Theo lời Phật dạy, thì trong 10 nghiệp lớn của con người, thì khẩu nghiệp (tức nghiệp về lời nói) là một trong những nghiệp nặng nhất. Lời nói không phải là đao kiếm nhưng lại có tính sát thương vô cùng lớn, đôi khi chỉ vì lời nói làm tan nát cả một gia đình, khiến vợ chồng ly tán, con cái thống khổ. Lắng nghe 5 lời Phật dạy về khẩu nghiệp dưới đây để tránh, ấy chính là cái đạo của người con Phật vậy.
1. KHẨU NGHIỆP LÀ GÌ
Khẩu nghiệp là nghiệp do lời nói gây ra. Trong 10 nghiệp (nguyên khởi tạo quả báo) lớn của con người, có đến 4 nghiệp xuất phát từ miệng: chuyện không nói có, chuyện có nói không; nói lời hung ác; nói lưỡi đôi chiều; nói lời thêu dệt.
Ngoài ra, phàm phu tục tử trên thế gian này còn tự mình tạo ra những khẩu nghiệp cho mình, thông qua các hành vi ứng xử hằng ngày: chú trọng ăn uống, phê bình chê bai, rêu rao bắt lỗi người khác…. Lời Phật dạy về khẩu nghiệp cũng chỉ ra rằng, trong cuộc sống chúng ta nên tránh xa 4 hạng người: kẻ hay đổ lỗi, kẻ nói chuyện mê tín, khẩu phật tâm xà, kẻ làm ít kể nhiều.
Người xưa có câu: bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra. Quả vậy, nghiệp báo từ những lời chúng ta nói là có thật. Vết thương trên thân thể theo thời gian có thể lành lại, nhưng vết thương từ lời nói có thể in mãi trong lòng, thấu tận tâm can. Lời nói là vô hình, mà tự xưa nay đã gây nên bao nụ cười và nước mắt. Lời nói làm tổn thương người khác, còn nghiêm trọng hơn cả giết người, quả báo kiếp sau ắt sẽ vô cùng khủng khiếp.
2. 5 LỜI PHẬT DẠY VỀ KHẨU NGHIỆP CẦN GHI NHỚ
– Vọng ngữ (nói dối)
Phật giáo coi trọng sự thật và điều thật. Chính vì vậy mà nói dối là một trong những tội nghiệp nặng nhất. Nói dối lâu ngày sẽ thành thói quen, nghiệp báo nặng nề: người gặp thì đề phòng, bạn bè thì lánh xa, nhân duyên vụt mất, phước lành tu tập không còn. Nhiều người tu tập cả đời, nhưng lại nói dối (dù là ý tốt hay xấu) thì cũng bằng không.
– Thiển ngữ (lời lẽ thô thiển)
Phật dạy về khẩu nghiệp chỉ cho chúng ta thấy rằng, người nào hay dùng lời lẽ đả kích người khác ấy chính là ác nhân. Ai trên đời cũng có lòng tự trọng, đừng vì chút háo thắng của bản thân mà buông lời sỉ nhục người khác. Tôn trọng người cũng chính là tôn trọng mình vậy. Bằng không, phước báo của bản thân cũng sẽ mất dần.
Dân gian có câu: Khẩu xà tâm phật, điều này không đúng. Người con Phật không bao giờ nên dùng những lời lẽ thô thiển để nói chuyện hay ứng xử với người. Ví dụ như khi con trẻ làm sai, thay vì quát mắng hãy chỉ dẫn, khi nhân viên làm chưa đạt, thay vì chửi bới hạ thấp khả năng của người đó, hãy bảo ban khuyến khích. Thốt ra lời thô tục cũng là khiến bản thân mình bị hạ thấp, tổn phước và tạo nghiệp cho mai sau mà thôi.
– Ba phải (nói hai lời)
Ba phải là lúc thế này khi lại thế khác, gió chiều nào xuôi theo chiều đó, là một cách châm ngòi ly gián khiến người khác bất hòa. Loại người ba phải vô cùng nguy hiểm, có thể dùng lời lẽ để hại người, là tạo nên nghiệp ác nặng nề cho bản thân.
– Xảo ngữ (lời lẽ khiêu khích)
Phàm ở đời, nếu không thể giúp được, thì cũng không nên hại người. Thế nhưng những người xảo ngữ rất hay dùng lời lẽ khích bác để gợi lên lòng tham sân si của người khác. Miệng cười cười nói nói mà bụng dạ sâu xa chỉ muốn họ làm điều tổn hại đến người khác, ấy là tạo nghiệp ác không gì cứu vãn nổi.
Đời sống hằng ngày chúng ta có thể thấy được rất nhiều kẻ dùng lời khiêu khích, trong bàn nhậu thì khích bác bạn nhậu sợ vợ, để vợ chồng họ bất hòa ly tán, trong gia đình thì khích bác anh em, dẫn đến cả họ bất hòa. Trong công việc thì khích bác đồng nghiệp, bên ngoài là tạo sự tranh đua, bên trong là ly gián mâu thuẫn. Nhiều người gây nên tội lỗi cũng từ những xảo ngữ mà ra, tỉnh mộng rồi mới thấy mình u muội, mọi thứ đã muộn màng. Bởi thế theo lời Phật dạy, lời nói không lưỡi mà sắc hơn dao là vậy.
– Lời Phật dạy về khẩu nghiệp
Gieo nhân nào gặt quả ấy, trời xanh tự khắc đã có an bài công bằng cho tất cả. Đừng vì khẩu nghiệp mà cản đường duyên lành của mình, khiến kiếp sau phải sống trong khổ ải trùng trùng, kiếp này bị người đời xua đuổi. Người con theo Phật mà không tu cái miệng, thì đạo tràng không được thanh tịnh, thị phi không ngừng, nghiệp lực sẽ đưa ta xuống ác đạo, dù có làm trăm nghìn điều thiện mà tâm vẫn không thanh bạch, thì nghiệp tu nghìn đời cũng phút chốc vụt bay.
- Xem thêm lời phật dạy về lòng tham
3. CÁCH TRÁNH KHẨU NGHIỆP THEO LỜI PHẬT DẠY
Phật dạy: “tu tại tâm không bằng tu tại miệng”. Đơn giản là, khẩu nghiệp không phải tự dưng mà hình thành. Nó là sự dung hòa của Thân, Tâm, Ý, khiến lời nói phát ra từ miệng. Tự mỗi người đều có thể tự điều chỉnh hành vi của mình để tránh khẩu nghiệp. Người thiện lương nói lời hay ý đẹp tất yếu cuộc sống được vui vẻ, được mọi người trọng vọng. Nhược bằng kẻ ăn không nói có, tự trong lòng đã thấy bất an, người đời biết được sẽ lánh xa nguyền rủa, tiếng xấu còn lan truyền mãi mai sau.
Để tránh họa từ miệng, cùng tu tập theo lời Phật dạy về khẩu nghiệp, thông qua những hành vi dưới đây:
- Không phán xét ai nếu chỉ nhìn vào vẻ bề ngoài
- Không nên đánh giá tính cách, phẩm hạnh của người khác
- Không nên đánh giá về hoàn cảnh, gia đình người khác
- Không đánh giá học thức của người khác
- Không nên đánh giá bất cứ ai
- Không kiêu ngạo, tự đắc về bản thân mình với người khác
- Không phô trương, khoe khoang
- Tuyệt đối không nói những lời làm tổn thương người khác.
Ngoài ra, tiếp xúc và thực hành giáo lý Phật pháp, đọc những câu châm ngôn hay về khẩu nghiệp, hành thiện tích đức, cúng dường phước điền…cũng là những cách giúp thân khỏe tâm an, tự mình tránh xa khẩu nghiệp và đời đời tạo được mối duyên lành trong cõi ba sinh.