Những lời nói có… độc làm đau lòng chồng, vợ

Những lời nói có... độc làm đau lòng chồng, vợ - Ảnh 1.

Lựa lời mà nói cho vừa lòng em, nhé chồng ơi – Ảnh minh họa: Q.Đ.

Và rồi, những lời cay nghiệt như lưỡi cưa cứ kéo đi kéo lại trong lòng người vợ, người chồng. Thậm chí hệ quả xấu ấy còn hằn sâu trong lòng các con. Tuổi Trẻ xin trích đăng những chuyện kể của bạn đọc về việc bị ‘bạo hành lời nói’…

Anh ơi đừng nặng lời!

Anh tốt tính lắm, em tường tận hơn ai hết tấm lòng của một người chồng, người cha hết mực yêu thương vợ con. Miếng ăn ngon, anh sẵn sàng nhịn cho con trẻ. Chỗ ngủ ấm êm, anh không nề hà nhường cho vợ. Ấy vậy mà bao lần anh làm em đau bởi cái tính ăn nói bỗ bã bằng mấy câu đay nghiến buông vội.

Nhớ lần con trai đá bóng toạt chân, cùng lúc con gái sau giấc ngủ trưa bỗng bị lệch hàm bên trái, em hốt hoảng, âu lo đến nhường nào. Lúc ấy em hối hả, vội quơ vài bộ quần áo rồi cùng anh đèo con đến viện. Mặt em trắng bệch vì lo sợ và xót xa cho con!

Đùng một cái, em nghe tiếng quát của anh sau lưng: Sao không biết chăm con, dạy con, hướng dẫn con chơi trò an toàn… Nước mắt ngắn dài túa ra, em nín nhịn cầu mong con đường đến viện ngắn lại, con sớm được chẩn đoán và chữa trị.

Vậy mà nào có yên đâu! Anh bắt đầu ca cẩm chuyện này chuyện kia không dứt. Rồi anh khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng con gái mình sẽ bị lệch miệng, méo hàm cả đời chứ chẳng thể chữa lành.

Anh càng nói càng hăng, anh dẫn ra biết bao nhiêu người bị liệt dây thần kinh, cả đời sống cùng khuôn mặt dị tật làm nỗi lo sợ trong em dâng cao đến hốt hoảng.

Đay nghiến làm em đau…

Em biết anh xót con. Em thông cảm lòng anh cũng đang bất an, lo lắng. Nhưng anh có biết lời anh đay nghiến làm em đau, tiếng anh quát nạt làm em buồn nhiều lắm không?

May mắn thay, sau hai tuần chữa trị, khuôn mặt con gái đã dần trở lại bình thường và vết thương ở chân con trai đang liền sẹo. Dẫu vậy thì lòng em lại nhức nhối bao nỗi niềm băn khoăn, trăn trở.

Mười năm chung sống dưới một mái nhà, em chưa bao giờ buồn lòng như thế. Em vẫn thường tự an ủi chính mình rằng người chồng cộc tính nhưng thương vợ cũng ổn mà. Em vẫn thường tự trấn an mình rằng anh độc mồm ác miệng vậy thôi chứ tâm địa anh đầy sự thiện lương.

Và em bao lần phải tự xoa dịu nỗi buồn của chính mình bằng những kỷ niệm dạt dào yêu thương, bằng những cố gắng miệt mài vun vén tổ ấm.

Vậy mà lời nói nặng vẫn dội vào tai em chan chát. Cái áo mới của em bị tạt gáo nước lạnh như băng: “Mặc gì cái màu lòe loẹt. Đừng cưa sừng làm nghé!”.

Khi máy tính hư, em hỏi thì nhận được lời quát từ anh: “Ăn bao nhiêu cơm gạo có vậy cũng chẳng biết!”. Sự tò mò của em về bất cứ vấn đề nào cũng dễ dàng bị anh mắng: “Não ngắn!”…

Vậy đó, lời nói nặng cứ thế buông ra trong vô thức, vô tâm, vô tình khiến lòng em đôi lần như bị xát muối đến uất ức, nghẹn ngào, xót xa.

Tình nghĩa vợ chồng sâu nặng bao nhiêu đi nữa thì lời cay nghiệt cũng đã ít nhiều khiến cái tình, cái nghĩa phôi pha, hao hụt. Em mong lắm việc anh bớt đi những câu nặng lời, những tiếng quát tháo, những thanh âm chói tai…

Đàn ông mà vô dụng

Thời sinh viên, tôi ở trọ tại Thủ Đức (TP.HCM), gần nhà có hai vợ chồng kia cũng chừng bốn mấy. Người chồng trông hiền lành, ít nói, nhưng người vợ như bà la sát. Người vợ làm nghề buôn bán, ông chồng chạy xe ôm. Họ có với nhau hai người con.

Bà mỗi lần đi bán ở chợ về, dù ông cũng làm cật lực mỗi ngày nhưng vẫn hay bị mắng: “đàn ông mà vô dụng”. Mỗi lần mở lời, bà hay to tiếng: “Ông có thấy ông làm được gì cho cái nhà này không? Đàn ông mà sống dựa vào vợ xem có đáng mặt đàn ông không?”…

Bà đay nghiến miết đến nỗi các con cũng không còn tôn trọng ba mình. Ông hay uống cà phê đầu hẻm, tôi có khi ra ngồi, nghe ông thở dài thườn thượt than thở với mấy đồng nghiệp khác: “Nhiều lúc tao buồn, không muốn về nhà luôn. Sống mà vợ con coi thường, tủi thân lắm”. Mọi người an ủi ông, nhưng mắt ông cứ xa xăm, khó tả.

TẤN KHÔI (TP.HCM)

Bạo lực gia đình: tác hại kép

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn nạn bạo hành gia đình nhưng tựu trung có hai yếu tố chính: Thứ nhất, từ phía cá nhân người trong cuộc có nhận thức còn hạn chế về luật, về bình đẳng giới cũng như kỹ năng tổ chức đời sống gia đình, giải quyết vấn đề trong gia đình…

anh ths an ngay 8-8 (read-only)

Thứ hai là các yếu tố từ bên ngoài như ảnh hưởng ngay từ nhỏ bởi nếp sống của gia đình. Một số người con do tiếp xúc những hình ảnh bạo hành gia đình nên ít nhiều bị tiêm nhiễm và “thấm” vào tâm trí.

Từ đó những người con ấy có nguy cơ bộc phát, biến đổi thành hành động tiêu cực. Những hình tượng bạo hành gia đình của cha mẹ sẽ hình thành “lối mòn” trong đầu con cái. Để rồi gặp trường hợp tương tự thì nó sẽ bộc phát ra ngoài một cách vô thức, dẫn những người con ấy tới hành động bạo lực, bạo hành.

Bạo lực gia đình dù ở bất kỳ hình thức nào cũng để lại những tác động tiêu cực đến sức khỏe về thể chất lẫn tinh thần. Và những tác động xấu ấy không chỉ ở nạn nhân mà còn các thành viên khác trong gia đình.

Thực tế cho thấy, để ngăn chặn những vụ việc bạo hành gia đình đòi hỏi cần có sự vào cuộc của toàn xã hội. Nói cách khác, phòng chống bạo hành gia đình phải kết hợp đồng bộ với nhiều giải pháp, song lấy phòng ngừa là chính.

Dưới góc độ cá nhân, tôi thấy giải pháp được xem căn cơ nhất là làm sao hạn chế tuyệt đối những mâu thuẫn diễn ra bên trong gia đình. Dù trong hoàn cảnh thế nào thì người trong cuộc cũng phải thật sự bình tĩnh để có thể làm chủ được chính mình và làm chủ được vấn đề.

Người chồng hoặc vợ nên nhớ thuật toán cho hôn nhân không phải là 1 + 1 = 2 mà là 0,5 + 0,5 = 1. Nghĩa là mỗi người nên sống vì mình một nửa, nửa còn lại vì đối phương và con. Nói khác đi là biết hi sinh cái tôi cá nhân, biết “bớt lửa” khi “cơm sôi” và cần “xỏ chân vào đôi giày của người khác”.

Ngoài ra, tôi cho rằng cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục về luật cũng như những hậu quả mà bạo hành gia đình gây ra cho chính nạn nhân, người gây ra bạo lực gia đình, trẻ em, gia đình và toàn xã hội.

Thạc sĩ tâm lý ĐẶNG HOÀNG AN (giảng viên Trường đại học Sư phạm TP.HCM)

T.KHÔI ghi

Chọn chồng thế nào mới tốt? Chọn chồng thế nào mới tốt?

TTO – Mỗi phụ nữ có một cách nghĩ, cách cảm nhận khác nhau về hạnh phúc. Chính vì vậy, họ cũng chọn người yêu, tìm chồng theo những tiêu chí khác nhau. Không có một thước đo hay chuẩn mực, nhưng…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *