Trĩ là do thiếu collagen mô đệm ống hậu môn làm mất tính chất đàn hồi gây ra giãn mạch máu và dây chằng treo trĩ. Một số yếu tố như táo bón, ngồi lâu, có thai, rặn nhiều… là những yếu tố thuận lợi chứ không phải là nguyên nhân gây ra bệnh trĩ. Trĩ được phân loại thành các loại như trĩ nội – ngoại – hỗn hợp. Bệnh trĩ có thể đi kèm da thừa, nứt, u nhú hậu môn.
Chữa bệnh trĩ bằng các phương pháp phẫu thuật, các thủ thuật, dùng thuốc điều trị hoặc áp dụng các bài thuốc cổ truyền đều khả thi, tùy thuộc loại trĩ, nguyên nhân, yếu tố đi kèm, bệnh kèm theo… và mức độ nặng, nhẹ mà người bệnh đang gặp phải.
Theo nghiên cứu của Hội Hậu môn trực tràng học Việt Nam, bệnh trĩ chiếm tỷ lệ 35-50% các ca bệnh về đại trực tràng nước ta. Mặc dù không phải là tình trạng ác tính nhưng trĩ lại ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh do khối trĩ gây ra cảm giác ngứa rát, đau đớn vùng hậu môn, nhất là khi đại tiện. Một số biến chứng nặng nề của bệnh trĩ như hoại tử búi trĩ có thể gây nhiễm trùng máu, đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Mặc dù bệnh trĩ rất phổ biến và dễ mắc phải nhưng thật may hiện nay, sự tiến bộ của y học đã mang đến nhiều giải pháp điều trị hiệu quả cho người bệnh. Người bệnh có thể lựa chọn hoặc được chỉ định điều trị bệnh trĩ bằng các phương pháp phẫu thuật như Longo, doppler; các thủ thuật như thắt dây chun, tiêm xơ, đốt laser, quang đông hồng ngoại (HCPT), dùng thuốc thoa tại chỗ, uống thuốc hoặc điều trị bằng các bài thuốc cổ truyền tại nhà. – ThS.BS Nguyễn Văn Hậu – Trung tâm Nội soi & Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, BVĐK Tâm Anh cho biết.
Nguyên tắc khi chữa bệnh trĩ
● Thay đổi lối sống, ngồi gối nệm khoét lỗ, thực hiện các bài tập hậu môn và áp dụng chế độ ăn uống, bổ sung thực phẩm giàu Collagen, chất xơ, vitamin… là những cơ sở chính trong điều trị nội khoa bảo tồn bệnh trĩ.
● Phương pháp phẫu thuật được áp dụng cho các bệnh nhân trĩ cấp độ IV có triệu chứng; người đã thắt nghẹt trĩ nội; bệnh trĩ cấp độ III có triệu chứng; bệnh nhân mắc bệnh trĩ huyết khối.
● Đối với những bệnh nhân xuất hiện trĩ ngoại do huyết khối, việc đánh giá và can thiệp phẫu thuật trong vòng 72 giờ sau khi huyết khối xuất hiện có thể giúp giảm đáng kể tình trạng sưng, đau. Bởi vì tình trạng đau và phù nề ở trĩ ngoại do huyết khối thường đạt đỉnh điểm sau 48 giờ.
● Việc cắt bỏ búi trĩ huyết khối cần được tiêm thuốc gây tê cục bộ.
Phương pháp điều trị nội khoa
1. Bổ sung chất xơ
Đây là cách chữa bệnh trĩ đơn giản nhưng cần kết hợp với các phương pháp điều trị khác mới mang đến hiệu quả cao. Các khuyến nghị về chế độ ăn uống để góp phần điều trị bệnh trĩ bao gồm việc tăng lượng chất xơ hoặc chất bổ sung chất xơ như psyllium NIH liên kết ngoài (Metamucil) hoặc methylcellulose (Citrucel) để làm giảm tác động của việc thải phân cứng.
Nghiên cứu chỉ ra rằng việc bổ sung 7-20g chất xơ mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ xuất huyết và các triệu chứng dai dẳng của bệnh trĩ đến 50%. Tuy nhiên lượng chất xơ không giúp cải thiện các triệu chứng sa, đau và ngứa. Lưu ý có 2 loại chất xơ: Chất xơ tan như chuối, nước ép trái cây và chất xơ không tan (cellulose) như rau, phần xác của các loại nước ép trái cây… Vì vậy, khi bổ sung chất xơ thì người bệnh cần bổ sung cả chất xơ tan và chất xơ không tan. Theo đó, người bệnh nên:
● Bổ sung thực phẩm giàu Collagen như cá hồi, cá ngừ
● Tránh đồ ăn cay, nóng
● Tránh căng thẳng
● Tập các bài tập đại tiện
● Ngồi gối nệm khoét lỗ nếu làm các nghề phải ngồi lâu như tài xế xe đường dài, IT, thư ký văn phòng
2. Làm giảm đau
Cách trị bệnh trĩ đơn giản nhất là dùng nước muối ưu trương, cho vào ngăn đá tủ lạnh, làm thành cục nước đá rồi chườm chỗ đau hậu môn do trĩ. Bạn cũng có thể ngồi trong bồn nước ấm vài lần một ngày để giúp giảm đau do trĩ.
3. Dùng thuốc
Các loại thuốc gây tê cục bộ như corticosteroid hoặc thuốc loãng viêm có thể giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh trĩ. Bên cạnh đó các loại thuốc bôi glyceryl trinitrate 0,2% cũng có tác dụng làm giảm bệnh trĩ cấp I hoặc II. Người bệnh cũng có thể dùng thuốc Prep-H (Pfizer Incorporated, Kings Mountain, NC) giúp giảm tạm thời các triệu chứng cấp tính của bệnh trĩ như chảy máu và đau khi đi đại tiện. (2)
Đối với người có thai, Đơn vị Hậu môn – trực tràng, thuộc Trung tâm Nội soi & Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, BVĐK Tâm Anh áp dụng các phương pháp hạn chế dùng thuốc cũng như không phẫu thuật để giảm ảnh hưởng đến thai nhi, ví dụ:
- Dùng thuốc đặt (các loại không ảnh hưởng đến thai nhi)
- Thuốc bôi tại chỗ (các loại không ảnh hưởng đến thai nhi)
- Mềm phân không hấp thu
- Chất xơ (tan và không tan)
- Dụng cụ làm lạnh Cryotherapy (HemiHelp)
- Diếp cá đông dược
- Chiếu Plasma lạnh
Đối với trường hợp trẻ em, các bác sĩ tại Trung tâm sẽ sử dụng một số phương pháp điều trị trĩ như sau:
- Thuốc đặt
- Thuốc bôi tại chỗ
- Mềm phân không hấp thu
- Chất xơ (tan và không tan)
- Chiếu Plasma lạnh
- Hướng dẫn chế độ ăn
- Hướng dẫn các bài tập hậu môn, các cung phản xạ đại tiện, điện giao thoa…
Phương pháp điều trị ngoại khoa
1. Can thiệp thủ thuật
● Thắt dây chun: Thắt dây chun là một thủ thuật an toàn, nhanh chóng và hiệu quả cho bệnh trĩ nội cấp độ II và III. Bác sĩ sẽ thắt một dải cao su đặc biệt quanh gốc trĩ để cắt nguồn cung cấp máu. Phần dải của búi trĩ sẽ bị co lại và rụng đi trong vòng một tuần. Thủ thuật này chống chỉ định đối với bệnh ngoại khoa có triệu chứng; bệnh nhân bị rối loạn đông máu hoặc đang điều trị kháng đông mãn tính (do nguy cơ xuất huyết muộn); bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch. Thủ thuật thắt dây chun không cần gây tê cục bộ.(1)
● Liệu pháp xơ hóa (Tiêm xơ): Liệu pháp xơ hóa được chỉ định cho những bệnh nhân trĩ nội độ I và II và cũng có thể là một lựa chọn tốt cho người đang điều trị bằng thuốc chống đông máu. Liệu pháp xơ hóa không cần gây tê tại chỗ và được thực hiện qua ống soi. Các búi trĩ nội được định vị và tiêm chất làm mềm, thường là dung dịch phenol trong dầu thực vật vào lớp dưới niêm mạc. Chất xơ cứng sau đó gây ra xơ hóa để cố định ống hậu môn và cuối cùng làm tiêu biến mô trĩ. Các biến chứng của liệu pháp xơ hóa có thể gây khó chịu hoặc chảy máu nhẹ nhưng rất hiếm khi xảy ra rò hoặc thủng trực tràng do tiêm nhầm chỗ. Tiêm xơ trĩ nội soi là một nét riêng của BVĐK Tâm Anh với ưu điểm rất ít đau, chỉ cần tiêm 1 lần, thời gian nằm viện rất ngắn, về trong ngày, phục hồi nhanh, chi phí điều trị thấp; ưu điểm trong các trường trĩ xuất huyết, trĩ không sa nhiều, trĩ không quá to, trĩ có bệnh nền phải dùng thuốc chống đông, tim mạch, tai biến, tiểu đường…
● Quang đông hồng ngoại (HCPT) (Đông máu hồng ngoại): Đông máu bằng tia hồng ngoại là phương pháp áp dụng trực tiếp sóng ánh sáng hồng ngoại vào các mô trĩ để triệt tiêu chúng. Phương pháp này có thể được sử dụng cho bệnh trĩ nội độ I và II. Để thực hiện thủ thuật này, đầu của dụng cụ làm đông máu hồng ngoại thường được chiếu vào gốc của búi trĩ khoảng 2 giây, với 3-5 lần điều trị cho mỗi búi trĩ. Thuốc bôi làm hoại tử búi trĩ sẽ chuyển đổi sóng ánh sáng hồng ngoại thành nhiệt. Theo thời gian, niêm mạc bị tổn thương sẽ tạo thành sẹo, dẫn đến niêm mạc trĩ bị sa ra ngoài. Thủ thuật này rất an toàn, chỉ gây đau và chảy máu nhẹ.
● Đốt laser: Đốt laser là một thủ tục ngoại trú dành cho hầu hết bệnh nhân trĩ cấp độ I, cấp độ II và cấp độ III. Búi trĩ được đốt teo hoặc cắt bỏ bằng cách sử dụng carbon dioxide hoặc Nd Yag Laser. Chùm tia Laser loại bỏ các mô trĩ một cách chính xác, nhanh chóng, không gây đau. Liệu pháp Laser có thể được sử dụng một mình hoặc kết hợp với các phương thức khác.
2. Can thiệp phẫu thuật
● Phẫu thuật kinh điển (mổ mở): Phương pháp mổ mở thường được áp dụng cho bệnh trĩ cấp tính nặng, gây phù nề và hoại tử, ngăn cản sự đóng niêm mạc. Khi áp dụng phương pháp này, người bệnh cần được tiêm thuốc gây tê cục bộ chứa epinephrine để giúp cầm máu và sưng tấy. Phương pháp mổ mở có thể gây đau trong vài tuần sau phẫu thuật.
● Phẫu thuật khâu treo triệt mạch trĩ theo phương pháp Longo: Thủ thuật này còn được gọi là phẫu thuật cắt niêm mạc theo chu vi hoặc thủ thuật sa và trĩ (PPH). Phương pháp Longo là dùng ghim bấm để thực hiện cùng lúc việc cắt và khâu nối để cố định các mô trĩ bên trong vào thành trực tràng. Phương pháp này ít gây đau, rút ngắn thời gian phẫu thuật, mau phục hồi, giảm nguy cơ tái phát. Tuy nhiên, phương pháp Longo có thể gây ra các biến chứng như chảy máu từ dây ghim, không kiểm soát được chấn thương cơ thắt; nguy cơ xuất hiện lỗ rò âm đạo lại ở phụ nữ. Để tránh nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật Longo đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật phải có tay nghề cao và giàu kinh nghiệm.
● Phẫu thuật khâu triệt mạch trĩ dưới hướng dẫn của siêu âm Doppler (THD): Phương pháp này sử dụng đầu dò Doppler để xác định sáu động mạch nuôi chính trong ống hậu môn. Sau đó, bác sĩ sẽ thắt các động mạch này bằng chỉ khâu có thể hấp thụ và ống soi chuyên dụng để cắt các động mạch thừa niêm mạc trĩ. Phương pháp này ít gây đau, giảm chảy máu và sa mô.
● Cắt trĩ dưới niêm mạc (thủ thuật Parks): Thủ thuật này được phát triển vào những năm 1950 bởi bác sĩ Parks. Phương pháp này được thực hiện dưới gây tê toàn thân hoặc ngoài màng cứng và được chỉ định cho bệnh trĩ cấp độ II đến cấp độ IV. Thủ thuật Parks an toàn và có tỷ lệ biến chứng cũng như tái phát thấp.(3)
Tại bệnh viện Tâm Anh, các bác sĩ áp dụng phẫu thuật trĩ ít đau, bằng cách:
- Chọn đúng phương pháp mổ cho từng loại trĩ (Longo, cắt trĩ, laser, siêu âm THD…)
- Dùng dao PLASMABLADE lạnh ít bỏng, ít đau, mau lành
- Kế hoạch chi tiết chăm sóc vết thương hậu môn sau mổ cho từng người bệnh
Những lưu ý sau khi điều trị trĩ
1. Sau khi phẫu thuật trĩ nên ăn gì?
Trong vài ngày đầu tiên sau phẫu thuật, người bệnh nên ăn theo chế độ ít dư lượng với các loại ngũ cốc nguyên hạt, rau lá xanh và trái cây; Ăn thức ăn lỏng như súp, nước trái cây, phở gà để ngăn ngừa tình trạng buồn nôn, nôn mửa và táo bón; Tránh các thực phẩm gây táo bón như các sản phẩm từ sữa, thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn như bánh pizza, đồ đông lạnh, mì ống và các sản phẩm đường như bánh ngọt, bánh nướng, bánh rán và đồ uống có chứa caffeine. Sau khi phục hồi, người bệnh nên duy trì chế độ ăn giàu chất xơ và uống đủ 2 lít nước mỗi ngày – Bác sĩ Hậu khuyên.
Thực đơn hàng ngày cho người bệnh trĩ, cần có chế độ ăn uống thế nào để phòng ngừa cũng như giúp cải thiện bệnh cho người bị trĩ.
2. Làm gì để phòng ngừa bệnh trĩ tái phát sau khi điều trị?
● Tăng cường chất xơ: Để ngăn ngừa trĩ tái phát trở lại, người bệnh cần kiểm soát chế độ ăn uống bằng cách uống đủ 2 lít nước mỗi ngày; tăng lượng chất xơ để thúc đẩy nhu động ruột khỏe mạnh và đều đặn, đồng thời giảm táo bón, tiêu chảy. Các thực phẩm giàu chất xơ tốt cho việc ngăn ngừa trĩ tái phát như rau sống, ngũ cốc nguyên hạt, cám lúa mì, các loại trái cây và các loại đậu…
● Quản lý cân nặng ở mức hợp lý: Bệnh béo phì là một yếu tố góp phần gây ra bệnh trĩ vì có sự gia tăng áp lực đặt lên các tĩnh mạch của trực tràng, hậu môn, dẫn đến sưng và viêm. Do đó, người bệnh cần quản lý cân nặng ở mức hợp lý để ngăn ngừa trĩ tái phát.
● Không rặn, ngồi lâu khi đại tiện: Rặn quá mức là một nguyên nhân gây ra bệnh trĩ hoặc làm bệnh tái phát. Bên cạnh đó, việc ngồi bồn cầu quá lâu cũng làm tăng áp lực lên trực tràng và hậu môn gây nguy cơ tái phát bệnh trĩ.
Các thắc mắc về chữa trị bệnh trĩ
1. Bệnh trĩ có chữa dứt điểm được không?
Bệnh trĩ có thể chữa dứt điểm nhưng cũng dễ tái phát. Do đó, sau khi điều trị trĩ dứt điểm, người bệnh cần chú ý tới các biện pháp phòng ngừa nguy cơ tái phát trĩ như đã nêu ở phần trên.
2. Phẫu thuật bệnh trĩ hết bao nhiêu tiền?
Chi phí phẫu thuật trĩ hết bao nhiêu tùy thuộc vào loại phẫu thuật mà bạn được chỉ định, đồng thời phụ thuộc vào nơi bạn chọn làm phẫu thuật. Do đó, muốn biết chi tiết phẫu thuật bệnh trĩ hết bao nhiêu tiền, bạn nên hỏi trực tiếp nơi mà mình muốn đăng ký dịch vụ.
3. Chữa bệnh trĩ không cần phẫu thuật có hiệu quả không?
Tùy thuộc vào loại trĩ và mức độ trĩ mà việc điều trị bằng phẫu thuật hay không phẫu thuật có hiệu quả hay không.
Ví dụ, đối với trĩ nội độ I và II thì việc điều trị bằng thủ thuật xơ hóa sẽ mang đến hiệu quả cao mà không cần phải phẫu thuật; Đối với bệnh trĩ cấp tính nặng, gây phù nề và hoại tử thì cần phải phẫu thuật vì các thủ thuật không mang lại hiệu quả cao.
4. Chữa bệnh trĩ mất bao lâu?
Thời gian điều trị bệnh trĩ dài hay ngắn tùy thuộc và loại trĩ, mức độ cũng như phương pháp điều trị. Đối với hầu hết các loại thủ thuật và phẫu thuật trĩ thì chỉ sau khi làm thủ thuật loại bỏ trĩ xong là bệnh được chữa khỏi và người bệnh cần 1-2 tuần sau phẫu thuật để phục hồi, sinh hoạt bình thường. Đối với việc điều trị bằng thuốc bôi hoặc bài thuốc cổ truyền thì thời gian khỏi bệnh có thể kéo dài từ nửa năm đến vài năm.
5. Bác sĩ chữa bệnh trĩ giỏi Tphcm là ai?
Bác sĩ Nguyễn Văn Hậu là chuyên gia đầu ngành về Hậu môn, trực tràng với hơn 30 năm kinh nghiệm, đã điều trị thành công cho hàng ngàn bệnh nhân trong nước. Bác sĩ Hậu từng nhận nhiều bằng cấp, chứng chỉ, giải thưởng trong và ngoài nước, cũng như có nhiều công trình nghiên cứu nổi tiếng được đăng tải trên các tạp chí y khoa của Việt Nam và nước ngoài. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đang được biết đến là đơn vị chữa bệnh trĩ đáng tin cậy hàng đầu hiện nay dưới sự thực hiện của Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Hậu.
6. Khám và điều trị cắt trĩ ở bệnh viện nào tốt?
Ngày nay, việc thăm khám trĩ đã trở nên dễ dàng và nhiều lựa chọn hơn cho người bệnh do sự xuất hiện của nhiều phòng khám và bệnh viện. Nhưng bạn nên tìm đến các địa chỉ uy tín để thăm khám hoặc/và điều trị nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả cao, phục hồi nhanh và ít nguy cơ biến chứng. Hoặc nếu có biến chứng xảy ra, bạn cũng được hỗ trợ xử lý kịp thời để tránh rủi ro.
Bệnh viện Tâm Anh là đơn vị thăm khám và điều trị các bệnh về tiêu hóa uy tín, trong đó có phẫu thuật cắt trĩ. Khách hàng sẽ được các bác sĩ chuyên khoa Hậu môn – Trực tràng nhiều năm kinh nghiệm thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị trĩ phù hợp, hướng dẫn cách ăn uống sinh hoạt dành riêng cho người bệnh trĩ, các bài tập hậu môn, chăm sóc vết thương hậu môn dành cho người phẫu thuật và các phương pháp hạn chế tái phát trĩ. Đặc biệt, đơn vị Hậu môn – Trực tràng thuộc Trung tâm Nội soi & Phẫu thuật nội soi tiêu hóa cũng thực hiện điều trị trĩ cho các đối tượng đặc biệt như trẻ em và phụ nữ có thai bằng các phương pháp riêng.