Soạn bài Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt – chuabaitap.com

1. Khái niệm ngôn ngữ sinh hoạt

 

  Đoạn văn ghi lại cuộc đối thoại trong ngôn ngữ sinh hoạt. Bên cạnh lời dẫn trực tiếp, tác giả còn đưa ra các chú thích về tâm trạng, cách biểu hiện lời nói của mỗi nhân vật trong cuộc hội thoại ấy. 

Từ đó, ta có thể định nghĩa về ngôn ngữ sinh hoạt:

Ngôn ngữ sinh hoạt là khái niệm chỉ toàn bộ lời ăn tiếng nói hàng ngày mà con người dùng để thông tin, suy nghĩ, trao đổi ý nghĩ, tình cảm với nhau, đáp ứng những nhu cầu tự nhiên trong cuộc sống.

 

2. Các dạng thể hiện của ngôn ngữ sinh hoạt

 

Ngôn ngữ sinh hoạt chủ yếu thể hiện ở dạng nói và có cả ở dạng viết:

– Trong dạng nói (thể hiện bằng lời nói ra bên ngoài) có: đối thoại, đa thoại, và đàm thoại (qua các phương tiện nghe nhìn).

– Trong dạng viết (thể hiện bởi những suy nghĩ nội tâm bên trong) có: 

+ Độc thoại nội tâm: là tự mình nói với mình nhưng không phát ra thành tiếng.

+ Đối thoại nội tâm: tự tưởng tượng ra một người nào đó đang trò chuyện với mình, đối đáp như một cuộc thoại.

 + Dòng tâm sự: là những suy nghĩ bên trong thành một chuỗi mạch lạc, trong đó có thể có cả đối thoại và độc thoại nội tâm. (nhật kí, hồi kí, …)

   Song ở trường hợp nào nói hay viết, tái hiện hay sáng tạo, ngôn ngữ sinh hoạt vẫn là tiếng nói hàng ngày chưa được gọt giũa.

   

Chú ý:

+ Trong tác phẩm văn học, nhất là ở các thể loại diễn xướng, có dạng lời nói tái hiện, tức là mô phỏng lời nói trong tự nhiên như: Kịch, tuồng, chèo, truyện, tiểu thuyết… 

+ Trong thực tế đời sống, bài ghi lời phát biểu, nói chuyện của các nhà lãnh đạo, nhà văn hóa… cũng được coi như thuộc phạm vi của ngôn ngữ sinh hoạt ở dạng viết. 

Khi tái hiện lại lời nói trong sinh hoạt vào văn bản, lời nói đã có được những biến đổi nhất định theo thể loại văn bản và ý định chủ quan của người sáng tạo.

 

GHI NHỚ 

Ngôn ngữ sinh hoạt là lời ăn tiếng nói hằng ngày, dùng để thông tin, trao đổi ý nghĩ, tình cảm, … đáp ứng những nhu cầu trong cuộc sống. 

Ngôn ngữ sinh hoạt chủ yếu thể hiện ở dạng nói, nhưng cũng có thể ở dạng viết. Trong văn bản văn học, lời thoại của nhân vật là dạng tái hiện, mô phỏng ngôn ngữ sinh hoạt hằng ngày. 

 

LUYỆN TẬP

a) Anh (chị) hãy phát biểu ý kiến của mình về nội dung của những câu sau:

– Lời nói chẳng mất tiền mua

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau

– Vàng thì thử lửa thử than

Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời

 

b) Câu 2. Đọc đoạn trích (SGK, tr. 114 – Bắt sấu rừng U Minh Hạ) và xác định ngôn ngữ sinh hoạt được biểu hiện ở dạng nào? 

Anh (chị) có nhận xét gì về việc dùng từ ngữ ở đọan trích này?

 

Trả lời:

a)

Phát biểu ý kiến về nội dung của những câu ca dao:

+  Lời nói chẳng mất tiền mua

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau

  Đây là bài học, là lời khuyên quý giá trong hội thoại, ứng xử. Nội dung câu ca dao muốn nhấn mạnh đến việc tôn trọng và giữ phép lịch trong khi nói chuyện. Dân gian khuyên mỗi chúng ta cần biết lựa chọn, cân nhắc ngôn từ sao cho đạt hiệu quả tốt nhất khi trò chuyện, làm sao để người nghe vừa có thể hiểu được nội dung của câu chuyện, vừa tạo được sự vui vẻ, hòa đồng trong khi nói. 

  Câu ca dao cũng muốn nhấn mạnh đến một đặc điểm lớn của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt, là việc không có nhiều thời gian, điều kiện để gọt giũa. Vì thế, việc suy nghĩ kĩ trước khi nói, lựa chọn cách nói phù hợp là rất quan trọng. 

   Bài học: Khi nói năng trong sinh hoạt hằng ngày, cần phải “lựa lời” sao cho có hiệu quả giao tiếp tình cảm cao nhất.

 

+ Vàng thì thử lửa thử than

Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời

  Câu này sử dụng các hiện tượng trong thực tế cuộc sống về cách tìm ra phẩm chất tốt của các sự vật, hiện tượng.  Muốn biết vàng tốt hay xấu phải thử qua lửa; muốn xem chuông tốt hay không thì phải đánh thử để nghe tiếng vang. 

  Con người cũng vậy. Bản tính, suy nghĩ của con người được thể hiện ra ngoài qua lời nói và tính nết, hành động. Vì thế, một trong những tiêu chí mà dân gian xưa dùng để đánh giá một người là qua cách nói năng. Qua lời nói của một người, có thể đánh giá được con người đó có tính nết như thế nào, người nói thanh lịch, có văn hóa hay sỗ sàng, thô lỗ. Người “ngoan” là người biết ăn nói khiêm nhường, nhã nhặn, biết kính trên nhường dưới. 

 

b)

+ Trong đoạn trích ngôn ngữ sinh hoạt được biểu hiện ở dạng lời nói tái hiện: đó là lời nói của nhân vật Năm Hên trong bắt sấu rừng U Minh của nhà văn Sơn Nam. Lời nói nghệ thuật của nhân vật ở đây thực chất là một hình thức mô phỏng, bắt chước lời thoại tự nhiên  trong sinh hoạt nhưng đã được sáng tạo và cải biến.

+ Nhận xét gì về việc dùng từ ngữ ở đọan trích:

Cách xưng hô gần gũi, thân thuộc: tôi, bà con,…

Từ ngữ là khẩu ngữ: vậy thôi, chẳng qua là , cực lòng,…

Nhiều từ có nội kết nối, chuyển tiếp câu chuyện mang sự suồng sã và thân mật: xong chuyện, gì hết, chẳng qua, ngặt tôi,…

Nhiều từ ngữ manh đậm tính chất Nam Bộ: ghe, xuồng, rượt (đuổi) người, cực (phiền, đau) lòng, phú quới (phú quý)…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *