Portfolio là gì? Tổng hợp 20 mẫu đẹp của Việt Nam và thế giới

Portfolio là gì? Các mẫu đẹp của Việt Nam và thế giới

Tuy là một cụm từ tiếng Anh nhưng từ “portfolio”  nhưng lại rất thông dụng ở mọi văn phòng. Một số khảo sát gần đây cho biết, nhà tuyển dụng sẽ có thiện cảm với các ứng viên có một portfolio ấn tượng hơn số còn lại. Vậy portfolio là gì? Một portfolio tốt sẽ nói lên khả năng, tính cách con người hay những ý tưởng sáng tạo trong một dự án nào đó mà bạn đã thể hiện.

 

 

Portfolio là gì?

Nếu bạn theo đuổi ngành thiết kế, chắc hẳn đã có không ít lần bạn được nghe nói về Portfolio. Có thể giải thích một cách gần đúng nghĩa nhất thì portfolio là hồ sơ năng lực, là một nơi tổng hợp các dự án, thể hiện kỹ năng, năng lực, phong cách, và kinh nghiệm của bạn. Nó giúp người xem có một cái nhìn tổng quan nhất về lịch sử làm việc cũng như khả năng thực sự của bạn.

Portfolio là từ có nguồn gốc từ tiếng Pháp, trong đó porte nghĩa là cầm hay mang theo còn folio là một trang sách hay báo. Điều đó có thể nói một cách khái quát về portfolio như một tập hợp nhiều trang tin, như một nơi triển lãm các thành thích thu nhỏ của tác giả thông qua những sản phẩm hay thành tựu đã đạt được.

 

 

Mục đích chính của portfolio có thể tóm gọn là để phô bày năng lực của cá nhân đến nhà tuyển dụng nếu cá nhân đó ứng tuyển việc làm hoặc nhà tuyển sinh nếu ứng tuyển vào một chương trình học. Ngoài portfolio của cá nhân thường thấy như đã trình bày ở trên, còn có portfolio công ty phô bày năng lực của công ty đối với nhà đầu tư hay khách hàng.

Vì thế, ai trước khi bắt tay vào làm portfolio cũng rất đau đầu vì làm sao để tạo nên một bộ portfolio ấn tượng là một điều cần học hỏi. Việc của bạn là phải lựa chọn những kinh nghiệm và thành tích phù hợp sau đó sắp xếp chúng theo một bố cục hợp lý. Việc phọ bày khả năng và thông tin trong bộ hồ sơ sẽ giúp nhà tuyển dụng biết được năng lực tổ chức, truyền thông của chính bạn. Một portfolio ấn tượng sẽ giúp bạn thuyết phục nhà tuyển dụng rằng bạn là người phù hợp với vị trí công việc mà công ty cần tuyển.

 

Vậy, điểm khác biệt cơ bản giữa Portfolio và CV là gì?

CV là một trang tóm gọn bao gồm thông tin cá nhân, quá trình học tập, làm việc, kỹ năng, thành tích, chứng chỉ đạt được, hoạt động ngoại khóa, đam mê theo đuổi của bạn,…

Trong khi đó, Portfolio chú trọng đến sản phẩm, dự án mà bạn đã thực hiện. Nó thường được thể hiện dưới dạng mô hình, hình ảnh,…

 

 

Một portfolio gồm có những gì?

Portfolio chứa đựng thông tin gì là những gì bạn nên biết đầu tiên. Vì trước khi đi đến cái ấn tượng, bạn phải có đầy đủ những cái cơ bản trước đã. Hãy xem qua những mục dưới đây và ghi chép lại những gì cần ghi trong portfolio của mình nhé!

Theo các chuyên gia, một bộ Portfolio chuyên nghiệp thực sự không thể thiếu 3 phần chính là phần giới thiệu, phần thể hiện kĩ năng và phần nhận xét của bạn.

 

1. Giới thiệu

Đây đương nhiên là phần bắt buộc phải có, thường xuất hiện ở phần đầu của portfolio. Gần giống như profile, người xem cần phải biết họ đang xem hồ sơ của ai hay công ty gì trước tiên. Vì vậy, hãy nói cho người xem những thông tin cơ bản nhất về bạn, dĩ nhiên là nên tránh các thông tin bảo mật cá nhân nữa. Phần giới thiệu thường không thể thiếu:

– Tên tuổi.

– Hình chân dung.

– Chuyên môn, lĩnh vực hoạt động.

– Kĩ năng. Xác định khoảng 3-5 kĩ năng chính, nhất là những kĩ năng cần thiết cho lĩnh vực bạn muốn theo đuổi. Chẳng hạn như: quản lý, kế toán, truyền thông, chăm sóc khách hàng,… Ở phần này, bạn cũng có thể bổ sung những lá thư tiến cử, hay nhận xét của khách hàng hay đối tác cũ về các dự án từng có bạn tham gia.

– Lịch sử hình thành (với công ty) hoặc bằng cấp, chứng chỉ liên quan (với cá nhân).

– Khái quát quá trình làm việc và số năm kinh nghiệm

– Các khách hàng.

– Giải thưởng.

– Địa chỉ liên lạc của bạn là điều quan trọng nhất không thể quên, thường gồm số điện thoại, địa chỉ, email hay trang cá nhân. Nếu như người xem đã ưng ý với bạn nhưng lại không biết liên hệ với bạn như thế nào thì cũng không khác gì bạn chưa hề đưa portfolio cho họ. Vì vậy, hãy để nó ở những vị trí thường gặp như ở chân trang đối với bản giấy in, cuối quyển đối với dạng quyển in, hoặc có hẳn một trang liên hệ với dạng website.

 

 

2. Các sản phẩm tiêu biểu

“Tốt khoe xấu che” – đừng nên nghĩ càng đưa nhiều sản phẩm càng tốt, vì không phải sản phẩm nào của bạn cũng tốt và hoàn hảo, những sản phẩm kém chất lượng có thể làm khách hàng hay nhà tuyển dụng của bạn bận tâm và đây cũng chính là điều làm họ không chọn bạn.

Tuy nhiên, nếu đưa quá ít sản phẩm lên cũng làm portfolio của bạn sơ sài và không được thuyết phục cho lắm. Vì vậy hãy khéo léo đưa sản phẩm vừa đủ làm cho portfolio gọn gàng mà thuyết phục hơn. Ngoài ra, bạn cũng nên bày trí những sản phẩm nào tốt nhất khiến bạn tự hào nhất ở một vị trí đặc biệt người xem dễ nhìn thấy và ấn tượng nhất.

 

 

3. Lời nhận xét

Feedback từ khách hàng và đối tác đã từng hợp tác với bạn hay các giải thưởng đạt được sẽ giúp giá trị của bạn tăng lên rất nhiều. đó là minh chứng hùng hồn nhất nói lên đánh giá cũng như năng lực của bạn, vì ngoài sản phẩm thì những lời phê bình sẽ là thước đo cho sự chuyên nghiệp của bạn.

 

 

Lưu ý:

Ngoài 3 phần chính ở trên, một portfolio hoàn chỉnh còn không thể thiếu những phần nhỏ dưới đây như:

– Thông tin bảo hộ quyền sở hữu: Một câu ghi rõ đây là các tác phẩm của bạn và chúng hoàn toàn bảo mật và thuộc quyền sở hữu của bạn hay một đơn vị nào đó bạn đã từng hợp tác cùng mà không ai có quyền sao chép.

– Phương châm sống và làm việc: Một quan điểm làm việc và cách nhìn của bạn về lĩnh vực bạn đang theo đuổi.

– Mục tiêu nghề nghiệp: Mục tiêu sự nghiệp của bạn trong tương lai gần và xa hơn.

 

Một số cách tiếp cận với nhà tuyển dụng qua portfolio

Dưới đây là một số cách thức để bạn thể hiện bản portfolio của mình cho nhà tuyển dụng xem qua.

Bản in ấn

Đây là cách truyền thống và cũng thường được gặp nhất, hiện nay vẫn được sử dụng rất nhiều, nhất là trong các buổi phỏng vấn trực tiếp. Tuy nhiên, khổ giấy và chất lượng in sẽ đóng vai trò khá quan trọng trong việc quyết định portfolio có đẹp hay không. Thông thường, khổ giấy phổ biến nhất dành cho portfolio là theo khổ A4, bạn có thể đặt dọc hay ngang tùy thích. Chất lượng giấy in cũng ảnh hưởng rất nhiều vì đôi khi bản thiết kế của bạn rất đẹp nhưng lại lên màu in không như ý sẽ làm mất đi giá trị.

 

 

Bản PDF

Hiện nay, để tiết kiệm thời gian, trước khi đi phỏng vấn thực tế thì ứng viên thường phải gửi portfolio qua email trước. Thông thường, portfolio gửi qua email thường để ở định dạng PDF vì ở đinh dạng này, gần như không thể chỉnh sửa được nội dung đồng thời chất lượng hình ảnh, dung lượng đều được đảm bảo.

 

 

Portfolio trực tuyến

Thiết kế landing page hay website cá nhân có thể giúp bạn thể hiện toàn bộ các nội dung cần thiết trong porfolio mà phiên bản in ấn hay PDF còn gặp nhiều hạn chế. Không chỉ vậy, các hiệu ứng động cũng là thế mạnh của website khi chỉ cần kết hợp các thanh trượt, cuộn, nút cảm ứng là khách hàng đã có thể nhanh chóng xem qua hết các dự án của bạn. Điều này trở nên đặc biệt quan trọng khi bạn là sinh viên của ngành đồ họa, nhất là những người làm freelancer.

 

 

Portfolio video

Đây là một cách thức ấn tượng để làm portfolio gây được hiệu ứng mạnh đối với nhà tuyển dụng. Nó thể hiện sự chuẩn bị kĩ càng, chu đáo và nghiêm túc của bạn. ngoài ra, với những người làm thiết kế kiêm edit hay biên tập video thì portfolio dạng này là một minh chứng cho thấy kĩ thuật và tay nghề dựng video của bạn.

 

 

Tầm quan trọng của Portfolio

Dưới đây chúng tôi sẽ nói một cách tóm gọn nhất để bạn hiểu được mục đích chính khi phải xây dựng portfolio.

Đối với cá nhân

Một portfolio sẽ làm bạn nổi bật giữa muôn vàn cá nhân ứng tuyển khác vào một vị trí trong công ty hay làm đơn xin học bổng chả hạn.

Một portfolio  đi kèm trong hồ sơ xin việc sẽ là cầu nối giúp đơn vị tuyển dụng hình dung rõ hơn về các dự án, kinh nghiệm và năng lực thực tế mà bạn nêu ra trong CV.

Đặc biệt, với các công việc liên quan đến ngành media, thiết kế, nhiếp ảnh, nghệ thuật,… thì càng cần đến portfolio.

Đối với doanh nghiệp

Portfolio công ty như một phương tiện quảng bá hiệu quả, có thể coi nó là ấn phẩm trong bộ nhận diện thương hiệu. Thông thường, các doanh nghiệp sẽ tiến hành in ấn, biến portfolio thành các tập hồ sơ quan trọng để gửi cho khách hàng, đối tác.

Thông qua nó, khách hàng và đối tác sẽ có các đánh giá cụ thể, khách quan và hiểu rõ hơn về đơn vị mà mình có thể hợp tác.

 

 

10 mẹo thiết kế portfolio đẹp mắt, chuyên nghiệp

Dưới đây là một số mẹo làm “thăng cấp” cho portfolio của bạn thêm phần chuyên nghiệp và ấn tượng hơn hẳn so với các ứng viên khác.

 

1. Lựa chọn kỹ những điều bạn muốn đặt lên portfolio

Nếu bạn cảm thấy xấu hổ vì một dự án hay sai sót nào đó mà bạn đã gặp phải thì đừng bao giờ để chúng vào portfolio và cho rằng nhà tuyển dụng sẽ thông cảm vì tính thật thà của bạn. Không có đâu, đó chính là một khuyết điểm mà họ có thể vin vào đó mà không chọn bạn giữa vô số các hồ sơ khác. Vì vậy, hãy biết khéo léo chọn lọc những gì tốt nhất mà thôi nhé.

 

2. Chọn lựa những hình ảnh đắt giá nhất

Dự án nào khiến bạn tự hào nhất hãy đặt cho chúng một hình ảnh đại diện đẹp và ấn tượng nhất, đảm bảo rằng người xem sẽ click vào tìm hiểu thêm về chúng. Ngoài ra, hình ảnh đẹp còn giúp portfolio của bạn trông tươm tất và chuyên nghiệp hơn.

 

chọn lựa những hình ảnh đắt giá nhất

 

3. Số lượng dự án vừa đủ

Một portfolio thông thường cần có khoảng từ 10 đến 20 dự án khác nhau, không nên quá ít nhưng đồng thời không nên quá nhiều khiến người xem đánh mất đi sự tập trung vào những dự án bạn muốn họ xem nhất.

 

4. Chú ý đến tính đa dạng

Nếu bạn chỉ đưa 1 kiểu thiết kế một màu nhàm chán lên portfolio, thì thay vì thấy hấp dẫn người xem có thể sẽ “buồn ngủ” mà thẳng tay loại trừ bạn. Tính đa dạng trong portfolio sẽ thể hiện được nhiều sức sáng tạo của bạn hơn, khiến portfolio của bạn trở thành một tuyển tập hấp dẫn hơn.

đa dạng phong cách portfolio

 

5. Cập nhật xu hướng mới

Không nên đưa quá nhiều những dự án cũ đã lỗi thời vào portfolio, dễ khiến người xem có cảm quan không tốt (tất nhiên trừ những dự án nổi bật làm nên tên tuổi của bạn). Bạn nên đưa vào những tác phẩm gần nhất, bắt kịp nhịp điệu cũng như xu hướng mới. Khi kỹ thuật thiết kế và công nghệ thay đổi liên tục, bạn sẽ không muốn người xem thấy bạn là một người ngủ quên trên chiến thắng đã cũ mà không biết học hỏi và cập nhật cái mới đâu.

 

6. Nên có thêm portfolio in ấn nếu phỏng vấn trực tiếp

Thời đại 4.0 phát triển nên hầu hết các designer hiện nay đều sử dụng portfolio online. Nhưng nếu bạn phải tham gia các cuộc phỏng vấn trực tiếp, bạn không nên đi tay không mà nên chuẩn bị theo bản portfolio in ấn riêng cho mình.

 

portfolio in ấn sẽ hỗ trợ bạn trong vài tình huống

 

7. Chụp ảnh sản phẩm thực tế

Nếu dự án của bạn đã đi vào thực tiễn hoạt động hay đã được in ấn, bạn nên có một vài bức chụp lại chúng. Người xem sẽ thấy rất thích thú và thấy gần gũi hơn là chỉ xem những bản demo trên máy tính.

 

chụp ảnh sản phẩm thực tế trên portfolio

 

8. Cân nhắc sử dụng các hiệu ứng trên các portfolio online.

Mặc dù các hiệu ứng đi kèm có thể giúp cho portfolio của bạn trở nên sinh động và lung linh hơn, nhưng nó cũng góp phần không nhỏ khiến website của bạn trở nên nặng nề, load chậm, ảnh hưởng tới trải nghiệm của người dùng. Tốt nhất là bạn nên giữ sự đơn giản, tiện dụng và gọn gàng, không khiến người xem bị phân tâm hay mất kiên nhẫn khi xem portfolio của mình. Do đó, hãy cân nhắc kĩ lưỡng trong việc sử dụng các hiệu ứng đi kèm nhé!

 

9. Thông tin của từng dự án.

Nếu chỉ đưa khơi khơi bản thiết kế, người xem đôi khi sẽ thấy khó hiểu. vì vậy, nên đưa các thông tin quan trọng lên các dự án để họ có thể hiểu hơn về quy trình thiết kế, mục tiêu, đề bài của khách hàng cũng như những người đã tham gia triển khai cùng bạn. Và cuối cùng cũng quan trọng nhất là bạn cũng nên đưa ra các đánh giá mức độ thành công của dự án nữa nhé.

 

thông tin chi tiết của từng dự án trên portfolio

 

10. Nên tham khảo ý kiến của những người đi trước

Bạn sẽ khó có thể nhìn ra điểm yếu trong portfolio của mình nên hãy tham khảo ý kiến của người khác, nhất là các bậc tiền bối đi trước bạn. Biết đâu có những dự án trông thật cũ kĩ và tẻ nhạt do bạn đã nhìn và mệt mỏi với chúng ngàn lần, nhưng lại gây ấn tượng mạnh với những người khác thì sao?

Tuy nhiên, 9 người 10 ý, bạn cũng đừng hỏi quá nhiều người sẽ khiến cho bạn trở nên rối trí trong việc xây dựng portfolio. Đây dẫu sao cũng là thành quả cá nhân mình, hãy khiến nó mang chính phong cách riêng của bạn mà không phải lo nghĩ quá nhiều nhé!

 

Một số mẫu portfolio nổi tiếng nhất thế giới hiện nay

Và dĩ nhiên, có lẽ đây là phần mà nhiều người rất mong chờ, là được xem qua các portfolio đẹp của những người khác. Một trong số họ là những chuyên gia nổi tiếng, có thể sẽ dẫn lối cho sự sáng tạo trong bạn đấy!

 

1. Mẫu portfolio thanh lịch của Peter Saville

Peter Saville là một giám đốc nghệ thuật và nhà thiết kế đồ họa người Anh nổi tiếng với nhiều thành tích kỉ lục. Năm 2010, ông đã thiết kế áo đấu cho đội bóng đá Anh. Portfolio của ông bao gồm các hình ảnh đại diện được liệt kê cẩn từ năm 1978 đến 2016. Bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa tân cổ điển và chủ nghĩa hậu hiện đại kiến ​​trúc, tác phẩm của ông đã được The Guardian mô tả là “sự thanh lịch không ngừng”.

 

 

2. Mẫu portfolio ấn tượng của Chip Kidd

Chip Kidd là một nhà thiết kế đồ họa người Mỹ nổi tiếng với các thiết kế bìa sách kinh điển của mình. Portfolio của Kidd tập hợp hơn 300 thiết kế bìa sách đẹp nhất của ông ở định dạng dễ truy cập. Kết hợp việc sử dụng một cách sáng tạo các kiểu chữ với hình ảnh gợi mở một cách hiện đại, có rất nhiều thứ bạn có thể học hỏi bằng cách xem qua các tác phẩm của bậc thầy này.

 

 

 

3. Mẫu portfolio đơn giản của Orhan Kuresevic

Là một designer tài năng người Na Uy, Orhan Kuresevic lựa chọn phong cách thiết kế portfolio đơn giản, nhưng các hình ảnh dọc kích cỡ lớn thể hiện cho từng dự án lại có thể tạo ấn tượng tối đa.

 

 

 

4. Mẫu portfolio đẹp của Elise Eskanazi

Là một nhà thiết kế – giám đốc nghệ thuật người Pháp, Elise Eskanazi sử dụng hình ảnh trang chủ của portfolio để đưa ra cái nhìn tổng thể về toàn bộ các dự án. Mỗi dự án đều có một hình ảnh full-size để thể hiện rõ hơn.

 

 

 

5. Mẫu portfolio thời trang, mỹ phẩm của Anjum Bhardwaj

Ngành công nghiệp trang điểm đang bùng nổ cho phép một loạt các cơ hội việc làm mới. Dưới đây là giao diện trang web portfolio đẹp mắt khác của Anjum Bhardwaj. Với hơn chín năm kinh nghiệm trong ngành làm đẹp, tác phẩm của Anjum đã được đăng trên nhiều tạp chí thời trang và phong cách sống hàng đầu.

 

 

 

6. Mẫu portfolio ảnh cưới của Matthew Ree

Đây là hình ảnh portfolio mẫu của nhiếp ảnh gia Matthew Ree chuyên chụp ảnh cưới phong cách hiện đại. Hình ảnh thực tế này đã thu hút được lượng đông đảo các khách hàng khác biết đến ông. Tác phẩm của ông đã được đăng trên các tạp chí và phương tiện truyền thông trên toàn thế giới.

 

 

 

7. Mẫu portfolio tuyệt vời của Ryan Booth

Được thiết kế theo dạng các danh mục, trang chủ portfolio của Ryan Booth đã liệt kê các đối tác và giải thưởng mà ông đạt được. Định dạng này giúp cho người xem biết về thông tin dự án thiết kế trước, sau đó mới tìm hiểu về các bản vẽ cụ thể mà Ryan Booth đã thực hiện.

 

 

 

8. Mẫu portfolio tinh nghịch của Mark Wheeler

Mark Wheeler là một Giám đốc nghệ thuật tại Microsoft. Portfolio của ông được thiết kế với phong cách vô cùng gần gũi và trẻ trung, với phần đầu giới thiệu bản thân một cách thân thiện.

 

 

 

9. Mẫu portfolio sang trọng của Sergey Shapiro

Sergey Shapiro là một nghệ sĩ viết thư pháp được áp dụng trong nhiều lĩnh vực thiết kế đồ họa. Chúng bao gồm thiết kế logo, bao bì, bộ nhận diện và nhiều hơn nữa. Sergey có làm việc tại Moscow, Nga và có nhiều đối tác, khách hàng khác nhau trên khắp thế giới.

 

 

 

 

10. Mẫu portfolio phóng khoáng của Chris Sandlin

Công việc chính của Chris Sandlin là một nhà thiết kế đồ họa hàng đầu còn nghề phụ là một họa sĩ minh họa tự do dưới biệt danh SockMonkee. Anh hiện đang sống ở Woodstock, Georgia. Portfolio của anh vì thế mà cũng mang nhiều cảm hứng sáng tạo tự do cũng như bay bổng.

 

 

 

 

11. Mẫu portfolio gam màu pastel của Camellie

Cami là một nữ họa sĩ tự do vẽ tranh minh họa. Trang web portfolio của cô mang gam màu pastel nhẹ nhàng và nữ tính nhưng không kém phần hiện đại.

 

 

 

12. Mẫu portfolio cổ điển của Nina Butkovich-Budden

Nina Butkovich-Budden là một nhà tạo mẫu tóc nổi tiếng với hơn 18 năm kinh nghiệm, tạo ra kiểu tóc tuyệt đẹp cho các ngành phim ảnh, sân khấu, quảng cáo và thời trang. Năm 2005, cô thành lập salon tóc và trang điểm cổ điển đầu tiên của London, Anh. Portfolio vì thế mà mang phong cách sáng tác này của cô, được các tạp chí thời trang hàng đầu khen ngợi.

 

 

 

Một số portfolio đẹp của Việt Nam

Dưới đây là một số mẫu portfolio đặc sắc nhất đến từ các Art Director, Creative Director, Agency hàng đầu trong ngành công nghiệp thiết kế sáng tạo đạt được những giải thưởng lớn trong nước. hãy cùng điểm qua những mẫu ấn tượng nhất nhé!

 

Một phần thiết kế portfolio của NTK Nguyễn Bảo Hoài

 

 

Một phần thiết kế portfolio tinh tế của NTK Nguyễn Đức Sơn

 

 

Một phần thiết kế portfolio ấn tượng của NTK Nguyễn Vũ Xuân Sanh

 

 

Một phần thiết kế portfolio đơn giản của NTK Phan Nhật Minh

 

 

Một phần thiết kế portfolio tươi vui của NTK Lê Duy Nghĩa

 

 

Một phần thiết kế food portfolio của NTK Nguyễn Uyển Ngọc

 

 

Một phần thiết kế portfolio sinh động của NTK Trần Trung Dũng

 

 

Một phần thiết kế portfolio màu sắc kí ức của NTK Monkey Minh

 

 

Một phần thiết kế portfolio hiện đại của NTK Lê Anh Tùng (Tùng Shark)

 

 

Phần đầu trang chủ portfolio của kiến trúc sư Dzung Yoko

 

Trên đây là một số cách cũng như tips cho bạn tạo ấn tượng với người xem thông qua portfolio của mình. Nếu thấy thích những mẫu trên, hãy lấy cảm hứng từ đó mà nhanh chóng tạo dựng cho mình mẫu portfolio riêng, mang đậm cá tính riêng của mình.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *