Thật thà cũng thể lái trâu,
Yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng.
Trời mưa ướt lá dai bì
Con mẹ, mẹ xót, xót gì con dâu!
Mẹ chồng nàng dâu,
Chủ nhà, người ở, khen nhau bao giờ.
Mẹ chồng dữ, mẹ chồng chết,
Nàng dâu có nết, nàng dâu chừa.
Ớ chị em ơi !
Cho tôi xin tí nước mắt thừa,
Tôi về tôi khóc tiễn đưa bà mẹ chồng.
Khóc rồi, tôi đổ xuống sông,
Cá mương, cá diếc, cá hồng ních no… !
Mẹ anh nghiệt lắm anh ơi,
Biết rằng có được ở đời với nhau.
Hay là vào trước ra sau,
Cho cực lòng thiếp, cho đau lòng chàng.
Thưa vàng chẳng phải thau đâu,
Đừng đem thử lửa mà đau lòng vàng.
Bố chồng là lông con phượng,
Mẹ chồng là tượng mới tô,
Nàng dâu mới về là bồ chịu chửi.
Mẹ chồng đối với nàng dâu
Như mèo với chuột có thương nhau bao giờ.
Cha chài, mẹ lưới, con dâu
Con trai tát nước, nàng dâu đi mò.
Cô kia đội nón đi đâu
Tôi là phận gái làm dâu mới về
Mẹ chồng ác nghiệt đã ghê
Tôi ở chẳng được, tôi về nhà tôi.
Chồng dữ thì em mới lo,
Mẹ chồng mà dữ mổ bò ăn khao.
Đói lòng ăn khế, ăn sung.
Trông thấy mẹ chồng thì nuốt chẳng trôi.
Nhà ai xay lúa ầm ầm,
Cho xin nắm trấu về hầm bà gia.
Bà gia mới chết hôm qua,
Trong chạy, ngoài bội tốn ba mươi đồng.
Không khóc thì tội bụng chồng,
Khóc thì lạt lẽo như đưa hồng mắc mưa.
Mẹ anh năm lọc bảy lừa.
Mua cam phải quýt, mua dưa phải bầu.
Mua kim mua phải lưỡi câu.
Mua mật phải dầu, cực lắm anh ơi!
Thương chồng phải khóc mụ gia
Ta đây với mụ có bà con chi ?
Rau muống tháng chín
Nàng dâu nhịn cho mẹ chồng.
Ngồi buồn nghĩ giận con dâu,
Nấu cơm bằng trã vung đâu đậy vừa.
Chồng dữ thì em mới rầu
Mẹ chồng mà dữ, giết trâu ăn mừng.
Nàng dâu khôn lanh, nấu canh cho ngọt
Canh sôi hớt bọt, thêm ớt rắc tiêu
Mẹ chồng cay đắng đủ điều
Mẹ ghét cứ ghét, chồng chiều cũng vui.
Nàng dâu để chế mẹ chồng
Đôi bông hột lựu, đôi vòng sáng trưng
Má đừng khắc bạc con dâu,
Còn để cái đức về sau cho con má nhờ…
Mụ gia ba bảy mụ gia
Mụ thì tiền rưỡi mụ ba mươi đồng.
Từ khi em về làm dâu,
Thì anh dặn bảo trước sau mọi lời:
Mẹ già dữ lắm, em ơi!
Nhịn ăn, nhịn mặc, nhịn lời mẹ cha.
Nhịn cho nên cửa nên nhà,
Nên kèo, nên cột, nên xà tầm vông.
Nhịn cho nên vợ nên chồng,
Thì em coi sóc lấy trong cửa nhà.
Đi chợ thì chớ ăn quà,
Về chợ thì chớ rề rà ở trưa,
Dù ai bảo đợi bảo chờ,
Thì em nói dối con thơ em về.
Mẹ chồng là mẹ chồng tôi
Năm bảy cái quạ nó lôi mẹ chồng.
Mẹ chồng dữ, mẹ chồng chết,
Nàng dâu có nết, nàng dâu chừa.
Mẹ chồng chẳng nói tốt nàng dâu
Nàng dâu cũng đâu thương mẹ chồng.
Mẹ chồng ăn ở gắt gao,
Con mắt bét chẹt, cào cào ăn tai.
Làm dâu nhà quét không xong
Nấu cơm không chín, mẹ chồng cười chê.
Trách cha, trách mẹ nhà chàng,
Cầm cân chẳng biết là vàng hay thau.
Làm dâu cha mẹ chồng có chừng, có đỗi
Làm dâu em chồng có nhiều nỗi đắng cay.
Lồng cồng như mẹ chồng xới xôi
Bát đầy thì ít, bát vơi thì nhiều.
Con mèo trèo lên cây táo
Mẹ chồng nói láo đánh khảo nàng dâu.
Bà ơi không sợ bà đâu
Bà đừng chửi mắng mà mang tiếng đời
Bà cưới tôi có rượu có trầu
Có đưa có rước, nàng dâu mới về
Tôi về bà nhún bà trề
Để con bà ở lại tôi về xứ tôi.
Con thơ tay ẫm tay bồng
Tay dắt mẹ chồng đầu bạc như bông.
Chẳng thà ăn khế ăn sung
Gặp được mẹ chồng quý mến cũng vui
Còn hơn ăn thịt ăn xôi
Nghiến răng ken két thì tôi đau lòng.
Chăn tằm rồi mới ươm tơ,
Làm dâu rồi mới được như mẹ chồng.
Cây khô chết đứng giữa đồng
Mần dâu trăm chuyện, mẹ chồng còn chê
Mẹ chồng đã lớn còn quê
Mần dâu đủ chuyện, mà chê nỗi gì.
Ba bà đi chợ với nhau
Một bà đi trước kể chuyện nàng dâu
Một bà đi sau tu tu lên khóc
Nhà bà có phúc cưới được dâu hiền
Nhà tôi vô duyên cưới cô dâu dại
Việc làm thì rái, chỉ tưởng những ăn
Hễ bảo quét sân đánh chết ba gà
Bảo đi quét nhà, đánh chết ba cho
Có mâm giỗ, họ miếng ra miếng vào
Rửa bát cầu ao liếm dĩa quèn quẹt
Đi chợ quên thúng quên quan tiền
Về nhà quên ngõ đâm xiêng vào chùa
Vo chùa thấy hai ông Hộ Pháp mới tô
Nó nghĩ khách tới đầy nhà nhà tôi
Trở ra nó mỉm miệng nó cười
Thằng chồng nó đánh một hồi cẳng chân
Bà đi giữa nghe chuyện phân vân
Rằng dâu tôi cũng không đần không khôn
Mẹ chồng có nói đến con
Thì con tôi chỉ cười dòn nói đưa!
Lời kết: Ngày nay, với sự cởi mở và phát triển của xã hội hiện đại, mối quan hệ mẹ chồng đã có nhiều thay đổi và không còn khắc nghiệt như xưa. Nhưng qua những câu ca dao, dân ca, ta có thể hiểu được phần nào về mối quan hệ này trong xã hội cũ.