Trẻ 5 tuổi là bước phát triển có sự thay đổi rõ rệt trong tâm lý và tính cách. Về bề ngoài, lứa tuổi này đang phát triển cơ thể và hệ thần kinh một cách thuận lợi, giúp trẻ tiếp nhận thông tin và kiến thức tốt hơn trước đây. Tuy nhiên, cái “tôi” của trẻ cũng đã được hình thành, kéo theo những đặc điểm tính cách đa dạng và có thể khiến bố mẹ lo lắng như: hiếu động, nhõng nhẽo, nhút nhát,… hoặc con có thể kén ăn, lười biếng….
Bố mẹ hãy tìm hiểu kỹ những tính cách của trẻ 5 tuổi dưới đây để hiểu con hơn, giảm bớt nỗi lo hoặc điều chỉnh, định hướng cho trẻ tránh khỏi những thói quen xấu.
Tìm hiểu các nhóm tính cách của trẻ:
Nhìn chung, tính cách của con người có hai nhóm chính là Hướng Nội và hướng ngoại. Với trẻ 5 tuổi thì tính cách đã được xác định và bộc lộ một cách khá rõ rệt.
Tính cách của nhóm trẻ Hướng nội
Tính cách của Nhóm trẻ Hướng ngoại
Tính thực tế : Trẻ có quan điểm rõ ràng, cụ thể và kiên định. Trẻ thường phản ứng nhanh nhưng lại thường thiếu kiên nhẫn và ưa vật chất.
Tính Duy cảm : Trẻ thiên về tính cách này thường có khả năng dễ hòa đồng với mọi người và môi trường xung quanh, có khả năng nhận thức bằng trực giác tốt nhưng trẻ lại hay thay đổi và thường khá chủ quan.
Tính Lãnh đạm : Trẻ có tính cách này thường bình thản, có tính tự chủ cao, có khả năng suy luận tốt, dẻo dai và khách quan. Nhưng thường các em không có sức khỏe tốt và sự nhạy bén trong các hoạt động tập thể.
Tính Đa Tình : Trẻ thiên về tính cách này thường có khả năng làm việc cần mẫn và thận trọng nhưng lại thiếu tập trung, khả năng chú ý kém vì thế thường thiếu tự tin.
Tính nhu nhược : Trẻ thiên về tính cách này thường tử tế và thích được chiều chuộng. Nhưng các em lại ủy mị, dễ xúc động và thiếu sự hăng say trong mọi lĩnh vực.
Tính Hiếu hoạt : Trẻ hăng say, linh động thực tế và có nhiều sáng kiến nhưng lại thiếu kiên nhẫn.
Tính Vô Tình : Trẻ thiên về tính cách này thường kém chú ý vào những chuyện xung quanh và có một cách sống khép kín.
Tính Nhiệt Tâm : Trẻ tự chủ, nhạy bén, có óc tổ chức nhưng lại kém giao tiếp và có tự ái cao.
Trên thực tế trong mỗi con người luôn có một phần của tính hướng nội và một phần của tính hướng ngoại. Chỉ có điều là tính nào sẽ nổi trội hơn. Nhưng cũng sẽ có một số trẻ có tính hướng nội và hướng ngoại cân bằng nhau – Đây là một tình trạng dễ có nguy cơ gặp phải những rối nhiễu tâm lý, khiến trẻ bối rối, không tự chủ được bản thân.
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu một số tính cách có thể khiến bố mẹ lo lắng
-
Trẻ 5 tuổi hiếu động:
Trẻ 5 tuổi là trẻ “đang lớn”, cơ thể đang liên tục phát triển và có rất nhiều năng lượng. Vì vậy việc con nghịch ngợm, leo trèo, chạy nhảy, la hét hay thậm chí phá phách… đều được xem là hành vi bình thường. Tuy nhiên, bố mẹ sẽ cần lưu ý khi tình trạng này phát triển đến mức “ngoài tầm kiểm soát”.
Vậy bố mẹ cần phân biệt rõ 2 trạng thái hiếu động của trẻ 5 tuổi như sau:
Trẻ năng động:
- Là những đứa trẻ có cá tính hướng ngoại, thích chạy nhảy, chơi đùa nhưng vẫn có khả năng giao tiếp và có quan hệ tốt với những người xung quanh. Độ tuổi lên 5, trẻ năng động vẫn có thể tập trung vào một hoạt động mà con thấy hứng thú trong khoảng 15 phút hoặc hơn.
- Trong trường hợp này, sự hiếu động của trẻ có thể giúp con phát triển được nhiều kỹ năng tốt thông qua các trò chơi vận động. Bố mẹ có thể chơi cùng con, hoặc tập cho con tham gia các hoạt động “xả năng lượng” nhưng cũng rất bổ ích như: phụ mẹ tưới cây, dọn dẹp nhà cửa, giúp bố rửa xe, đi chạy với thú cưng….
Trẻ hiếu động – kém tập trung:
- Trẻ không có khả năng ngồi yên hay tập trung vào bất cứ điều gì dù chỉ 5-10 phút. Trẻ giao tiếp kém, thường có tình trạng chậm nói và liên tục hoạt động. Chúng ta gọi đó là hội chứng Tăng động – giảm chú ý (Attention-deficit hyperactivity disorder–ADHD).
- Khi nghi ngờ hay thấy trẻ có những dấu hiệu của ADHD, phụ huynh cần đưa con đến các nhà chuyên môn về tâm lý để có những chẩn đoán chính xác về mức độ và các biện pháp can thiệp thích hợp; vì đây là một tình trạng rối nhiễu tâm lý rất dễ có những nhận định sai đưa đến các chẩn đoán lẫn lộn với Tình trạng Tự Kỷ và Tình trạng Chậm phát triển trí tuệ
-
Trẻ lên 5 tuổi xuất hiện tính cách lười biếng:
Trước 3 tuổi, tình trạng lười biếng là bình thường khi khả năng vận động tinh của trẻ chưa được thuần thục. Nhưng đối với trẻ 5 tuổi đã hoàn thiện các chức năng vận động mà lại tỏ ra lười biếng, thì bố mẹ cần xem xét nguyên nhân và tìm cách khắc phục.
Nguyên nhân khiến trẻ 5 tuổi lười biếng
Cách khắc phục
Có thể do trẻ có sức khỏe kém, suy nhược dẫn đến những phản ứng chậm chạp lâu dần thành thói quen.
Bố mẹ cần tìm hiểu kỹ hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ về các hoạt động phù hợp với trẻ.
Do sự chăm sóc, cưng chiều hơi thái quá của ông bà/ bố mẹ khiến cho trẻ hầu như không phải làm gì, ngay cả việc tự chăm sóc bản thân.
Điều này có thể dẫn đến việc trẻ hình thành một số hành vi khó thích nghi với môi trường bên ngoài như: làm biếng, ích kỷ, không tham gia hoạt động chung, khó giao tiếp và không biết cách ứng xử
Ban đầu, người lớn cần tập cho bé tự ăn, tự vệ sinh cá nhân. Không để con có thói quen xấu như thức dậy trễ, bừa bộn, không chịu đi tắm, gấp chăn màn…
Có thể cho trẻ tham gia những hoạt động chung với gia đình như phụ giúp bố mẹ trong những việc nhẹ nhàng.
Dần dần, bố mẹ nên khuyến khích con tham gia các hoạt động thú vị bên ngoài cùng bạn bè.
-
Trẻ nhõng nhẽo:
Tính cách nhõng nhẽo thường hình thành do tác động bên ngoài từ người thân, do sự nuông chiều hoặc khen thưởng mỗi khi con thể hiện mặt tính cách đó. Ở mức độ chừng mực, sự nhõng nhẽo ở trẻ 5 tuổi có thể được người lớn xem là dễ thương, nhưng nếu thái quá sẽ dẫn đến thói đành hanh, đòi hỏi. Đặc biệt, không giống như người lớn, sự nhõng nhẽo của trẻ 3-5 tuổi là tình trạng không tự kiểm soát, không có chủ đích. Nếu được “nuôi lớn”, tính nhõng nhẽo sẽ hình thành những tật xấu như tính ích kỷ, tham lam, đòi hỏi, khiến trẻ bị bạn bè xa lánh, khó khăn trong tạo dựng sự tôn trọng và hòa hợp với những người chung quanh.
Phải làm gì để hạn chế sự nhõng nhẽo của trẻ?
Bước vào lứa tuổi 3 – 5 tuổi là giai đoạn đặt nền tảng cho những phẩm chất tốt đẹp trong lĩnh vực ứng xử của trẻ. Bố mẹ cần đặt ra những kỷ luật, những mức độ rõ ràng để hạn chế các nhu cầu không cần thiết của trẻ. Ví dụ, bố mẹ có thể giúp trẻ tạo dựng sự tự tin qua việc tôn trọng những thái độ và quyết định của trẻ (như chuyện chọn món ăn, thức uống, chọn quần áo để mặc đi chơi … ). Mặt khác, bố mẹ cần phải đặt ra những hạn chế trong việc đòi hỏi người lớn chiều theo ý mình, mua sắm những món đồ chơi, đồ dùng phí phạm.
-
Trẻ ích kỷ :
Dưới 3 tuổi, việc trẻ dành đồ chơi với bạn và nói là của mình là một chuyện rất bình thường. vì khi đó trẻ chưa xác định được “cái tôi”, chưa phân biệt được những thứ thuộc về mình. Nhưng với trẻ 5 tuổi thì các em đã phân biệt được cái Tôi, đã nhận biết được “quyền sở hữu” đã muốn có những “tài sản riêng” và nếu không được rèn tập cho biết những giới hạn, thì trẻ có thể trở thành ích kỷ.
Cách khắc phục:
Vì thế, một mặt ta khuyến khích trẻ biết quý trọng giá trị bản thân, đây là một trong những giá trị tinh thần quan trọng. Mặt khác, cần phải để ý để tránh cho trẻ tập nhiễm thói quen ích kỷ. Vì khi đã “nhiễm” tính chất này thì rất khó bỏ. Điều nguy hiểm là đôi khi chính phụ huynh cũng có những thái độ ích kỷ, lợi dụng hay “chỉ biết đến bản thân” trong cuộc sống, và cho đó là sự “khôn ngoan”. Hãy luôn nhớ, trẻ em thấy, và các em sẽ học theo
-
Trẻ nhút nhát:
Trong một số trường hợp, sự nhút nhát lại là một điều đem lại sự an toàn cho trẻ cũng như tạo sự quan tâm của người khác đối với các em. Nhưng cũng có những sự nhút nhát thái quá, thì cần khắc phục vì nó có thể dẫn đến những rối loạn tâm lý không đáng có, hay trở nên những thói quen không tốt, hạn chế rất nhiều cho khả năng giao tiếp, phối hợp với những hoạt động sau này của trẻ.
Một số trường hợp nhẹ thì có thể giúp trẻ trở nên bớt nhút nhát hơn bằng việc để cho trẻ tự làm các việc trong nhà phù hợp với độ tuổi của trẻ như việc tự thay quần áo, tự ăn cơm… Khi trẻ có thái độ nhút nhát thì phụ huynh cũng không nên tỏ ra quá quan tâm, lo lắng vỗ về, mà cứ để trẻ bộc lộ cảm xúc một cách tự nhiên, rồi sau đó sẽ làm cho trẻ hiểu rõ về những điều làm cho trẻ sợ hãi. Thay vì nói: “ Có gì đâu mà con sợ!” hay “ Có thế mà cũng sợ !”, chúng ta nên nói : “Có phải căn phòng tối làm con sợ phải không?” “con chó kia làm con sợ ?” điều đó giúp trẻ xác định được đối tượng “đáng sợ” của mình và khi đã hiểu rõ cũng như có thể nói ra được thì trẻ sẽ dần dần bớt sợ đi.
-
Trẻ hung hăng :
Những đứa trẻ luôn tìm cách chống đối mọi người, với bạn bè thì trẻ lại luôn tìm cách “thống trị” hay luôn tìm ra những lý do để gây hấn được coi là có tính cách hung hăng.
Khi trẻ bộc lộ tính hung hăng, thì phụ huynh không nên quát mắng, đánh phạt trẻ vì điều đó chỉ gây thêm cho trẻ sự ức chế, mà hãy nhẹ nhàng nhưng nghiêm khắc chỉ ra cho trẻ thấy thái độ không tốt của bé, và sự không hài lòng của bố mẹ, trẻ dần dần sẽ hiểu rằng thái độ hung hăng sẽ không giải quyết được gì và cũng không đem lại kết quả gì, và trẻ sẽ dần dần thay đổi tính cách của mình.
Độ tuổi lên 5 là một bước phát triển tâm lý quan trọng, đặt nền tảng cho những giá trị tốt đẹp trong tính cách sau này của trẻ. Vì vậy, bố mẹ rất cần quan tâm, khuyến khích tính cách tốt, định hướng lại những hành vi chưa đúng mực của trẻ.
Nếu bố mẹ cần biết thêm thông tin, đừng ngại ngần, hãy liên hệ để được chuyên gia của STEAMe GARTEN tư vấn:
Chuyên gia tâm lý giáo dục – Thạc sĩ Lê Thị Thu Huyền, với hơn 20 năm kinh nghiệm tư vấn, cố vấn về giáo dục, tâm lý trẻ Mầm non cho các trường học, tổ chức giáo dục uy tín trong nước và quốc tế.
– Hotline: 0243 999 1800
– Hoặc để lại thông tin tư vấn tại: https://steame.vn/dang-ky-ghi-danh/
Nguồn tham khảo: tamlytreem.com