[Review – Trích dẫn] Tuổi Trẻ Đáng Giá Bao Nhiêu – Rosie Nguyễn

Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu - Rosie Nguyễn

Thể Loại
Kỹ năng sống
Tác Giả
Rosie Nguyễn
NXB
Hội Nhà Văn

CTy Phát Hành
Nhã Nam

Số Trang
285

Ngày Xuất Bản
10 – 2016

Xem Giá Bán Trên
FAHASA T I K I SHOPEE

I. Giới thiệu sách Tuổi Trẻ Đáng Giá Bao Nhiêu

“Bạn hối tiếc vì không nắm bắt lấy một cơ hội nào đó, chẳng có ai phải mất ngủ.

Bạn trải qua những ngày tháng nhạt nhẽo với công việc bạn căm ghét, người ta chẳng hề bận lòng.

Bạn có chết mòn nơi xó tường với những ước mơ dang dở, đó không phải là việc của họ.

Suy cho cùng, quyết định là ở bạn. Muốn có điều gì hay không là tùy bạn.

Nên hãy làm những điều bạn thích. Hãy đi theo tiếng nói trái tim. Hãy sống theo cách bạn cho là mình nên sống.

Vì sau tất cả, chẳng ai quan tâm.”

Nhận định

“Tôi đã đọc quyển sách này một cách thích thú. Có nhiều kiến thức và kinh nghiệm hữu ích, những điều mới mẻ ngay cả với người gần trung niên như tôi.

Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu? được tác giả chia làm 3 phần: HỌC, LÀM, ĐI.

Nhưng tôi thấy cuốn sách còn thể hiện một phần thứ tư nữa, đó là ĐỌC.

Hãy đọc sách, nếu bạn đọc sách một cách bền bỉ, sẽ đến lúc bạn bị thôi thúc không ngừng bởi ý muốn viết nên cuốn sách của riêng mình.

Nếu tôi còn ở tuổi đôi mươi, hẳn là tôi sẽ đọc Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu? nhiều hơn một lần.”

(Đặng Nguyễn Đông Vy, tác giả, nhà báo)

Thông tin tác giả Rosie Nguyễn

Rosie Nguyễn (tên thật Nguyễn Hoàng Nguyên) sinh năm 1987. Cô không chỉ là blogger/facebooker về văn hóa du lịch mà còn là tác giả sách, giảng viên các khóa học kỹ năng và huấn luyện viên yoga. Hiện cô đang làm công việc viết tự do.

Rosie Nguyễn trong buổi ký tặng độc giả

Từ bé, Rosie Nguyễn đã rất thích viết. Cô thường gửi các bài viết của mình cho các tờ báo thiếu niên, nhi đồng ở địa phương. Lên cấp 3, cô thi vào trường chuyên văn, nhưng việc dạy học khuôn mẫu đã khiến cô thất vọng và quyết định thi không tiếp tục đi theo còn đường này nữa, mà thi vào trường Đại học Ngoại Thương.

Cô bắt đầu hình thành thói quen dậy sớm vào buổi sáng đọc sách, cố gắng biến nó thành sở thích. Việc đọc sách không chỉ giúp cô mở rộng hiểu biết mà còn khơi gợi niềm đam mê văn học, đam mê viết lách thuở nhỏ của cô, đóng một vai trò không nhỏ cho sự nghiệp viết lách hiện tại của cô. Có thể nói, sách vừa là người bạn, vừa là người dẫn đường cho cô đến được ngày hôm nay.

Năm 2015 Rosie Nguyễn đã đọc 60 quyển sách và mục tiêu năm 2016 của cô là đọc 65 quyển sách. Mỗi tuần, Rosie Nguyễn sẽ đọc xong một quyển sách. Tài khoản đọc sách trên Goodreads của Rosie lên tới hơn 260 quyển cả tiếng Việt và tiếng Anh. Độc giả thường vào Facebook của Rosie Nguyễn để tìm những cuốn sách hay do cô giới thiệu. Cô cũng được yêu thích bởi những bài viết về văn hóa, xã hội và phương pháp tự học dành cho giới trẻ.

Rosie Nguyễn là giáo viên Yoga, sở hữu gia tài “du lịch bụi” đến 20 quốc gia, được bạn bè dành tặng danh hiệu “Phượt thủ chuyên nghiệp”. Ít ai nghĩ nữ phượt thủ ngoài đời có vóc dáng nhỏ nhắn, giọng nói nhỏ nhẹ và nụ cười tươi. Song song với những bài viết chia sẻ về du lịch, Rosie Nguyễn còn chia sẻ về cách tự học. Đây là tiền đề cho khóa học “Bay không cần cánh” sau này cô tổ chức dành cho các bạn trẻ, tạo điều kiện giúp bạn trẻ tiếp cận kiến thức sớm nhất có thể.

II. Review sách Tuổi Trẻ Đáng Giá Bao Nhiêu

Review sách Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu - Rosie Nguyễn

Dưới đây là tổng hợp Review sách Tuổi Trẻ Đáng Giá Bao Nhiêu của tác giả Rosie Nguyễn. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách mà không cần mất thời gian tìm kiếm.

Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi & cập nhật thông tin mới nhất nhé.

1. Kiệt Nguyễn review sách Tuổi Trẻ Đáng Giá Bao Nhiêu

Bạn có hối tiếc về những gì mình chưa làm?

Bạn có hối tiếc về tuổi trẻ của mình?

Bạn cảm thấy hối hận vì chưa bao giờ có một giây phút nào đã sống cho đam mê, ước mơ của bản thân mình. Chưa một lúc nào, dám đứng lên, chống lại những ý kiến mà mình cho là đúng.

Và cũng chưa một phút giây nào, bạn dám thay đổi bản thân mình để vươn lên cho một ngày mai tươi sáng hơn. Nên hãy làm những điều bạn thích. Hãy đi theo tiếng nói trái tim. Hãy sống theo cách mà bạn cho là nên sống. Vì sau tất cả, chẳng ai quan tâm”.

Thật ra mình viết về đề tài này là để trải nghiệm thời gian còn là “ Tuổi trẻ” còn là sinh viên trên ghế nhà trường. Một phần là muốn lưu giữ những trải nghiệm. Một phần là muốn thay đổi bản thân mình hơn và một phần là để vượt qua những nỗi sợ bên trong mình nó mang tên là “nỗi sợ thoát khỏi vùng an toàn của bản thân”.

Nỗi sợ này lớn hơn tất cả các nổi sợ khác, nó làm cho người ta có những suy nghĩ tiêu cực, tạo ra sự sợ hãi, cảm giác e ngại, ngượng ngùng. Rồi một ngày nào đó nó sẽ khiến chúng ta chùn bước và rồi không dám, cũng như không muốn bắt tay vào làm cái gì đó mới mẻ nữa.

Để rồi chúng ta trở thành 1 con người tầm thường và con người tầm thường đó, khiến chúng ta giết chết dần những ước mơ, những hoài bão, khát vọng của chính mình. Tuổi trẻ cho phép chúng ta sống hết mình, mạnh mẽ, không sợ hãi, bỏ qua tư tưởng thất bại, từ chối đả kích những người đang cố gắng, chấp nhận suy nghĩ và cách sống khác.

Trước đây mình thường như vậy và hiện tại con Người Tầm thường đó vẫn còn đeo bám ít nhiều trong suy nghĩ của mình. Nhưng mình không muốn như thế nữa, mình sẽ dần dần loại bỏ nó. Để bản thân mình tự tin, bản lĩnh hơn trong cuộc sống này và hoàn thiện mình hơn. Thất bại là chỉ khi mình ngừng cố gắng, thất bại nào cũng mang trong nó một hàng mầm của sự thành công tương đương.

Và hơn hết chúng ta hiểu rằng.” Hạnh Phúc là hành trình chúng ta đang đi. Hơn hẳn là điểm đến”. Hãy tìm kiếm niềm ĐAM MÊ trong bạn và rồi hãy sống cuộc đời này vì nó. Hãy bắt đầu ngay bây giờ. Làm những việc cần làm trong cuộc đời bạn. Để rồi một ngày nào đó trên đoạn đường đầy thử thấy ấy khi bạn nhìn lại chặn đường đi của mình thì sẽ không có gì phải hối tiếc về những gì mình đã làm.

Mình biết rằng trên con đường tìm Kiếm ĐAM MÊ ấy, có rất nhiều thử thách, thậm chí nó sẽ khiến bạn bỏ cuộc. Nhưng bạn tự hỏi bản thân mình rằng:

“Nếu Thất Bại là Cái Giá phải Trả cho sự ĐAM MÊ”. Bạn có sẵn sàng chấp nhận nó?

2. Kim Hoàng review sách Tuổi Trẻ Đáng Giá Bao Nhiêu

Tôi nghĩ nếu khi tôi còn là đứa sinh viên chân ướt chân ráo bước vào ngưỡng cửa đại học mà có ai đó truyền cho tôi những cảm hứng, những ý niệm tích cực như Rosie đã làm trong quyển sách này thì có thể hiện tại tôi đã khác nhiều. Nhưng không sao, biết muộn vẫn còn hơn không. Cảm ơn những gì Rosie đã chia sẻ, đã giúp đỡ cộng đồng người trẻ loay hoay như tôi thông qua quyển sách này. Tôi đã tốt nghiệp và đi làm được 3 năm, nhưng công việc hiện tại không đem lại cho tôi niềm hạnh phúc của cái gọi là đam mê nghề nghiệp. Tôi đã từng rất vằn vặt bản thân về việc tại sao đến thời điểm này tôi cũng chưa xác định được đam mê thật sự của mình là gì, chưa biết mình là ai, sứ mệnh của mình trên cuộc đời này là gì. Nhưng may mà có Rosie, tôi rất thích ý niệm của bạn, nếu không có đam mê thì mình vẫn có thể bắt đầu mọi thứ từ cái gọi là hứng thú hay sự tò mò bạn hen, thì cứ thử, cứ đi rồi trên mặt đất sẽ vạch ra con đường của mình. Bạn làm tôi thấy vững tâm hơn, mặc dù còn khá xa để đạt kết quả nhưng tôi tin với niềm hứng thú và sự đầu tư năng lượng đúng mức của mình thì sẽ gặt được thành quả tốt, hoặc có thể nhiều năm sau tôi sẽ chuyển sang thích 1 công việc nào khác cũng nên, cứ cố gắng ở hiện tại bạn hen, bỏ bớt nhiều cái sợ mình sẽ gặp được nhiều điều thú vị ở ngoài vùng an toàn của mình.

Đọc đến chương Hãy chắp cánh cho con, mình thấy tâm đắc sao ấy, y như rằng Rosie viết cho mình vậy. Tôi là con một trong gia đình nên cái quyền được yêu thương từ ba mẹ thì đầy ắp, nhưng ngược lại cái quyền được tự do thì rất hạn hẹp, quan điểm về nghề nghiệp, về người bạn đời của tôi…. lại bị chi phối bởi những bậc phu huynh mãi là phụ huynh trong khi tôi đã trưởng thành. Tôi đã quyết định bùng nổ và ngông nghênh chứ không héo mòn khép kín, vì tôi chỉ có 1 cuộc đời để sống. Nhưng dù sao tôi cũng cảm ơn những trải nghiệm này để mình không phạm sai lầm cho thế hệ sau mình. Rất ngưỡng mộ cái thương và cái hiểu của người mẹ đã dành cho Rosie. Rất thương con nhưng cứ để con đi đến những nơi con muốn, làm những điều con muốn, dù trong lòng rất xót xa, và có lẽ chính vì vậy mà chúng ta có tác giả Rosie như ngày hôm nay. Rất cảm ơn người mẹ vĩ đại ấy.

Có thể Rosie nói đúng “tận nhân lực tri thiên mệnh” nhưng tôi vẫn rất tin có 1 ngày tôi sẽ tỏa sáng trên chính sân khấu của chính. Cảm ơn Tác giả rất nhiều, “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu” trở thành 1 trong những kim chỉ nam quan trọng mà tôi đặt lên balo trên cuộc hành trình đi tìm giá trị cuộc đời mình. Hi vọng các bạn trẻ hãy đọc Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu ít nhất một lần.

3. Bảo Ngọc review sách Tuổi Trẻ Đáng Giá Bao Nhiêu

Rosie Nguyễn không áp đặt lối suy nghĩ của mình về công việc cuộc đời mà dùng giọng văn của mình để thuyết phục, khuyên nhủ mọi người hãy sống vì chính bản thân mình, làm những điều mình thích, rằng chính bạn mới có khả năng thay đổi, quyết định cuộc đời bạn ra sao. Em rất thích cuốn sách này, nó mang đến cho em rất nhiều động lực, những suy nghĩ, trăn trở về những thiếu xót của bản thân và chuẩn bị tinh thần sẵn sàng trên con đường mình đã chọn. Đây là một cuốn sách đáng mua, đáng đọc cho nhiều độ tuổi không chỉ dành cho học sinh cấp 3 như em mà rất nhiều người ngoài kia – những con người không tìm được mục đích, tình yêu công việc của mình (đây là ý kiến cá nhân em ạ)

4. Anh Van Vu review sách Tuổi Trẻ Đáng Giá Bao Nhiêu

Một cuốn sách khá hay dành cho mọi lứa tuổi. Dù có đi qua lứa tuổi 18-25 mà có đọc cuốn sách này và nhận ra nhiều thứ chưa thực hiện được không có nghĩa là quá trễ. Mình tâm đắc rất nhiều điều từ cuốn sách này.

*Tuổi trẻ đã qua không bao giờ trở lại. Nếu bạn có ước mơ hãy dũng cảm thực hiện nó để sau này không hối tiếc. “Người ta thường nhấn mạnh tới việc sống phải có ước mơ hoài bão, nhưng theo tôi cái khó là kiên trì bền bỉ từng ngày vươn tới nó”-trang 229

*Đi nhiều để trải nghiệm và học những cái hay đúc kết kinh nghiệm sống cho mình. Đi để trưởng thành.

*Tuổi trẻ sống ở thế chủ động. Nắm được thế chủ động để thay đổi cuộc đời. “Cần thì lên tiếng. Muốn gì thì đấu tranh. Kiến thức do học tập. Thành tựu nhờ lao động. Sống ở thế chủ động là chủ động học tập, chủ động hỏi han, chủ động giúp đỡ người khác, chủ động gợi ý người khác giúp đỡ mình, chủ động cứu giúp mình.”-trang 120-121

*Fish don’t care

Đôi khi ta quá quan trọng việc người khác để ý đến việc ta đang làm. Không đâu người ta chả thèm quan tâm đến bạn nhiều như vậy đâu. “Hãy sống theo cách bạn muốn. Vì sau tất cả, chẳng ai quan tâm.”-trang 163

“Miễn là những gì bạn muốn không gây hại cho người khác, thì bạn không bao giờ phải xin lỗi vì đã đeo đuổi những ước mơ và lý tưởng của mình.” – Chris Guillebeau.

III. Trích dẫn sách Tuổi Trẻ Đáng Giá Bao Nhiêu

Trích dẫn sách Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu - Rosie Nguyễn

10 ĐIỀU ĐƠN GIẢN GIÚP TÔI SỐNG TỐT HƠN

“Hãy làm điều gì đó có ích thay vì chỉ giết thời gian. Bởi vì thời gian đang dần giết bạn”

(Paulo Coelho)

Gia nhập vào cộng đồng của những người tự học, ta sẽ thấy họ có nhiều mẹo vặt được gọi là life-hack, những cách khác nhau để tiếp thu kiến thức, tận dụng thời gian và phát triển bản thân. Bản thân là một người tự học, tôi cũng có một số phương pháp của riêng mình. Sau đây tôi xin chia sẻ với bạn đọc một số mẹo vặt đơn giản, giúp cuộc sống của tôi được cải thiện tốt hơn.

1. Nói không với ti vi.

Có một câu nói hài hước của Groucho Marx là: “Tôi thấy ti vi mang tính giáo dục rất cao. Mỗi khi có ai đó bật ti vi lên, tôi liền đi qua phòng khác và đọc một quyển sách.”

Nhà đầu tư người Mỹ James Altucher có một câu nói khác: “Bật ti vi lên là tắt cả thế giới.”

Tiểu thuyết gia Stephen King thì lại nói: “Để trở thành một nhà văn tốt, thì hãy rút phích cái ti vi của bạn, quấn dây quanh ti vi, và quẳng nó vào nhà kho.”

Một số nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng việc xem ti vi quá nhiều làm chậm đi hoạt động của bộ não con người và làm giảm mức độ thỏa mãn trong cuộc sống. Từ lâu tôi đã loại bỏ ti vi ra khỏi cuộc sống của mình.

Vấn đề của các chương trình ti vi hiện giờ là quá nhiều quảng cáo, thừa mứa giải trí và quá ít kiến thức. Không phải ti vi không có những chương trình bổ ích. Nhưng điểm bất lợi của nó là ta phải sắp xếp thời gian để xem chương trình mình thích, thay vì xem vào lúc rảnh rỗi. Và sau khi chương trình đó kết thúc, theo quán tính, ta rất dễ ngồi lì ở đó và chuyển hết kênh này đến kênh khác để xem tiếp. Thế là vài giờ đồng hồ mỗi ngày đi tong. Ta đi học, đi làm, về nhà, ăn tối, ngồi trước ti vi đến khi mắt díu lại, rồi đi ngủ. Bảo sao người ta không có thời gian để làm những điều mình thích.

Tôi từng đọc được một câu thế này: Khoảng thời gian từ 8 giờ tối đến 10 giờ tối mỗi ngày sẽ quyết định chúng ta trở thành người như thế nào. Cho nên tôi không thể bỏ thời gian đó ra chỉ để xem ti vi, nó quá lãng phí. Tôi vẫn xem các chương trình truyền hình nào mình thấy bổ ích. Nhưng tôi không dành thời gian cố định để chào đón các chương trình đó trên ti vi, mà lên mặng xem khi nào tôi rảnh.

2. Đi ngủ trước nửa đêm.

Dân Mỹ thường truyền tai nhau câu nói: Nothing good happens after midnight – chẳng có gì tốt đẹp xảy ra sau nửa đêm, phỏng lại câu thoại: Nothing good happens after 2 A.M. trong loạt phim truyền hình nổi tiếng How I met your mother.

Thực tế là không có điều gì tốt lành xảy ra sau nửa đêm, cả bên ngoài lẫn bên trong cơ thể. Sau 12 giờ đêm, kẻ xấu thường lợi dụng thời cơ thực hiện mưu đồ của mình, cướp của, giết người, bắt cóc… Còn bên trong cơ thể, thì lúc này đầu óc con người đã mụ mẫm và thân thể đã đờ đẫn, hoạt động không còn được sáng suốt, mà lại dễ nảy sinh những suy nghĩ u tối.

Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng từ khi sinh ra con người đã có một số lượng tế bào thần kinh nhất định, và chúng chỉ giảm đi theo thời gian chứ không tăng lên. Việc thức khuya lâu dài làm chết các tế bào thần kinh, gây giảm trí nhớ và là nguyên nhân cho các chứng bệnh khác.

Do vậy, ngay từ nhỏ, tôi đã được má mình tập cho thói quen đi ngủ sớm. Hồi còn ở chung với ba má, ăn cơm xong, làm bài tập về nhà, khoảng 9 giờ tối là tôi lên giường đi ngủ. Cho nên bây giờ tôi thường đi ngủ rất sớm. Cứ 8 giờ tối là ngáp ngắn ngáp dài, 9 giờ tối là mắt nhắm mắt mở, 10 giờ tối là đã nằm yên vị trên giường. Bạn bè thường trêu chọc khi nào gà lên chuồng là tôi cũng lên giường. Kệ, giấc ngủ là quan trọng, cái gì còn lại thì để mai tính.

3. Thức dậy lúc bình minh.

Bởi vì tôi ngủ lúc 10 giờ tối, nên tôi thường dậy vào 4 giờ sáng. “Trời, làm gì thức sớm vậy?” bạn có thể hỏi. À, có nhiều việc để làm lắm.

Từ 4 giờ tới 6 giờ sáng là những giờ linh thiêng tôi dành cho chính mình. Tôi ngồi thiền, đọc sách, viết lách, nghiên cứu tài liệu hoặc xem những thông tin truyền cảm hứng và ý tưởng cho bản thân. Sáng sớm là khoảng thời gian yên tĩnh mà ta không bị làm phiền hay phân tâm bởi những thứ xung quanh. Đầu óc con người cũng thường hoạt động mạnh mẽ và sáng suốt nhất. Nên tôi dành những giờ đầu tiên của ngày mới cho các công việc phát triển bản thân và làm những gì mình yêu thích. Cũng nhờ tận dụng khoảng thời gian sáng sớm mà tôi mới có thể vừa đi làm toàn thời gian, vừa viết xong quyển sách đầu tay, vừa hoàn thành khóa học làm giáo viên yoga trong một thời gian ngắn.

Dĩ nhiên là không nhiều người muốn thức dậy lúc 4 giờ sáng. Thực tế thì tùy cơ địa mỗi người mà ta có xu hướng thức khuya hoặc dậy sớm. Tuy nhiên, việc đặt đồng hồ để dậy sớm hơn mỗi ngày và dành thời gian để chạy bộ hay tập thể dục là một việc nên làm. Thử tưởng tượng thay vì thức dậy sát giờ, cuống cuồng vệ sinh rồi chạy đi học đi làm, bạn thức dậy sớm hơn một tí, vận động cơ thể cho đổ mồ hôi, ngồi đọc một vài trang sách, ăn sáng rồi làm việc hay học hành. Một ngày mới sẽ bắt đầu rất sảng khoái.

Cũng giống như các thói quen khác, nếu muốn dậy sớm, ta chỉ cần luyện tập để tạo thói quen. Không cần bắt đầu quá tham vọng. Chỉ cần bắt đầu bằng cách đặt đồng hồ báo thức sớm hơn 15 phút so với bình thường, và cố gắng dậy đúng thời gian đó. Chỉ 15 phút thôi, tự nhủ với bản thân để cố gắng tuân theo thời gian biểu mới. Rồi sau khi đã thấy thoải mái với quãng thời gian này, ta tăng lên thành 30 phút. Nếu dậy sớm hơn 30 phút mỗi ngày, thì một tuần bạn có thêm gần bốn giờ trống để đầu tư cho bản thân. Ta không bao giờ thiếu thời gian để làm điều mình thích.

4. Bớt đọc báo và tạp chí.

Trong quyển sách Tôi tự học, học giả Nguyễn Duy Cần có phân tích rất cụ thể tại sao không nên đọc báo. Trước hết, xin lỗi bạn bè của tôi những người đang làm báo. Có không ít các tờ báo cho ra các ấn phẩm chất lượng tốt. Có rất nhiều nhà báo tâm huyết với nghề, cố gắng cung cấp kiến thức, thông tin xác thực cho độc giả. Tuy nhiên, vì một tờ báo thường là cơ quan phát ngôn của một tổ chức nào đó, nên khi truyền đạt thông tin, nó thường mang quan điểm và cái nhìn của đơn vị mà nó đại diện. Mặt khác, ngày nay, thiểu số những tờ báo chính thống, cung cấp thông tin trung thực và khách quan đã bị vùi dập bởi hàng tấn những trang thông tin lá cải, lộ hàng, giật gân, giải trí và nhiều thức vô bổ khác.

Nghe theo lời khuyên của cụ Nguyễn Duy Cần, tôi không đọc báo nhiều. Buổi sáng đọc lướt qua rất nhanh các tờ báo để nắm tin tức trong ngày, và đánh dấu lại những bài báo có vẻ chất lượng để dành đọc lúc cuối ngày. Tôi không bao giờ ngồi ôm tờ báo gặm nhấm từng chữ một hoặc lang thang báo mạng đọc hết bài này đến bài khác. Thực tế là bây giờ không cần đọc báo mà chỉ cần lướt qua mạng xã hội cũng biết được khá nhiều thông tin. Những bài báo phân tích tốt nhất hay tin tức nóng hổi nhất luôn được nhiều người chia sẻ. Muốn biết thông tin mới chỉ cần đọc những bài được chia sẻ bởi những người có độ tin cậy cao.

Thay vì đọc báo, tôi đọc blog. Khác với báo chí mang tiếng là khách quan mà sự thật là chưa hẳn thế, các bài blog được xác định rõ ràng hoàn toàn là của chủ quan người viết. Blog có những ưu điểm mà báo chí không bù lại được, mỗi trang blog thường chú trọng một vài lĩnh vực cụ thể, đưa cho ta rất nhiều mẹo hay, nhiều trải nghiệm cá nhân, cảm xúc riêng tư của người viết đối với sản phẩm, dịch vụ, địa điểm… mà ta quan tâm. Và khi cần tôi dễ dàng lọc bỏ được những yếu tố mang tính cá nhân để lấy thông tin thiết yếu.

Blog của những người thành công, nổi tiếng hay các chuyên gia thường chia sẻ rất nhiều bí kíp, kỹ năng hoặc thông tin có giá trị, với quan điểm góc nhìn của họ, cho ta nhiều kiến thức trong quá trình tự học, hiểu rõ hơn về con đường đi lên của họ và định hướng lại suy nghĩ của bản thân. Quan trọng là tìm đúng blog để theo dõi.

5. Tận dụng thời gian di chuyển.

Người ta thường tốn trung bình một giờ đến hai giờ đồng hồ cho việc di chuyển hằng ngày. Bạn thường làm gì trong khoảng thời gian ấy? Dùng nốt những lúc di chuyển cho việc phát triển bản thân thì thật là nhất cử lưỡng tiện.

Thời gian lái xe trên đường sẽ là thời gian để tôi động não, sắp xếp hoặc bổ sung ý tưởng cho một bài viết bào đó. Nhiều bài viết của tôi được nảy ra và hoàn thiện trong lúc tôi đi trên đường. Trong quyển sách How to live 24 hours a day (tạm dịch: Làm thế nào để sống 24 giờ một ngày), tác giả Arnold Bennett cũng đề cập: Dành thời gian di chuyển đi làm buổi sáng để suy nghĩ một cách sâu sắc một chủ đề nào đó là cách tốt nhất để rèn luyện bộ não của bạn.

Một cách khác để tận dụng thời gian di chuyển là nghe podcast. Tôi thường lên mạng tải về các podcast của những chương trình mình quan tâm và lưu lại trong điện thoại để nghe mỗi sáng khi đi làm. Đặc biệt là những chương trình đối thoại với các chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau, hoặc tin tức trên thế giới, và bình luận của nhiều bên liên quan. Ba mươi phút lái xe đi làm mỗi sáng là vừa đủ thời lượng cho một podcast, vừa nghe để nắm thêm thông tin mới, vừa để luyện tiếng Anh.

6. Tránh xa những thứ có hại cho sức khỏe.

May mắn có bạn bè toàn những người quan tâm chăm sóc sức khỏe, nên tôi cũng luyện tập được khá nhiều thói quen có lợi cho sức khỏe. Ví dụ như chỉ uống nước lọc, không uống các loại nước uống đóng chai khác, cũng không dùng đá lạnh. Tất cả các loại nước ngọt, nước giải khát tràn ngập trên thị trường đều chứa nhiều hóa chất. Hạn chế ăn những thực phẩm quá ngọt hoặc quá mặn. Không ăn sô cô la và sử dụng ít những sản phẩm có đường, vì đường khiến cho cơ thể mệt mỏi. Hạn chế thức ăn có nguồn gốc động vật, giữ chế độ dinh dưỡng chứa nhiều rau xanh, củ quả, trái cây, ngũ cốc. Và nếu được thì chuyển sang ăn chay.

Cơ thể là ngôi đền nuôi dưỡng tâm hồn con người. Chúng ta sinh ra trên thế giới này, mỗi linh hồn đều có một sứ mệnh. Cơ thể ta, thân xác ta là nơi cư ngụ của linh hồn, của tâm trí. Thân ta là phương tiện để thực hiện sứ mệnh của mình, truyền tải những ý tưởng của mình, chia sẻ những giá trị và giúp ích cho cuộc đời. Chúng ta có thể thay đổi quần áo, nhà cửa, xe cộ, công việc, sự nghiệp, người yêu, vợ chồng. Nhưng cơ thể là thứ sẽ đi theo ta suốt cả đời mà ta không thể thay đổi được. Nếu không quan tâm chăm sóc đến cơ thể, làm sao ta có thể sống một cuộc đời vui tươi hạnh phúc và hoàn thành những gì mình mơ ước?

7. Luôn mang theo một quyển sách bên mình.

Luôn mang theo một quyển sách bên mình là thói quen của nhiều người thành đạt. Trong quyển On writing (tạm dịch: Bàn về viết) của Stephen King, tác giả chia sẻ rằng đây là một trong những cách khiến ông phát triển trong sự nghiệp viết văn của mình. Trong cuộc sống có lúc nào mà ta không chờ đợi một cái gì đó. Chờ mẹ đi siêu thị, chờ bạn đến ăn tối hoặc cafe, chờ phỏng vấn, chờ khám bệnh, xếp hàng chờ mua đồ, chờ mọi người đến đủ cho một cuộc hẹn. Tranh thủ những khoảng thời gian đó để đọc vài trang sách thay vì thụ động để thời gian trôi qua, cứ mỗi ngày một một chút như vậy, một tuần ít nhất cũng thêm được vài giờ để đọc sách. Và kiến thức của ta tăng lên rất nhiều.

8. Không sa đà vào trò chơi điện tử.

Một người bạn của tôi bảo từ nhỏ đến lớn cậu không bao giờ chơi trò chơi điện tử. Vì bạn ấy có một người cha cực kỳ nghiêm khắc. Ngày xưa, khi phong trào chơi điện tử mới bắt đầu rộ lên, bạn bị cấm tiệt nên chẳng bao giờ được chơi. Mỗi lần được 10 điểm hay đứng nhất lớp, thì bạn ấy mới được ba thưởng bằng cách cho ra hàng điện tử…ngó người ta chơi trong vòng 15 phút. Vậy nên khi lớn lên cậu ấy không bị nghiện chơi điện tử như bọn con trai cùng lứa. Không biết có phải nhờ vậy mà bạn tôi lanh lợi và giỏi giang hơn hầu hết những người cùng tuổi hay không.

Cái gì cũng vậy, có mặt lợi mặt hại. Nhưng nếu nhiều quá thì sẽ lợi bất cập hại.

Thử tưởng tượng một anh chàng mê chơi điện tử, kết hôn rồi vẫn cày vài ván Dota hay Liên Minh Huyền Thoại trước khi đi ngủ. Mỗi đêm anh đeo tai nghe cắm mặt vào laptop chiến cùng lũ bạn rồi thỉnh thoảng hét lên, nào là giết nó, sao ngu dữ, rồi nói tiếng “Đan Mạch”… Vợ anh ngao ngán ngồi ôm ti vi, rồi một mình đi ngủ trong đợi chờ mòn mỏi. Thật là một cảnh tượng đầy chán nản.

9. Chia sẻ thông tin.

Nhiều bạn bè tôi không có tài khoản Facebook. Rất nhiều người khác hầu như chẳng chia sẻ gì trên các trang mạng xã hội, không blog, không Facebook, không Twitter, không Instagram. Tôi có thể hiểu vì sao, mạng xã hội thường quá ồn ào không phù hợp cho sự rèn luyện trí óc và tinh thần con người. Nhiều người tài năng lựa chọn mai danh ẩn tích khỏi thế giới mạng, sống hài lòng với chính mình và không có nhu cầu thể hiện bản thân, liên lạc hay giải trí qua mạng xã hội. Tôi cũng đã từng một thời như vậy. Nhưng từ khi tôi chia sẻ nhiều hơn qua blog, qua Facebook hay các trang mạng xã hội khác, tôi nhận ra rằng điều này cũng có nhiều điểm hay của nó.

Thứ nhất, những chia sẻ của tôi được đón nhận, được đồng tình, phần nào giúp tôi tự tin và thoải mái bộc lộ bản thân nhiều hơn. Thứ hai, qua những chia sẻ trên mạng này, tôi quen thêm nhiều bạn bè, những người tài giỏi và dễ thương, giúp cuộc sống của mình phong phú và vui vẻ hơn. Thứ ba, khi chia sẻ những điều bổ ích với người khác, tôi cũng nhận lại được những thông tin bổ ích tương tự. Nhiều người chia sẻ với nhau, thế là mọi người cùng tiến bộ. Chia sẻ thông tin cực kỳ có lợi.

10. Điều cuối cùng này là của bạn.

Bạn có bí quyết gì giúp cuộc sống tốt hơn? Hãy chia sẻ để chúng ta cùng hoàn thiện nhé.

***

Đây là quyển sách của một người trẻ đã từng ở trong khủng hoảng, đã bứt phá thành công, tìm thấy đam mê và tỏa sáng trên con đường của mình.

…………

Không biết bao nhiêu lần tôi nghe những người trẻ quanh mình than buồn, chán, bảo không biết gì để làm. Và rồi không biết làm gì nên ta giết thời giờ với những thú vui nhỏ nhặt, rong chơi cho qua ngày đoạn tháng, ngủ vùi lười biếng hoặc chìm đắm vào yêu đương.

Nhưng khi đã đi qua gần hết thời đôi mươi, ngấp nghé ở ngưỡng ba mươi, nhìn lại tôi mới thấy tiếc nuối. Thấy bây giờ cuộc sống có quá nhiều cơ hội, nhiều điều phải làm, nhiều thứ để học, mà mình lại không có đủ thời gian cho ngần ấy thứ. Nghĩ nếu mà mình biết những điều này khi còn đi học, khi mình còn trẻ tuổi, chắc hẳn cuộc sống của mình sẽ khác, chắc mình sẽ bớt đi nhiều vật vã gian nan.

Ai có trải qua rồi mới hiểu, tuổi trẻ ngắn ngủi biết bao nhiêu. Thời gian một đi là không trở lại. Điều đáng quý nhất mà tuổi trẻ có được là thời gian, nhưng rất nhiều người trẻ không biết làm gì có ích với thời gian của họ.

…………

Vì với những kinh nghiệm của mình, và kinh nghiệm của tất cả những người đã đi trước chúng ta, tôi biết rằng quãng đường gian khó không mãi kéo dài. Những khó khăn giúp làm nên câu chuyện của bạn. Cô gái có tuổi thơ bị ngược đãi trở thành người hoạt động tình nguyện tích cực vì quyền trẻ em, chàng trai từng tuyệt vọng đến mức muốn tự tử vì thất bại rồi trở thành doanh nhân thành công, một người từng viết câu nào sai chính tả câu nấy lại là một tác giả ăn khách sau những ngày tháng khổ luyện. Câu chuyện của bạn như thế nào là do bạn quyết định. Hãy viết lên câu chuyện của cuộc đời bạn.

Vậy nên, bạn thân mến, đừng cầu nguyện để đời bạn không phải trải qua những nghịch cảnh, khó khăn. Mà cầu nguyện để bạn đủ sức lực để đương đầu với những sóng gió của cuộc đời. Hãy mỉm cười, nhìn lên bầu trời cao xa. Dù là ngày trời xanh nắng đẹp hay ngày mây mù âm u, thì bạn cũng sẽ không có cơ hội nhìn thấy bầu trời chính xác như thế này lần nữa. Ngày hôm nay trôi qua sẽ là mãi mãi không quay trở lại. Mọi chuyện rồi cũng sẽ qua. Trong khi đó, thì đừng chìm trong những thất vọng của đời mình nhé.

Chỉ việc sống theo cách mình muốn thôi cũng đã là một sự nỗ lực phi thường rồi.

…………

Cô gái của tôi, em cũng không cần phải là một cô gái tốt theo tiêu chuẩn của ai cả. Em có thể đi bụi vòng quanh thế giới nếu trái tim em thôi thúc phải làm thế. Em có thể ngủ với bất kỳ ai em thích nếu đó thực sự là điều em muốn làm (nhưng hãy thật chắc chắn về điều đó). Em có thể bỏ học và theo đuổi con đường học tập tự thân nếu em muốn. Em có thể sống độc thân cả đời mặc kệ xã hội này kêu gào lấy chồng sinh con là thiên chức của phụ nữ. Em không có trách nhiệm phải là người tốt với ai cả. Em chỉ phải tốt với chính em, lắng nghe tiếng nói bên trong em, theo đuổi những lý do, mục đích mà em cho rằng mình được sinh ra trên đời để làm, và sống trọn vẹn cuộc sống mà em muốn.

Chỉ việc sống theo cách mình muốn thôi cũng đã là một sự nỗ lực phi thường rồi.

…………

Điều mà tôi luôn đau đáu là: Hầu hết mọi người đều đang sống dưới khả năng của mình. Tại sao lại như vậy? Mỗi người đều có những tiềm năng khác nhau. Mỗi người đều có những thế mạnh khác nhau. Nhưng tại sao hầu hết mọi người đều không sống đúng với tiềm năng của mình?

Có thể là vì đa phần chúng ta đều lười, đều không sử dụng hiệu quả quỹ thời gian của mình.

Có thể là vì nhiều người trong chúng ta chưa nhận thức được sức mạnh của thói quen, chúng ta muốn thay đổi nhưng chưa có đủ động lực để vượt qua được sức ì, sự trì níu của những thói quen xấu.

Hoặc cũng có thể là vì, sau những lần thất bại trong cuộc sống, sau những va vấp của tuổi trẻ, từ bao giờ chúng ta đã tự thuyết phục bản thân rằng mình là một người bình thường, mình không có gì đặc biệt, rằng hãy thôi mơ mộng viễn vông, hãy chấp nhận sống một cuộc đời bình thường, có những công việc bình thường. Và rồi chúng ta chết đi, trên tấm bia mộ ghi: “Đây là nơi yên nghỉ của một người hoàn toàn bình thường.”

Bạn thân mến, nếu bạn đã có lúc nào đó nghĩ rằng mình là người đặc biệt, rằng mình khác thường, thì đừng dập tắt ý nghĩ đó.

Hãy tin vào lời thì thầm bên trong mình, hãy trân trọng sự khác biệt, nuôi dưỡng niềm tin vào bản thân mình. Âm thầm rèn luyện, tìm kiếm đam mê, và theo đuổi con đường của riêng mình. Rồi một lúc nào đó, bạn sẽ thấy mình đang sống đúng như cách mà bạn từng mơ ước.

Hãy luôn tin rằng: Bạn là ngôi sao chờ ngày tỏa sáng.

Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu - Rosie Nguyễn

Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè!

Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!

5/5 – (9 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *