Qua cầu rút ván là một câu thành ngữ được sử dụng phổ biến ám chỉ những người vong ơn, bội nghĩa.
Theo nghĩa đen: Có một cây cầu được dựng để tất cả mọi người có thể di chuyển qua sông. Thế nhưng có người xấu tính đi qua rồi lại rút cây cầu đó làm cho những người còn lại không thể di chuyển.
Nghĩa bóng: Phê phán những người vô lương tâm khi thành công rồi liền quên đi sự giúp đỡ của người khác và bắt đầu lật mặt, làm những điều không tốt đẹp sau đó. Họ không nể mặt hay nhớ ơn những người đã từng giúp đỡ mình mà làm những hành động trái ngược với đạo đức.
Câu chuyện “Qua cầu rút ván”
Ngày xưa, có hai người học trò một tên là Lưu Cải, một tên là Lễ Châu. Họ cùng nhau đèn sách mấy năm liền nên tình cảm như anh em ruột thịt.
Sắp đến kỳ thi, Lễ Châu bị ốm. Tưởng bệnh tình khó qua khỏi, Lễ Châu bèn nói với Lưu Cải:
– Tôi nay chắc không sống được. Ngôi nhà và mảnh vườn này của cha mẹ tôi để lại, anh hãy bán nó đi, một phần lấy tiền đi thi, bõ công đèn sách mấy năm qua, một phần để làm ma cho tôi. Anh đỗ đạt kỳ này là tôi mãn nguyện lắm rồi.
Lưu Cải thương bạn khóc nức nở. Theo lời bạn, Lưu Cải bán mảnh vườn lấy tiền vừa để lo thuốc thang cho bạn, vừa thêm vào việc lều chõng của mình. Rồi kỳ thi năm ấy, nhờ có tiền đi thi nên Lưu Cải đã đỗ, rồi được bổ làm quan. Thời gian trôi đi, nhờ thuốc thang chữa trị, lại thấy bạn mình thi đỗ thì thấy làm vui nên bệnh của Lễ Châu lui dần, rồi một ngày kia bệnh tình khỏi hẳn.
Nhớ đến bạn năm nào cùng chung đèn sách, Lễ Châu nghĩ đến tình xưa, nghĩa cũ đặng tìm đến bạn cũ nhờ đỡ đần để có dịp chờ ngày thi tiếp. Từ ngày làm quan, Lưu Cải tính tình thay đổi, lạnh nhạt với bạn cũ. Sợ bạn mình nhờ vả, liên lụy nên Lưu Cải tìm cách trốn tránh, rồi sinh lòng hại bạn. Nhưng Lễ Châu không hề biết bụng dạ của bạn đã thay đổi nên chẳng chút nghi ngờ. Một ngày kia, trời đã tối, tìm gặp được Lưu Cải, Lễ Châu theo bạn vào nhà. Thời ấy, người ta đào hào xung quanh nhà để chống trộm. Muốn vào nhà phải qua một chiếc cầu, dưới đó là hào sâu có cắm chông và rắn rết. Lưu Cải đi trước, lợi dụng lúc tối trời, vừa bước sang bên này ván cầu, anh ta bèn rắp tâm rút cái ván để cho Lễ Châu lăn xuống hào mà chết. Nghe tiếng rút ván Lễ Châu hiểu ngay sự tình nên đã kịp dừng chân. Tưởng bạn đã rơi xuống hào sâu chết rồi, Lưu Cải mới lỉnh vào vườn trong.
Lễ Châu trở về nhà, buồn rầu vì tình bạn tráo trở. Lưu Cải làm quan được mấy năm thì bỗng nhiên một hôm bị sét đánh chết. Hôm đưa ma bạn về, Lễ Châu mới kể chuyện cũ cho thầy dạy mình nghe. Thày dạy mới bảo:
– Đó là kẻ “qua cầu rút ván”, người như thế khó qua khỏi được trời quở trách. Chết bất đắc kỷ tử là phải lắm rồi.
Trước thì được người giúp đỡ, khi thành công, thành danh rồi thì lại bội ơn, khinh bạc người, rồi tìm cách hại người, những kẻ như thế, xưa nay, đời nào cũng có. Nên dân gian mới có câu:
Khi chưa, tình nghĩa trăm đàng
Được thì rút ván, phũ phàng làm ngơ.
Ý nghĩa rút ra từ câu thành ngữ “Qua cầu rút ván”
Câu chuyện “Qua cầu rút ván” ngày nay xuất hiện rất nhiều trong cuộc sống của chúng ta, rất nhiều kẻ lợi dụng lòng tốt của chúng ta sau khi thành công họ sẽ quay sang đá chúng ta đi. Thế nên bạn đừng quá lương thiện, sự lương thiện ấy cần được đặt đúng chỗ, bởi vì khi bạn bị lợi dụng thì kết quả nhận lại vô cùng cay đắng.
Chúng ta phải nhớ công ơn những người đã từng dạy dỗ và truyền cho ta những bài học kinh nghiệm ở ghế nhà trường và trường đời. Nếu không có sự giúp đỡ từ mọi người chúng ta đã không thể có ngày hôm nay vì thế bạn phải có lòng biết ơn đối với những người đã giúp đỡ mình. Câu thành ngữ này giúp chúng ta nhận ra bài học về “lòng biết ơn”
Sống trên đời chúng ta cần phải thấu hiểu việc đối nhân xử thế để có được cuộc sống tươi đẹp và ý nghĩa. Thông qua câu thành ngữ “Qua cầu rút ván” chúng ta rút ra được rất nhiều bài học, đặc biệt là khi sống trong thế giới mà người tốt thì ít mà kẻ xấu thì nhiều chúng ta cần phải cận trọng hơn hết. Hãy cân nhắc các mối quan hệ của bạn và phải biết ơn đến những người đã từng giúp đỡ mình.
Lời kết
Từ câu chuyện “Qua cầu rút ván” chúng ta cần phải xem xét lại thật cẩn thận các mối quan hệ xung quanh mình. Bởi kẻ tiểu nhân luôn xuất hiện ở khắp mọi người và biết đâu được một ngày nào đó bạn trở thành người bị lợi dụng thì sao?
Trên đây là bài viết phân tích thành ngữ “Qua cầu rút ván” sẽ giúp bạn đọc hiểu được nghĩa và bài học rút ra từ câu thành ngữ trên. Cảm ơn bạn đọc đã luôn quan tâm vào theo dõi Reader, hãy cùng đón đọc những bài viết mới nhất từ Reader nhé!