Từ khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở TPHCM, các cuộc gọi đến Trung tâm Cấp cứu 115 cũng theo đó mà ngày một tăng cao. Ngay lúc đó, đội ngũ thanh niên tình nguyện từ Thành đoàn TPHCM đã luôn có mặt tại Trung tâm Cấp cứu để triển khai hỗ trợ công việc trực tổng đài, tiếp nhận các thông tin và điều phối cấp cứu cho F0.
Không chỉ những cuộc gọi ban ngày, mà ngay cả những lúc sau 23h giờ đêm, khi nhiều người, nhiều gia đình đã yên giấc ngủ, đường phố im lìm không còn phương tiện qua lại, trong căn phòng trực Tổng đài Trung tâm Cấp cứu 115 tiếng chuông điện thoại từ đường dây nóng vẫn reo không ngừng nghỉ, thậm chí còn nhiều hơn.
“Reng, reng, reng” – “Alô! Cấp cứu 115 xin nghe…” và sau đó những lời kêu cứu, những sự việc khẩn cấp cứ tìm đến liên hồi bên tai của những “tổng đài viên” trực tại Trung tâm Cấp cứu 115.
“Có nhiều người gọi tới với tâm trạng rất bức bối, khó chịu, thậm chí họ còn mắng, chửi nói những câu rất khó nghe, khiến mình có lúc tự nghĩ rằng sao mình phải ngồi đây nghe những câu nói này” – Tuyết Trinh – Tình nguyện viên Trực tổng đài 115.
Trong khi trực Tổng đài, không tránh khỏi những trường hợp gặp phải những câu nói nặng lời và khó nghe, nhưng các bạn tình nguyện viên đều nghĩ rằng phải đặt mình vào người khác để xử lý công việc, với mục tiêu làm sao để hỗ trợ và cứu được nhiều người nhất, bởi vì họ biết họ là cầu nối giữa sự tuyệt vọng và hi vọng.
“Có những lúc, người nhà bệnh nhân gọi lên y tế địa phương không được thì gọi lên tổng đài mình, nói khó nghe. Nhưng thực tế, khi nhà mình có chuyện, 1 người tâm lý dù có cứng đến mức nào cũng không tránh khỏi có vài giây bối rối.
Tụi mình hiểu, nên lúc đó luôn cố gắng lắng nghe, tạo nhịp điệu chậm lại cho cuộc nói chuyện để giúp bệnh nhân và người nhà giữ bình tĩnh, cũng như hướng dẫn xử lý trong khi đợi xe cấp cứu đến đón. Mình phải đặt mình vào vị trí của người gọi lúc đó để thông cảm với họ” – Tam Thanh Tuấn – Tình nguyện viên Trực tổng đài điều phối F0.