Sớm chính thức hóa mô hình Ban An toàn thực phẩm

“Hôm nay (15-7), Ban quản lý (BQL) An toàn thực phẩm TP.HCM tổng kết sáu năm thí điểm thành lập. Thời gian qua, BQL đã xử lý, phạt được rất nhiều trường hợp vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm trên địa bàn” – PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng BQL An toàn thực phẩm TP.HCM, chia sẻ.

Sớm chính thức hóa mô hình Ban An toàn thực phẩm ảnh 1

Quản lý an toàn thực phẩm phải về một đầu mối

. Phóng viên: Phạt nhiều như thế, tâm trạng của bà như thế nào?

Sớm chính thức hóa mô hình Ban An toàn thực phẩm ảnh 2

+ PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan (ảnh): Thực tình mà nói, tôi vừa vui vừa buồn.

Vui vì giai đoạn 2015-2016, mỗi cơ sở trên địa bàn TP.HCM vi phạm an toàn thực phẩm bị phạt trung bình 7-8 triệu đồng. Nhưng từ khi BQL được thành lập (tháng 3-2017) cho tới nay, trung bình mỗi cơ sở vi phạm bị phạt 21 triệu đồng, cho thấy việc xử phạt nghiêm và đúng luật, đủ sức răn đe các cơ sở vi phạm. Chính vì vậy, tình hình an toàn thực phẩm tại TP.HCM ngày càng cải thiện.

Còn buồn là vì sao? Phạt càng nhiều chứng tỏ vi phạm an toàn thực phẩm nhiều. Những lúc đặt bút ký quyết định xử phạt, tôi không vui chút nào, bởi tôi biết cơ sở sẽ rơi vào khó khăn, ngưng hoạt động, nhiều người mất công ăn việc làm. Kế đến, không loại trừ khả năng cơ sở giảm chi phí trong từng sản phẩm để “gỡ gạc” số tiền đóng phạt. Điều này khiến chất lượng thực phẩm không đảm bảo an toàn. Đây có thể xem là mặt trái của thanh tra và xử phạt.

. Tháng 9-2017, cơ quan chức năng phát hiện gần 4.000 con heo bị tiêm thuốc an thần tại một cơ sở giết mổ ở TP.HCM. Ngoài đề xuất tiêu hủy toàn bộ số heo nói trên, BQL còn kiến nghị chuyển tất cả cơ sở giết mổ tại TP.HCM cho nơi đây quản lý. Hiện bà còn giữ quan điểm này không?

+ Tôi vẫn giữ quan điểm đó, bởi quản lý an toàn thực phẩm phải về một đầu mối.

Sau vụ việc cơ quan công an phát hiện heo bị tiêm thuốc an thần, dư luận thắc mắc tại sao người giám sát tại cơ sở giết mổ không biết điều này. Rồi cán bộ thú y giám sát quá trình giết mổ thì ai giám sát cán bộ thú y? Sau đó, tôi đề nghị giao các cơ sở giết mổ cho BQL, nếu không thì Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM và BQL cùng giám sát các cơ sở giết mổ qua camera. Nhưng rất tiếc, mọi việc không như mong muốn.

Liên quan đến đề xuất tiêu hủy gần 4.000 con heo bị tiêm thuốc an thần, người dân và đặc biệt là những người làm trong ngành thú y lúc đó cho rằng như vậy là quá, chưa tuân thủ theo luật. Ngành thú y còn cho rằng luật chỉ yêu cầu tiêu hủy heo khi liều lượng thuốc an thần vượt quá ngưỡng cho phép do ngành y tế đưa ra. Thế nhưng cho tới giờ, ngành y tế cũng không đưa ra ngưỡng cho phép. Nếu không mạnh tay tiêu hủy sẽ tạo ra tiền lệ xấu về sau.

“Phạt càng nhiều chứng tỏ vi phạm an toàn thực phẩm nhiều. Những lúc đặt bút ký quyết định xử phạt, tôi không vui chút nào.”

Thực phẩm an toàn đã khởi sắc

. Mặc dù BQL đã được thành lập và hoạt động nhưng vẫn còn tình trạng thịt heo được bày bán trên tấm nylon để dưới đất. Vì sao xảy ra tình trạng này, thưa bà?

+ Trước đây, cơ quan thú y quản lý cả heo sống lẫn heo đã giết mổ. Khi đó, Luật Thú y còn quy định kiểm dịch nội tỉnh nên cơ quan thú y được phép kiểm tra thịt kinh doanh trên địa bàn và xử phạt nếu không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y.

Hiện Luật Thú y bãi bỏ kiểm dịch nội tỉnh, chỉ quy định kiểm dịch ngoại tỉnh, nghĩa là thịt được đưa từ tỉnh này sang tỉnh khác mới cần giấy kiểm dịch. Cho nên tôi khẳng định dù có hoặc không thành lập BQL thì cơ quan thú y cũng sẽ không thể kiểm tra giấy kiểm dịch nội tỉnh đối với những người buôn bán thịt heo.

Liên quan đến việc bày bán thịt heo dưới đất, hầu hết thuộc diện không có giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Nguyên nhân vẫn tồn tại tình trạng này là do chưa kiên quyết xử lý. Tuy nhiên, vấn đề này không chỉ là nhiệm vụ của riêng BQL hay của Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM mà còn liên quan tới sự quản lý của địa phương. Hiện các cơ quan chức năng đang phối hợp để giải quyết vấn đề trên.

. Sau sáu năm lãnh đạo BQL, điều gì khiến bà còn nhiều trăn trở?

+ Đó là cơ chế về nhân lực, vì với cơ chế hiện nay, tôi không có quyền tuyển dụng người giỏi. Tiếp đó là đãi ngộ cho nhân viên còn chưa tương xứng, đời sống của họ còn rất khó khăn nên vẫn có trường hợp xin chuyển công tác. Thực sự nếu thu nhập được cải thiện, họ sẽ gắn bó với công việc của mình hơn.

Cạnh đó, do hiện nay BQL là đơn vị thí điểm nên có những thiệt thòi về công tác quy hoạch cán bộ, cũng có thể ngưng hoạt động bất cứ lúc nào dẫn đến nhân viên khó yên tâm công tác. Điều đáng mừng là cho dù còn khó khăn như vậy, song hầu hết chúng tôi vẫn gắn bó với công việc.

. Sau nhiều năm thí điểm BQL, bà đề xuất gì với UBND TP.HCM và Chính phủ?

+ Suốt sáu năm qua, tôi nghĩ đã đủ để trả lời câu hỏi “BQL đã làm được gì, mang lại những lợi ích gì?”. Rõ ràng với nguồn kinh phí hoạt động được cấp lúc đầu, biên chế không tăng, thậm chí giảm nhưng tình hình an toàn thực phẩm trên địa bàn TP.HCM thực sự có những chuyển biến tích cực.

Trước đây, ba ngành (y tế, công thương, NN&PTNT) cùng quản lý an toàn thực phẩm nên sự phối hợp đôi khi còn chệch choạc. Hiện quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn TP.HCM được về một đầu mối (BQL – PV) nên mọi hoạt động từ thanh tra, xử lý vi phạm đều nhanh chóng, thông suốt và đủ sức răn đe.

Do vậy, chính thức hóa mô hình BQL là đề xuất cấp thiết nhất để không còn là mô hình thí điểm nữa.

. Xin cám ơn bà.•

Đề xuất nhân rộng mô hình Ban quản lý An toàn thực phẩm

Hiện TP Đà Nẵng và tỉnh Bắc Ninh cũng thành lập BQL An toàn thực phẩm. Tôi rất mong Chính phủ quan tâm để có thể chính thức hóa mô hình BQL An toàn thực phẩm, đồng thời nghiên cứu có nên nhân rộng ở những địa phương khác hay không.

PGS-TS PHẠM KHÁNH PHONG LAN, Trưởng BQL
An toàn thực phẩm TP.HCM

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *