Đừng bao giờ đánh giá người khác khi chưa hiểu về họ.
“Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi…toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương…” (“Lão Hạc”, Nam Cao)
Nghệ thuật trong bất cứ mảng nào cũng nên gắn liền với hiện thực.
“Chao ôi! Chao ôi! Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than, vang dội lên mạnh mẽ trong lòng…” ( “Trăng sáng”, Nam Cao)
Đôi khi chúng ta không thể lựa chọn để trở thành…người lương thiện.
“Tao không cần tiền. Tao muốn lương thiện. Ai cho tao lương thiện” (“Chí Phèo”, Nam Cao)
Sáng tạo là điều cần có trong văn chương.
“Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có”. (“Đời thừa”, Nam cao)
Áng sáng cuối con đường hay niềm hi vọng gởi gắm vào tương lai.
“Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ.” (“Hai đứa trẻ”, Thạch Lam)
Chúng ta thường hay mơ tưởng đến những thứ xa xôi mà không quý trọng những thứ bên cạnh mình.
“Suốt đời Nhĩ đã từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên trái đất, đây là một chân trời gần gũi mà lại xa lắc vì chưa hề bao giờ đi đến – cái bờ bên kia sông Hồng ngay trước cửa sổ nhà mình. (“Bến quê”, Nguyễn Minh Châu)
Trên đường đời lắm lúc khó tránh khỏi những cám dỗ.
“Con người ta trên đường đời thật khó tránh được những cái điều vòng vèo hoặc chùng chình” (“Bến quê”, Nguyễn Minh Châu)
Con đường chỉ được hình thành khi có người bước đi…
“Đã gọi là hy vọng thì không thể nói đâu là thực, đâu là hư. Cũng giống như những con đường trên mặt đất, kì thực trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi.” (“Cố hương”, Lỗ Tấn)
Sự lương thiện của con người đôi khi bị vòng xoáy cuộc sống đánh cắp.
“Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất…” (“Lão Hạc”, Nam Cao)