Trong bản thảo ban đầu, câu nói của Paven Coócsaghin như sau: “Phấn đấu vì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa”. Khi cuốn “Thép đã tôi thế đấy” in ra tiếng Việt, câu này được sửa thành “Phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng loài người”.
Ai đã từng đọc, thậm chí chưa đọc “Thép đã tôi thế đấy” đều biết câu nói nổi tiếng của nhân vật chính Paven Coócsaghin: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”.
Trong bản thảo ban đầu, câu kết đó viết như sau: “Phấn đấu vì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa”. Khi in ra đã được sửa thành “Phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng loài người” (bản dịch tiếng Việt do Thép Mới và Huy Vân thực hiện năm 1967 đã bỏ mất từ “phấn đấu”). Lý tưởng Cộng sản chủ nghĩa cũng là sự giải phóng loài người. Ở đây không phải là sự thay đổi về nội hàm mà chỉ là về mặt tu từ mà thôi. Chúng ta phải thán phục sự tinh tế của người biên tập thời ấy. Thay đổi như thế, giá trị toàn nhân loại của câu cách ngôn càng thêm sâu sắc.
Nhà văn Pháp Xtanhđan từng nói, mỗi người khi bước vào đời, nên chuẩn bị một số câu cách ngôn để làm kim chỉ nam xử thế. Những năm còn cắp sách đến trường, bọn chúng tôi đều ghi tạc trong lòng câu cách ngôn đó của Ôxtơrốpxki. Những năm gần đây ở Trung Quốc họ đã diễn vở kịch nói “Paven Coócsaghin” và sau đó dựng thành phim dựa vào tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” của tác giả Ôxtơrốpxki.
Đoạn kết vở kịch và phim đều có hình ảnh rất đông người đứng vây quanh giường Paven trong giờ phút lâm chung và nghe Paven lẩm bẩm câu: “Cái quý nhất của con người là sự sống…”. Kịch và phim đều biến câu cách ngôn của Ôxtơrốpxki thành “di ngôn” (lời nói cuối cùng), thật là hợp lý và sâu sắc.
Nhưng thật ra câu nói cuối cùng của Ôxtơrốpxki lúc lâm chung không phải như vậy.
Cuối năm 1936, bệnh tình của Ôxtơrốpxki ngày một trầm trọng. Khi dự cảm được tử thần sắp đến gọi mình đi, ông liền gọi vợ lại bên giường, nói:
– Bây giờ anh muốn nói với em một câu, có lẽ đây là lời cuối cùng của anh… Đời anh sống không tồi… Tất cả đều tự tay mình làm ra cả, nhưng không phải dễ dàng mà có đâu… Anh đã phấn đấu cả một đời. Em cũng đã biết anh chưa bao giờ khuất phục trước khó khăn… Phải chăm chỉ học hành, không có văn hóa thì em không trưởng thành được… Hãy nghĩ đến bố mẹ chúng ta. Các cụ đã khổ cả cuộc đời vì chúng ta… Chúng ta nợ các cụ rất nhiều… mà chưa kịp báo đáp được gì. Em nên báo hiếu mẹ…
Nói đến đây, Ôxtơrốpxki ngất đi. Khi tỉnh lại ông hỏi:
– Anh có rên không?
– Không.
– Em nhìn kìa? Tử thần đã đến gần, nhưng anh không chịu khuất phục.
Rồi ông lại ngất lịm đi. Rồi lại tỉnh, lại hỏi:
– Anh có rên không?
– Không.
– Thế thì tốt, điều đó có nghĩa là tử thần chưa làm gì được anh.
Rồi ông lại hôn mê, và cuối cùng không tỉnh lại được nữa.
Ngày 22/12/1936, Ôxtơrốpxki vừa mới 32 tuổi xuân đã lìa đời tại một bệnh viện ở Mátxcơva. Nơi này sau đã trở thành Nhà tưởng niệm ông. Nay ai có dịp đến thăm Nhà tưởng niệm đó, sẽ nhớ nhất là chiếc giường sắt, nơi Ôxtơrốpxki đã nằm bất động ở đó bao tháng ngày. Và di ngôn vẫn còn ghi lại ở bên giường của ông.
Đọc lời nói cuối cùng của ông, lòng chúng ta nặng trĩu và khâm phục ý chí kiên cường như thép của ông