Review Quyển “Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn”-Cẩm nang dành cho mẹ – Sách hay nên đọc

Từ lần xuất bản đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2013, quyển sách Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn đã chiếm trọn tình cảm của không ích các bậc phụ huynh. Người ta truyền tay nhau quyển sách này như một cẩm nang cho những ai có con nhỏ, đặc biệt trong giai đoạn sơ sinh. Quyển sách này gần như đã làm thay đổi hoàn toàn tư duy giáo dục trẻ của cha mẹ Việt.

Bìa trước quyển sách "Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn"Bìa trước quyển sách "Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn"

 “Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn” gồm ba phần chính với các nội dung:

  • Từ 0-3 tuổi mới là giai đoạn quyết định khả năng trí tuệ của trẻ
  • Làm sao để tạo môi trường để trẻ có thể phát triển hết khả năng
  • Vai trò của người mẹ là quan trọng nhất trong việc giáo dục trẻ thời ấu thơ.

Ba nội dung trên được trình bày tương ứng với ba chương lớn. Mỗi chương gồm nhiều bài viết rất chi tiết với những ví dụ cụ thể.

Thông tin cơ bản về sách

  • Thể loại: Sách tâm lý-Kỹ năng sống
  • Tác giả: Ibuka Masaru
  • Năm xuất bản: 2013
  • Nhà xuất bản: NXB Văn Học
  • Giá bán: 48000đ

Quyển Sách phù hợp với những ai?

Sách dành cho những ai đang và sắp làm cha mẹ. Đặc biệt các bạn trẻ lần đầu tiên sinh con và chưa từng có kinh nghiệm giáo dục trẻ. Với những kiến thức chuyên sâu, thực tiễn về quá trình phát triển khả năng trí tuệ của trẻ  từ 0 đến 3 tuổi, Quyển sách sẽ cho các bậc cha mẹ một hướng tư duy mới về giáo dục trẻ từ ngay thời điểm bé chỉ là một đứa trẻ sơ sinh.

Nội dung thứ nhất của sách: Khả năng trí tuệ của trẻ được quyết định trong giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi.

  1. Chờ đến khi đi mẫu giáo thì đã muộn: Mỗi con người được sinh ra thực chất hầu như đều giống nhau về khả năng và không có khác biệt gì giữa thiên tài và một người bình thường. Cái quyết định là môi trường giáo dục mà trẻ thụ hưởng sau khi được sinh ra. Chính vì thế, không phải ai muốn cũng có thể trở thành thiên tài. Năng lực và tính cách của con người được hình thành trong giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi, tác giả gọi đây là “thời kỳ thích hợp“. Chính vì lí do đó mà khi đến tuổi đi học, một số trẻ vô cùng dễ dàng để học giỏi còn một số trẻ lại không thể nào đuổi kịp các bạn cùng trang lứa.
  2. Đứa trẻ nào cũng sẽ phát triển tài năng khi được giáo dục từ 0 tuổi: Ở bài viết này tác giả nói về một phương pháp phát triển khả năng của trẻ bằng cách giáo dục sớm cho trẻ bằng violin. Người sáng lập ra lớp học này, thầy Suzuki chính là người khai sáng tác giả trong vấn đề nhận thức giáo dục trẻ như thế nào là đúng thời điểm, đúng cách. Từ đó, tác giả tiến hành nghiên cứu phương pháp giáo dục trẻ tuổi ấu thơ bởi ông tin rằng phương pháp ấy không chỉ dành riêng cho bộ môn violin mà còn có thể áp dụng ở bất cứ môn học nào khác.
  3. Giáo dục trẻ ở tuổi thơ không nhằm tạo ra thiên tài: Giáo dục trẻ ở tuổi thơ chỉ có một mục đích là nuôi dạy một đứa trẻ trở nên thông minh, ngoan ngoãn, trí tuệ và khỏe mạnh.
  4. Chính vì chưa trưởng thành nên trẻ sơ sinh có nhữngg khả năng vô hạn: Trẻ sơ sinh cũng giống như một trang giấy trắng. Năng lực và trí tuệ của trẻ phát triển như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào việc cha mẹ “Viết” gì lên trang giấy trắng ấy.
  5. Sự liên kết của tế bào não được hình thành trong giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi: Khi một đứa trẻ vừa được sinh ra, các tế bào não hoàn toàn đứng riêng lẻ với nhau mà chưa có sự liên kết. Theo thời gian cùng với những gì tiếp thu được thì sự kết nối của các tế bào não cũng dần tăng lên. Càng có nhiều tế bào tham gia vào một liên kết chứng tỏ thông tin thu thập được càng nhiều. Giai đoạn trước ba tuổi, đường truyền kết nối trong não được hình thành ở não sau và sau bốn tuổi đường truyền liên kết này sẽ được hình thành ở thùy não. Chúng ta có thể hình dung rằng: ở giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi sự hình thành này như ổ cứng của một máy vi tính, nghĩa là nó là bộ phận cốt lõi, quan tọng nhất; còn sự hình thành giai đoạn sau 3 tuổi sống như phần mềm của máy, nghĩa là nó chỉ là bộ phận chỉ ra cách sử dụng máy tính này mà thôi. Chính vì thế, nếu trước 3 tuổi não của trẻ không được rèn luyện như một phần ứng thì sau ba tuổi nó cũng chỉ là một phần mềm mà chúng ta có cố gắng rèn luyện đến đâu đi nữa cũng không có thay đổi gì lớn cả.
  6. Giáo dục ngày nay đang nhầm giữa giai đoạn nuôi dạy nghiêm khắc với giai đoạn để trẻ tự do: Nhiều người mẹ bị nhầm lẫn giữa giai đoạn cần giáo dục trẻ bằng sự nghiêm khắc và để cho trẻ được tự do phát triển. Khi một đứa trẻ còn bé, người mẹ cho rằng nên trẻ phát triển một cách tự nhiên và không hề can thiệp dù cho trẻ có biểu hiện của sự ích kỷ hay ngỗ ngược. Tuy nhiên, vào thời điểm trẻ bắt đầu đến trường, những người mẹ này lại can thiệp thái quá vào sinh hoạt hàng ngày cũng như việc học tập của trẻ. Điều này hoàn toàn sai lầm. Nếu muốn nghiêm khắc dạy dỗ trẻ, hãy bắt đầu ở thời điểm trước khi trẻ được 3 tuổi. Sau ba tuổi hãy để trẻ được tự do phát triển trên nền tản bạn đã tạo cho trẻ trước đó.
  7. Đánh giá của người lớn về “Dễ” và “Khó” không áp dụng với trẻ con: Đối với trẻ, cảm giác của các bé rất đơn thuần, nếu các em có cảm giác thích thú thì sẽ bị cuốn hút một cách say mê mà không cần phân biệt đó là thể loại nhạc gì, ngôn ngữ gì vì đối với trẻ tất cả đều như nhau cả.
  8. Trẻ sơ sinh có năng lực tuyệt vời gọi là “Nhận thức nguyên mảng”: Cách nhận thức của một người trưởng thành là ghi nhớ các hình ảnh, ký tự…một cách chi tiết trong khi đó trẻ con lại ghi nhớ nguyên mảng nên tốc độ và nội dung ghi nhớ sẽ nhanh và nhiều hơn.
  9. Với trẻ nhỏ môn đại số sẽ dễ hiểu hơn môn số học: Đối với người lớn nếu so sánh môn số học với môn tổ hợp thì môn tổ hợp rất rối rắm và khó hiểu. Đối với trẻ con thì sự logic của tổ hợp lại vô cùng dễ hiểu. Chính vì trẻ suy nghĩ rất đơn giản nên những điều tưởng như rất phức tạp đối với người lớn thì vô cùng đơn giản.
  10. Trẻ 3 tháng tuổi có thể cảm nhận được nhạc của Bach: Đối với trẻ nhỏ, mỗi khi cho trẻ nghe nhạc cha mẹ sẽ chọn những bài hát thiếu nhi hoặc đồng dao. Nhưng theo những gì tác giả trình bày tại trường giữ trẻ của công ty Sony dành cho con em của nhân viên thì các bé có xu hướng yêu thích bản nhạc “Định mệnh” của Beethoven hơn là nghe những bài hát thiếu nhi. Điều này chứng tỏ khả năng cả thụ âm nhạc của trẻ từ giai đoạn 3 tháng tuổi đã có thể cảm thụ âm nhạc rất cao.
  11. Trẻ 6 tháng tuổi có thể bơi: Dù không thể đi, nhưng trẻ có thể quẫy đạp để nổi trên mặt nước. Vì chưa biết gì về về thế giới bên ngoài nên việc lẫm chẫm bước đi, tập bơi hay trượt ngã đều là những trải nghiệm đầu tiên của trẻ
  12. Trẻ có thể tiếp thu mọi kiến thức trong giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi: Ở bài này tác giả nói về câu chuyện của ông Nagata Masuo, người đã từ bỏ công việc của mình để dốc hết tâm huyết vào việc nuôi dạy con. Khi ông mới bắt đầu công việc này thì con trai ông mới được 2 tuổi rưỡi còn con gái  ông ba tháng tuổi. Kết quả là hai anh em nhà Nagata được ví như hai thần đồng ngoại ngữ. Việc làm của Nagata Masuo bị lên án vì cho là nhồi nhét kiến thức cho trẻ thái quá. Tuy nhiên, gia đình họ vẫn hạnh phúc và hai đứa trẻ phát triển bình thường, vui vẻ và vô cùng tài giỏi. Ở giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi não của trẻ cực kỳ phát triển nên sự lo lắng về việc quá tải, nhồi nhét là không cần thiết. Điều cần lo lắng không phải là có nhồi nhét kiến thức cho trẻ hay không mà là hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những kích thích ở thế giới bên ngoài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
  13. Chỉ có trẻ nhỏ mới có khả năng tiếp thu bất cứ thứ gì mà trẻ cảm thấy hứng thú: Trẻ ở 0 tuổi rất thông minh và khả năng tiếp thu rất tuyệt vời. Quan trọng nhất không phải là ta dạy cho trẻ điều gì mà làm cho trẻ hứng thú say mê điều gì. Bởi trẻ con sẽ tiếp thu rất nhanh những gì mà trẻ thấy hứng thú. Quá trình này giúp trẻ rèn luyện những say mê, hứng thú, đam mê và ham muốn học tập-là những yếu tố quan trọng trong việc hình thành tính cách và khả năng học tập của trẻ sau này.
  14. Thời kỳ trẻ thơ trẻ không được dạy cái gì thì sẽ mãi mãi không biết cái đó: Việc không dạy trẻ sớm mà đợi đến đi học là rất muộn màng. Để trẻ có thể phát triển, tốt nhất nên bắt đầu từ lúc trí não của trẻ phát triển mạnh mẽ nhất là từ 0 đến 3 tuổi.
  15. Giáo dục sớm cũng có thể giúp cho trẻ khiếm thính nghe được: Đối với những bé có khuyết tật bẩm sinh thì cần phải phát hiện sớm và có cách giáo dục đúng đắn dành cho các em.Dẫu là trẻ có bị khuyết tật bẩm sinh nhưng nếu cha mẹ nỗ lực thì vẫn có thể phát triển khả năng và trí tuệ của trẻ.

Nội dung thứ 2 của quyển sách: Hãy tạo ra môi trường để trẻ phát huy hết khả năng của mình.

  1. Năng lực của trẻ được quyết định bởi môi trường và giáo dục nhiều hơn là di truyền: Ở bài này tác giả đã đưa ra một ví dụ về hai đứa trẻ sinh đôi cùng trứng được giao cho hai gia đình hoàn toàn khác nhau nuôi dưỡng. Khi lớn lên, hai đứa trẻ này có tính cách và khả năng hoàn toàn khác nhau mặc dù chúng hưởng gen di truyền từ bố mẹ là như nhau. Điều này cho thấy gen di truyền không ảnh hưởng nhiều đến tính cách hay khả năng của một người mà là môi trường sống và phương pháp giáo dục mà người đó thụ hưởng.
  2. Không hẳn con củ giáo sư thì cũng là giáo sư: Không ít người lầm tưởng việc một đứa trẻ yêu ca hát hoặc nghệ thuật giống cha mẹ là do di truyền. Tuy nhiên, không hề tồn tại thứ gọi là “giống bố”, hay “tài năng di truyền từ bố”, đơn giản chỉ bởi đứa trẻ đó được sinh ra và lớn lên trong môi trường như thế nào mà thôi. Môi trường sống mà cha mẹ tạo nên chính là môi trường nuôi dạy con cái lớn khôn, tài năng của trẻ được vun đắp từng ngày ở môi trường đó, trẻ có những sở thích và niềm say mê bởi trẻ được tiếp xúc với chúng hàng ngày. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp con của bác sĩ lại trở thành nhà văn, con của nhà văn lại làm kỹ sư…Đó hoàn toàn phụ thuộc vào môi trường giáo dục mà trẻ nhận được, không liên quan đến di truyền.
  3. Đứa trẻ sơ sinh lớn lên trong bầy thú sẽ trở thành thú: Điều này không có gì khó hiểu khi hoàn cảnh và môi trường sống như thế nào sẽ tạo ra một con người như thế ấy. Nếu một đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi một bầy sói, đứa trẻ ấy mặc nhiên sẽ đi bằng bốn chân, thích ăn thịt sống, vào ban đêm sẽ hú lên những tiếng ghê rợn và đặc biệt hoàn toàn không biết gì về ngôn ngữ loài người.
  4. Vẫn còn sớm với nó chính là câu nói làm cản trở sự phát triển của trẻ: Đối với người mẹ thì giai  đoạn trẻ từ 0 đến 3 tuổi là giai đoạn trẻ còn quá bé nhỏ để phải học, với họ, việc của trẻ ở tuổi đó là ăn ngoan, ngủ giỏi và chóng lớn. Họ cho rằng có nhiều điều là quá sớm, quá tầm của trẻ nên không dám cho trẻ tiếp xúc. Nhưng chính việc rụt rè trong việc dạy dỗ trẻ sớm vô hình chung đã làm lãng phí khả năng phát triển của trẻ.
  5. “Gần mực thì đen gần đèn thì rạng” thể hiện rõ nhất trong giai đoạn ấu thơ: Ở bài này, tác giả kể lại câu chuyện của một người từng có thời gian công tác ở vùng đông Bắc nước nhật. Anh ta sống cùng vợ con ở nơi này một thời gian trước khi quay lại Tokyo, thời điểm đó con gái anh ta chưa hề biết nói. Tuy nhiên, sau khi bập bẹ nói, cách phát âm của cô bé đậm chất giọng người vùng Đông Bắc trong khi cha và mẹ cô nói chuẩn giọng Tokyo. Cha và mẹ của cô bé này vô cùng khó khăn để điều chỉnh nhưng đến khi cô bé lớn lên vẫn còn chất giọng địa phương không thể thay đổi. Có thể thấy thời kì ấu thơ trẻ bị chi phối rõ rệt nhất từ môi trường xung quanh. Do đó tạo môi trường tốt nhất cho con trẻ phát triển chính là sứ mệnh cao cả của những người làm cha, làm mẹ.
  6. Căn phòng yên tĩnh là môi trường có hại cho bé: Trong thí nghiệm đối với hai nhóm trẻ, một được nuôi trong môi trường yên tĩnh, một được nuôi dưỡng trong căn phòng tường kính mà trẻ có thể nhìn thấy bác sĩ và ý tá di chuyển bên ngoài. Kết quả thu được là trí tuệ của những đứa trẻ được nuôi tỏng phòng kín phát triển chậm hơn những đứa trẻ ở khác đến ba tháng,
  7. Trẻ thơ chịu tác đọng từ những thứ không ai ngờ: Một đứa bé cực kỳ nhạy trong tiếp nhận thông tin, tất cả những gì dù nhỏ nhất, tinh tế nhất, từ những thứ cha mẹ không thể ngờ đến hay tưởng chừng vô ích, tích tụ lại ngày qua ngày, rồi khuếch đại lên thành những tài năng và năng lực kì diệu.
  8. Trẻ tưởng tượng về truyện cổ tích hay các trang truyện khác hoàn toàn khác người lớn: Đối với người lớn, câu chuyện cổ tích chỉ có tác dụng răn đe, dạy dỗ trẻ. Nhưng đối với một đứa  bé thì những tình tiết của câu chuyện cũng như là một cuộc sống  thực, bé thật sự nhập tâm vào câu chuyện đó.
  9. Hãy thận trọng chú ý đến môi trường khi ta giao trẻ cho người khác chăm sóc: Khi một đứa con có tính cách hòa toàn trái ngược với cha mẹ và anh em của mình. Điều đó có nghĩa là môi trường sống đã tác động lên đứa trẻ trong quá trình từ 0 đến 3 tuổi. Ngày nay, các bậc cha mẹ thường cho con mình đến trường rất sớm nên việc theo dõi con mình được chăm sóc bởi một người như thế nào vô cùng quan trọng. Tính cách của người chăm sóc trẻ và những gì trẻ trải qua trong lúc ở cùng một người lạ hoàn toàn có thể quyết định tính cách sau này của đứa trẻ đó.
  10. Những trải nghiệm thời thơ ấu là nền tảng của hành động và cách tư duy của trẻ sau này: Giáo dục trẻ thời ấu thơ cực kì quan trọng bởi nó sẽ tạo ra nền móng vững chắc. Bây giờ, nếu cha mẹ không tạo dựng cái nền móng cơ sở ấy, thì sau này mọi nỗ lực để xây đắp một nền móng khác sẽ chỉ là vô ích.
  11. Giáo dục trẻ không tồn tại một khuôn mẫu cố định: Giáo dục trẻ trước tuổi mẫu giáo nếu không có một chuẩn mực, một công thức nhất định, chúng ta sẽ rất lúng túng không biết bắt đầu từ đâu. Tuy khuôn mẫu không có nghĩa là phải tuân theo một cách gò bó, mà là cái để chúng ta phá vỡ vươn ra ngoài, như thế có lẽ mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn.
  12. Hãy tạo ra “tật xấu” bế trẻ nhiều hơn: Một điều mà chúng ta đều hiểu là đối với một em bé mới sinh, sự vuốt ve âu yếm của người mẹ có vai trò quan trọng bậc nhất cho sự phát triển tâm lí ở trẻ.    Tác giả khuyến khích các bà mẹ đừng sợ bế trẻ nhiều làm trẻ hư hỏng mà hãy thông qua cách này để giao tiếp với trẻ nhiều hơn.
  13. Ngủ chung là cách giao tiếp không thể tuyệt vời hơn với trẻ: có hai lí do để tác giả khuyên chúng ta nên ngủ chung với trẻ. Lí do đầu tiên là với một người mẹ ban ngày bận công việc thì đây là khoảng thời gian quý báu để chuyện trò cùng trẻ. Lí do thứ hai khoảng thời gian trẻ chuẩn bị chìm vào giấc ngủ chính là lúc hệ thần kinh của trẻ yên bình nhất, dễ tiếp nhận thông tin nhất. Nếu lúc này người mẹ  hát ru cho trẻ nghe, kể chuyện cho trẻ, đọc sách cho trẻ thì sẽ có hiệu quả hơn bất cứ khi nào. Với những người cha ban ngày bận việc ngoài xã hội, thì khoảnh khắc ôm con ngủ lúc này chính là cơ hội tuyệt vời nhất để trò chuyện cùng con.
  14. Đứa trẻ được nuôi dạy bởi người mẹ mù âm nhạc đương nhiên sẽ mù tịt về âm nhạc: năng khiếu không phải do di truyền. Đối với một người mẹ không có khiếu về âm nhạc. Khi người mẹ này  hát cho con nghe nhưng bị sai nhạc điệu, hay  mở cho con bạn nghe những bản nhạc lệch âm điệu thì những bài nhạc lệch điệu ấy sẽ ăn sâu vào trong tiềm thức của trẻ theo dạng nhận thức nguyên mảng. Khi trẻ hát, những âm điệu đã được nguyên mảng hóa ấy sẽ được tái hiện y nguyên, trẻ sẽ cất lên tiếng hát bị lệch vẻ âm điệu. Khi đó, các mẹ lại nhầm tưởng rằng con mình khống có khiếu âm nhạc, và lí do để đổ thừa lại là di truyền.
  15. Khi trẻ ê a thì hãy trò chuyện: Thời điểm trẻ được 2 đến 3 tháng tuổi là bắt đầu biết nhoẻn miệng cười, biết ê a khi nhìn ngắm những sự vật, đồ vật xung quanh mình, đây chính là thời điểm trẻ đang ghi nhớ những sự vật, những hình ảnh đó vào não. Từ thời điểm đó, bất kì lời nào mẹ nói, hành động nào mẹ làm trẻ đã nhập tâm vào trong đầu trẻ. Chính vì thế, ở thời kì này việc mẹ có trở thành người bạn trò chuyện mỗi khi trẻ ê a muốn nói chuyện hay không sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển trí tuệ của trẻ.
  16. Không cần dùng ngôn ngữ trẻ con với trẻ: Chúng ta không cần thiết phải dùng ngôn ngữ bập bẹ của trẻ để nói chuyện với trẻ vì sự thật đã chứng mình trẻ có thể hiểu tất cả những chương trình quảng cáo trên tivi mà họ không hề nói chuyện bập bẹ theo lối của trẻ. Khi trẻ được vài tháng có khả năng hấp thu tốt vẫn có thể hiểu được lời nói của cha mẹ.
  17. Có những việc làm của cha mẹ sẽ vô tình gây ra nỗi sợ hãi trong kí ức của con trẻ: thực tế khi nhìn lại tuổi ấu thơ của mình, ai cũng đều cảm nhận rằng không phải lúc nào chúng ta cũng sống trong hạnh phúc. Có rất nhiều chi tiết, sự kiện trong cuộc sống vào thời điểm trẻ còn bé làm trẻ cảm thấy sợ hãi mà cha mẹ vô tình không phát hiện ra. Đó có thể là cao trào của một đoạn nhạc, một âm thanh gì đó gần với cuộc sống hàng ngày của trẻ…
  18. Trẻ sơ sinh có thể hiểu cha mẹ đang cãi nhau: Khi ngắm nhìn khuôn mặt một đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi cặp vợ chồng không hòa thuận bạn sẽ nhận ra ngay, thần sắc khuôn mặt trẻ có nét gì đó buồn và không hề tươi tắn như những trẻ khác. Một gia đình đầm ấm, hạnh phúc, cha mẹ yêu thương, quan tâm đến nhau, đó thực sự là một môi trường giáo dục trẻ tuổi ấu thơ tuyệt vời hơn bất cứ môi trường nào.
  19. nh cách của mẹ sẽ dễ ảnh hưởng đến con nhất: Chính vì mẹ là người thân thiết, gần gũi với con nhất trong những năm tháng đầu đời, nên đã có rất nhiều bà mẹ đổ lỗi rằng những tật xấu như lầm lì, ít nói, tính cách hấp tấp nóng này mà mình không có, chắc là đều bị ảnh hưởng từ cha chúng. Nhưng thực chất tính cách tốt hay xấu của trẻ đều chính là kết quả của sự giáo dục của người mẹ từ khi trẻ mới sinh ra cho đến khi lớn khôn
  20. Cha thờ ơ với việc giáo dục con thì tính cách con sẽ dễ trở nên méo mó: Trẻ con khi đã trở thành người lớn đều nhớ rất sâu sắc những kí ức tuổi thơ được chơi cùng cha cho dù nó chỉ là những khoảng thời gian rất ít ỏi. Người cha phải là một người trợ lí tốt cho người mẹ ở giai đoạn ấu thơ này, đó chính là vai trò của người cha trong gia đình. Một mình người mẹ sẽ không thể tạo ra được một không khí gia đình đầm ấm và hạnh phúc.
  21. Gia đình có đông anh chị em sẽ rất tốt: Có thể nói với trẻ nhỏ thì việc càng có nhiều anh chị em sẽ là một môi trường tương tác và kích thích rất cao có thể giúp trẻ hình thành những khả năng phát triển vượt trội về năng lực lẫn tính cách.
  22. Mối quan hệ với ông bà là “chất tương tác” tuyệt vời cho trẻ: Lấy lí do ông bà nuông chiều cháu, những bậc cha mẹ thời hiện đại thường muốn sống riêng biệt hơn là để con sống trong một gia đình có đầy đủ ông bà cha mẹ. Thực chất, các bậc cha mẹ đang phung phí những kinh nghiệm sống và sức ảnh hướng vô cùng quý báu của ông bà đôi với con của họ. Bởi có những lời nói, những hành xử của ông bà mà bản thân những người làm cha mẹ vẫn chưa tích lũy được để dạy dỗ cho con trẻ.
  23. Chơi cùng nhau sẽ giúp trẻ xây dựng “tính cộng đồng” và thúc đẩy phát triển trí tuệ: Mẹ không nên chỉ để con ở nhà cả ngày với mình, hãy dẫn trẻ đi dạo bên ngoài thật nhiều, hãy cho trẻ chơi cùng với những trẻ khác. Việc làm này của người mẹ gửi gắm cho trẻ bài học đầu tiên về sinh hoạt bầy đàn, và trên cơ sở đó nó không chỉ nuôi dưỡng cho trẻ những phẩm chất quan trọng về tính cộng đồng, tính chỉ huy và tính hợp tác, mà còn thúc đẩy sự phát triển trí tuệ cho trẻ.
  24. Cãi nhau sẽ giúp trẻ phát triển “tính cộng đồng” và tính cách tích cực: Cãi nhau của trẻ con có ba kiểu, đó là: Từ bản thân mình sẽ chủ động đưa ra tranh luận, cãi nhau trực tiếp với bạn và đáp trả lại bạn theo kiểu ăn miếng trả miếng. Ở mỗi lứa tuổi khác nhau thì cách cãi nhau cũng có khuynh hướng thay đổi, ví dụ như khi trẻ 2 tuổi thì cuộc cãi nhau sẽ mang tính thụ động là nhiều, ngược lại khi lên 3 tuổi trẻ sẽ chủ động một cách tích cực khi bắt đầu cãi nhau với bạn. Hành động này là một bằng chứng chứng tỏ trẻ muốn khẳng định chính kiến của mình và khẳng định sự tự lập của bản thân.
  25. Nhận biết người lạ là bằng chứng chứng tỏ khả năng “nhận thức nguyên mảng” của trẻ phát triển:  Năng lực nhận thức nguyên mảng của trẻ biểu hiện rõ nhất là từ khi được 6 tháng tuổi. Đây chính là thời điểm trẻ bắt đầu biết phân biệt người lạ với cha mẹ.
  26. Dạy con từ thuở còn thơ: Hãy bắt đầu uốn nắn trẻ một cách nghiêm khắc khi trẻ chưa nhận thức được đâu là sự nghiêm khắc và dễ dãi. Khi trẻ đã vào giai đọn sau 3 tuổi, cha mẹ càng nghiêm khắc, càng dùng biện pháp mạnh để răn dậy thì trẻ càng ương bướng, ngỗ nghịch.
  27. Tức giận, ghen tị là biểu hiện trẻ đang không được thỏa mãn mong muốn của mình:  Chúng ta có thể thấy hầu hết nguyên nhân trẻ gắt gỏng, nổi giận đều xuất từ tâm lí bất mãn vì mong muốn của mình không được đáp ứng. Điều mà cha mẹ cần phải làm lúc này không phải là chế ngự hay đè nén những cảm xúc của trẻ, mà là lấy đi những gì là nguyên nhân khiến tâm trạng trẻ trở nên bất mãn
  28. Cười khuyết điểm của trẻ trước mặt người khác sẽ khiến tổn thương ấy còn mãi: Có rất nhiều các bậc cha mẹ không cần để ý là con có biết hay không nhưng trước mặt người khác luôn đem khuyết điểm của con để chế giễu. Dẫu những khuyết điểm ấy chỉ rất nhỏ, nhưng vì ở thời kì ấu thơ, trẻ vô cũng mẫn cảm và rất dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động xung quanh nên trẻ sẽ bị tổn thương tinh thần.
  29. Khen ngợi trẻ sẽ tốt hơn là la mắng: Đối với việc dạy trẻ nhỏ thì phương pháp giáo dục biết khen ngợi trẻ một cách khéo léo và đúng lúc thay cho la mắng sẽ đem lại hiệu quả rất lớn bới việc quát mắng trẻ trong mọi trường hợp sẽ gây cho trẻ ức chế về tâm lí.
  30. Hứng thú là liều thuốc tốt nhất giúp trẻ ham muốn học tập: “Hứng thú chính là chất xúc tác tốt nhất để trẻ ham muốn học tập” chính là phương châm giáo dục trong lớp học đàn violin của thầy Suzuki. Câu nói “Yêu thích cái gì thì sẽ giỏi cái đó” quả là đúng, đặc biệt là đối với giáo dục trẻ nhỏ thì không có phương pháp giáo dục nào hiệu quả hơn cách tạo hứng thú cho trẻ.
  31. Trẻ dễ dàng nhớ những gì có kết hợp vần điệu uyển chuyển: những nhịp điệu uyển chuyển, có vần điệu vui tươi sẽ làm trẻ thích thú và nhớ nhanh hơn. Việc ghi nhớ đối với trẻ càng gượng ép càng phản tác dụng, chính vần điệu uyển chuyển lưu lại trong não trẻ một cách tự nhiên.
  32. Trẻ sẽ suy nghĩ tiêu cực khi bị cha mẹ mắng: Khi một đứa trẻ làm sai điều gì đó, có thể việc bị cha mẹ mắng gay gắt sẽ khiến trẻ ghi nhớ để tự nhủ với mình lần sau không tái phạm nữa, nhưng đồng thời hành động đó của cha mẹ cũng đã làm hỏng tính sáng tạo của trẻ.
  33. Hãy giúp trẻ duy trì lòng hiếu kì với những gì trẻ có hứng thú:  khi để ý thấy trẻ có hứng thú và đam mê đặc biệt với một cái gì, cha mẹ hãy nhanh chóng có phản ứng kịp thời để giúp trẻ duy trì sự hứng thú và đam mê đó.
  34. Lặp đi lặp lại là phương pháp tối ưu tạo hứng thú cho trẻ: Sự lặp đi lặp lại ở thời kì ấu thơ có một ý nghĩa quan trọng vì nó có tác dụng giúp hình thành đường tiếp nhận thông tin chuẩn xác ở trong não giống như trong ổ cứng của chiếc máy tính.
  35. Đừng dập tắt những ý tưởng của trẻ nếu muốn trẻ là người có năng lực sáng tạo: chủ trương trong giáo dục tuổi ấu thơ của tác giả là cần phải nuôi dưỡng năng lực sáng tạo mang tính chủ động cho trẻ.
  36. Hãy giúp trẻ phát huy giác quan thứ 6 thay vì dạy lí luận hay kĩ thuật: Thông thường thì trực quan hay giác quan thứ 6 là sự tổng hợp cao độ của 5 giác quan còn lại, nhưng với một trực quan được luyện tập  thì chúng ta không thể phủ định rằng nó sẽ giúp mài giũa 5 giác quan còn lại của con người trở nên hoàn thiện hơn.
  37. Giáo dục trẻ sơ sinh không phân biệt giới tính.
  38. Hãy dạy trẻ về giáo dục giới tính thay vì nói dối: Hãy dạy trẻ về giáo dục giới tính thay vì nói dối: Không nói dối trẻ tức là đưa một vấn đề tế nhị khó giải thích như vấn đề giới tính hay tình dục từ bên trong bóng tối ra ngoài sáng
  39. Quan niệm của trẻ về thời gian được hình thành từ thói quen sinh hoạt đúng quy tắc.
  40. Những bản tin thời sự sẽ giúp trẻ nói tiếng Nhật chuẩn: Từ việc tác giả trình bày về người mẹ cho con nghe chương trình thời sự để trẻ nói tiếng Nhật chuẩn ta cũng có thể áp dụng điều đó với trẻ Việt.
  41. Hãy cho trẻ xem những hình ảnh quảng cáo trên tivi: các sản phẩm quảng cáo đều đòi hỏi người sáng tạo phải đầu tư dàn dựng công phu và tỉ mỉ, để làm sao có nội dung hay nhất với những câu văn hoa mĩ, những hình ảnh đẹp nhất nhằm tạo ấn tượng với khán giả, đồng thời thông qua đó người xem có thể cảm nhận được hơi thở của thời đại, sự cạnh tranh của xã hội công nghiệp.
  42. Hãy dạy trẻ hòa âm trước để có cảm thụ âm nhạc tốt: thay vì dạy cho trẻ từng âm độc lập hãy cho trẻ nghe hòa âm của đồ mi son và đồ pha la, để trẻ hiểu sự khác nhau đó thì sẽ nhanh hơn. Cái mà trẻ có thể tiếp thu vào trong đầu rất nhanh đó là những gì có cấu trúc cục bộ, nguyên mảng được lặp đi lặp lại mà chỉ cần mang một ý nghĩa nhất định nào đó thôi.
  43. Dạy âm nhạc là cách nuôi dưỡng khả năng tập trung cho trẻ: Câu nói “xoa dịu bằng âm nhạc” nghĩa là âm nhạc sẽ xoa dịu nỗi đau của con người, nuôi dưỡng tình cảm tốt đẹp và hoàn thiện nhân cách cũng như vẻ đẹp tâm hồn chúng ta một cách tự nhiên. Đầu tiên là violin và những bài học âm nhạc sẽ nuôi dưỡng khả năng tập trung của chúng ta từ việc luyện tập đi luyện tập lại từng bài học. Có thể nói âm nhạc cũng giống như một công cụ đóng góp rất nhiều vào sự hình thành nhân cách của người học nó.
  44. Học violin giúp nuôi dạy tinh thần chỉ huy ở trẻ: việc dạy violin cho trẻ có thêm một hiệu quả vô cùng tuyệt vời trong giáo dục trẻ thơ chính là nuôi dưỡng trẻ thành những con người có năng lực thu hút nhiều người khác, nghĩa là khả năng lãnh đạo.
  45. Trẻ được học âm nhạc từ nhỏ sẽ có một khuôn mặt đẹp khi lớn lên.
  46. Thơ haiku là giáo cụ tốt nhất dạy trẻ khả năng ghi nhớ: những bài thơ haiku giống như vậy để giúp trẻ phát triển khả năng ghi nhớ. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây đó là bộ não của trẻ có trang bị sẵn thiết bị có khả năng ghi nhớ tuyệt vời có thể học thuộc lòng mấy trăm bài thơ như trên. Thiết bị ghi nhớ này nếu không được sử dụng thì sẽ cùn đi, còn nếu được sử dụng càng nhiều thì nó sẽ càng làm việc năng suất, xoay chuyển nhanh và dung lượng càng lớn hơn. Trong giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi trẻ vẫn còn hứng thú với việc lặp đi lặp lại, hãy sử dụng tất cả mọi phương pháp để nuôi dưỡng năng lực ghi nhớ này, nhưng ở giai đoạn kế tiếp thì các bậc cha mẹ hãy tránh xa việc coi dạy trẻ học thuộc lòng như là một phương pháp giáo dục.
  47. Trẻ giỏi một môn thì sẽ có tự tin với tất cả các môn khác: vì thế mà với trẻ nhỏ tâm lí vẫn còn ít chuyện phải lo lắng thì nếu được nuôi dưỡng lòng tự tin, chỉ mất mươi phút là trẻ có thể chuẩn bị tâm lí sẵn sàng để phát huy hết khả năng của mình.
  48. Trò chơi tập trung với bài Tây sẽ nuôi dưỡng năng lực tư duy cho trẻ: Nhận thức nguyên mảng chính là một khả năng tuyệt vời của trẻ thơ mà người lớn có muốn bắt chước cũng không thể. Não bộ sẽ ghi nhận từng đặc trưng nguyên mảng vào trong tế bào não một cách tức thì, nắm bắt nó chính xác nên nếu suy rộng ra thì nó không có một phương pháp ghi nhớ có tính hợp lí nào có thể bắt chước được.
  49. Trẻ càng biết cầm bút chì và sáp màu sớm càng tốt: Cho trẻ cầm bút sáp màu và bút chì thì trẻ sẽ cầm bút mà vẽ khắp mọi nơi từ trên bàn đến trên tường, hoặc khi bạn đưa cho trẻ tờ giấy thì trẻ sẽ ngẫu nhiên vạch trên giấy những đường kẻ, hoặc có khi là cầm tờ giấy để xé chơi. Đối với người lớn chúng ta thì những đường gạch trên giấy đó chẳng có ý nghĩa gì cả, nhưng với trẻ nó lại là biểu hiện ý muốn của bản thân.
  50. Giấy cỡ nào thì người hao hao cỡ đó: Không thể kì vọng những mầm non có đủ sức sáng tạo, đủ sức mạnh để gánh vác tương lai ngày mai, nếu chúng ta gò bó và đóng khuôn chúng trong một khoảng không gian eo hẹp. Đơn giản vì giấy cỡ nào tạo người hao hao cỡ đó.
  51. Quá nhiều đồ chơi sẽ làm trẻ có tính lơ đãng: trẻ khó tập trung vào một việc nhất định, chóng chán, dễ dàng từ bỏ thứ đang làm để chuyển sang thứ mới. Chỉ với một món đồ chơi, trẻ cũng có thể nghĩ ra vô số trò để chơi đùa, vì thế có khi một miếng gỗ, một chiếc nắp chai nhiều khi làm trẻ thích thú hơn hẳn những đồ chơi đắt tiền bán ngoài cửa hiệu.
  52. Một căn phòng quá ngăn nắp sẽ cản trở sự phát triển của trẻ: Những việc mà người lớn chúng ta nghĩ thật nhàm chán, thật nguy hiểm lại là những liều thuốc kích thích hữu hiệu cho việc phát triển trí tưởng tượng, đồng thời giúp ích trong phát hiển trí tuệ, óc sáng tạo của trẻ.
  53. Trẻ không thích người khác thay đổi trật tự mà chúng đã sắp đặt: Qua những việc này chúng ta nhận ra một điều rằng ở trẻ tồn tại một giác quan trật tự, nhạy bén hơn hẳn người lớn. Trẻ không chỉ nhận thức từng sự vật một cách rời rạc, chúng có thể cảm nhận bằng trực quan sự liên quan giữa sự vật này với sự vật kia, khả năng logic này dần dần sẽ giúp ích cho sự phát triển tư duy ở trẻ. Cấu trúc não bộ của trẻ được vun đắp dần dần từ những tác động bên ngoài và từ hành động của người lớn. Vậy một điều cần thiết là chúng ta đừng vô tình giẫm đạp lên trật tự thế giới quan của trẻ.
  54. Đừng mang cho trẻ xem, hãy đưa trẻ đến nơi để xem
  55. Đồ chơi hình thức đẹp không hữu ích bằng đồ chơi trẻ thấy thú vị khi sờ vào
  56. Với trẻ sách không hẳn là thứ dể đọc, bộ đồ xếp hình không hẳn là để xếp
  57. Đất nặn, gấp hình và cắt giấy, những trò chơi mộc mạc mà nuôi dưỡng tính sáng tạo cho trẻ
  58. Diễn kịch” thúc đẩy tính sáng tạo ở trẻ
  59. Những đứa trẻ cơ thể càng hay vận động thì trí tuệ phát triển càng nhanh
  60. Hãy luyện cho trẻ cả tay phải lẫn tay trái
  61. Càng cho trẻ đi bộ nhiều càng có lợi
  62. Thần kinh vận động phát triển phụ thuộc vào cách rèn luyện
  63. Thể thao càng bắt đầu sớm càng tiến bộ nhanh
  64. Với trẻ không tồn tại ranh giới giữa “chơi” và “công việc”
  65. Dạy trẻ sớm không phải với mục đích chuẩn bị cho trẻ vào lớp một
  66. Dẫu không có thời gian hay tiền bạc vẫn có thể giáo dục con trẻ

Nội dung thứ ba của quyển sách: Giáo dục trẻ ở tuổi ấu thơ-chỉ người mẹ mới có thể làm được

  1. Người mẹ không có mục tiêu rõ ràng, không thể thành công trong việc nuôi dạy con: Người mẹ không có mục tiêu rõ ràng, không thể thành công trong việc nuôi dạy con: Người mẹ nuôi dạy con cần có một mục tiêu lâu dài để đảm bảo đứa trẻ sẽ thích hợp cho thời đại mới.  Nếu chỉ nuôi dạy con bằng suy nghĩ thiển cận và chỉ nhìn ở hiện tại, người mẹ ấy chính là đang không hoàn thành trách nhiệm nuôi dạy con cái của mình.
  2. Với phụ nữ không việc gì quan tượng hơn việc nuôi dạy con
  3. Dạy con bắt đầu từ dạy mẹ: Bản thân người mẹ phải tự mình mày mò tìm hiểu, học hỏi, suy nghĩ để tiến hành dạy con một cách hoa học, hợp lí, dìu dắt cho những khả năng tiềm ẩn của con
  4. Hãy nhìn con để học tập: Chiếc bẫy nguy hiểm nhất trong việc giáo dục trẻ thơ chính là người mẹ quan tâm thái quá tới việc giáo dục con, và rất nhiều trường hợp rơi vào tự mãn hoặc mơ tưởng hão huyền. Để những suy nghĩ độc đoán và tự phụ không dẫn cha mẹ rơi vào phương pháp giáo dục ích kỉ chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân, hay phương pháp giáo dục phù phiếm là chạy theo thành tích để khoe mẽ, thì việc học hỏi từ cách học tập của con trẻ là điều vô cùng quan trọng để giúp cha mẹ tránh được điều ấy.
  5. Người mẹ quan trọng hơn người cha trong việc nuôi dạy con nên người
  6. Người mẹ không phải là người thúc ép
  7. . Không bỏ dở giữa chừng việc nuôi dạy con
  8. Có thể làm “mẹ Hổ” đến khi trẻ lên 2 tuổi
  9. Con cái không phải là vật sở hữu của cha mẹ
  10. Người mẹ thiếu tự tin thì không thể nuôi dạy con tốt
  11. Trẻ sẽ phát triển lệch lạc nếu cha mẹ suy nghĩ tự phụ
  12. Để con thay đổi thì trước tiên cha mẹ cần phải thay đổi
  13. Giáo dục chính là nuôi dạy trẻ để “con hơn cha”
  14. Chỉ có trẻ nhỏ mới xóa bỏ chiến tranh và kì thị chủng tộc: Tâm hồn trẻ thơ ở giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi như một trang giấy trắng, chưa hề biết thế nào là sự thù địch dân tộc, hay cảm giác phân biệt chủng tộc. Chính trong thời kì này nếu trẻ được nuôi dạy mà không có sự phân biệt giữa các dân tộc thì trẻ sẽ lớn lên và tiếp nhận một cách tự nhiên rằng “Việc con người chúng ta trên trái đất này có màu da khác nhau,
    cũng giống như khuôn mặt hay vóc dáng của chúng ta khác nhau mà thôi”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cảm nhận của người viết về quyển sách: 

Sau khi đọc hết quyển sách mình chợt nhận ra những sai lầm khi nuôi dạy con được tác giả trình bày trong sách mặc nhiên là những hình ảnh có thể thấy mỗi ngày ở nước ta. Một bà mẹ bắt con phải học môn này, môn khác, gây áp lực điểm số. Một người cha say xỉn đánh đập vợ con, người ta vì mưu sinh mà phải cắn răng giao con cho người khác giữ hộ để rồi một số trẻ bị bạo hành…Những điều này khiến mình thật sự cảm thấy lo lắng, rồi đây những đứa trẻ ấy sẽ lớn lên và trở thành một người như thế nào khi giai đoạn quý giá nhất của tuổi thơ phải sống trong môi trường như thế. Thật ra mà nói, như tác giả đã trình bày, để tạo môi trường tốt nhất để trẻ phát triển không gì hơn một gia đình yên ấm thuận hòa, hơn thế, cha mẹ phải có đủ hiểu biết và nhận thức để bảo vệ môi trường ấy. Và việc cho trẻ một gia đình như thế là trách nhiệm của những người làm cha mẹ. Bản thân mình chưa sinh con và cảm thấy vô cùng may mắn khi đọc được quyển sách này bởi mình đã có một lượng kiến thức, định hướng nhất định  để sau này có thể giáo dục con trẻ trong khoảng thời gian từ 0 đến 3 tuổi để trẻ được phát triển toàn diện cùng với sở thích và năng khiếu của con.Nhận xét của bạn đọc mua sách tại nhà sách online TikiNhận xét của bạn đọc mua sách tại nhà sách online Tiki

Nhận xét của bạn đọc mua sách tại nhà sách online Tiki

Các bạn có thể mua sách ở:

Sắp xếp theo thứ tự ưu tiên nên mua:

Ngay từ khi ra đời, Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn đã trở thành quyển sách được vô cùng yêu thích bởi các Cha mẹ người Nhật. Ở Nhật Bản, việc đề xướng giáo dục trẻ từ thời thơ ấu có từ rất sớm và được đa số các bậc phụ huynh nước này áp dụng. Với vô vàn những ví dụ từ thực tế, chúng ta có thể nhìn thấy thế giới phong phú và đầy diệu kỳ của những đứa trẻ sơ sinh mà chúng ta thường cho rằng chúng chẳng biết gì về thế giới xung quanh. Quả thực trong giai đoạn sơ sinh, trẻ chính là một tờ giấy trắng và không thời gian nào thích hợp hơn để cha mẹ nuôi dưỡng khả năng và trí tuệ của bé. Đọc quyển sách mới thấy để cách nuôi dạy con đúng đắn như thế nào, đa số các bậc phụ huynh ở Việt Nam vẫn chưa áp dụng được những điều bổ ích mà quyển sách này cung cấp mà thường nuôi dạy con như cách mà ông bà ta bao đời nay vẫn dạy con cái của họ. Những ai đã, đang và có ý định sinh một đứa bé đều nên sở hữu Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn. Tư duy của bạn sẽ hoàn toàn thay đổi.

Chúc các bạn đọc sách vui vẻ!

695 views

695 views

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *