Ngôn ngữ nghệ thuật là ngôn ngữ chủ yếu dùng trong các tác phẩm văn chương, không chỉ có chức năng thông tin mà còn thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ của con người. Vậy phong cách ngôn ngữ nghệ thuật là gì? Khách hàng quan tâm phong cách ngôn ngữ vui lòng theo dõi nội dung bài viết dưới đây để có thêm thông tin chi tiết.
Ngôn ngữ nghệ thuật là gì?
– Ngôn ngữ nghệ thuật là ngôn ngữ chủ yếu dùng trong các tác phẩm văn chương, không chỉ có chức năng thông tin mà còn thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ của con người. Nó là ngôn ngữ được tổ chức, sắp xếp, lựa chọn, gọt giũa, tinh luyện từ ngôn ngữ thông thường và đạt được giá trị nghệ thuật – thẩm mĩ.
– Chức năng của ngôn ngữ nghệ thuật: chức năng thông tin & chức năng thẩm mĩ.
– Phạm vi sử dụng:
+ Dùng trong văn bản nghệ thuật: Ngôn ngữ tự sự (truyện ngắn, tiểu thuyết, phê bình, hồi kí…); Ngôn ngữ trữ tình (ca dao, vè, thơ…); Ngôn ngữ sân khấu (kịch, chèo, tuồng…)
+ Ngoài ra ngôn ngữ nghệ thuật còn tồn tại trong văn bản chính luận, báo chí, lời nói hằng ngày…
Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật là gì?
Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật là phong cách được phân biệt bởi chức năng thẩm mĩ, thể hiện ở ba đặc trưng cơ bản: tính hình tượng, tính truyền cảm và tính cá thể hoá.
Đặc trưng của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật
– Tính hình tượng
Đây là một trong những đặc trưng cơ bản của ngôn ngữ nghệ thuật. Để tạo ra hình tượng ngôn ngữ, người viết thường dùng rất nhiều các biện pháp tu từ, như: so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, liệt kê, thậm xưng,… Tính hình tượng giúp cho cách diễn đạt trong phong cách ngôn ngữ nghệ thuật cụ thể, sinh động, hàm súc và gợi cảm hơn. Như vậy, tính hình tượng của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật là khái niệm chỉ ra cách diễn đạt cụ thể, hàm súc và gợi cảm trong một ngữ cảnh hay văn cảnh nhất định.
Có thể nói rằng, trong tác phẩm văn chương, chính tính hình tượng tạo ra tính đa nghĩa của ngôn từ nghệ thuật. Đó là trường hợp một từ ngữ, một câu văn, một hình ảnh hoặc toàn bộ văn bản nghệ thuật có khả năng gợi ra nhiều nghĩa, nhiều tầng nghĩa khác nhau. Đồng thời, tính đa nghĩa của ngôn ngữ nghệ thuật cũng quan hệ mật thiết với tính hàm súc, tức là khả năng khơi gợi những ý tứ sâu xa, rộng lớn trên cơ sở một lượng ngôn từ rất ít.
– Tính truyền cảm
Trong ngôn ngữ nghệ thuật, người viết (người nói) sử dụng ngôn ngữ không chỉ để diễn đạt cảm xúc của mình mà còn làm cho người nghe, người đọc cũng vui buồn, tức giận, căm ghét, yêu thương, đau khổ,… như người nói (người viết). Như thế, tính truyền cảm trong ngôn ngữ nghệ thuật thể hiện ở chỗ, người viết (người nói) làm cho người nghe (người đọc) nảy sinh những cảm xúc như chính bản thân mình. Năng lực gợi cảm của ngôn ngữ nghệ thuật sở dĩ có được là nhờ sự lựa chọn ngôn ngữ để miêu tả, bình giá đối tượng (trong truyện và kịch) và tâm trạng chủ quan (trong thơ trữ tình).
– Tính cá thể hoá
Tính cá thể hoá trong lời nói vốn là một dấu hiệu mang tính tự nhiên của con người (ở giọng nói, cách nói,…) để ta có thể dễ dàng phân biệt người này với người khác. Ngôn ngữ, vì thế, dẫu là phương tiện giao tiếp chung của cả cộng đồng nhưng khi được đem vào sử dụng nó lại có khả năng thể hiện một giọng điệu riêng, một phong cách riêng của từng tác giả.
Tính cá thể hoá của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật chính là khái niệm dùng để chỉ việc sử dụng ngôn ngữ chung để tạo ra một phong cách riêng không nhầm lẫn với người khác, thể loại khác. Tính cá thể hoá trong mỗi tác phẩm hay trong từng tác giả được xem xét ở nhiều khía cạnh phong phú: từ cách dùng từ, đặt câu, đến việc tạo ra những nét riêng trong lời nói của các nhân vật; từ cách miêu tả các hình ảnh nghệ thuật đến những nét riêng trong cách diễn đạt ở từng tình huống, từng sự việc trong tác phẩm,… Tính cá thể hoá chính là cách tạo cho ngôn ngữ nghệ thuật những sáng tạo mới và tránh trùng lặp sáo mòn, nhàm chán.
Lưu ý: Trong ba đặc trưng (tính hình tượng, tính truyền cảm, tính cá thể hoá) của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật, đặc trưng tính hình tượng được xem là tiêu biểu nhất, vì:
– Nó vừa là phương tiện, lại vừa là mục đích sáng tạo nghệ thuật.
– Các đặc trưng còn lại ít nhiều cũng được sinh ra từ tính hình tượng (trong mỗi hình tượng ngôn ngữ đã có những yếu tố gây cảm xúc và truyền cảm; thứ nữa, cách lựa chọn từ ngữ, cách xây dựng những hình tượng nghệ thuật đều đã tự thể hiện những nét cá tính sáng tạo nghệ thuật riêng của mỗi nhà văn ).
Ví dụ phong cách ngôn ngữ nghệ thuật
– Khi so sánh Ngô Tất Tố và Nam cao, tuy cùng viết về người nông dân với tình cảnh khốn khổ nhưng đọc văn của 2 người, ta sẽ không thấy có gì giống nhau về giọng điệu, về ngôn ngữ miêu tả.
– Hoặc một ví dụ khác cụ thể hơn là Văn của Vũ Trọng Phụng và Thạch Lam, đều là những nhà văn nổi tiếng trước 1945, sống trong cùng một thời kì nhưng với Vũ Trọng Phụng lại là cách miêu tả theo kiểu châm biếm, mỉa mai còn đối với Thạch Lam, ông đi tìm cái đẹp bình dị trong cuộc sống với những ngôn từ giản dị, nhẹ nhàng, bay bổng, đậm chất lãng mạn.
– Tính hình tượng của ngôn ngữ nghệ thuật thường được tạo ra bởi rất nhiều những phương tiện tu từ, nhưng phổ biến và hiệu quả nhất vẫn là các biện pháp như: ẩn dụ, hoán dụ, tượng trưng, nhân hoá, thậm xưng,… và đặc biệt là cách nói hàm ẩn trong những ngữ cảnh tu từ.
Ví dụ: Biện pháp nhân hoá:
Bỗng nhận ra hương ổi,
Phả vào trong gió se.
Sương chùng chình qua ngỗ,
Hình như thu đã về.
(Sang thu, Hữu Thỉnh)
Ví dụ: Biện pháp So sánh
Nhớ ai bổi hổi, bồi hồi,
Như đứng đống lửa như ngồi đống than.
(Ca dao)
Trên đây là một số chia sẻ của chúng tôi về giải đáp thắc mắc Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật là gì? Khách hàng quan tâm có vướng mắc khác liên quan vui lòng phản ánh trực tiếp để được chúng tôi hỗ trợ nhanh chóng, tận tình.