Những câu văn học đẹp nhất từng đọc trong tiểu thuyết và bài thơ

Họ vắt cạn óc để viết. Còn ta chỉ đọc và suy ngẫm thôi. Họ đôi khi mất gần cả cuộc đời mới có thể đúc kết được điều gì đó. Và ta đón nhận thành quả của họ chỉ trong phút chốc. Nói túm lại là trên đời có những đứa phải nai lưng ra cày, số khác ngồi ngáp ruồi và thụ hưởng.

Nhưng mà nhiều bạn bận bịu ghê lắm, ăn, ngủ, làm việc, chơi bời, bù khú bạn bè… quá trời việc phải làm thì thời gian đâu mà ôm mấy cuốn sách dày cộm. Những câu văn học đẹp nhất trích sẵn dưới đây sẽ phần nào giúp được các bạn đỡ phải tiêu tốn thời gian mà vẫn có thể nhận thức được đôi điều quý giá của cuộc sống này. Thà rằng chỉ một chút xíu xiu thôi, nhưng có còn hơn không hén!

 

1) Hạnh phúc là được hòa tan vào thứ gì đó hoàn hảo và vĩ đại (Trích “Nàng Antonia”, Willa Cather)

Hạnh phúc là được hòa tan vào thứ gì đó hoàn hảo và vĩ đại

Đây là câu văn học được khắc trên bia mộ của nhà văn Willa Cather sau khi bà qua đời. Cũng như tất cả những người khác trên thế giới này, bà không thể đưa ra một định nghĩa về hạnh phúc, cũng như những chuẩn mực và phạm vi trừu tượng của nó. Mà chỉ có thể đưa ra ý niệm. Với bà, hạnh phúc xuất phát từ tình yêu đối với miền đất đã một thời gắn bó, được hòa tan vào nó, là một phần trong nó. Chỉ có nó là hoàn hảo và vĩ đại.

 

2) Ở làng chúng tôi, người ta nói rằng thượng đế đã đập vỡ trăng hạ tuần thành những ngôi sao (Trích “Một ngày trong đời của Ivan Denisovich”, Alexander Solzhenitsyn)

 Ở làng chúng tôi, người ta nói rằng thượng đế đã đập vỡ trăng hạ tuần thành những ngôi sao

Trăng hạ tuần không còn tròn vành, mà khuyết dần khi tiến về thời điểm cuối tháng. Người ta cho rằng chính thượng đế đập vụn và rải ra khắp bầu trời thành những ngôi sao lấp lánh. Đó là cách gìn giữ cho nó không mãi tan biến vào hư vô để đợi ngày tái sinh.

Có những thứ người đời không thể lưu giữ, đành tìm cách giải thích để phần nào vơi đi nỗi tiếc nuối và thậm chí tạo cho mình chút hy vọng. 

 

3) Tôi chẳng nhìn thấy gì cả ngoại trừ việc cô ấy đứng tựa vào lan can ban công và giữ vạn vật gắn kết với nhau (Trích “Cô gái tôi biết”, J.D. Salinger)

 Tôi chẳng nhìn thấy gì cả ngoại trừ việc cô ấy đứng tựa vào lan can ban công và giữ vạn vật gắn kết với nhau

Này, bạn có bao giờ ngắm những cô nàng đứng ngoài ban công chưa? Khá tuyệt đấy! Rất nhiều điều thú vị nhé. Bất động, ánh mắt hướng về cõi xa xăm nào đó, ngó nghiêng các anh chàng bảnh trai đến hút hồn, hát vu vơ vài câu vô nghĩa,… Thậm chí là hưởng thụ thú vui tao nhã của người phương Đông chúng mình: móc mũi. Đúng là cảnh tượng đặc sắc nhất trời đất!

Trong truyện ngắn “Cô gái tôi biết” của J.D.Salinger, hình ảnh cô gái Do Thái thành Viên (thủ đô nước Áo) tựa vào lan can ban công có lẽ ám ảnh suốt đời anh lính trẻ. Nó chẳng khác gì một giấc mơ hoang dại và gần như trở thành biểu tượng thiêng liêng mất rồi.

 

4) Tôi hít một hơi thật dài và lắng nghe trái tim vang lên giai điệu cũ rích. Tôi…, tôi…, tôi… (Trích “Lọ chuông”, Sylvia Plath)

Tôi hít một hơi thật dài và lắng nghe trái tim vang lên giai điệu cũ rích

Những cơn trầm cảm nặng nề do áp lực công việc khiến nhân vật chính trong câu chuyện này không chịu đựng nổi, phải tìm đến cái chết. Bi kịch gia đình cũng làm cho tác giả tìm đường sang thế giới bên kia. Nhưng kết cục của nhân vật có hậu, còn của tác giả lại không. Chính vì vậy “Lọ chuông” được coi là bán tự truyện của Sylvia Plath.

 

5) Nó không đẹp như người ta nghĩ đâu (Trích “Mặt Trời vẫn mọc”, Ernest Hemingway)

Hoa hướng dương

Chúng mình vẫn kháo nhau rằng: “Nhìn vậy chứ không phải vậy!”. Ờ, cũng tương tự như thế. Mọi thứ vẫn thường không như cái vẻ bề ngoài của nó. Soi không khéo là lầm chết. Đặc biệt là những đứa có tâm hồn treo ngược cành cây, đi tới đâu cũng mang nước nhuộm màu hồng tạt ướt mem tới đó.

Đằng sau cái vẻ sang chảnh của một anh chàng bảnh tỏn, thơm phức mùi nước hoa là những gói mì vứt lổng chổng. Cô nàng xinh xắn, nhu mì, duyên dáng xuống phố khiến khối kẻ dòm đắm đuối để rồi cả đám phải lăn đùng ngã ngửa khi nghe nàng bốp chát còn hơn hàng tôm hàng cá, nước bọt văng tá lả. Toàn là những thể loại gây ấn tượng sâu sắc thôi!

 

6) Nhan sắc là món quà quá lớn và không xứng đáng để bị cho đi một cách tùy tiện, ngớ ngẩn (Trích “Những ngọn núi rền vang”, Khaled Hosseini)

Những ngọn núi ren vàng

Đứa nào mà chả cần nhan sắc! Ai cũng muốn rạng ngời như tiên chứ có muốn xấu như gấu đâu. Nhưng mà cái này còn tùy vào lòng hảo tâm của ông trời. Cho bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, đâu ai dám ý kiến ý cò gì. Ổng lựa chọn dựa trên tiêu chí nào và hình thức ra sao, chẳng ai biết. Ra đường thấy ai xinh lung linh nghĩa là người đó đủ tiêu chuẩn để ở trển ném cho “cục nhan sắc”. Cứ nhào vô hỏi tại sao mày mỹ miều thế là tất cả sẽ sáng tỏ thôi.

 

7) Thỉnh thoảng, tôi lại có cảm giác những chiếc xương như oằn đi dưới sức nặng của tất cả các cuộc sống mà tôi không sống (Trích “Cực kỳ inh ỏi và cận kề lạ thường”, Jonathan Safran Foer)

Gánh nặng

Gánh nặng tâm lý từ những biến cố của đời sống nhiều lúc khiến chúng ta không thể gượng dậy nổi. Kẻ bị tổn thương thường hay tưởng nhớ về quá khứ, dù nó chỉ gợi lại vết thương lòng. Cũng như chúng ta có một cái chân bị đau và lúc nào cũng nghĩ đến nó vậy thôi.

Nhưng đó đâu phải là tất cả. Nếu bạn chung một mái nhà với những người đang mang nỗi sầu khổ như thế và ai cũng cố chịu đựng trong câm lặng, như một sự cộng hưởng, bạn càng cảm thấy cuộc sống nặng nề và bức bối hơn rất nhiều.

 

8) Đàn ông là gì so với đất đá và núi non? (Trích “Kiêu hãnh và định kiến”, Jane Austen)

Kiêu hãnh và định mệnh

Đúng là so với đất đá và núi non, đàn ông không thể cứng rắn hơn, không thể lạnh lùng hơn và cũng chẳng thể vững chãi hơn. Nhưng như vậy đâu có nghĩa là không được quyền chảnh? À không, phải nói là kiêu hãnh mới đúng. Các bà biết làm giá thì tại sao các ông lại không? Nam nữ bình đẳng bình quyền chứ bộ!

 

9)  Anh bước xuống, cố gắng không nhìn cô lâu hơn. Ngay cả khi cô là Mặt Trời. Nhưng dù không nhìn cô, anh cũng đã thấy cô giống Mặt Trời rồi. (Trích “Anna Karenina”, Leo Tolstoy)

Anna

Câu này chỉ có thể thốt ra từ miệng kẻ si mê điên cuồng. Nếu bạn ví một cô gái như Mặt Trời, có nghĩa là bạn chẳng còn nhận thấy điều gì nữa, chẳng còn nhìn thấy thứ gì khác ngoài cô ấy. Chỉ vài lời ngắn ngủi mà có sức gợi đến tuyệt vời.

Mà cũng phải, theo mô tả của tác giả, Anna Karenina là người phụ nữ cực kỳ quyến rũ và hấp dẫn. Nàng kiều diễm đến mức anh chàng Alexei Vronsky bị cuốn hút và mê mẩn ngay từ cái nhìn đầu tiên. Teen gọi hiện tượng này là cảm nắng bất đắc kỳ tử nè! Bệnh này tới giờ vẫn chưa có thuốc ngừa.

 

10) “Lạy chúa”, cô ấy cầu nguyện, “Hãy để cho con làm được điều gì đó trong mỗi phút mỗi giờ của cuộc đời con” (Trích “Cây mọc ở Brooklyn”, Betty Smith)

Cây mọc ở Brooklyn

Giống y chang lời lẽ của kẻ không còn bám víu trần gian được bao lâu nữa, hoặc là họ đang tột cùng tuyệt vọng khi cố cứu lấy điều gì đó. Tận dụng tối đa thời gian còn sống để làm việc, để hoạt động là điều mà ai cũng mong muốn. Nhưng mà nhiều lúc có “ý” lại không có “chí”. Muốn lắm nhưng mần không được.

Có bao giờ bạn đặt mục tiêu cho mình mỗi ngày hoàn thành thứ gì đó nhưng cuối cùng chẳng có gì được thực hiện chưa? Điệp khúc: “Vẫn còn thời gian mà lo gì” cứ vang lên mãi trong đầu, thúc đẩy tốc độ di căn của “khối u lười nhác” lên đến mức kinh hoàng.

 

11) Làn môi cong của bạn viết lại lịch sử (Trích “Bức tranh của Dorian Gray”, Oscar Wilde)

Dorian gray

Quả thực vậy thì nguy hiểm quá! Bảo đảm thiên hạ không đại loạn không ăn tiền. Ngày xưa, người ta bảo rằng trên 1 mét vuông có 10 tên ăn trộm. Còn ngày nay, trên 1 mét vuông có chục đứa ngồi lê đôi mách. Lịch sử bị mỗi đứa sửa cho một kiểu, riết rồi không biết có còn gọi là lịch sử được nữa không.

Hình như ai đó đã từng nói thế này: “Gieo lời nói, gặt hành động. Gieo hành động, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận”. Như vậy, đôi môi của bạn có khả năng viết nên lịch sử của chính bạn và ảnh hưởng ít nhiều đến những người xung quanh như người thân, bạn bè. Còn lịch sử nhân loại thì còn tùy bạn là ai!

 

12) Một giấc mơ, tất cả những gì của một giấc sẽ hoàn toàn kết thúc và rời bỏ kẻ ngủ mê ở nơi mà anh ta vấp ngã. Nhưng phải chi bạn biết rằng mình linh cảm được nó. (Trích “Chuyện hai thành phố”, Charles Dickens)

Vở mộng

Mong ước, theo đuổi những thứ phi thực tế hoặc quá xa tầm tay có lẽ là chuyện không nên. Nhưng chẳng mấy ai đủ tỉnh táo để nghĩ đến điều đó đâu. Chừng nào té gãy răng hẳn tính. Có đứa tiễn nguyên hàm ra đi và tạm biệt luôn “em nhan sắc” còn chưa muốn bỏ cuộc cơ mà.

Nhưng xét cho cùng, giấc mơ đâu có bị đánh thuế. Cuộc sống không có những giấc mơ thì quá tẻ nhạt. Cho dù là chính đáng hay không chính đáng, thiết thực hay viển vông, bọn nó đều có vai trò nhất định trong cuộc sống con người. Ít ra cũng làm cho khối đứa thoát khỏi cái cảnh than ngắn thở dài vì buồn chán. Mơ mộng càng nhiều, đời càng rực rỡ chứ sao.

 

13) Dù linh hồn của chúng ta được làm ra từ thứ gì đi nữa, của tôi và của anh ấy cũng giống nhau thôi (Trích “Đồi gió hú”, Emily Bronte)

Đồi gió hú

Linh hồn được “sản xuất” ra từ “nguyên liệu” nào? Chẳng ai biết. Nhưng chúng ta biết rằng mọi linh hồn điều giống nhau. Nhưng đó là xét về mặt cấu tạo vật chất. Còn những suy tưởng thì chưa chắc. Ngoại trừ trường hợp đôi bên có sự đồng điệu. Nhưng tương đồng ít hoặc nhiều chứ chẳng thể nào giống nhau 100% được.

Những tâm tưởng, suy tưởng chúng ta thường gọi chung chung là tâm hồn. Không biết dùng từ vậy có đúng hay sai. Nếu có điều gì sai sót, mong quý vị niềm tình tha thứ cho. Đôi khi giữa chúng ta có nhiều cái chung lắm. Như tâm hồn ăn uống, tâm hồn lãng mạn, tâm hồn phiêu lãng,… Thậm chí thời nay còn lòi ra tâm hồn… bẩn bựa nữa.

 

14) Khi Estha khuấy mứt đặc, ông nghĩ đến hai điều. Đó là bất cứ thứ gì cũng có thể xảy ra với bất kỳ ai và tốt nhất là nên chuẩn bị trước đi là vừa. (Trích “Chúa trời của những điều vụn vặt”, Arundhati Roy)

Thượng đế vụn vặt

Mọi thứ đều có thể xảy ra. Đôi lúc có dấu hiệu để nhận biết trước khi nó đến. Nhưng thỉnh thoảng lại ập vào một cách bất ngờ, đỡ không nổi, chạy sút quần cũng chẳng thoát. Chính vì vậy, bạn phải luôn chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để giảm tối đa mức độ thiệt hại về vật chất, thể xác, lẫn tâm hồn.

Đã từng có kẻ thăng thiên vì cơn đau tim nổi lên đột ngột khi ông trời “giáng tin” trúng số độc đắc xuống cái đùng. Đấy nhé, tin vui cũng có thể giết người được. Cái gì cũng nên đề phòng là hơn!

 

15) “Nếu tình cảm chẳng thể nào cân bằng được nữa, hãy để cho tôi yêu nhiều hơn” (Trích “Yêu nhiều hơn”, W.H. Auden)

Trái tim

Những kẻ đang yêu mụ mị đầu óc thế đấy. Lao vào như con thiêu thân, bất chấp kết quả thương đau. Đến khi thân tàn ma dại, quên luôn lối về có khi còn chưa nhận ra được sự thực phũ phàng. Nghiện còn hơn nghiện thuốc phiện. Giang hồ ca thán nhiều lắm rồi mà nhiều đứa vẫn lao vào ầm ầm.

Túm lại, nó thuộc thể loại phức tạp nhất, khó hiểu nhất và có khả năng chi phối đời sống tinh thần con người nhất mọi thời đại. Hại não dễ sợ!

 

16) Bây giờ bạn không phải là kẻ hoàn hảo, nhưng có thể là người tốt (Trích “Phía Đông vườn Địa Đàng”, John Steinbeck)

Làm người tốt đã khó lắm rồi chứ đừng nói đến người hoàn hảo. Chính vì vậy, bạn đừng nên lăn tăn về vấn đề này làm gì. Sống thật vui vẻ, không khiến hàng xóm nổi điên, thiên hạ sỉ vả, giang hồ mạt sát là cuộc đời hạnh phúc mỹ mãn rồi. Nhưng hơi khó! Được lòng người này ắt mích lòng kẻ khác. Nói thẳng nói thật thì bị ghét. Phun ra toàn chuyện tốt với lời khen là bị liệt luôn vô hạng nịnh bợ. Mà khóa mồm, câm như hến, quần chúng bảo là bàng quan, vô cảm, lạnh lùng. Kiểu nào cũng chết thôi!

 

17) Và vào lúc ấy, tôi thề rằng chúng tôi là vô biên (Trích “The perks of being a wallflower”, Stephen Chbosky)

Vô biên

Wallflower nghĩa là lúc nào cũng thui thủi một mình, không bù khú với bạn bè và nhát thít. Câu chuyện kể về một nam sinh trung học có lối sống khép kín mít như vậy đấy. Nhưng cuối cùng, chàng cũng bị những kẻ nổi loạn lôi ra khỏi cuộc sống buồn tẻ để gia nhập vào cái đám lì như quỷ sứ. Bùng nổ hết mình với những cuộc vui của tuổi trẻ, bạn bè, tình yêu.

Những tháng ngày phải nói là hạnh phúc nhất cuộc đời cậu. Trong lúc hưng phấn tột đỉnh ấy mà có đứa nào gào lên rằng: “Chúng tôi là vô biên” thì chẳng ai bảo là điên khùng cả. Bốc quá rồi còn biết gì nữa đâu!

 

18) “Hỡi Horatio, còn rất nhiều thứ trong trời đất mà triết học của các bạn chẳng thể nào với tới nổi!” (Trích “Hamlet”, William Shakespeare)

Hamlet

Đó là câu trả lời của Hamlet cho sự tò mò, thắc mắc khi lũ bạn thấy chàng trở nên khác thường và gần như là một kẻ điên loạn. Tuy nhiên, rõ ràng đây không phải lời nói hồ đồ, thiếu suy nghĩ. Bởi trên đời này còn khối điều bí ẩn mà chưa ai có thể giải thích nổi. Kể cả những nhà hiền triết uyên thâm nhất. Đồng thời nó cũng ám chỉ tình cảnh mà chàng phải đương đầu: cha bị giết hại, chú cướp ngôi, mẹ theo chân người đàn ông khác. Chưa thấy ai điên mà đối đáp tỉnh rụi như vậy bao giờ!

 

19) “Ôi, nước Mỹ! Ta đã cho ngươi tất cả và bây giờ chẳng còn gì.” (Trích “Nước Mỹ”, Allen Ginsburg)

Đây là câu mở đầu trong bài thơ “Nước Mỹ”. Nó được thốt ra như một lời trách móc, thậm chí là có phần giận dữ. Và bạn hoàn toàn có thể cảm nhận được sự thất vọng tột cùng, lẫn bàng hoàng, chua xót trong những thi từ dữ dội mà ông sử dụng. Phát triển bom hạt nhân, tham chiến ở Việt Nam, kẻ yếu mất quyền tự do, người đồng tính bị phân biệt đối xử… tất cả những điều đó làm cho ông cảm thấy nước Mỹ lúc bấy giờ quá đỗi tồi tệ.

 

20) Đầu hàng để được hạnh phúc chính là chấp nhận sự thất bại, nhưng thất bại này đáng giá hơn nhiều chiến thắng (Trích “Kiếp người”, W. Somerset Maugham)

Kiếp người

Mục đích của chiến thắng chính là danh dự, tự tôn, khẳng định sức mạnh và giành được thứ mình mong muốn. Nói túm lại là thỏa mãn bản thân. Khi mọi nhu cầu đã được thỏa mãn, con người sẽ cảm thấy hạnh phúc. Vậy mục đích của mọi tranh đấu, xét cho cùng cũng chỉ là tìm kiếm hạnh phúc.

Nhưng bon chen riết rồi cũng sẽ có ngày… sứt môi. Đánh đổi nhiều thứ lắm. Kẻ thắng người bại đôi khi lỗ lã như nhau. Nếu bỏ cuộc mà vừa giành được nhiều lợi ích, vừa khỏe cái xác thì tội tình gì chen chúc với thiên hạ chi cho cực. Mặc dù mang tiếng thất bại, nhưng nó lại đáng giá hơn nhiều so với những chiến thắng mà phải sứt đầu mẻ trán và lỗ vốn thảm hại.

 

21) Chúng tôi đạt được kết quả cùng nhau mới là điều thật sự có ý nghĩa (Trích “All the little live things”, Wallace Stegner)

Cùng nhau

Sự gắn kết tạo nên sức mạnh. Có thể đủ để thành công hoặc có thể không. Nhưng những trải nghiệm và bài học quý giá mà nó mang lại chẳng bao giờ thừa. Kết quả ra sao không quan trọng. Quan trọng là chúng ta đã cùng nhau cố gắng hết sức. Một cuộc sống thành công không dựa trên những gì mà bạn đạt được, mà dựa vào việc chúng ta đã làm gì và làm như thế nào. Giang hồ vẫn bảo một cánh én không thể làm nên mùa xuân và một cái mồm không thể hình thành cái… chợ được.

 

22) Ngay cả ở điểm bất động, vẫn tồn tại ít nhất một điệu nhảy (Trích “Bốn khúc tứ tấu”, T.S. Eliot)

Điều luân vụ

Trên đời này có thứ gì bất động không? Không hề, trừ khi nó được mang ra so với chính nó. Nếu không, tất cả đều thuộc thể loại múa may quay cuồng thôi. Ngay cả Hệ Mặt Trời cũng vậy. Đã có thời nó được cho là “an phận thủ thường” rúc một xó. Nhưng bây giờ, người ta phát hiện nó di chuyển trong vũ trụ với vận tốc nghe đâu lên tới hơn 1,6 triệu km/giờ.

Nếu chỉ xét trong phạm vi Thái Dương Hệ, Mặt Trời chính là tâm. Nó không quay quanh bất kỳ một hành tinh nào. Tuy nhiên, nó vẫn phải xoay quanh chính nó. Giống như một điệu luân vũ vậy. Và đó là điệu nhảy duy nhất của nó.

Bạn cũng sẽ là điểm bất động nếu bạn tự so sánh với chính mình. Nhưng thực ra điều này chưa hẳn là đúng. Vì cho dù bạn đứng thù lù một đống từ ngày nọ qua ngày kia, mọi thứ bên trong bạn vẫn vận động không ngừng. Những hoạt động sinh hóa diễn ra liên tục và ngay cả tâm trí cũng quay cuồng vì suy nghĩ tào lao hay buồn chán. Đó là điệu luân vũ của riêng bạn.

 

23) Ngày xửa, ngày xưa, có một anh chàng yêu say đắm một cô nàng, tiếng cười của cô ấy là câu hỏi mà anh muốn dành cả đời mình để giải đáp (Trích “Lịch sử tình ái”, Nicole Krauss)

Nụ cười

Đôi khi cố giải mã câu hỏi từ nụ cười sẽ đem lại đáp án bằng tiếng khóc. Cuộc đời lắm điều không thể tưởng tượng nổi lắm. Với lại nụ cười vốn đã rất phong phú và phức tạp rồi.

Cười hạnh phúc, cười mãn nguyện, cười bông đùa, cười trên sự đau khổ của thằng hàng xóm, cười mỉa, cười sỉ nhục, cười bí hiểm,… Thậm chí lúc đau khổ quá hổng khóc nổi cũng cười nốt. Bởi vậy, dành cả đời để tìm hiểu cũng phải. Mà có khi vì quá say mê, quá thần tượng nên chàng muốn biết tại sao nó có sự cuốn hút đến vậy.

 

24) Bất chấp mọi thứ, tôi vẫn tin vào sự tốt đẹp hằng ngự trị trong trái tim mỗi con người (Trích “Nhật ký Anne Frank”, Anne Frank)

Anne Frank

Trốn chui trốn nhủi, và cuối cùng là phải bỏ mạng trong trại tập trung của Đức Quốc Xã, vậy mà cô bé Anne Frank vẫn tin tưởng vào con người, vào lòng tốt của con người, gần như là tuyệt đối. Sức mạnh lòng tin thật là kỳ lạ! Càng kỳ lạ hơn là nó tồn tại ngay giữa cảnh bắt bớ, giam cầm và giết chóc. Nơi mà chỉ ngập tràn nỗi oán hận và sự sợ hãi đến tột cùng.

Không cần những văn từ mỹ lệ, không cần lối diễn đạt trau chuốt, mượt mà, “Nhật ký Anne Frank” vẫn có sức lôi cuốn đến thần kỳ. Nó trở thành cuốn sách gối đầu giường của hàng chục triệu người trên toàn thế giới.

 

25) “Hãy để cho sự huyên náo nơi hoang dã bắt đầu!” (Trích “Where the wild things”, Maurice Sendak)

Where the wild things, hoang dã

Cuộc sống nơi hoang dã là giấc mơ của rất nhiều cô cậu nhai cơm bằng răng sữa. Thậm chí là cả những đứa to xác thích mơ mộng và phiêu lưu. Bây giờ còn khối đứa thần tượng Tarzan lắm. Bạn mà hỏi bọn nó có muốn lên rừng sống chung với khỉ không, bảo đảm những cái đầu sẽ gật đồng loạt cho mà xem. Nội dung của “Where the wild things” chính là trí tưởng tượng của một cậu bé bị nhốt trong phòng đấy thôi. Bay cao bay xa dễ sợ!

 

26) Cô ấy đã gom những mảnh rời rạc trong tôi lại và đưa chúng về đúng trật tự vốn có (Trích “Người yêu dấu”, Toni Morrison)

Người yêu dấu

Thất vọng, mất lòng tin, và không định hướng được con đường phía trước về đâu, nên đi như thế nào… Tất cả những điều ấy khiến cuộc sống chúng ta như vỡ vụn. Chúng ta mâu thuẫn với mọi thứ xung quanh và mâu thuẫn với cả chính bản thân mình. Cuối cùng thứ còn sót lại trong mỗi linh hồn chỉ là sự rời rạc và vô nghĩa.

Nếu như kẻ nào đó đủ tinh tế, đủ rộng lượng, đủ lòng yêu để vơ sạch những mảnh vỡ và định hình tâm hồn của bạn, kẻ đó có đủ quyền năng để xoa dịu mọi trái tim. Đừng bao giờ để họ vượt quá tầm với của đôi tay bạn. Thậm chí, nếu cần, phóng ra chợ tậu luôn xích sắt về cho chắc ăn!

 

27) “Thật là tự do làm sao! Cứ như vậy đi!” (Trích “Wild”, Cheryl Strayed)

Wild

Đây là những gì Cheryl Strayed cảm nhận được khi lết trên lối mòn mang tên Pacific Crest Trail. Mẹ mất, hôn nhân tan vỡ, cô lên đường chỉ cốt tìm kiếm sự khuây khỏa. Nhưng cô đã tìm được nhiều thứ hơn cả những gì mình mong đợi. Hóa ra chẳng có sự ràng buộc nào lại khá hay ho. Khỏa lấp nỗi cô đơn bằng ngày tháng tự do thì đâu đến nỗi tệ.

Nói như vậy không có nghĩa đang yên đang lành, bỗng dưng nỗi hứng cuốn gói đi bụi là được hoan nghênh đâu nhé! Đừng có nổi máu phiêu lưu mà mần liều à!

 

28) “Tôi có dám gây náo động vũ trụ không ư?” (Trích “Bản tình ca của J. Alfred Prufrock”, T.S. Eliot)

Prufrock

Nghe có có vẻ như muốn nổi loạn ấy! Bài thơ nói về một gã nhút nhát, lúc nào cũng sợ sệt và sống khép mình. Một cuộc sống quá ư phẳng lặng, nhàm chán và vô nghĩa. Chẳng khác gì cái ao tù đầy rêu mà quanh năm không có lấy một gợn sóng nào, dù là khẽ khàng nhất.

Đôi khi gã cũng muốn nổi loạn, muốn mình phải khác đi. Nhưng cuối cùng đành dẹp bỏ ý định vì sợ va chạm, sợ thất bại, sợ thay đổi,… “Tôi có dám gây náo động vũ trụ không ư?”, gã chỉ dám thốt lên như vậy rồi câm bặt. Thậm chí chỉ vừa đủ cho mình gã nghe thôi. Chán đời thế không biết!

 

29) Chẳng có ai chú ý đến anh, hạnh phúc và cận kề với một cuộc sống tự do (Trích “Chân dung chàng họa sĩ trẻ tuổi”, James Joyce)

Tự do

Đó là một phần diễn biến trong quá trình phát triển và đấu tranh nội tâm của Stephen Dedalus – nhân vật chính của tiểu thuyết này. Xuyên suốt tác phẩm, những suy niệm, sự giằng co, trăn trở khiến cậu không một lúc nào có thể dứt ra được những ý nghĩ kéo đến dồn dập.

Đám mới lớn mà có tâm hồn sâu sắc luôn như vậy đấy. Dường như lúc nào cũng chìm đắm trong dòng suy tư bất tận. Ngay cả khi đang tận hưởng sự đủ đầy, hạnh phúc. Nghĩ nhiều mệt óc thêm chứ có được gì đâu mà ham hố thế không biết!

 

30) Cô khao khát rằng có thể thấu hiểu (Trích “Tình yêu thời thổ tả”, Gabriel Garcia Marquez)

Tình yêu thời thổ tả

Ừ thì ai mà chẳng muốn hiểu hết những thứ đang diễn ra xung quanh, thấu đáo những gì đang xảy ra với mình. Đặc biệt là những nhân vật trong câu chuyện có một không hai này.

Chàng và nàng không thể đến được với nhau vì vấn đề môn đăng hộ đối. Nàng bị gả cho một anh bác sĩ có tiếng tăm trong giới thượng lưu. Chàng nổi đóa bỏ đi, bất chấp tất cả để mần giàu. Và chờ ngày gã bác sĩ khốn kiếp kia ngỏm củ tỏi sẽ quay về với người yêu dấu.

Rồi cái ngày ấy cũng đến, khi hai người tròm trèm quá 70 xuân xanh. Nhưng định kiến xã hội lại một lần nữa ngăn cản mối tình của họ. Thế là cả hai lủi lên một chiếc tàu và bắt đầu những ngày tháng xuôi ngược trên dòng sông Magdalena. Họ không quên treo lá cờ vàng báo hiệu trên tàu có dịch tả để thiên hạ không dám bén mảng lại gần mà dòm ngó. Mối tình của họ được giang hồ ví von như Romeo và Juliet ấy.

 

31) Cô trở lại là chính mình và loại bỏ dần cái tôi hư cấu mà chúng ta khoác lên người như vỏ bọc để xuất hiện trước thế giới (Trích “Thức Tỉnh”, Kate Chopin)

Thức Tỉnh

Kẻ nào manh nha vượt qua lề thói, chuẩn mực đã quy định sẵn đều bị cho là vô luân. Người phụ nữ muốn tìm về bản ngã phải đứng vững trước những đòn tấn công liên hồi từ dư luận xã hội, từ những quan niệm đạo đức cổ hủ đã áp đặt lên lối sống con người bao đời nay. Cái giá của việc dám cả gan vứt đi vỏ bọc giả dối để được sống với chính con người thật của mình là sự ghẻ lạnh, khinh ghét, thậm chí là ruồng bỏ.

Chính vì vậy, việc xuất hiện trước thế giới với một tấm thân “trần trụi” chẳng dễ dàng gì cho cam. Nó bị liệt vào hành vi nổi loạn đấy. Vì như vậy chẳng khác gì bạn tạt gáo nước lạnh vào thứ mà lúc bấy giờ người ta công nhận là luân thường. Khổ vậy chứ!

 

32) “Chúng tôi đốt rụi những cây cầu mà chúng tôi đi qua. Chẳng có thứ gì chứng minh cho công việc chúng tôi đang tiến hành ngoại trừ ký ức về mùi khói vương vất hình như từng một lần làm chúng tôi chảy nước mắt”. (Trích “Rosencrantz và Guildenstern đã chết”, Tom Stoppard)

Rosencrantz và Guildenstern đã chết

Rosencrantz và Guildenstern là hai gã tay sai được vua Claudius sắp xếp bên cạnh Hamlet với nhiệm vụ chuyển mật lệnh đến vua nước Anh nhằm trừ khử chàng. Nhưng sau đó chàng đã đánh tráo mật lệnh, kết quả hai tên kia bị tiễn về địa ngục. Vở bi hài kịch này được đánh giá rất cao và là một trong những vở kịch đã đưa tên tuổi Tom Stoppard vang xa khắp thế giới.

 

33) Một nửa sinh mệnh của tình yêu là vĩnh cửu (Trích “Anh đã đánh mất cô ấy như thế nào”, Junot Diaz)

Anh đã đánh mất cô ấy như thế nào

Bạn không để tâm đến nhiều điều vì cho là nhỏ nhặt. Bạn không thể nhớ những gì cô ấy đã quên. Bạn lẩm bẩm một mình, trong khi cô ấy muốn là người được bạn chia sẻ. Bạn làm cho cô ấy có cảm giác rằng nhiều lúc mình bị lãng quên hoặc không quan trọng. Bạn làm cho cô ấy cảm thấy mình xấu xí. Nhiều lúc, cô ấy chìm vào câm lặng nhưng bạn không hiểu tại sao và đôi khi cũng chẳng buồn tìm nguyên nhân. Và còn nhiều lý do khác khiến bạn đánh mất cô ấy.

Tinh tế, sâu sắc, và nhiều cảm xúc lắng đọng. “Anh đã đánh mất cô ấy như thế nào” sẽ giúp cho bạn nhận thức được nhiều điều mà đôi khi chúng ta chẳng bao giờ chú ý đến hoặc nhất thời chưa thể nhận ra. Bạn nào yêu rồi thì vác về đọc đi nhé! Chưa yêu cũng nên mua về vì sẽ có lúc cần. Làm gì có đứa nào ế mãn kiếp đâu!

 

34) “Tôi ca tụng chính mình, hát cho chính mình” (Trích “Bài hát chính tôi”, Walt Whitman)

Bài hát chính tôi

“Bài hát chính tôi” là bài thơ được đánh giá đặc sắc nhất trong tập thơ “Lá cỏ” của Walt Whitman. Khi đọc câu đầu tiên, có lẽ, thiên hạ nghĩ gã ngông hơn cả nhà thơ Tản Đà. Cái tôi được khẳng định chắc nịch. Chắc như đinh đóng cột, cột mục chưa chắc sút đinh.

Tác phẩm khắc họa chân dung người Mỹ, mọi mặt đời sống đất nước Mỹ và những tấn bi kịch nó đang trải qua. Đồng thời nêu bật cá tính mạnh mẽ, không chịu khuất phục trước bất kỳ ai, bất cứ thứ gì. Bằng chứng là đây:

“Mùi hương nách này thơm hơn kinh cầu nguyện

Cái đầu này hơn các nhà thờ, kinh thánh và mọi tín điều”.

 

35) Cuộc đời này có cả bóng tối lẫn ánh sáng. Bạn là một trong những ánh sáng, là ánh sáng trong tất cả những ánh sáng. (Trích “Bá tước Dracula”, Bram Stoker)

Ánh sáng

Đó là lòng tin vào con người. Con người là những điểm sáng trong vũ trụ này. Cả về trí tuệ và tinh thần nhân văn. Nghĩa là ai cũng “sáng sủa” hết trơn hết trọi á, miễn tăng ca buổi tối. Mỗi người đều là cá thể độc nhất, với những đặc điểm riêng, sở trường riêng. Chính vì vậy, có thể nói rằng đứa nào cũng có nét nổi bật, cũng đặc biệt hơn những đứa còn lại. Thôi, nói một hồi hơn 7 tỷ người đều là “hót gơ”, “hót boi” cả rồi.

 

36) Bạn không phải sống đời đời, chỉ là phải sống thôi (Trích “Nhà Tuck bất tử”, Natalie Babbitt)

Nhà Tuck bất tử

Nếu có được cuộc sống bất tử, bạn sẽ làm gì nhỉ? Ngày đi cày, tối vác mặt ra quán cà phê ngắm gái hoặc mốc mặt với laptop, cuối tuần nốc cho quắc cần câu. Sống như vậy vài chục năm thì được, chứ vài trăm vài ngàn năm thì ai chịu cho nổi. Chán thấy mồ!

Đây là mẩu truyện dành cho bọn nhóc miệng còn hôi sữa và cả những đứa lớn xác bất ngờ… hoàn đồng. Nhưng vấn đề được đặt ra rất là nghiêm túc nhé: sống và chết. Chẳng ai muốn chết cả, con nít dù chưa hiểu gì vẫn sợ chết như thường. Cơ mà chuyện bất tử chỉ nằm trong sách và trí tưởng tượng thôi.

Trong tác phẩm “Rừng Nauy” của Murakami Haruki, có lời nhận định rằng sự sống không hề đối nghịch với cái chết, sự sống nuôi dưỡng cái chết. Có vẻ hơi lệch pha và không chuẩn mực khi so sánh hai tác phẩm này với nhau. Nhưng ít ra, chúng ta có thể đúc kết được điều gì đó khi có sự đối chiếu. À mà thôi, suy nghĩ chi cho mệt não!

 

37) Ngày mai luôn tươi mới, vì chưa có lỗi lầm nào cả (Trích “Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh”, Lucy Maud Montgomery)

Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh

Hôm qua, hôm nay có thể đã có nhiều vấp váp, sai lầm. Nhưng ngày mai thì không hề. Bởi vì nó chưa tới. Nghĩa là nó luôn hứa hẹn nhiều thú vị, nhiều đổi mới và tất cả sẽ lại ổn cả thôi. Cho nên thứ gì đã qua thì cho qua luôn đi, vứt hết ra ngoài đường ấy. Đứa nào nào ham hố cứ nhặt. Còn ta cứ tiếp tục sống, tiếp tục hy vọng và chờ đợi những điều mới mẻ. Thế là vui cả làng hé!

 

38) Tôi có thể nghe thấy tiếng huyên náo vì chúng tôi ở ngay đây, chẳng có ai di chuyển, ngay cả khi căn phòng chìm vào bóng tối (Trích “Chúng ta nói về điều gì khi đề cập đến ái tình”, Raymond Carver)

Chúng ta nói về điều gì khi đề cập đến ái tình

Mỗi khi nhắc đến chuyện yêu đương, bạn thường mang vấn đề gì ra bàn bạc nhỉ? Thiết nghĩ nhiều lắm chứ. Cưa mòn răng mà không đổ. Trái tính trái nết, khó chiều. Cãi nhau vã mồi hôi cục vì mấy chuyện vặt vãnh. Đủ thể loại trên trời dưới đất có thể nảy sinh giữa những bọn đã, đang và thậm chí là sắp yêu.

Ngay cả cái nắm tay thôi cũng sinh khối chuyện. Khi yêu nhau, người ta nắm tay để thể hiện tình cảm. Còn đã về chung mái nhà rồi thì cái nắm tay đôi khi chỉ xảy ở những lúc cần tự vệ thôi. Phức tạp vô cùng ta ơi!

 

39) Tôi thích hạnh phúc hơn là tôn quý (Trích “Jane Eyre”, Charlotte Bronte)

Jane Eyre

Một kẻ từ bé tới lớn nếm trải toàn cay đắng thì dĩ nhiên cần gì khác ngoài sự hạnh phúc. Cũng gần giống như câu chuyện về thằng Bờm ấy. Đói khát, nó chỉ cần thức ăn thôi, thiết gì của cải đâu. Nếu bạn có được sự tôn quý, nghĩa là đủ đầy danh vọng, tiền bạc nhưng không thể sống cuộc sống mà mình mong muốn thì riết rồi cũng sinh tật chán đời. Tranh giành, bon chen, phấn đấu… mục đích cuối cùng cũng chỉ là tìm kiếm hạnh phúc cả thôi.

 

40) Stay gold, Ponyboy! (Trích “Kẻ ngoài cuộc”, S.E. Hinton)

Kẻ ngoài cuộc

Stay gold được hiểu là giữ gìn sự vô tư, trong sáng và thuần khiết. Ponyboy vốn là cậu bé hiền như cục đất. Nhưng vì bị môi trường sống không lành mạnh ảnh hưởng nên tính cách cậu càng ngày càng biểu hiện theo hướng tiêu cực. Một đứa bạn thân của Ponyboy không muốn cậu bị cuốn vào những điều tồi tệ, mà hướng đến cuộc sống tốt hơn nên gào lên rằng: “Stay gold, Ponyboy!”. Nếu ai đó bảo với bạn rằng: “Hãy stay gold!”, lúc đó tự hiểu nha!

 

41) Anh đã trải những giấc mơ của anh dưới chân em. Em hãy bước đi thật nhẹ nhàng vì em đang giẫm lên nó đấy. (Trích “Aedh ước có được mảnh vải của thiên đường”, W.B. Yeats)

Aedh ước có được mảnh vải của thiên đường

Thật là ngông cuồng và phi lý, nhưng tình yêu vốn dĩ là vậy! Đã chui tọt vào lĩnh vực này rồi thì mọi thứ không thể đều biến thành có thể, vô lý cũng thành có lý. Nó chấp nhận cả những thứ mà chúng ta vẫn gọi là dở hơi, yếu đuối, ngớ ngẩn, thậm chí là điên loạn. Cũng giống như anh chàng Aedh vậy. Chỉ mong có được mảnh lụa thiên đường để lót chân thiên thần của gã thôi. Nhưng điều đó không thể thực hiện được, thế là gã dùng giấc mơ của mình để thay thế. Ôi trời! Giang hồ vẫn kháo rằng tình yêu đôi lúc khiến người ta mù quáng và hôn nhân là cách duy nhất giúp cho họ thức tỉnh. Hên xui!

 

42) Cái đẹp là sự thật, sự thật là cái đẹp (Trích “Ode to a Grecian urn”, John Keats)

Ode to a Grecian urn

Có những sự thật không như bạn mong muốn. Nhưng nếu đã hiện hữu trong cuộc đời bạn nghĩa là nó có vai trò gì đó mà chúng ta chưa hiểu được, chưa nắm bắt được, chưa thể nhận ra ngay được. Trên đời này chẳng có gì là vô nghĩa cả.

Điều may mắn đến sẽ làm cho bạn vui vẻ, hạnh phúc, và mọi thứ sáng bừng trong tâm trí. Điều bất hạnh đến sẽ làm cho bạn có thể nhận thức được cái nên, cái không nên, thứ quý giá và biết trân trọng những gì mình đang có. Chính vì vậy, dù huy hoàng, rực rỡ hay tối tăm, ảm đạm thì sự thật vẫn “lung linh”.

Các bạn đang đọc những trích dẫn hay nhất của văn học đấy! Trong khi “cái đẹp mà văn học mang lại không phải là cái gì khác hơn là cái đẹp của sự thật đời sống được khám phá một cách nghệ thuật”. Ai đó đã nhận định vậy á!

 

43) Mọi cái đều đẹp đẽ và chẳng thứ gì làm chúng tổn thương (Trích “Lò sát sinh số 5”, Kurt Vonnegut)

Lò sát sinh số 5

Kurt Vonnegut nổi tiếng với các thể loại châm biếm, đả kích những hành vi kỳ thị màu da, đam mê thú vui xác thịt hơn là tận hưởng sự ngọt ngào của tình yêu, bất bình đẳng giới tính, tư tưởng cực đoan nhưng mỗi lần mở miệng là y như rằng nhân danh nhân văn nhân đạo,…

“Lò sát sinh số 5” là tác phẩm châm biếm, đả kích chiến tranh gây tiếng vang lớn lúc bấy giờ. Nhưng một số học giả lại cho rằng nó không ổn vì tác giả sử dụng quá nhiều từ ngữ dung tục. Các bạn lôi em nó về đọc rồi cho LaLung.vn biết cảm nhận với nhé!

 

44) Hãy giữ gìn các cuốn sách và những gì bên trong chúng, vì ngôn từ có khả năng thay đổi chúng ta đấy (Trích “The Infernal Devices”, Cassandra Clare)

The Infernal Devices

Sức mạnh của ngôn thì khỏi phải bàn cãi. Nó có khả năng thay đổi nhận thức của con người. Mà thay đổi nhận thức chính là tiền đề để thay đổi cả thế giới. Churchill Sir Winston đã từng nói rằng: “Gặp được một quyển sách hay, nên mua liền dù đọc được hay không đọc được, vì sớm muộn gì cũng cần đến nó”. Và có bạn áp dụng rất triệt để tinh thần này nhé. Nghe sách hay là hốt về liền bất chấp ngôn ngữ của nó là gì. Sau đó tra từ điển lòi con mắt ếch luôn.

 

45) Chúi đầu vào những giấc mơ và quên đi cuộc sống thực tại là không tốt. Hãy nhớ lấy điều đó! (Trích “Harry Potter và hòn đá phù thủy”, J.K. Rowling)

Harry Potter và hòn đá phù thủy

Giấc mơ rất cần cho mỗi chúng ta. Đôi khi nó là khởi nguồn của những điều vĩ đại. Nhưng ham hố quá cũng hổng có tốt chút nào. Đối với giấc mơ mà bạn xác định rằng quá viển vông, nằm ngoài khả năng của mình, tốt nhất hãy xem như một thứ gia vị đặc biệt để giúp cuộc sống đỡ tẻ nhạt. Mơ thì vẫn cứ mơ, nhưng sống vẫn phải sống cho tốt.

 

46) Các cuộc hành trình đều kết thúc khi những kẻ yêu nhau tương ngộ (Trích “Twelfth Night”, William Shakespeare)

Twelfth Night, kết thúc hành trình

Ngày xửa ngày xưa, các cụ hay ví cuộc đời như chiếc thuyền. Nó mãi lênh đênh nếu không tìm được bến đỗ. Ngày nảy ngày nay, có đứa bảo rằng: “Cuộc đời giống như một chiếc xe, nó lang thang từ cây xăng này đến cây xăng khác cho đến khi tìm được nhà nghỉ ưng ý”. Nhưng túm lại, tất cả đều là những hành trình, kéo dài từ năm nọ qua tháng kia nếu chưa tìm được chỗ dừng chân.

Còn ở đây, Shakespeare cho rằng chúng ta sẽ kết thúc hành trình của mình nếu tìm được người tình lý tưởng. Chàng ở đâu, nàng về đó. Hay nàng ở đâu, chàng theo đó. Vậy là ổn hén!

 

47) Những bài thơ giống như cầu vồng vậy, chúng vuột khỏi bạn rất nhanh (Trích “Biển lớn”, Langston Hughes)

Cầu vồng

Bạn nghĩ gì về điều này? Với thứ quá tuyệt mỹ, chúng ta thường ví như những giấc mơ. Vì gần như là không tưởng, gần như xa vời. Hoặc có thể chẳng bao giờ chạm vào được. Còn những bài thơ thì sao? Chúng đến với ta chỉ trong khoảnh khắc, khi linh hồn tựa dây đàn, ngân vang cung bậc trầm bổng rồi vụt tan và mọi thứ trở lại bình lặng? Hay khi tâm thức rung động mãnh liệt, chúng khẽ khàng lướt qua, nhẹ nhàng, ấm áp, vỗ về như cái cách mà những đôi môi chạm vào nhau?
 

Những câu văn học tuyệt vời kia có gợi cho bạn điều gì không? Hãy cho LaLung.vn biết với nhé! Tiểu thuyết, thi ca không hề “sao y bản chính” cuộc đời, nhưng xuất phát từ cuộc đời. Với chúng, mọi thứ trong cuộc sống này rõ ràng hơn, chân thực hơn.

Sau đây là vài câu nói tuyệt cú mèo mà được thiên hạ truyền mồm cho nhau. Bạn dành chút đỉnh thời gian dòm thử xem sao.

Có những điều khá đơn giản, nhưng hồi giờ mình hổng có nghĩ ra. Mà thôi kệ, trễ còn hơn không, trong khi chưa chắc đã trễ. Các bạn đừng quên chia sẻ bài viết với bà con, chòm xóm xa gần đấy nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *