Khổng Tử (551- 479 TCN) khai sinh ra Nho giáo (Khổng giáo) trong bối cảnh lịch sử, chính trị, triết học và văn hóa xã hội thời Xuân Thu Chiến Quốc của Trung Hoa. Do bản chất là một triết thuyết đạo đức nên nét nổi bật trong tư tưởng của Khổng Tử là giáo dục.
Theo truyền tụng, Khổng Tử là người san định 6 bộ sách quan trọng (Lục kinh), nhưng quan điểm về việc dạy và học của Khổng Tử thì căn bản được trình bày trong tác phẩm Luận ngữ là những lời giảng của ông do học trò ghi chép lại.
Có thể khái quát quan điểm của Khổng Tử về giáo dục như sau:
Thứ nhất, Khổng Tử đề cao việc học và khuyên mọi người cần học. “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý” (Ngọc không mài dũa thì không sáng, người không học thì không biết đạo lý). Và cái học của Khổng Tử học đạo với ý nghĩa học cách cư xử (tức là học cách làm người), sau đó mới đến học kiến thức. Khổng Tử cho rằng: người cao quý và người gương mẫu học được vì họ muốn vươn đến đạo, ông khuyến khích mọi người học tập và giữ vững đạo cho đến khi chết. Sở dĩ có quan điểm như vậy bởi với Khổng Tử nhân là đạo.
Người có nhân thì có trực giác rất mẫn nhuệ, cái gì thoáng qua cũng trông thấy rõ ràng, hiểu biết ngay được mọi ý nghĩa tinh vi và suốt đến cái công lý chung cả toàn thể, không phải từ từ lần theo từng mối một mới thấu tới chân lý. Người không có nhân thì trực giác mờ tối, trông cái gì cũng không thấy rõ ngay được, cho nên phải dùng lý trí mà suy tính những điều tư lợi. Vậy nên Khổng Tử cốt dạy người ta cầu lấy đạo nhân để theo trực giác mà hành động, nghĩa là cầu lấy trí tự nhiên hơn là cầu lấy cái trí thuật để suy tính những điều hơn thiệt.
Thứ hai, về động cơ học, Khổng Tử cho rằng: học và dạy không phải là những việc miễn cưỡng bó buộc vì kế sinh nhai hay theo một mệnh lệnh nào đó, cũng không phải là những việc ngẫu hứng, tuỳ tiện, hoặc chỉ nhằm có được danh tiếng là người “hay chữ”. Trái lại, tu dưỡng đức hạnh – tức học đạo – theo Khổng Tử là để “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.
Người đi học – nho sinh – trong cái nhìn lý tưởng là người có hoài bão và chí khí, lấy việc học làm sự nghiệp vẻ vang, coi học là con đường, là phương tiện phụng sự xã tắc và đem lại sự bình yên cho dân chúng. Vì thế coi học cốt để cầu danh lợi, mưu địa vị, đoạt quyền thế,… là trái với quan điểm nguyên thuỷ của Nho giáo.
Trong lịch sử Việt Nam thời trung đại có một câu chuyện liên quan đến vấn đề này được kể lại như sau:
“Từ xưa, những người tham gia chính quyền đều phải học và phải thi đỗ. Không đỗ thì không được giữ một chức vụ gì trong bộ máy quản lý đất nước. Ðó là điều kiện bắt buộc đối với quan từ cấp huyện trở lên… Người tham gia chính quyền phải có học là một nguyên tắc chặt chẽ. Thời Trần, vợ thái sư Trần Thủ Ðộ, Linh Từ quốc mẫu, có người họ hàng muốn có chút danh phận với làng nước, đã cầu xin bà nói với Thái sư cho làm chức câu đương (một chức dịch nhỏ cấp xã lo việc cúng tế) ở làng quê. Bà lựa lời nói với Trần Thủ Ðộ nhân dịp ông về quê Thiên Trường xem xét dân tình. Xét thấy người này không học hành, cũng không có công trạng gì với làng xóm, ông cho gọi y ra và nói:
– Ta được Linh Từ quốc mẫu cho biết, nhà ngươi muốn xin một chức câu đương phải không?
– Dạ, xin đội ơn Thái sư.
Trần Thủ Ðộ nghiêm nét mặt:
– Hãy khoan. Câu đương là một chức nhỏ. Ta chẳng hẹp gì với ngươi cả. Nhưng phép nước phải rõ ràng. Chức phận nhỏ to đều do học hành hoặc công tích mà nên. Ngươi không chịu học, cũng chẳng có công gì, cất nhắc rất khó. Nhưng từ chối thì không tiện. Vì thế, ta đã nghĩ ra một cách. Ban cho ngươi chức câu đương, phải kèm theo một việc để mọi người biết quan gia không thiên vị. Ngươi cũng thêm kỷ niệm nhớ đời. Ta sẽ cho chặt một ngón chân của ngươi để dân chúng thấy vì vậy mà ngươi được chức tước.”
Câu chuyện này chắc chắn là lời cảnh tỉnh đầy ý nghĩa cho những ai bất chấp mọi thứ để có “bảng vàng” không bằng thực học, hoặc cho những ai mưu cầu địa vị, quyền lực bằng đồng tiền như hiện nay.
Thứ ba, một điểm đặc biệt đáng chú ý ở quan điểm giáo dục của Khổng Tử là phương pháp học tập. Khổng Tử không coi thường và bỏ qua ý nghĩa của việc học là bắt chước, nhưng vị thánh sư của các thế hệ nhà nho không muốn coi học là một sự bắt chước người khác một cách quá giản đơn. Học là “do mình” và “cầu ở mình” chứ không phải là “do người” và “cầu ở người”. Nghĩa là phải có ý chí của mình, công phu của mình, cố gắng của mình trong suy nghĩ, và trong thể nghiệm cũng như hành động của chính mình. Cho nên học phải gắn liền với suy nghĩ, với thể nghiệm trong thực tế đối với cuộc sống tức là hành động.
Vì vậy, theo Khổng Tử, yêu cầu thứ nhất là người đi học phải có tư duy và phải biết suy luận.
Trong thiên “Vi chính” sách Luận ngữ, Khổng Tử khẳng định “học nhi bất tư tắc võng, tư nhi bất học tắc đãi” (học mà không suy nghĩ thì mờ tối – không hiểu gì, suy nghĩ mà không học thì nguy hại – hao tâm lực). Ở đây, Khổng Tử vừa đòi hỏi phải suy nghĩ khi học vừa khẳng định học là quá trình đem lại tri thức, kỹ năng cho suy tư. Cả hai điều này không thể tách biệt nhau và không thể thiếu trong môi trường học tập.
Thực chất tư tưởng này có ý nghĩa phê phán kiểu học tầm chương trích cú, thái độ học thụ động hoặc xem nhẹ việc thâu nạp những tri thức cần thiết mà chỉ ưa biện bác trong tâm thế của học trò hiện nay. Họ có thể thuộc, nhớ nhiều kiến thức nhưng không thể áp dụng được vào thực tế công việc lẫn cuộc sống vì nắm được cốt lõi của tri thức mình đang có. Hoặc họ có thể trở thành những người tư biện, tạo ra những biện luận, “phát kiến” không có khả năng thực hiện.
Ở một tình huống khác, Khổng Tử đã phê phán khá gay gắt những người đi học thiếu óc suy luận “cử nhất ngung bất dĩ tam ngung phản, tắc bất phục dã”; nghĩa là: Ta đã gợi mở cho một góc rồi mà không biết luận ra ba góc kia thì ta không dạy cho nữa (Luận ngữ, 7.8). Cách nay 2.500 năm Khổng Tử đã chỉ ra được chủ trương mà giáo dục ngày nay, đó là người học cần chủ động và tích cực trong suy nghĩ, cần có tính độc lập, sáng tạo.
Yêu cầu thứ hai của Khổng Tử về cách học là tâm thế tự chủ ở người học. Học thuyết Nho giáo coi trọng đạo học, tôn vinh người thầy nhưng cũng yêu cầu nho sinh biết học ở mọi nơi, biết học từ mọi người. Câu nói của Khổng Tử thường được nhắc đến ở trường hợp này là “Tam nhân hành, tất hữu ngã sư yên” nghĩa là: Trong ba người đi đường cùng ta, tất có người là thầy ta (Luận ngữ, 7.21).
Quan niệm này liên quan đến tính tự chủ trong học tập. Tự chủ là có chính kiến, có ý thức hoạt động độc lập, không lệ thuộc vào người khác. Nhưng người tự chủ cũng là người có thể học hỏi từ mọi điều, mọi người xung quanh. sẽ luôn chủ động trong mọi hoàn cảnh. Người đi học Việt Nam thường truyền tụng nhau câu thành ngữ: “nhất tự vi sư bán tự vi sư” (một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy) vừa hàm nghĩa tôn vinh người thầy cũng vừa chuyên chở tinh thần học hỏi mọi lúc mọi nơi này.
Yêu cầu thứ ba mà Khổng Tử đặt ra với lối học của môn sinh là học phải đi đôi với hành, “học nhi thời tập chi” (Luận ngữ, 1.1). Thực hành, luyện tập giúp thể nghiệm những tri thức có được từ việc học, ứng dụng những điều biết được vào thực tế. Đúc kết này được rút từ nhiều thể nghiệm, trong đó có việc trong cuộc đời mình, Khổng Tử đã dành tới 20 năm cho việc ngao du cùng môn đệ qua nhiều thành bang để truyền đạo và thể nghiệm đường lối chính trị mà ông chủ trương. Ở thời đại Khổng Tử cũng như trong thiết chế của thời kỳ phong kiến Á Đông, “hành” là đem đức hạnh và tri thức cá nhân ra giúp vua, giúp nước. Chuyển sang thời hiện tại, học đi đôi với hành vẫn là một triết lý đúng đắn.
Điều thứ tư Khổng Tử nói về phương pháp học là ôn cũ để biết mới (“ôn cố nhi tri tân”, Luận ngữ, 2.11). Trên thực tế, trọn vẹn điều Khổng Tử phát ngôn là “Ôn cố nhi tri tân, khả dĩ vi sư hĩ”; nghĩa là: Ôn cũ để biết mới thì có thể làm thầy người khác được. Vì sao vậy? Làm thầy là một công việc hệ trọng, vì đó là nghề truyền thụ đạo đức và tri thức. Tri thức càng uyên thâm, đạo đức càng nghiêm cẩn sẽ khiến cho việc dạy trò thêm hiệu quả.
Theo Khổng Tư, điều đó có được là nhờ cả cái ‘cũ’ và ‘mới’, đặc biệt là ‘cũ’. Vì ‘cũ’ là những tri thức và bài học đạo lý được tích tụ từ nhiều đời, được thử thách và sàng lọc qua thời gian. Và vì ‘mới’ thường có căn rễ từ ‘cũ’, nên biết ‘cũ’ sẽ hiểu cái ‘mới’ từ ngọn nguồn, do đó sẽ nắm bắt đầy đủ hơn và cũng biết cách sử dụng hiệu quả hơn cái ‘mới’.
Và biện pháp học thứ năm được Khổng Tư đưa ra cho học trò là cần tương hỗ với dạy để cùng phát triển (tương trưởng). Khổng Tử từng tự băn khoăn về việc bản thân liệu đã là người “học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện” (học không chán, dạy không mỏi, Luận ngữ, 7.2). Cuộc đời truyền đạo của ông đã là câu trả lời tích cực cho băn khoăn đó, nghĩa là một sự khẳng định phẩm hạnh tốt đẹp trong học – dạy ở Khổng Tử. Nhưng cũng có thể coi đó là quan niệm của ông về mối quan hệ giữa thái độ đối với học và dạy nói chung. Môi trường học lý tưởng chính là người học và người dạy cùng có thái độ tận tâm, trân trọng việc học.
Bối cảnh sinh thành tư tưởng giáo dục của Khổng Tử đã cách chúng ta quãng 2.500 năm. Khoảng cách ấy tất yếu đào thải nhiều quan niệm mà ông đề xuất. Tuy nhiên, vẫn có một số lời bàn của Khổng Tử về việc học, như: vì sao cần học, học để làm gì, và học thế nào là những bài học có giá trị tham khảo cho việc giáo dục nhân văn hiện nay.
Thực tiễn giáo dục hiện nay cho thấy những áp lực về cạnh tranh, xếp hạng, thành tích khiến các trường nên thực dụng hơn khi tập trung đào tạo kỹ năng và hướng đến việc đáp ứng tối ưu yêu cầu của thị trường lao động mà xao lãng những vấn đề liên quan đến giá trị đạo đức hay lợi ích cộng đồng. Vấn đề đặt ra là giáo dục không chỉ tạo ra con người biết làm việc, mà là đào tạo những con người cá nhân có mục tiêu sống, biết cách tạo ra giá trị cá nhân đồng thời có khả năng đóng góp cho cộng đồng như quan điểm của Khổng Tử đó là học để hiểu hơn về đạo.
Thanh Tú biên tập
Nguồn Đại học Duy tân