Casting ở các tuần lễ thời trang quốc tế vốn khắc nghiệt và có tính cạnh tranh cao. Nhiều người mẫu da màu, vóc dáng không đạt chuẩn vẫn gặp câu chuyện kỳ thị trong lúc làm việc.
Ngành thời trang luôn có những quy định khắt khe. Sự chuẩn mực về vẻ đẹp hay vóc dáng theo tiêu chuẩn số đông trở thành nỗi ám ảnh đối với các người mẫu khi muốn tiến thân trong làng mốt thế giới.
Thậm chí, tại Tuần lễ thời trang Paris, các người mẫu cần giữ vóc dáng mảnh khảnh nếu không muốn bị mất việc. Kirstie Clements – cựu biên tập viên của tạp chí Vogue – thừa nhận một người mẫu đủ tiêu chuẩn catwalk trong các show thời trang danh tiếng buộc phải bỏ đói chính mình để trở nên gầy hơn.
Ngành công nghiệp thời trang thế giới vẫn tồn tại những kỳ thị về hình thể của người mẫu. Ảnh: Suitapp.
Vấn nạn kỳ thị chủng tộc
Trước đây, người mẫu da màu hiếm khi xuất hiện trên sàn diễn quốc tế. Họ luôn bị đối xử bất công từ các nhà thiết kế. Tờ The New York cho biết các chân dài da trắng vẫn “thống trị” giới thời trang từ cuối những năm 1990.
Trong khi đó, blogger Jezebel chuyên viết về thời trang đã thống kê sự có mặt của những người mẫu da màu trong các show diễn từ năm 2008 và đưa ra khẳng định tương tự.
Số lượng người mẫu da màu trong Tuần lễ thời trang New York chỉ chiếm khoảng 6%, ít hơn 2,1% so với năm 2020, kém gần 14 lần so với người mẫu da trắng. Người mẫu châu Á và Latin chiếm lần lượt là 9,1% và 2%.
Ở châu Âu, các show thời trang của nhiều nhà thiết kế, ví dụ Phoebe Philo của hãng Céline hay thời Raf Simons ở Dior, đều không có bất kỳ sự xuất hiện nào của người mẫu da màu. Những người mẫu da màu muốn đạt được thành công như Naomi Campbell, Tyra Bank, Beverly Peele là rất hiếm. Họ thường phải cạnh tranh khốc liệt với dàn người mẫu da trắng đông đảo.
Một trong số ít người mẫu da màu lâu năm trên thế giới, cho biết trong những năm 1980 đến 1990, các nhà thiết kế như Calvin Klein, Gianni Versace hay Yves Saint Laurent thường loại những tên tuổi da màu khỏi danh sách diễn không cần giải thích lý do.
Họ phải nỗ lực, cố gắng gấp nhiều lần so với mẫu da trắng để tranh giành suất diễn, nhưng vẫn luôn nhận được câu trả lời từ các nhà thiết kế: “Chúng tôi đã có người mẫu giống cô rồi”. Nhiều người cảm thấy bất lực vì không thể tiếp tục theo nghề vì sự phân biệt chủng tộc rõ rệt trong các buổi casting.
Điều đó đã dẫn đến những cuộc biểu tình thường xuyên trên đường phố nhằm chống lại sự phân biệt về màu da. Người mẫu nam Jose Flores chia sẻ: “Tôi đủ mọi tiêu chuẩn về chiều cao, cân nặng. Tuy nhiên, lý do duy nhất để không ai thuê tôi còn gì khác ngoài màu da?”.
Không quá nhiều người mẫu da màu nhận được cơ hội xuất hiện trên sàn diễn. Ảnh: ELLE.
Những sự thật gây bất ngờ phía sau các buổi casting của nhiều nhà thiết kế nổi tiếng đã được The Guardian vạch trần trong một bài báo năm 2015.
Theo đó, hầu hết nhà thiết kế tại Mỹ đều casting và chọn khoảng 80% người mẫu da trắng cho các buổi diễn, trước khi dành phần còn lại cho người mẫu da màu. Đây là mẹo nhỏ nhưng khôn ngoan để được tiếng không phân biệt chủng tộc, cũng như đảm bảo sự đa dạng về người mẫu theo yêu cầu từ hiệp hội thời trang quyền lực và làm hài lòng công chúng trong nước.
Tâm sự trên Times, Chanel Iman cho biết dù là thiên thần nhiều năm của Victoria’s Secret, cô vẫn trượt casting vì vẻ đẹp không hợp với số đông. Nhưng không phải vì thiếu sót các kỹ năng, mà nguyên nhân chính đến từ quan điểm nhà thiết kế: “Chúng tôi đã tìm được một cô nàng da màu, vì vậy không cần thêm cô nữa”.
Chuyện phân biệt đối xử giữa người mẫu da trắng và da màu không chỉ có ở các nhà thiết kế, mà còn ở các tạp chí nổi tiếng thế giới. Thậm chí, Jourdan Dunn từng bày tỏ bức xúc cho biết cô từng bị một tạp chí nổi tiếng từ chối vào năm 2015 vì những trang bìa có hình người mẫu da màu đều rất khó bán.
Ngoài ra, việc làng mốt thế giới từng đối xử thiếu sự công bằng với các chân dài châu Á. Trải lòng về những khó khăn của một người mẫu châu Á khi chinh phục các kinh đô thời trang quốc tế, Liu Wen đã không ngại chia sẻ trong một bài phỏng vấn: “Thách thức với tôi, cũng như các người mẫu châu Á là chúng tôi phải thuyết phục được các biên tập viên thời trang, các stylist, các nhiếp ảnh gia rằng hình ảnh của chúng tôi có sức hấp dẫn công chúng.
Điều này đôi khi không dễ dàng chút nào. Làn da chính là điều đầu tiên quyết định việc bạn tiến thân thế nào trong làng mốt”.
Chính vì thế, để giành lấy cơ hội xuất hiện tại các fashion week danh giá, người mẫu da màu sẽ còn phải cố gắng, nỗ lực vượt bậc, thậm chí gấp đôi, gấp ba lần người mẫu da trắng.
Những người mẫu châu Á cũng gặp nhiều khó khăn khi tiến thân vào làng mốt thế giới. Ảnh: Vogue.
Sự đòi hỏi khắt khe về cân nặng người mẫu
Xu hướng người mẫu gầy bắt đầu nổi lên vào đầu thập niên 1960 sau sự xuất hiện của chân dài huyền thoại Twiggy – biểu tượng của làng thời trang Anh, chỉ nặng 41 kg và cao 1,68 m.
Trào lưu dùng mẫu size 0 cũng rộ lên từ thập niên 1990 khi Calvin Klein phát động chiến dịch quảng cáo với hình ảnh siêu mẫu Kate Moss gầy gò, thiếu sức sống. Đây còn được gọi là vẻ đẹp “Heroin chic”.
Từ đó, “làn sóng” người mẫu gầy bắt đầu tràn ngập sàn catwalk tại khắp các kinh đô thời trang lớn như Paris, Milan, London… Nhiều nhà mốt như Mario Boselli, Nazionale Della Moda, Yves Saint Laurent… cũng hưởng ứng phong trào này.
Bởi theo họ, không vóc dáng nào có thể truyền tải được sự sang trọng, tinh tế cho những thiết kế bằng người mẫu có hình thể thanh mảnh.
Nhà thiết kế huyền thoại Karl Lagerfeld có nguồn cảm hứng đặc biệt với người mẫu gầy. Do đó, ông cũng mang cái nhìn khắt khe với những ai “phồn thực”. Giám đốc sáng tạo Chanel từng không ít lần tuyên bố: “Đừng đưa các cô gái quá khổ lên sàn diễn của tôi”.
Theo suy nghĩ của nhiều nhà mốt, người mẫu gầy với vóc dáng mảnh khảnh mới thể hiện đúng tiêu chí trong các bộ sưu tập. Ảnh: Cosmopolitan.
Người mẫu quá khổ chật vật tìm chỗ đứng
Khoảng vài năm trở lại đây, ngành công nghiệp thời trang thế giới có những bước tiến đáng kể trong việc chống phân biệt đối xử. Với sự đấu tranh mạnh mẽ của cá nhân, tổ chức, ngày càng có nhiều người mẫu da màu, người mẫu plus-size (ngoại cỡ) xuất hiện trên sàn catwalk.
Theo The Fashion Spot, tuần lễ thời trang năm 2019 được cho là mùa thành công nhất khi có 30,8% người mẫu da màu tham gia trình diễn cho các nhà mốt. Lần đầu tiên trong lịch sử – từ New York đến London, Milan, Paris – người mẫu da trắng không phủ sóng sàn diễn.
Tuy nhiên, “cuộc chiến” cho những người mẫu ngoại cỡ lại chưa đạt được hiệu quả như mong muốn khi số lượng trúng show ở 4 kinh đô thời trang lớn chỉ chiếm 1,13%. Vì trong suy nghĩ các nhà mốt quốc tế, người mẫu phải tự “thiết kế” cho mình số đo để vừa quần áo, thay vì quần áo được sáng tạo cho người mẫu.
Thậm chí, họ còn cho rằng người mẫu càng thanh mảnh sẽ càng thể hiện được chất sang trọng, quý phái của bộ trang phục nhằm hướng đến đối tượng giới thượng lưu.
David Zyla – stylist thắng giải Emmy, đồng thời là tác giả sách – chia sẻ quan điểm về vấn đề này: “Có rất nhiều thứ sẽ gặp rủi ro trong show thời trang nếu như người mẫu với đường cong quyến rũ, tràn đầy sức sống lấn át trang phục của nhà thiết kế”.
Một nàng mẫu chuẩn size là người làm việc trong xưởng thiết kế của những nhà mốt hàng đầu, vóc dáng của họ phải vừa vặn với trang phục. Rõ ràng khi người mẫu thanh mảnh trình diễn trên sàn runway, bạn sẽ tập trung sự chú ý vào trang phục hơn là vóc dáng của họ. Một chân dài “phồn thực” cùng thân hình gợi cảm quá đà, khán giả sẽ bị phân tâm khỏi mẫu thiết kế chỉ vì mải ngắm nhìn người mặc.
Người mẫu quá khổ vẫn chưa phù hợp với tiêu chuẩn của một vài nhà mốt quốc tế. Ảnh: The Independent.
Tiêu chuẩn kép cho người mẫu quá khổ
Khi thời kỳ mẫu ngoại cỡ bùng nổ, nhiều người mẫu với vóc dáng quá khổ cũng dần xuất hiện nhiều hơn trên các sàn diễn thời trang, tạo nên sự đa dạng cho người xem. Thực tế, họ cũng phải trải qua những ngày tháng khó khăn tương tự việc giảm cân của siêu mẫu dáng chuẩn.
“Béo nhưng không béo quá” chẳng khác gì thứ tiêu chuẩn kép mà người mẫu ngoại cỡ phải chịu đựng khi dấn thân vào ngành công nghiệp thời trang.
Yêu cầu thân hình đồng hồ cát với người mẫu ngoại cỡ thường gặp khó khăn ở vòng eo. Để giải quyết điều này, nhiều hãng thời trang đã sử dụng một số công cụ “độn” cho người mẫu size 10-12.
Người mẫu Danielle Gardiner kể lại: “Tôi thực sự sốc khi nhìn thấy cảnh đó trong hậu trường buổi catwalk. Cô ấy phải mặc thêm 2 chiếc quần shorts để có phần dưới to hơn. Đó là buổi diễn của một thương hiệu nổi tiếng. Họ không thể tìm thấy những người mẫu ngoại cỡ đủ tiêu chuẩn và đã làm giả nó. Với tôi, đó là sự xúc phạm”.
Hình ảnh những người mẫu ngoại cỡ vẫn thường được nhìn dưới lăng kính tích cực. Nhiều người tin rằng trong thế giới đó, họ có thể sống thật với cơ thể mình.
“Họ muốn chúng tôi hét lên mình yêu cơ thể này thế nào. Nhưng phía sau cánh gà, chúng tôi cảm thấy căm ghét cơ thể mình. Chúng tôi phải thay đổi để phù hợp với tiêu chuẩn kép của ngành công nghiệp thời trang”, Gardiner khẳng định.
Nhờ sự xuất hiện của những người mẫu ngoại cỡ, nhiều thương hiệu đã được khách hàng chú ý hơn. Ảnh: InStyle.
Miệt thị người mẫu có vẻ đẹp lệch chuẩn
Với sự cởi mở về nét đẹp trong lĩnh vực thời trang, nhiều người mẫu có vẻ ngoài không hoàn hảo cũng được đánh giá cao. Bỏ qua những khó khăn, rào cản về hình thể, họ dần khẳng định được tài năng, vị thế của mình trước công chúng.
Cũng chính lý do này, cách nhìn nhận của mọi người về cái đẹp dần thay đổi, những khuyết điểm lại biến thành nét đặc trưng có một không hai trên cơ thể mỗi người.
Mặc dù, các tạp chí quốc tế thường không có ý phân biệt sắc tộc khi lựa chọn người mẫu có vẻ đẹp khác lạ xuất hiện trên trang bìa. Thực tế, việc kỳ thị vẻ ngoài của người mẫu luôn là câu chuyện đáng buồn trong cộng đồng thời trang. Nhiều người có vẻ khác biệt vẫn là chủ đề bàn tán, giễu cợt ngoại hình và chế ảnh trên mạng xã hội.
Một ví dụ điển hình chính là người mẫu Tin Gao, khi cô không có vẻ đẹp đi theo số đông. Cô xuất hiện trong bộ ảnh thời trang của Vogue và được ca ngợi có vẻ ngoài “phá bỏ mọi quy chuẩn về cái đẹp”.
Tuy nhiên, sự khen ngợi lại gây tranh cãi. Cộng đồng mạng Trung Quốc đặt vấn đề vì sao luôn chọn những nhân vật có tướng mạo cường điệu để lăng xê, trong khi Trung Quốc còn có nhiều nhan sắc tuyệt mỹ và tài năng? Đây phải chăng là hành động Vogue cố tình bêu rếu nhan sắc người Trung Quốc?
Những câu hỏi tiêu cực nhanh chóng được lan truyền và gây tranh cãi trên mạng xã hội. Nhiều người cảm thấy bị xúc phạm với sự lựa chọn người mẫu của Vogue, họ thậm chí còn công kích cả trang cá nhân của Tin Gao.
Khi biết sự việc, tạp chí thời trang cho rằng các tiêu chuẩn sắc đẹp cổ xưa chỉ phù hợp với một phần nhỏ của xã hội trong thời buổi hiện nay. Những người có khiếm khuyết đang phải nỗ lực đấu tranh để tự tin với bản thân. Đại diện của Vogue chia sẻ: “Tin Gao, cô ấy có nét quyến rũ riêng biệt”.
Vẻ đẹp khác lạ của người mẫu Tin Gao. Ảnh: @qizhen_gao.