Nỗi lòng người khuyết tật trong tình yêu

Có thể sẽ chẳng có chuyện cổ tích cho tình yêu của người khuyết tật, sẽ chẳng có một đám cưới dù chúng ta đã trao đi tất cả những gì có thể. Nhưng thời gian qua đi, tôi tin chúng ta cũng sẽ không hối tiếc, vì ít nhất chúng ta đã dám sống, dám yêu, dám chấp nhận.

Có ai đó đã nói tình yêu không phân biệt tuổi tác, trình độ, thân phận… và có thể dành cho tất cả mọi người. Nhưng liệu điều này có thực sự luôn luôn đúng? Để yêu và được yêu đối với người khuyết tật là biết bao khó khăn và trăn trở. Liệu người khuyết tật có nên yêu hay không?

Tình yêu của người khuyết tật chúng ta quả thật gặp rất nhiều rào cản mang cả tính chủ quan và khách quan. Nó có thể gặp sự cản trở từ phía gia đình, những ánh mắt soi mói của xã hội, và cả sự tự ti của chính chúng ta. Nhưng điều gì mới thực sự là nguyên nhân cản trở những người khuyết tật đến với tình yêu?

Cá nhân tôi cho rằng nguyên nhân nằm ở chính bản thân người khuyết tật, đó mới là trở ngại có tính quyết định trên con đường tìm kiếm, trải nghiệm và bảo vệ tình yêu của người khuyết tật. “Nếu chính bản thân bạn không thể tin thì làm sao có thể khiến người khác tin”? Nếu chính người khuyết tật chúng ta không tự tin rằng chúng ta hoàn toàn bình đẳng trong tình yêu như mọi người thì làm sao có thể yêu cầu người khác có một cái nhìn và sự đối xử công bằng đối với tình yêu của người khuyết tật?

Sự tự ti, sợ hãi đã khiến chúng ta tự chui vào vỏ ốc do chính mình tạo ra như một cách để bảo vệ mình tránh khỏi sự thương tổn. Người khuyết tật khá nhạy cảm, chúng ta e ngại nhiều điều…Trong cuộc sống, không chỉ người khuyết tật mà cả người không khuyết tật, nếu mặc cảm, thiếu tự tin ở bản thân thì rất khó đến với tình yêu.

Ai cũng cho rằng hôn nhân là đích đến của một tình yêu thực sự, và khi yêu nhau, chúng ta đều mong điều đó. Có câu nói rằng “hôn nhân là một khởi đầu khác của tình yêu, nó là sự thăng hoa của tình yêu”, nhưng cũng có câu nói “Hôn nhân là nấm mồ của tình yêu”. Đã bao giờ bạn nghĩ đến những điều này chưa? Tại sao cứ yêu nhau thì phải tiến tới hôn nhân? Và khi điều đó không được đáp ứng hoặc không thể chắc chắn thì chúng ta lại trở nên ngần ngại, chần chừ, thậm chí bỏ lỡ tình yêu của mình.

Đặc biệt là người khuyết tật, luôn khuyết thiếu cảm giác an toàn, nên nếu không có một sự đảm bảo, chúng ta sẽ không có lòng tin, không dám mạo hiểm. Nhưng ai trong chúng ta dám nói rằng, một sự đảm bảo sẽ làm cho tình yêu kết trái? Tương lai là điều không ai biết trước được, nó nằm ngoài tầm với của chúng ta.

Tình yêu là chuyện của hai người, và những tổn thương trong tình yêu thì đều là người khuyết tật, hay người không khuyết tật thì sẽ đều chịu những nỗi đau như nhau, không có sự khác biệt nào cả. Nhưng rất nhiều người cho rằng, khi yêu, người khuyết tật sẽ chịu những tổn thương lớn hơn so với người không khuyết tật. Tại sao những người khuyết tật chúng ta lại tự đặt ra cho mình một suy nghĩ thiếu bình đẳng như vậy?

Tại sao chúng ta không thể trở nên tự tin hơn trong tình yêu? Một người bạn của tôi đã nói rằng “duyên là do trời định nhưng phận phải do mình giành lấy”. Có thể sẽ chẳng có cuộc hôn nhân nào cho tình yêu của người khuyết tật chúng ta vì nhiều lý do nào đó. Nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta từ bỏ quyền yêu và được yêu của mình. Tình yêu không thể đi tới bước cuối cùng không có nghĩa là nó không đẹp. Có lẽ bạn sẽ nếm trải vị ngọt, rồi cả vị đắng, vị cay của tình yêu, nhưng tôi cho rằng sẽ tốt hơn việc chúng ta không bao giờ biết những vị đó.

Rất nhiều người khuyết tật chúng ta luôn tự thôi miên bản thân “mình không nên yêu, sẽ chẳng có ai đủ dũng cảm để yêu mình, để đi cùng mình suốt chặng đường đời, mình sẽ chỉ là gánh nặng cho người mình yêu. Hay cũng có rất nhiều người khuyết tật chúng ta đã yêu, nhưng lại bị lợi dụng hay đơn giản là bị phản bội, lừa dối và chúng ta trở nên tiêu cực khi nhìn vào tình yêu.

Có một bộ phận không nhỏ người khuyết tật cho rằng bất hạnh mình gặp phải trong tình yêu là do sự khuyết tật của chính mình mà quên mất một điều, dù là người khuyết tật hay không khuyết tật thì trong tình yêu đều có khả năng gặp những điều không mong muốn (bị lợi dụng, bị phản bội, lừa dối…). Trong mối quan hệ giữa hai người yêu nhau, không bao giờ sự khuyết tật của bạn là nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự kết thúc của mối quan hệ đó.

Có thể nó có một chút tác động, nhưng nếu nhìn nhận một cách khách quan thì chúng ta sẽ nhận ra rằng, tình yêu đó kết thúc có thể do hai người không đủ yêu nhau để vượt qua trở ngại, do chính người khuyết tật chúng ta quá tự ti, không đủ dũng cảm để nắm lấy tình yêu đó.

Khi tình yêu của người khuyết tật tan vỡ thì không nên chỉ đổ lỗi cho sự khuyết tật của mình. Ai đó có thể nói sự khuyết tật là nguyên nhân gây trở ngại cho tình yêu của chúng ta, nhưng chính bản thân chúng ta thì không nên nghĩ như vậy. Việc nghĩ như vậy sẽ làm cho chúng ta mất đi sự tự tin, làm chúng ta tự đặt mình dưới cái nhìn thiếu công bằng, làm chúng ta ỷ lại vào sự khuyết tật để bao biện, trốn tránh hiện thực.

Cuộc đời ta do chính ta chịu trách nhiệm, tình yêu của bạn sẽ đi đến bến bờ hạnh phúc hay kết thúc trong dang dở là do chính bạn và người yêu bạn quyết định. Tình yêu đó có thể chịu tác động từ những điều kiện chủ quan và khách quan, nhưng tất cả những điều đó chỉ là thử thách, có thể vượt qua được hay không đều nằm ở chính bản thân chúng ta. Không thể đổ lỗi cho bất cứ điều gì, bởi vì đó chỉ là cách để chúng ta trốn tránh, phủ nhận trách nhiệm của bản thân. Khi bạn chờ đợi tương lai đến, bạn sẽ mất nó vĩnh viễn.

Mỗi chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống, để đi và để trải nghiệm. Tại sao phải vì khuyết tật của bản thân mà từ bỏ cơ hội đến với tình yêu của mình, tại sao phải sợ hãi lùi bước chỉ vì sợ sẽ chịu những thương tổn trong tình yêu, sợ sẽ không thể đi đến một cuộc hôn nhân khi bản thân đã trao đi trọn tình cảm?

Có thể sẽ chẳng có một truyện cổ tích cho tình yêu của người khuyết tật chúng ta, sẽ chẳng có một đám cưới dù chúng ta đã trao đi tất cả những gì có thể. Nhưng thời gian qua đi, nhìn lại quãng thời gian đó, tôi tin chúng ta cũng sẽ không hối tiếc, vì ít nhất chúng ta đã dám sống, dám yêu, dám chấp nhận.

Ít nhất chúng ta cũng sống trong tình yêu, được hiểu cảm giác yêu và được yêu, hiểu ngọt ngào và cả cay đắng, hay có những nỗi đau không thể nói thành lời của tình yêu. Và những kỷ niệm tình yêu đó sẽ trở thành những hồi ức khó quên trong lòng mỗi chúng ta. Giống như Xuân Diệu đã từng nói “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”.

Hạnh phúc trong tình yêu là có thật, nếu cả hai bắt đầu thành tâm tìm kiếm nó và cùng trải nghiệm nó. Kẻ thù lớn nhất của con người chính là bản thân ta, đừng để sự tự ti về khuyết tật làm bạn lùi bước khi tình yêu đã ở ngay trước bạn. Chúng ta có thể khuyết tật về thể xác, nhưng chúng ta không khuyết tật về tâm hồn, chúng ta hãy tự tin, gạt bỏ những ám ảnh, sợ hãi, đối diện thực tế, vượt qua bản thân để đến với tình yêu.

Nguyễn Vũ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *