra ở đời, ai trong chúng ta cũng khao khát được sống hạnh phúc, với lòng khao khát đó thúc giục chúng ta đi kiếm tìm hạnh phúc.
– Ý nghĩa của việc sống có lí tưởng:
- Nếu “sống không mục đích không làm được gì cả” và nếu “mục đích tầm thường thì không làm được điều gì vĩ đại”. Thế nên chúng ta phải làm những gì để trở thành người có mục đích cao cả và có ích cho xã hội đây?
- Cần phải xác định lý tưởng sống đúng đắn với những dự tính về tương lai sẽ cống hiến cho xã hội về những mặt nào.
- Cần phải có những hoạch định, lên kế hoạch học tập, rèn luyện kĩ năng, sức khoẻ, tư tưởng nhằm thực hiện mục đích đó.
- Tích cực tham gia các hoạt động xã hội, chính trị; điều này sẽ giúp cho bản thân hòa nhập cộng đồng, phát huy những thế mạnh của bản thân, khắc phục các điểm yếu và vận dụng những điều đã học vào thực tế.
– Vì sao con người cần sống có lí tưởng?
- Có lí tưởng con người sẽ có hướng phấn đấu để vươn lên.
- Lí tưởng sống cao đẹp là điều kiện để con người sống có ý nghĩa; giúp con người hoàn thiện vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách.
– Suy nghĩ về những tấm gương những người có lí tưởng sống cao đẹp.
- Nêu những tấm gương sống theo lí tưởng cao đẹp: Những chiến sĩ chiến đấu và hi sinh cho công cuộc cách mạng giành độc lập tự do cho dân tộc. Những con người ngày đêm âm thầm, lặng lẽ cống hiến cho công cuộc xây dựng đất nước.
- Tuy biểu hiện khác nhau nhưng họ đều là những người biết sống vì hạnh phúc của con người..
– Nhận thức đúng đắn: Soi vào họ, tuổi trẻ hôm nay phải biết tìm cho mình lí tưởng sống cao đẹp và quyết tâm thực hiện đến cùng lí tưởng của đời mình. Mỗi người phải sống hết mình với vị trí mà mình đang đứng, với công việc mình đang đảm đương. Lối sống vị kỉ, cá nhân, mục đích sống tầm thường là điều không thế chấp nhận được.
III. Kết bài
– Suy nghĩ của bản thân về lí tưởng sống cao đẹp.
– Nêu ý nghĩa và rút ra bài học nhận thức từ tư tưởng đạo lí đã nghị luận.
Nghị luận về lý tưởng sống – Mẫu 1
Mỗi người trẻ chúng ta được sống trong nền hòa bình và tự do như hiện nay là một điều vô cùng may mắn. Nhưng không vì thế mà chúng ta bàng quang với xã hội mà ngay cả trong thời bình, chúng ta cũng cần có trách nhiệm với quê hương đất nước, trách nhiệm này trong suy nghĩ của mỗi người là khác nhau, tuy nhiên, là thanh niên, chúng ta cần sống có lí tưởng.
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, trước hết ta cần hiểu thế nào là lí tưởng sống. Lí tưởng sống chính là những suy nghĩ, hành động tích cực của con người, hướng đến những điều tốt đẹp và cao cả. Lí tưởng sống ảnh hưởng quan trọng đến suy nghĩ và hành động của giới trẻ đặc biệt là các bạn thanh niên hiện nay. Một lí tưởng sống tốt đẹp của thanh niên hiện nay đó chính là việc cố gắng học tập, tu dưỡng đạo đức, vươn lên trong công việc để bản thân mình phát triển hơn.
Người có lí tưởng sống là người biết phấn đấu, vươn lên trong cuộc sống của mình, nỗ lực hết sức để mong muốn đạt được những thành tựu cho riêng mình. Khi vấp ngã họ không chán nản, buông xuôi mà tìm cách đứng dậy để đi tiếp con đường mình đã chọn. Bên cạnh đó, người có lí tưởng sống còn là người biết yêu thương những người xung quanh, luôn muốn lan tỏa những thông điệp tích cực ra xã hội, làm cho xã hội này tốt đẹp hơn. Việc sống có lí tưởng mang đến cho con người nhiều lợi ích, ý nghĩa tốt đẹp: nó giúp ta đạt những thành quả sau bao nỗ lực, cố gắng. Ngoài ra, chúng ta còn tôi luyện những phẩm chất quý giá: chăm chỉ, cần cù, lạc quan… khiến ta được người khác yêu thương, tin tưởng và học tập theo.
Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay vẫn còn nhiều người sống không có ước mơ, hoài bão, vô cảm, bàng quang với cuộc sống của mình và với vận mệnh chung của đất nước. Lại có những người có ước mơ nhưng không cố gắng thực hiện mà chỉ hão huyền, viển vông về một cuộc sống tốt đẹp hơn,… những người này đáng bị phê phán, chỉ trích.
Lí tưởng sống của mỗi người là không giống nhau, tuy nhiên nếu tất cả cùng cố gắng, chúng ta sẽ xây dựng được một đất nước vững mạnh. Không một ai là hoàn hảo, nhưng khi ta biết cố gắng hoàn thiện bản thân và vươn lên phía trước, chúng ta sẽ đạt được những thành quả xứng đáng với công sức bỏ ra.
Nghị luận về lý tưởng sống – Mẫu 2
Lí tưởng là mục đích cao nhất, tốt đẹp nhất mà người ta muốn đạt tới. Lí tưởng rất quan trọng đối với tất cả mọi người.
Sống phải có mục đích. Sống phải có lí tưởng. Nói về tầm quan trọng của lí tưởng, nhà văn Nga Lép Tôn-xtôi chỉ rõ: “Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống”.
Lí tưởng là gì? Lí tưởng là mục đích cao nhất, tốt đẹp nhất mà người ta muốn đạt tới. Lí tưởng rất quan trọng đối với bất cứ ai, đối với tất cả mọi người. Đúng vậy, “lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường”. Nhờ có ánh sáng ngọn đèn lí tưởng dẫn đường mà ta có thể đi tới tương lai, tránh được sự mò mẫm, vấp váp. Nhờ có ánh sáng ngọn đèn lí tưởng mà chúng ta có nghị lực và niềm tin trong cuộc đời, biết sống thế nào cho có ý nghĩa, sống thế nào cho đáng sống. Không sống vô vị nhàm chán, không sống quẩn quanh, tăm tối, mà chỉ muốn sống có ý nghĩa, sống có ích cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội. Ngọn đèn được tác giả so sánh với lí tưởng thật là sâu sắc và có nhiều ý nghĩa.
Nếu không có mục đích, sống không có lí tưởng thì sẽ như thế nào? Lép Tôn-xtôi cho biết: “Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng kiên định thì không có cuộc sống”.
Phương hướng là hướng được xác định. Kiên định là một phẩm chất tốt đẹp, là tinh thần giữ vững ý định, ý chí, không dao động trước mọi khó khăn, trở lực. Khi đã không có lí tưởng, không có mục đích tốt đẹp sẽ không có phương hướng kiên định, khác nào ké đi đêm hoặc chui vào sừng trâu, đâm đầu vào lối cụt. Không có lí tưởng thì khác nào thuyền không lái, thuyền sẽ trôi về đâu, về bến bờ nào. Những kẻ sống quẩn quanh, sống bị động, hay dao động vì sống không có mục đích, không có lí tưởng, không có phương hướng. Mà khi đã không có phương hướng, hoặc không có phương hướng kiên định thì sẽ không có cuộc sống ý nghĩa. Anh sẽ không có hành động thiết thực. Nếu không có mơ ước, không có khát vọng sống, cuộc sống sẽ trở nên nhạt nhẽo, vô vị. Anh sẽ trở thành kẻ sống thừa, sống mòn.
Nếu tuổi trẻ sống không có lí tưởng sẽ lười học, nhác lao động, sẽ sớm nhiễm phải những tệ nạn xã hội như ăn chơi đua đòi, cờ bạc, rượu chè, nghiện ma túy, cướp bóc… Những học sinh “cá biệt’’ trong nhà trường hiện nay chủ yếu là do cách sống buông thả, sống không có lí tưởng.
Sống mà như chết thì sao có thể gọi là sống? Sống mà tâm hồn bị khô héo, trái tim bị băng giá thì không thể gọi là sống. Sống mà không nghĩ đến tương lai, sống mà không nghĩ đến cống hiến, phục vụ cho gia đình, đất nước thì sau có thể gọi là sống? Cô giáo em nói thời còn là học sinh, câu khẩu hiệu: “Sống, học tập, lao động và chiến đấu theo gương Bác Hồ vĩ đại” có một sức mạnh ghê gớm, lôi cuốn hàng triệu thanh niên thi đua và lập công trong phong trào “ba sẵn sàng”.
Câu nói của nhà văn Nga đã chỉ rõ tầm quan trọng của lí tưởng và sống có lí tưởng. Câu nói ấy cho đến nay vẫn mới mẻ và giàu ý nghĩa đối với học sinh thanh niên chúng ta.
Đất nước đang đổi mới. Công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước đang kêu gọi thanh niên lên đường. Có học tập tốt mới trang bị cho bản thân mỗi chúng ta kiến thức, kĩ năng khoa học, lao động. Hơn bao giờ hết chúng ta mới thấy rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của vấn đề lí tường và sống có lí tưởng.
Lí tưởng là ngọn đèn. Với Tố Hữu, lí tưởng còn là “mùi hương chân lí”. Tôi nhớ vần thơ của ông.
“Khi ta đã say mùi hương chân lí
…Tương lai đó, trước mặt ta biển rộng
Trên đầu ta, lồng lộng gió trời cao!”
Nghị luận về lí tưởng sống – Mẫu 3
Trong xu thế phát triển của xã hội và thời đại, thanh niên Việt Nam hiện nay đang không ngừng phát triển bản thân, vươn lên nắm bắt cơ hội phát triển và hội nhập với thế giới. Thế hệ thanh niên là lực lượng đông đảo, nòng cốt, là trụ cột quyết định đến sự nghiệp phát triển của đất nước, chính vì vậy thái độ sống của thanh niên ảnh hưởng rất lớn tới bộ mặt của xã hội. Dù ở thời đại nào thanh niên cũng cần có lí tưởng sống bởi nó giúp cho thanh niên có thể vững bước hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống cho bản thân và cho xã hội.
Vậy lí tưởng sống là gì? Có thể hiểu, lí tưởng là những điều tốt đẹp, chân lí cao đẹp, sống có lí tưởng chính là sống hướng đến những mục đích cao cả, tốt đẹp, phù hợp với hoàn cảnh bản thân và bối cảnh xã hội. lí tưởng sống cũng là sống có ước mơ, có hoài bão và khát vọng sống ý nghĩa cho đời, cho xã hội. Người có lí tưởng sống thường mang trong mình những mục tiêu sống nhất định, luôn hướng hành động và suy nghĩ của mình đến những điều tốt đẹp, cao cả, luôn cố gắng hoàn thiện bản thân theo những chuẩn mực tiến bộ của xã hội. Một trong những lí tưởng sống đẹp chính là sống vì mọi người, vì những mục đích chung của toàn thể xã hội. Bàn về lí tưởng sống, sẽ nhiều người đặt câu hỏi “Vì sao phải có lí tưởng sống?”, hay “lí tưởng sống có vai trò và ý nghĩa gì?”, quả thực chúng ta muốn ai đó làm bất điều gì trước tiên phải làm cho họ hiểu mục đích và ý nghĩa của việc làm đó, muốn thanh niên sống có lí tưởng cũng như vậy, phải làm cho thanh niên hiểu vai trò của lí tưởng sống. Có thể nói, lí tưởng sống có vai trò rất quan trọng đối với việc hình thành nhân cách và làm đẹp tâm hồn của thanh niên nói riêng, con người nói chung.
Thanh niên sống có lí tưởng sẽ giúp trau dồi vốn sống, hoàn thiện nhân cách, phẩm chất đạo đức, ở độ tuổi như cây cối đang trưởng thành, lí tưởng sống chính là nguồn nước, chất dinh dưỡng và phân bón nuôi dưỡng cho cây phát triển tốt nhất. Đặt ra cho mình lí tưởng sống là tự tạo cho bản thân nguồn động lực để phấn đấu vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, gian nan và thử thách của cuộc sống. Thế hệ thanh niên là thế hệ xông pha, đương đầu với cuộc sống, có lí tưởng sống sẽ giúp con người ta luôn cố gắng để đạt được lí tưởng của mình. Vẽ ra lí tưởng sống cũng chính là vẽ ra một con đường cụ thể và rõ ràng để tự mình sẽ đi đúng con đường mình đã lựa chọn, giữ được tâm thế chủ động, quyết đoán và kiên định với lí tưởng của mình. lí tưởng sống cao đẹp còn là ngọn đuốc soi sáng cho những con người đang lầm đường lạc lối có thể quay trở về con đường đúng đắn.
Lí tưởng sống mang những ý nghĩa lớn lao và thiết thực như vậy thế nhưng vẫn tồn tại một bộ phận không nhỏ các thanh niên sống mà không màng tới lí tưởng sống, sống không có lí tưởng thậm chí còn bị tha hóa về lí tưởng sống. Rất nhiều thanh niên quen sống theo sự sắp đặt, quyết định và ý muốn chủ quan của gia đình, cha mẹ mà không có chính kiến riêng của mình. Trong họ không hình thành và không định hướng được lí tưởng sống của cá nhân, không vạch ra được mục đích sống của chính mình. Chính vì sống không có lí tưởng mà thanh niên chính là đối tượng dễ sa đọa vào các tệ nạn xã hội, đánh mất bản thân và bỏ rơi tương lai. Phải có lí tưởng sống để biết được bản thân mình là ai, khả năng của mình đến đâu và đâu là hướng đi phù hợp, sống có lí tưởng cũng là sống để tự khẳng định giá trị của mình. Sống mà không có lí tưởng, không có mục đích thì cuộc sống của bạn sẽ trở nên vô vị, nhạt nhẽo và mất hết ý nghĩa giá trị cuộc sống. lí tưởng sống của thanh niên không cần quá cao xa, vĩ đại nhưng cũng không nên là quá tầm thường, nhỏ bé, sống vì lí tưởng là phải sống hết mình, phấn đấu hết sức.
Đứng trước sự lựa chọn muôn màu của cuộc sống, thế hệ thanh niên chúng ta cần phải cân nhắc và lựa chọn cho mình lí tưởng sống đúng đắn, có sống theo lí tưởng đúng đắn và tốt đẹp mới giúp chúng ta vươn tới được những điều tốt đẹp. Hãy không ngừng đặt ra cho mình những lí tưởng sống và cố gắng phấn đấu đạt được lí tưởng đó, hãy sống trọn vẹn tuổi thanh xuân nhiệt huyết với những lí tưởng cao đẹp.
Vai trò của lí tưởng trong cuộc sống con người – Mẫu 4
Cuộc đời mỗi người là là hàng ngàn hàng vạn ngã rẽ vì thế đòi hỏi chúng ta phải lựa chọn con đường sống cho phù hợp với chuẩn mực của xã hội. Vì có quá nhiều ngã rẽ trong cuộc đời khiến chúng ta tự hỏi mình rằng: “Làm như thế nào để chọn được đúng con đường? ” Đó có phải là một điều quá khó lựa chọn không? Nhưng rồi chúng ta biết rằng “lí tưởng” là thứ quan trọng nhất, cần thiết nhất khi đi trên đường đời.
Chắc hẳn rằng nhiều người sẽ hỏi: “Lí tưởng là gì?” có lẽ lí tưởng là mục đích sống cao đẹp nhất mà ai cũng mong ước có. Nhà văn Nga Lép Tôn-xtôi thì định nghĩa: “Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường”. Trong câu nói này, Lép Tôn-xtôi muốn khẳng định rằng lí tưởng rất quan trọng, nó là ngọn đèn soi đường dẫn lối chúng ta trong cuộc sống đưa chúng ta đi nhanh hơn đến thành công trong tương lai. Nhờ có ngọn đèn sáng này mà chúng ta có thêm niềm tin, nghị lực vào cuộc sống hiện tại và đặt ra mục đích rồi hành động vì một tương lai tốt đẹp hơn. Từ đó ta thấy rằng cuộc sống luôn tươi sáng không tối tăm mù mịt và đầy những bất trắc.
Có ai đó cũng từng nói rằng: “Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống”. “Phương hướng” là một hướng mà ta xác định muốn đi còn “kiên định” là một phẩm chất tốt đẹp của con người, là sự giữ vững tinh thần dù có ở hoàn cảnh nào thì ta vẫn có thể vượt qua. Nếu ta không có lí tưởng thì chẳng khác nào chúng ta ngồi trên chiếc thuyền trong màn đêm đen tối không có hướng đi vào bờ. Luôn sống trong quẩn quanh bế tắc không tìm ra lối thoát cho bản thân từ đó ta thấy cuộc sống đối với mình thật là tẻ nhạt và toàn là tuyệt vọng.
Câu nói của nhà văn thật hay nó như một thông điệp cuộc sống mà nhà văn muốn gửi đến tất cả mọi người. Câu nói có ý nghĩa rất lớn giúp ta thức tỉnh ước mơ, hoài bão và hành động trong cuộc sống. Vì khi có ước mơ mục đích rõ ràng thì ta mới có niềm tin phấn đấu để đạt được. Từ đó ta thấy cuộc sống nhiều màu sắc và sáng đẹp hẳn lên.
Nhất là đối với các bạn học sinh, ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường hãy xác định thật kỹ lí tưởng, con đường mình chọn đi đến tương lai. Và chăm chú tiếp thu học hỏi những điều bổ ích trong cuộc sống. Dù đôi khi có vấp ngã cũng không nên nản lòng, từ bỏ, hãy cố gắng vượt qua. Mỗi một lần thất bại chúng ta lại rút ra được một bài học quý báu trong cuộc sống.
Khi xã hội ngày càng phát triển thì lí tưởng của con người dần bị mờ nhạt. Nhiều học sinh bê học hành sa, vào những tệ nạn của xã hội như nghiện điện tử, nghiện facebook, nghiện game… rồi không coi việc học ra gì cũng không nghĩ ước mơ và tương lai sau này ra sao. Kiểu sống thờ ơ với mọi thứ xung quanh mà chỉ biết đến sở thích tầm thường của mình lâu ngày sẽ trở thành thói quen và khiến con người nhanh chán nản với cuộc sống hiện tại, tụt lùi so với những người cùng trang lứa nó giống như một loại axit đang ăn mòn xã hội khiến xã hội không phát triển được.
Vì thế mỗi con người chúng ta phải tự xác định rõ lí tưởng sống của mình càng sớm càng tốt, chọn cho mình một hướng đi phù hợp và cố gắng đi đến cái đích cuối cùng. Cánh cửa thành công luôn mở để chào đón bạn bước vào một tương lai tốt đẹp, một cuộc sống nhiều màu sắc và tràn đầy ý nghĩa. Lí tưởng sống luôn luôn là ngọn đèn soi sáng cho dân tộc Việt Nam, mỗi chúng ta cần phải biết xây dựng những lí tưởng sống phù hợp, để cùng phát triển và nâng những suy nghĩ và tư duy lên những tầm cao mới. Trong cuộc sống, chúng ta cần phải biết xác định mục đích rõ ràng, từ đó xây dựng lên những kế hoạch thiết thực nhất, để làm cho cuộc sống của chúng ta ngày càng tươi đẹp hơn.
Mỗi người cần phải luôn luôn cố gắng xây dựng và phát triển lí tưởng sống của mình, đó là kim chỉ nam để dẫn đường và tiến bước cho chúng ta trên con đường đi sắp tới.
Vai trò của lí tưởng trong cuộc sống con người – Mẫu 5
Mỗi con người từ khi sinh ra cho đến khi trưởng thành đã trải qua một hành trình tư tưởng. Cha mẹ khắc khoải một lí tưởng là con sinh ra được khỏe mạnh. Lớn khôn con là đứa trẻ ngoan ngoãn, giỏi giang và thành đạt. Rồi khi con đủ lớn, đủ ý thức để sống cho những lí tưởng riêng của mình. Con sẽ trở thành một học sinh xuất sắc, lớn hơn nữa con sẽ là một danh nhân lớn hay là một bác sĩ tài ba, con có cuộc sống riêng cùng một gia đình hạnh phúc. Cuộc sống được nuôi dưỡng bằng những lí tưởng. Nói cách khác: “Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống” (Lép Tôn-xtôi).
Mỗi chúng ta khi vô tình chạm đến hai chữ “lí tưởng” thì cảm thấy như gặp một cái gì xa vời, không thực tại chút nào. Ta cứ nghĩ rằng lí tưởng là cái gì đó vĩ đại như lí tưởng cách mạng của Các Mác – Ăngghen, lí tưởng vô sản của Lênin. Nhưng chúng ta lại không biết rằng lí tưởng là thực tại, rất đời thường và gần gũi gắn bó bên cuộc sống mỗi chúng ta. Hoàn toàn có thể hiểu lí tưởng là niềm tin, lòng ao ước mong mỏi của mỗi người đặt ra trong cuộc sống. Lí tưởng chính là cái mục tiêu phấn đấu. Lí tưởng trở thành một phần của cuộc sống, và ví thế cuộc sống sẽ vô vị biết bao nếu thiếu đi “lí tưởng”.
Theo cách nói của Lép Tôn-xtôi thí lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường, và vì là ngọn đèn chỉ đường nên khi thiếu vắng nó con người ta sẽ dễ lầm lạc, đôi khi chậm trễ trên lộ trình của cuộc sống.
Hành trình đi đến lí tưởng, phấn đấu theo lí tưởng, cũng như một vận động viên điền kinh đang ra sức chinh phục chặng đường đua của mình.anh chàng vận động viên chỉ biết rằng phía trước, những bước cuối cùng của chặng đường đua là dải băng rôn về đích. anh cố hết sức và lao về trước với một tinh thần sức mạnh thiêng liêng, như mỗi chúng ta đều hướng về lí tưởng của mình. Cuộc sống cũng là một chặng đua và nếu chặng đua ấy không có đích đến, không có hướng đi thì chúng ta sẽ đi đâu về đâu.
Nhưng Lép Tôn-xtôi bảo rằng: “Lí tưởng là phương hướng kiên định”, điều đó không có nghĩa rằng lí tưởng là một khối vật khổng lồ, nặng chịch không bao giờ có thể chuyển dịch. Trong cuộc sống có vô vàn lí tưởng nhưng như thế nào mới là một lí tưởng chính đáng? Ví dụ như lí tưởng của một người kinh doanh là làm giàu, nhưng không phải bất chấp mọi thứ để làm giàu. Anh ta phải tuân theo khuôn khổ của pháp luật và trách nhiệm của lương tâm. Lí tưởng của một cậu học sinh là đỗ cao trong kì thi đại học. Nhưng không phải là sẽ dùng những hành vi gian lận trong kì thi để đạt được điều đó.
Mỗi bước đi của chúng ta bây giờ đều bước theo những bậc thang của lí tưởng, và luôn luôn có lí tưởng sáng soi chỉ đường. Lúc ấy chúng ta như những đứa trẻ vô tri được bàn tay người mẹ nâng niu dìu dắt từng bước đi. Và khi ấy nếu không có mẹ, không có lí tưởng con là đứa trẻ bơ vơ, lạc loài, rồi sẽ đi đâu về đâu. Khi bạn muốn chinh phục nóc nhà thế giới, muốn đứng trên đỉnh Everest dù chỉ là một giây, thì phải trải qua ngàn giờ hãi hùng, có lúc tưởng rằng hi sinh cả tính mạng, nhưng vẫn hết mình thực hiện cái lí tưởng của bản thân.
Ngày mùng 5 tháng 6 năm 1911, chàng thanh niên mang tên Nguyễn Tất Thành với hai bàn tay trắng xuống tàu buôn ra nước ngoài mang trên mình hàng trang duy nhất là lí tưởng tìm đường cứu nước. Giả dụ, nếu không có đủ sức mạnh của lí tưởng thì Bác đã không bao giờ có can đảm ra đi. Chính vì thế ta hãy sống, và thực sự sông khi đã có lí tưởng riêng của bản thân. Xuân Diệu thì mải mê với lí tưởng:
“Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt
Còn hơn ngồi buồn le lói suốt trăm năm”
Cảm ơn nhà thơ đã đem đến một quan niệm mới về lí tưởng của cuộc sống. Chắc hẳn, chúng ta ai cũng biết Xuân Diệu là một nhà thơ khát khao giao cảm với đời, yêu đời một cách tha thiết nhất. Chính vì thế nhà thơ đem hết trái tim của mình cống hiến cho cuộc sống này, cho lí tưởng sống tràn đầy yêu thương. Xuân Diệu mong muốn được sống chân thành với lí tưởng của riêng ông, được hiến dâng cả cuộc đời để đổi lấy “một phút huy hoàng” – đó là giây phút cháy bỏng của một tâm hồn sống trong lí tưởng. Đông thời nhà thơ, nhà thơ cũng muốn gửi gắm lí tưởng sống ấy cho mọi người trong cuộc đời. Sống phải sống sao cho đáng sống, phải đem hết dũng cảm để sống cho cái lí tưởng của mình, để từ đó tìm ra phương hướng đi theo tiếng gọi của “lí tưởng” như L.Tôn-xtôi đã khẳng định “không có lí tưởng thì không có phương hướng, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống”.
Nhưng thử hỏi có mấy ai có đủ dũng cảm để sống hết mình, sống một cách trọn đấy cho lí tưởng. Chắc hẳn, chúng ta – những người con của dân tộc Việt Nam sẽ không bao giờ quên và cũng không bao giờ được quên người thiếu nữ đã chết cho “mùa hoa lê-ki-ma nở, ở quê ta vùng Đất Đỏ” và chết cho đời sau. Nữ anh hùng Võ Thị Sáu đã dâng cả cuộc đời mình cho dân tộc, cho tổ quốc yêu thương và cũng cho riêng lí tưởng sống của chị, khi mới trọn đầy cái tuổi mười sáu.
Tôi không so sánh bạn, cũng như không dám so sánh mình với lí tưởng cháy bỏng yêu thương của tâm hồn thi sĩ Xuân Diệu, với lí tưởng cách mạng cao cả của nữ anh hùng, liệt sĩ Võ Thị Sáu. Qua đó, tôi chỉ có thể khẳng định rằng mỗi chúng ta đều có thể gắng hết sức vì lí tưởng sống của bản thân mình để thật sự có một phương hướng sống, phương hướng để tồn tại. Cũng như từ đầu vẫn nói, lí tưởng không hề xa vời, lí tưởng là đoạn đường, là lối đi gắn bó với chúng ta trong suốt cuộc đời.
Một lần nữa xin chân thành cảm ơn L.Tôn-xtôi đã đem đến cho chúng ta cái nhìn tổng quát về lí tưởng: “Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng là không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng kiên định thì không có cuộc sống”. Con đường hôm qua, hôm kia của tôi, của bạn, của tất cả chúng ta đều đã lùi vào quá khứ một cách mờ nhạt và tiếp tục nhạt nhoà. Những con đường của hôm nay và của ngày mai còn tuỳ tôi, bạn và chúng ta đi như thế nào, chọn lựa “ngọn đèn lí tưởng” nào, đi theo phương hướng nào, để tiếp tục phát triển và đi lên cùng với sự thăng hoa của “ánh sáng lí tưởng”.
Vai trò của lí tưởng trong cuộc sống con người – Mẫu 6
Nhà văn Nga Lép Tôn-xtôi nói: “Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống”. Câu nói khẳng định vai trò của lí tưởng trong cuộc sống của mỗi con người.
Lí tưởng, đó là mục đích cao nhất, tốt đẹp nhất mà con người phấn đấu để đạt tới, đó là niềm tin, là điều con người tôn thờ, khao khát. Có một niềm tin vững chắc vào lí tưởng, con người sống trong những niềm vui tột cùng như nhà thơ Tố Hữu từng hân hoan:
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim”
Tố Hữu cũng như bao thanh niên Việt Nam yêu nước trong những tháng năm đất nước bị nô lệ tù đày, lí tưởng của nhà thơ là lí tưởng cộng sản, lí tưởng cách mạng, sống và chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Hôm nay đây, khi nước nhà đã độc lập, lí tưởng của mỗi cá nhân rất khác nhau song đều chung nhau ở khát khao được khẳng định bản thân, được đóng góp cho gia đình và cộng đồng xã hội.
Cuộc sống con người nhiều khó khăn, gian nan và vất vả. Nếu không có ánh sáng soi đường, không có sức mạnh cổ vũ, tiếp sức thì nhiều người đã gục ngã, bỏ cuộc. Vậy đâu là ánh sáng và sức mạnh của con người? Đó là lí tưởng. Lí tưởng giống như ngọn đèn chỉ đường, nó chỉ cho con người con đường họ phải đi để đạt được mục đích, và đó là con đường sáng – con đường thiện. Nó cũng tạo ra động lực, thúc đẩy và động viên con người hành động để đạt được mục đích. Con người sống có lí tưởng luôn biết rõ con đường mình phải đi, không bị cám dỗ, níu kéo bởi những lợi ích tầm thường, hèn kém: “Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định”. Trong tình cảnh nước nhà có giặc ngoại xâm, lí tưởng của con người Việt Nam là giết giặc cứu nước – lí tưởng ấy soi rọi con đường mỗi người dân nước Nam đang đi, họ hiểu rõ “Thà làm ma nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc” (Trần Bình Trọng) và “Thanh niên Việt Nam chỉ có một con đường duy nhất là làm cách mạng chứ không còn con đường nào khác” (lí Tự Trọng).
Người sống không có lí tưởng luôn bị dao động, không ổn định về lập trường, tư tưởng. Khi mà lập trường, tư tưởng không vững vàng, sáng suốt, kiên định thì cuộc sống luôn chao đảo, bất bênh, và dễ lầm đường lạc lối. Đó là trường hợp của những kẻ bán nước hại dân trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Nhiều kẻ đã quy hàng thực dân Pháp, nhưng khi Pháp hai lần bán nước ta cho Nhật thì lại đớn hèn lê gối làm tôi tớ cho Nhật tiếp tục phản bội giống nòi. Người sống có lí tưởng luôn có sức mạnh để vượt qua muôn vàn gian khó, nguy hiểm trên đời. Các chiến sĩ cách mạng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc mà không nề hiểm nguy, họ sống thiếu thốn, nghèo khổ, lam lũ, lẩn trốn sự truy đuổi kẻ thù, thậm chí phải chịu lao tù, tra tấn “điện giật, dùi đâm”, “dao cắt”, “bị bỏ đói”… Nhưng tất cả mọi thử thách dù nhọc nhằn gian khổ đến đâu đều không quật ngã được ý chí sắt đá, sự kiên cường bất khuất của những con người được tôi rèn bằng lí tưởng cách mạng.
Vậy nếu như con người sống mà không có lí tưởng? Khi ấy, điều đó đồng nghĩa với việc “không có phương hướng thì không có cuộc sống”. Gọi là cuộc sống sao được nếu như những vị anh hùng của thời đại chấp nhận “đốt cháy những gì mình đã tôn thờ và tôn thờ những gì mình đã đốt cháy”, phản bội lí tưởng, phản bội niềm tin để quay lưng với lợi ích dân tộc chấp nhận cuộc đời nhung lụa trong tư thế cúi đầu đầy tủi nhục? Cũng chẳng thể gọi là cuộc sống nếu như mục đích của đời người trở thành một chiếc chong chóng đặt xuôi chiều cơn gió, bởi khi ấy, bạn đã trở thành một thứ đồ chơi trong tay kẻ khác.
Lí tưởng cao đẹp là phương hướng nhưng đồng thời đó còn là động lực giúp nhiều bạn trẻ hiện nay vượt qua những khó khăn, cám dỗ của cuộc sống hiện đại để học tốt, sống tốt. Sống không lí tưởng, gặp khó khăn sẽ mau chóng nản chí, bỏ cuộc dù nó chỉ là một cơn buồn ngủ lúc canh khuya học bài. Thế hệ thanh niên chúng ta ngày nay đang cần lắm những con đường sáng, những sức mạnh diệu kỳ để vượt qua khó khăn của thế hệ. Vì vậy, việc tự xây dựng cho mình một lí tưởng cao đẹp là điều ai cũng cần làm và phải làm ngay, làm gấp.
Vai trò của lí tưởng trong cuộc sống con người – Mẫu 7
Cuộc sống sẽ trở nên vô nghĩa nếu như con người không xác định cho mình một lý tưởng sống tốt đẹp. Có ai đó đã từng nói rằng: “Tuổi trẻ không có lý tưởng giống như buổi sáng không có mặt trời”.
Thật vậy, lí tưởng giống như một ánh mặt trời soi sáng vạn vật. Trước hết, cần hiểu được, lí tưởng là toàn bộ những mục đích, những ước mơ tốt đẹp mà con người mong muốn và phấn đấu để đạt được. Lí tưởng rất quan trọng với mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ – chủ nhân tương lai của một đất nước.
Nếu con người không có lí tưởng sống, thì sẽ không xác định cho bản thân một phương hướng kiên định. Chúng ta sẽ không biết mình đang sống để làm gì và để trở thành người như thế nào. Lí tưởng tạo ra sức mạnh, thúc đẩy con người cố gắng để vươn tới thành công. Một người sống có ý nghĩa khi biết xác định cho mình lý tưởng tốt đẹp, không bị cám dỗ bởi những điều tầm thường.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hàng triệu thanh niên Việt Nam đã đem tuổi trẻ và lòng nhiệt huyết để:
“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai”
Họ không ngại khó khăn, thiếu thốn hay mưa bom bão đạn, thậm chí là cái chết để giành lại độc lập cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân. Đặc biệt nhất không thể kể đến những cái tên như: Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc, Lý Tự Trọng… Tất cả đã trở thành tấm gương sáng cho tinh thần: “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” – lí tưởng một thời của thế hệ thanh niên Việt Nam.
Đến ngày hôm nay, khi chiến tranh qua đi, đất nước được hưởng hòa bình. Những con người trẻ tuổi của dải đất hình chữ S đó lại mang trong mình một lí tưởng cao cả hơn. Họ muốn đưa dân tộc Việt Nam phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực để có thể giống như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh “sáng vai với các cường quốc năm châu”. Trên nhiều lĩnh vực, có rất nhiều cái tên đã trở thành niềm tự hào của đất nước. Trong lĩnh vực Toán học, cái tên Ngô Bảo Châu chắc đã không còn xa lạ nữa – vị giáo sư trẻ tuổi đã đạt được giành được Huy chương Fields. Hay trong lĩnh vực thể thao, chúng ta phải kể đến cái tên Nguyễn Quang Hải – cầu thủ trẻ tuổi được cả châu Á biết đến với tài năng đã cùng đội tuyển U23 Việt Nam giành giải Á Quân U23 Châu Á… Tất cả họ đều mang trong mình những lí tưởng cao đẹp với khát vọng cống hiến, khát vọng đưa cái tên Việt Nam vươn tầm thế giới ở lĩnh vực đó.
Thế mới thấy được, lí tưởng sống có một vai trò quyết định đến tương lai của mỗi người. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, có một bộ phận không nhỏ những người sống không có lí tưởng. Họ chỉ mải mê chạy theo những cuộc vui chơi, sống buông thả hoặc dựa dẫm vào những người xung quanh. Họ không chịu dùng thời gian quý giá của mình để học tập, trau dồi mà chỉ biết sa ngã vào các tệ nạn xã hội. Thậm chí nhiều người còn có những hành vi sai trái, vi phạm pháp luật. Đó là những hành vi đáng lên án và cần phải tránh xa.
Đối với một học sinh lớp 12, chúng tôi luôn xác định cho mình được một lí tưởng sống tốt đẹp. Đồng thời, không ngừng cố gắng học tập kiến thức, không chỉ ở trường học mà còn ở ngoài xã hội. Với riêng tôi, việc có thể vượt qua kì thi THPT Quốc gia sắp tới với một kết quả cao nhất chính là mục tiêu lớn nhất. Tôi tin chắc chắn với sự cố gắng và kiên trì của mình, tôi sẽ đạt được điều mà mình mong muốn.
Qua phân tích trên, có thể khẳng định rằng: “Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng kiên định thì không có cuộc sống”.
Vai trò của lí tưởng trong cuộc sống con người – Mẫu 8
Có ai đó đã từng nói rằng: “Lý tưởng là những ước mơ cao thượng nhất của con người, rất khó thực hiện nhưng lại có thể thực hiện được và đòi hỏi phải phấn đấu lâu dài, gian khổ, kiên trì…”. Quả thật, trong cuộc sống của chúng ta, lí tưởng có một vai trò vô cùng quan trọng.
Đầu tiên, cần phải hiểu rằng lí tưởng là định hướng, là mục đích sống đúng đắn, lành mạnh và tích cực. Lí tưởng sống của mỗi người khác nhau là khác nhau, đó có thể là lớn lao có thể là những điều nhỏ bé nhưng đối với mỗi người nó đều có ý nghĩa nhất định.
Vai trò của lí tưởng đối với con người cũng giống như một ngọn đèn chỉ đường. Đó chính là mục tiêu mà chúng ta hướng đến trong cuộc sống. Nhưng mục tiêu có thể cao đẹp cũng có thể tầm thường. Lí tưởng chỉ bao gồm những mục tiêu cao đẹp. Nhờ có lí tưởng thôi thúc mà con người trở nên mạnh mẽ, can đảm và kiên trì hơn khi đối mặt với những thử thách. Với mỗi bạn trẻ, đó giống như kim chỉ nam – giúp định hướng những bước đi đúng đắn trên con đường để tìm đến cái đích của thành công, của hạnh phúc.
Những người sống có lí tưởng rõ ràng vô cùng sâu sắc trong suy nghĩ. Họ biết được bản thân mình mong muốn điều gì và sẽ kiên trì để đạt được nó. Ngược lại, khi không có lí tưởng, con người dễ mất đi phương hướng, sống vô ích và chẳng thể phát huy được những điểm mạnh của bản thân. Cuộc sống của họ cứ trôi qua một cách mờ nhạt, vô định bởi sự lặp lại. Chính vì vậy, những người trẻ – tương lai của một đất nước cần xác định cho mình một lí tưởng đúng đắn và kiên trì theo đuổi.
Giống như Chủ tịch Hồ Chí Minh – khi ra đi tìm đường cứu nước, Người chỉ là một chàng thanh niên tuổi đôi mươi. Với lòng yêu nước cùng nhiệt huyết cách mạng, Người đã ra đi chỉ với hai bàn tay trắng. Những khó khăn, khổ cực ở nơi đất khách quê người không khiến chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành nản chí. Lí tưởng tìm ra con đường cứu nước cho nhân dân luôn cháy bỏng trong tiềm thức của Người. Nó thôi thúc Bác tiếp tục cố gắng học tập để rồi bắt gặp ánh sáng của Chủ nghĩa Mác – Lênin. Từ đó, Người đã tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Ngày hôm nay, có những người Việt Nam đã tiếp bước cha ông làm nên những kỳ tích. Trong lĩnh vực thể thao, đội tuyển bóng đá Việt Nam đã liên tiếp đạt được những danh hiệu: Á quân U23 châu Á, vô địch AFF Cup 2018 với những cái tên như Quang Hải, Công Phượng, Duy Mạnh…
Nhưng cũng thật đáng buồn khi còn không ít những người sống không có lí tưởng. Họ luôn phó mặc cho cuộc đời đưa đẩy. Bản thân luôn phải phụ thuộc vào gia đình, thầy cô và bạn bè. Họ không có định hướng cho tương lai. Mỗi ngày trôi qua đối với họ có lẽ chỉ là một sự lặp lại nhàm chán.
Là một học sinh lớp 12 – đứng trước một ngã rẽ quan trọng trong cuộc đời, chúng tôi luôn cố gắng tích cực học tập, rèn luyện để bản thân trở nên ngày một hoàn thiện. Cùng với đó là xác định cho mình một lí tưởng cao đẹp để có thể phấn đấu, nỗ lực.
Tóm lại, lí tưởng sống đã trở thành một “ngọn đèn” soi sáng tương lai cho mỗi người. Vì vậy, chúng ta hãy tự vạch ra cho mình một lí tưởng cao đẹp để hành trình tìm đến thành công sẽ kết thúc bằng “trái ngọt”.
Vai trò của lí tưởng trong cuộc sống con người – Mẫu 9
Mỗi người luôn tìm kiếm cho mình một hướng đi, vậy có bao giờ ta tự hỏi chính mình, rốt cuộc điều gì đã dẫn ta đến những điều như thế? Có những người từ khi còn nhỏ đã gặt hái nhiều thành công? Ta có bao giờ thắc mắc vì sao và bí quyết nào khiến họ thành công được như vậy? Và để trả lời cho điều đó, nhà văn Nga Lép Tôn-xtôi đã từng có ý kiến cho rằng: “Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường, Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống”.
Cuộc đời con người là hành trình rất dài, mỗi con người từ khi sinh ra, khi nhận thức được cuộc sống, đã luôn đặt ra cho mình những mục tiêu, những câu hỏi, để đạt được những điều ta vẫn hằng ao ước. Và với điều đó, Lép Tôn-xtôi cho rằng, đó chính là “lí tưởng” mà theo ông, thì lí tưởng được ví như “ngọn đèn chỉ đường”. Đúng vậy, câu nói của Lép Tôn-xtôi thật đúng, ngọn đèn luôn phát ra ánh sáng, và như thế, cuộc sống với những điều mới lạ luôn mở ra trước mắt, hằng ngày, từng ngày, từng giờ, và có những khi ta không thể nhận ra bởi một tương lai khá mịt mờ ở phía trước. Vì thế, coi lí tưởng như ngọn đèn chỉ đường là vô cùng chính xác, vì lí tưởng luôn thắp sáng trên mỗi hành trình ta tiến tới tương lai. Mang lại ánh sáng, giúp ta nhận ra mình cần đi đâu, làm gì, và ta sẽ tìm được lối đi đúng hướng, đúng đắn. Có lẽ vì thế mà ở ngay vế sau, Lép Tôn-xtôi đã nói, không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định. Lí tưởng là ánh sáng, lí tưởng giúp ta tìm thấy lối đi đúng, và lí tưởng giúp ta tiến tới thành công và mục tiêu chính xác. Và chắc chắn một hệ quả kế tiếp nếu ta không có lí tưởng trong cuộc sống, thì sẽ không có phương hướng và lẽ tất nhiên sẽ không có cuộc sống. Vì bản chất cuộc sống là vận động, phát triển không ngừng, mất đi lí tưởng, mất đi mục tiêu, đích đến, thì cuộc sống theo lẽ tất nhiên sẽ không thể tồn tại. Vì vậy, câu nói của Lép Tôn-xtôi đã nêu rõ một bản chất chung và tầm quan trọng của lí tưởng. Lí tưởng luôn giúp ta có cái nhìn đúng đắn, như sợi chỉ đỏ, dù có vấp ngã, ta vẫn có thể tìm ra giải pháp để tiến tới mục tiêu.
Trong cuộc sống, rất nhiều bài học về những tấm gương có mục tiêu, khát vọng lí tưởng, và nhờ thế, họ đã vượt qua những thử thách của bản thân để tìm ra lối đi đúng đắn và đạt được thành công. Như vị lãnh tụ đáng kính Hồ Chí Minh, nhờ có lí tưởng Mac-Lênin soi đường, Bác đã tìm ra con đường đấu tranh và giúp nhân dân ta giành thắng lợi trong tay kẻ thù. Hay như tấm gương những anh hùng trong cách mạng dân tộc, nhờ có lí tưởng đúng đắn, như Tô Vĩnh Diện, Võ Thị Sáu, họ có lí tưởng của tuổi trẻ, và chính nhờ có họ, những thế hệ anh hùng nối tiếp, chính họ đã là những người quan trọng để làm ra cuộc sống hòa bình cho nhân dân ta lúc này. Qua đó, cũng phê phán những ai có tính cách hèn nhát, thiếu bản lĩnh, lí tưởng sống, những người như vậy sẽ không thể tìm ra lối đi đúng đắn cho mình và giúp bản thân tìm tới thành công.
Nói chung, câu nói của Lép Tôn-xtôi vô cùng chính xác, nhờ thế, đã góp phần nêu bật được chân lí của cuộc sống, mối quan hệ giữa lí tưởng – con người – cuộc sống. Hiểu được chính mình, tầm quan trọng của lí tưởng chính mình, sẽ giúp ta tiến tới thành công.
Vai trò của lí tưởng trong cuộc sống con người – Mẫu 10
Không biết bao nhiêu lần, trong cuộc sống của mỗi con người, những câu hỏi này đã vang lên: Tôi đến từ đâu? Tôi sinh ra để làm gì? Và tôi sẽ đi về đâu? Đó là những câu hỏi truy tìm ý nghĩa của đời sống, cũng là câu hỏi để kiếm tìm lí tưởng, giúp con người hướng tới đích, hướng tới những giá trị tốt đẹp, xứng đáng với vị trí tồn tại của mình. Chính vì thế, L.Tôn-xtôi – người đã kiên định suốt đời vì những lí tưởng nhân văn cao quý trong cuộc đời và trong tác phẩm của mình đã khẳng định: Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống.
Nhưng lí tưởng là gì? Lí tưởng chính là ước mơ, là khát vọng định hướng cuộc sống. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói Không có gì quý hơn độc lập, tự do và Người đã suốt đời theo đuổi một khát vọng: Làm sao cho dân ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Đó là lí tưởng của một bậc vĩ nhân, những bậc anh hùng, của những chiến sĩ tiên phong của nhân loại. Đồng thời, cũng có biết bao những con người vô danh đã âm thầm, bền bỉ, thậm chí hi sinh cuộc sống của mình vì tự do của nhân loại, của dân tộc, vì cuộc sống tốt đẹp hơn của mỗi chúng ta. Những năm tháng ấy, khát vọng được hi sinh quên mình để đất nước không còn tiếng bom đạn, bầu trời xanh được bình yên. Đó thực sự là những người dẫn đường, những người đã giương cao ngọn đèn chỉ đường để chúng ta hướng tới những giá trị tốt đẹp, thực sự xứng đáng với danh hiệu Con Người. Tôi và các bạn, chúng ta chỉ là những con người bình thường, nhưng khi chúng ta chọn cho mình một mục đích sống đẹp và kiên trì hướng tới mục đích đó, chúng ta sẽ có lí tưởng của mình. Bằng đời sống nhỏ bé của mình, như một giọt nước, chúng ta hòa vào dòng chảy mạnh mẽ của đời sống, để cùng hướng tới ánh sáng và ấm áp của tự do, tình yêu thương, lòng vị tha, và như thế chúng ta không phải nuối tiếc vì những năm tháng ngắn ngủi của một đời người đã tràn đầy ý nghĩa. Tôi được biết ở chùa Bồ Đề (Gia Lâm, Hà Nội) đã trở thành nơi mái ấm tình thương của hơn 80 em nhỏ lang thang, cơ nhỡ, khuyết tật, bị bỏ rơi. Tôi chưa rõ lí tưởng của các nhà tu hành ấy có khác gì người thường nhưng có lẽ, khát vọng hướng thiện là bước khởi đầu trên con đường tìm đến giác ngộ, giải thoát và hiển nhiên, đó cũng là ngọn đèn chỉ đường của thế gian này. Còn biết bao nhiêu con người nhỏ bé bằng cuộc sống nhẫn nại vị tha quên mình vì người khác, hàng ngày, hàng giờ đã thắp sáng thêm ngọn đèn chỉ đường ấy. Nhờ những đốm sáng nhỏ nhoi ấy, ánh dương ngời sáng, soi chiếu hành trình nhọc nhằn, bất trắc đầy khó khăn trong cuộc sống không bao giờ lụi tắt. Những con người nhỏ bé ấy không suy tư nhiều về hai chữ lí tưởng nhưng cuộc đời họ là hiện thân của lí tưởng cao đẹp nhất và khó khăn nhất mà con người cần hướng tới: biết yêu thương người khác như chính bản thân mình. Lớn lao hay nhỏ bé, dẫn đường cho hành trình của cả nhân loại, cả thời đại hay soi rọi cho những lối nhỏ của mỗi cuộc đời bình thường, lí tưởng luôn là những giá trị tinh thần cao quý, đẹp đẽ mà con người hướng tới cả trong tâm trí và hành động.
Một cuộc sống không hướng tới một điều gì tốt đẹp, không khao khát làm gì cho ai là một cuộc sống vô nghĩa, phi lí. Không có một ngọn đèn chỉ đường trong tâm trí và hành động, con người dễ sa vào lối sống vị kỉ, buông thả, thác loạn hoặc mệt mỏi, chán chường. Lí tưởng và niềm tin vào lí tưởng là nguồn sức mạnh giúp ta vượt lên những thử thách đáng sợ, những cám dỗ tầm thường.
Một người bạn hỏi tôi: Bạn có bao giờ nghĩ mình sống vì cái gì không? Thật không dễ trả lời câu hỏi này. Tôi vẫn chưa biết rõ mình là ai và sẽ làm gì. Nhưng nếu tôi là một người thầy giáo, tôi mong ước rằng học sinh của mình sẽ cảm thấy tôi có thể là người bạn của các em và vui mừng mỗi khi tôi bước vào lớp. Có thể nói, tôi chẳng làm được điều gì lớn lao, phi thường nhưng tôi sẽ cố gắng để sự có mặt của tôi sẽ đem lại niềm vui cho người thân yêu, cho bạn bè, cho một ai đó bên cạnh mình. Tôi biết mình không chỉ mơ ước về những điều ấy. Phải làm gì cho cuộc sống của mình trở thành một món quà tặng cho người thân yêu?
Đó thật sự là một điều khó khăn nhưng tôi sẽ cố gắng để ánh sáng của ngọn đèn ấy không bao giờ lụi tắt, để những năm tháng mà tôi may mắn được sinh ra, được sống và được nhìn thấy ánh mặt trời trên thế giới này không phải là những tháng năm vô nghĩa.
Chia sẻ bởi:
Trịnh Thị Thanh
Mời bạn đánh giá!
-
Lượt tải:
102
-
Lượt xem:
134.495
-
Dung lượng:
303,5 KB