[Review] Đại Ngư Hải Đường – Tốt nước sơn, nhưng không tốt gỗ

*Lưu ý* bài viết dựa trên cảm nhận cá nhân người viết, người viết cũng không phải chuyên gia hay được đào tạo để đánh giá chất lượng điện ảnh chuyên nghiệp.

Câu chuyện bên lề: cách đây mấy năm lúc phim này ra trailer cũng sốt dẻo tại Việt Nam lắm, lúc đó báo chí còn ca ngợi là ngang ngửa trình độ Ghibli.

Mình thì là fan Ghibli nhưng không kỳ thị hàng made in China, dù có tạo ra hàng Replica thì họ vẫn giỏi hơn Việt Nam mình rồi, nên mình coi trailer, thấy đồ họa quả thật xuất sắc, cốt truyện cũng hấp dẫn, mang màu sắc kỳ ảo theo phong cách Trung Hoa.

Sau đó nhiều thứ khác thú vị hơn nên mình bỏ qua lúc phim phát hành, mãi hôm nay mò được Ost Đại Ngư hay quá – thế là hăm hở đi xem phim.

Ost đây: https://www.youtube.com/watch?v=S36B4WHrz-c

Một số người so sánh phim này với Spirited Away, đúng là ý tưởng về hình ảnh có rất nhiều cái tương tự, nhưng nội dung mình thấy hao hao Journey to Agartha của Makoto Shinkai nhiều hơn. Cũng kiểu kể về hai thế giới, nói về triết lý sinh tử, cũng có màn đi tìm cách hồi sinh người đã khuất, v…v. Spirited Away mang nhiều thông điệp nhưng không có cái nào có cái chết ở trong đó cả, phim Miyazaki luôn có chất lạc quan, sống sao cho vui, tìm được những giá trị tốt đẹp lúc còn đang sống mới là quan trọng.

Hình ảnh đẹp, màu sắc phim lộng lẫy, điểm cộng sáng chói chính là những thiết kế mang đậm tính truyền thống nhưng rất sáng tạo, quảng bá truyền thuyết cổ của Trung Hoa cho thế giới, đây là điểm mà phim Việt cần học hỏi.

Đồ họa không hoàn toàn thủ công như Ghibli mà mix giữa hoạt họa và CGI.

Thế nhưng, xem đến tầm 1 tiếng mình cảm thấy không muốn xem nữa, có quá nhiều lợn cợn. Trước khi viết review này mình có tham khảo rất nhiều review cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh, rất nhiều người khen ngợi và phân tích chiều sâu tác phẩm. Nhưng mà đó là việc của người ta, đối với mình, một bộ phim có chiều sâu mức nào nhưng khiến mình không thể giữ nhiệt tình cho đến cuối phim là một điểm trừ to bự, mình là một kẻ duy tình tuyệt đối, làm gì thì làm phải ưng cái đã rồi mới cảm nhận với phân tích, không thì quên đi.

Lý do cho cái cảm giác lợn cợn chính là ở sự phát triển của tình tiết, từ sau khi Xuân tìm lại linh hồn của Côn câu chuyện trở nên khó hiểu, rối rắm, nhiều chỗ vội vàng, có những phân đoạn mình chẳng hiểu nó có liên quan gì đến phân đoạn trước, có thể giải thích rằng đạo diễn làm nó dựa trên ý tưởng từ một giấc mơ của ông ta, thế nhưng không ai gọi mơ là nghệ thuật cả, chỉ cảm thấy chính đạo diễn như không kiểm soát được ý tưởng của mình.

Điều khó chịu thứ hai thì là ở nội dung thoại, cả phim rất hay gặp kiểu toàn nói nửa chừng, cứ ra vẻ cao thâm khó dò, mình khá là thích những phim có chiều sâu, nhưng đạo diễn quá lạm dụng việc giảng đạo cho người xem, dường như cứ cố để cho bộ phim nó deep hơn, deep hơn nữa, mà người xem vẫn đang bối rối với mạch phim. Thử hỏi làm sao mình không ghét cái kiểu hạ độc triết học thế này cho được?

Vấn đề chính là ở cốt truyện, không phải vì mình kỳ vọng ở Spirited Away Chinese version mà mình chê, mà là cách xây dựng nhân vật càng làm mình cảm thấy khó mà thấu hiểu cũng như mệt mỏi với diễn biến câu chuyện.

Nữ chính Xuân, mình không hiểu đạo diễn muốn miêu tả cô ta như thế nào. Cả phim là quá trình cô ấy đi tìm cách trả món nợ cho người con trai cô mới gặp/và crush vài ngày, ngoài những vẻ mặt si mê hạnh phúc và vẻ mặt buồn rười rượi trong vài phân cảnh có mục đích thì với các phân cảnh khác, (đặc biệt là lúc ở cạnh Thu) cô nàng luôn có cái mặt lạnh như tiền, gần như vô cảm. Kỳ lạ quá nhỉ, rất nhiều người nhận xét Xuân có trái tim nhân hậu và quả cảm, dạo diễn cố gắng khiến cho những hành động của Xuân trông “có vẻ” thông-minh-và-giàu-lòng-vị-tha nhưng người xem như mình không cảm nhận được điều đó, và càng xem càng thấy không thể thông cảm được với Xuân. Mình nhớ lúc Linh Bà nói với Xuân là cô phải đánh đổi một phần đẹp nhất trên cơ thể mình, là đôi mắt, để nhận lại linh hồn của chàng trai kia, Xuân đứng im như một bức tượng. Song Linh Bà đổi ý nói cô phải trao đổi một nửa tuổi thọ, cô ấy trả lời hùng hồn: “Tôi sẵn sàng đánh đổi mọi thứ *or something like that*. Mình thấy cảnh này cứ vừa khó hiểu vừa buồn cười, kiểu cô này thông minh quá biết Linh Bà nói giỡn hay sao, hay là đơn giản cô ấy thấy thà chết trẻ còn hơn để xấu gái :v

Còn lúc Xuân tìm cách đưa Côn về nhân thế, khi nhìn cảnh nước dâng lên nhấn chìm toàn bộ nhà cửa, mà cô Xuân còn hồn nhiên không biết mình đã gây ra chuyện gì, rất mạnh mẽ trả lời: “Cậu ấy vì tôi mà mất mạng, tôi phải trả mạng cho câu ấy”, anh Tùng Tử phải nói: “Đình Mục còn đang mất tích” thì Xuân ngớ ra. Đạo diễn còn thêm một đoạn triết lý nghe rất tự do vào miệng ông nội Xuân: “Ông biết cháu đang làm một việc vô cùng nguy hiểm, mọi người đều sẽ phản đối cháu. Chỉ cần trái tim cháu lương thiện, thì đúng – sai là chuyện của người khác“. Thú thật đây là câu quote khiến mình ghét nhất cả phim, hoàn toàn đối nghịch với quan niệm đạo đức của mình. Đối với mình cổ vũ làm việc gì cũng được miễn không ảnh hưởng đến người khác, việc đạo diễn cố gắng tẩy tội lỗi cho Xuân bằng màn “hy sinh” kia khiến mình không cảm động nổi, nếu giả sử như Xuân có dùng hết linh lực cả đời vẫn không cứu được ai thì lấy cái gì để bào chữa cho những quyết định ích kỷ của cô ta đây?

Còn khá nhiều tình tiết tương tự khiến mình cảm thấy thông điệp của đạo diễn qua nhân vật chính hoàn toàn thất bại, ít nhất đối với mình, thế nên hơn 30 phút cuối cùng mình xem trong sự nỗ lực để không bỏ dở bộ phim, ngoài sự hy sinh của Thu, quả thật mình chẳng còn đọng lại chút ấn tượng gì.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *