Những câu nói khôn ngoan của Tư Mã Ý trong Tam Quốc Diễn Nghĩa – Ý NGHĨA SỐNG

Khác với Chu Du không ít lời than trách “Trời đã sinh Du sao còn sinh Lượng”, Tư Mã Ý lại khảng khái nói rằng “Khổng Minh đúng là thần nhân, ta không bằng ông ấy được”. Tư Mã Ý biết nhìn thẳng vào thực tế, biết nhìn nhận tương quan lợi hại của đối thủ và mình để mà có phương án tác chiến như câu nói của ông: “Phép dụng binh có 5 điều cốt yếu: có thể đánh được thì đánh, không đánh được thì giữ, không giữ được thì chạy, không chạy được thì hàng, không hàng được thì chết”. Ông còn là bậc Đại Nhẫn khi hiểu được đạo lý “không biết nhịn điều nhỏ, thì loạn mất mưu lớn”. Dưới đây là những câu nói khôn ngoan của Tư Mã Ý mà chúng tôi sưu tầm từ tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa liên quan đến những kế sách, binh pháp, tài năng “thần cơ diệu toán”, thuật đối nhân xử thế của ông, cho thấy Tư Mã Ý quả nhiên là đối thủ xứng tầm của Khổng Minh Gia Cát Lượng trong thời Tam Quốc lừng danh.

Tư Mã ÝTư Mã Ý

1. Hiến kế cho Tào Tháo xây dựng liên minh Nguỵ – Ngô để đánh Thục

Trước tình thế Lưu Bị chiếm được Hán Trung, đồng thời lên ngôi Hán Trung Vương, lại dâng biểu tâu lên Hán Hiến Đế nguyện hết sức đánh giặc Tào giúp nhà Hán. Tào Tháo ở Nghiệp Quận nổi giận bèn truyền lệnh khởi hết quân trong nước sang hai Xuyên để quyết sống mái với Hán Trung Vương. Nhưng Tư Mã Ý đã bước ra can ngăn và hiến kế cho Tào Tháo rằng:

“Tôn Quyền ở Giang Đông, gả em cho Lưu Bị, rồi lại thừa cơ bắt em về. Lưu Bị thì chiếm giữ Kinh Châu, không trả Đông Ngô. Bởi thế hai bên vẫn thù oán nhau. Nay ta nên sai người đến dụ Tôn Quyền, xui hắn cất quân sang đánh Kinh Châu. Lưu Bị tất phải mang quân ở hai Xuyên đến cứu. Bấy giờ ta sẽ dẫn quân đến lấy Hán Trung. Lưu Bị đầu đuôi không cứu được nhau, tất nhiên phải nguy khốn”.

Lời can gián kịp thời của Tư Mã Ý đã giúp ngăn quyết định vội vàng của Tào Tháo tào tháo trong lúc nóng giận, tránh được nỗi lo khó nhọc xa giá đi đánh nơi xa.

Không những thế, việc liên minh Nguỵ – Ngô chính là thượng sách trong thời tam quốc bấy giờ (chủ trương này cũng giống chủ trương của Gia Cát Lượng trong việc duy trì liên minh Ngô – Thục). Chính liên minh Nguỵ – Ngô đã tạo thành thế gọng kìm, khoá chặt Kinh Châu, làm Quan Vân Trường tử trận, rồi kéo đến một loạt thất bại sau này của Lưu Bị khi tiến công sang Đông Ngô để báo thù cho em kết nghĩa, làm cho Lưu Bị mất không lâu sau đó, đồng thời làm suy yếu đáng kể thế lực của nước Thục Hán lúc bấy giờ. Hiểu được nội tình lục đục của liên minh Tôn – Lưu lúc bấy giờ là đại tài của chiến lược gia Tư Mã Ý vậy.

2. Hiến kế cho Tào Tháo tránh được kế “đổ vạ” của Đông Ngô:

Trước tình thế Đông Ngô lấy thủ cấp của Quan Vân Trường mang tặng cho Tào Tháo nhằm đổ tội cho Tào Tháo, định chuyển hướng tấn công của Thục Hán sang Tào Nguỵ. Nhận ra cạm bẫy của Đông Ngô, Tào Tháo vời các mưu sĩ hiến kế để tránh hoạ chiến tranh. Tư Mã Ý đã tư vấn cho Tào Tháo: “Việc này cực dễ. Đại Vương nên tạc một thân thể bằng gỗ trầm, chắp đầu Quan Công vào, dùng lễ đại thần táng cho ông ấy. Lưu Bị thấy vậy, tất căm giận Tôn Quyền, cố sức mà đánh Đông Ngô. Ta ở ngoài, xem hai bên được thua thế nào, hễ Thục mà được thì ta đánh Ngô, Ngô mà được thì ta đánh Thục. Nếu ta lấy được một nước, thì còn một nước nữa, cũng không bền được lâu với ta.”

Tào Tháo nghe theo làm lễ cúng tế, dâng lễ vương hầu, táng ở ngoài cửa nam thành Lạc Dương, các quan lớn nhỏ đều phải tới đưa tang. Tháo tự mình vào lễ bái, tặng phong làm Kinh vương, sai quan giữ mộ, rồi cho sứ giả về Giang Đông. Quả nhiên sau đó, Lưu Bị cho tổ chức một cuộc đại tấn công Đông Ngô.

3. Chia sẻ binh pháp với Trương Cáp

Ý nói: “Tử Đan, Bá Tế sợ ta lập công to, cho nên cũng lại cướp thành trì. Ta không muốn thành công một mình làm gì, cũng là bỡ ngỡ may gặp đó thôi. Ta chắc Nguỵ Diên, Vương Bình, Mã Tốc, Cao Tường đã về giữ ải Dương Bình rồi. Nếu ta đến lấy ải ấy, Gia Cát Lượng theo sau chụp đánh quân ta, lại hoá ra ta mắc mẹo mất. Binh pháp có nói “quân chạy về chớ đuổi, giặc túng thế chớ theo”. Ngươi nên đi men đường nhỏ, lẻn ra hang Cơ Cốc mà tiến binh. Ta dẫn quân đến cự quân giặc ở hang Tà Cốc. Nếu giặc thua chạy, ta cũng không nên đuổi quá, cứ chặn nửa đường mà đánh, tất cướp được nhiều lương thảo”.

Mặc dù đã giành được Nhai Đình, Tư Mã Ý vẫn đề cao cảnh giác trước thù trong, giặc ngoài. Đối với công việc ông luôn tính toán thận trọng, và chia sẻ tầm nhìn, chia sẻ kiến thức cũng như kế hoạch tác chiến với cấp dưới. Tư Mã Ý đã dặn dò tướng Trương Cáp khá nhiều lần về việc “nếu giặc thua, ta cũng không nên đuổi quá” trong những lần giao tranh với quân Thục do Khổng Minh chỉ huy, nhưng rất tiếc với bản tính tham chiến đấu, Trương Cáp đã không làm chủ được tình thế, không nghe theo lời của Tư Mã Ý nên sa vào bẫy của Khổng Minh dẫn đến hoạ sát thân trong trận Kiếm Các, trên đường Mộc Môn.

4. Hiến kế cho Tào Chân nhưng không để nghi kị

Tư Mã Ý tâu với Tào Duệ: “Tôi thường nói với bệ hạ là Gia Cát Lượng tất đi đường Trần Thương, cho nên Hác Chiêu giữ ở đó, nay quả nhiên như thế thực. Bởi vì đi lối ấy vào cướp thì mang lương tiện lắm. Nay đã có Hác Chiêu, Vương Song giữ gìn, giặc không đi qua được đấy nữa. Còn các đường nhỏ khác, vận tải khó nhọc. Tôi đồ rằng lương ăn của quân Thục phen này chỉ còn đủ một tháng, nên chúng cần phải đánh ngay. Quân ta chỉ nên giữ vững chớ đánh. Xin bệ hạ giáng chiếu cho Tào Chân, sai y giữ vững các nơi quan ải, không ra đánh vội. Chỉ một tháng, quân Thục phải chạy, bấy giờ sẽ thừa thế đuổi đánh, có thể bắt được Gia Cát Lượng”. “Bệ hạ nên sai người ra dặn bảo Tào Chân nếu có đuổi theo quân Thục, phải xem thực hư thế nào đã, không nên vào nơi trọng địa, mà mắc mẹo GCL đấy”.

Ý lại dặn dò Hàn Kỳ: “Ta lấy công này nhường cho Tử Đan. Ông có ra đó, chớ nên nói ta bày ra mẹo ấy; chỉ nói là thiên tử giáng chiếu sai giữ gìn cẩn thận; mà có sai người đi đuổi giặc thì phải nghĩ cho chín chắn, chớ dùng người nông nổi nóng tính mà lỡ việc.”

Cho thấy, Tư Mã Ý là người tinh tường và khéo léo trong các mối quan hệ trong điều trình nhà Nguỵ. Tư Mã Ý hiểu được tính cách của những người xung quanh để chọn cách nói sao cho thuyết phục họ và không ảnh hưởng tới công việc. Hiến kế nhưng không tranh công, giúp người mà không muốn cho người đó biết. Mặt khác ông cũng thể hiện vai trò của mình trong việc cố vấn cho chủ soái Tào Duệ để không làm giảm sự ảnh hưởng của mình trong triều đình của nhà Nguỵ, càng khiêm tốn thì ông lại càng nhận được sự tin cậy của Tào Duệ. Sau này Tào Duệ phong cho Tư Mã Ý làm đại đô đốc.

5. Dò xét ý kiến của Tào Chân trước khi nhận chức đại đô đốc

Mặc dù đã được Tào Duệ phong cho chức đại đô đốc, nhưng Tư Mã Ý vẫn xin đến thăm Tào Chân (đại đô đốc tiền nhiệm) đang bị bệnh để dò xét thái độ của Tào Chân trước khi Tư Mã Ý nhận chức. 

Ý nói với Tào Chân: “Đô đốc khoan tâm, tôi xin giúp đỡ đô đốc một tay, nhưng quyết không dám lĩnh ấn”.

Ý thấy Tào Chân hai ba lần đều thực bụng muốn nhường ấn tín đại đô đốc, bấy giờ Tư Mã Ý mới chịu nhận. Đây cũng là một sự tinh tế và khéo léo trong ứng xử của Tư Mã Ý để tránh làm mất lòng Tào Chân, bớt đi sự nghi kị cũng như tránh đi sự mất hoà khí nội bộ triều đình trong tình thế “ấn cũ đã thay quyền tướng mới”, để Tư Mã Ý an tâm ra chiến trường thực hiện nhiệm vụ.

6. Tự nhận trách nhiệm về mình

Trong trận Tràng An, Tư Mã Ý đã nói: “Đó không phải là lỗi của các ngươi, chỉ vì Khổng Minh khôn hơn ta đó thôi! Hai người lại nên giữ chắc lấy các thành Ung, My, chớ có ra đánh. Ta khắc có mẹo đuổi được giặc”.

Tư Mã Ý mặc dù đã chủ động và có sự chuẩn bị rất kỹ trước khi hẹn Khổng Minh giao chiến. Tuy nhiên khi quân Nguỵ bị thua, chạy về, thì Tư Mã Ý đã hiểu ra vấn đề là Khổng Minh đã đi các nước cờ cao tay hơn, chặn đứng được các đường tấn công của Tư Mã Ý, nên ông tự nhận trách nhiệm của mình trong việc hoạch định chiến lược, không trách tướng sĩ dưới quyền, quả là 1 đức tính quý của người làm tướng.

7. Biết người, biết ta

Trong trận Kỳ Sơn, Tư Mã Ý nói với các tướng dưới trướng rằng: “Khổng Minh quỷ kế rất nhiều, không nên khinh động. Ta cứ việc giữ cho vững, đợi họ hết lương, tự nhiên phải bỏ đi thôi”.

Khác với Chu Du thường nói “trời đã sinh Du sao còn sinh Lượng”, Tư Mã Ý nhiều lần nói với con trai mình rằng: “Khổng Minh là thần nhân, ta không bằng ông ấy được”. Thay vì oán trách thực tế, Tư Mã Ý nhìn vào thực tế để chọn cho mình cách ứng phó phù hợp nhất. Nếu không “tấn” đánh trực diện được, thì ông dùng kế “thủ” làm cho đối phương cũng không sao mà đánh được mình.

Ông nhìn nhận được vấn đề của đối phương là sắp hết lương thực, mà lương thực phải vận chuyển từ xa, nên ông một mặt chặn các đường tiếp lương của đối phương, mặt khác xây dựng hàng phòng thủ vững chắc. Quân địch hết lương thì tất sẽ rối loạn và phải rút lui, như vậy ông sẽ bảo vệ được lãnh thổ của nước Nguỵ trước những cuộc xâm chiếm của nước Thục.

8. Tính toán được thiên thời

Trước tình thế Gia Cát Lượng chỉ huy 30 vạn quân Thục ra Kỳ Sơn tiến đánh nhà Nguỵ. Trong lúc Nguỵ chủ Tào Duệ thất kinh thì Tư Mã Ý bình tĩnh nói “Tôi xem thiên văn, thấy vượng khí ở Trung Nguyên đang thịnh. Sao Khuê phạm vào ngôi Thái Bạch, không lợi cho Tây Xuyên (Thục). Nay Gia Cát Lượng cậy tài trí, muốn trái lòng trời, chẳng qua tự cầu lấy sự bại vong mà thôi. Tôi nhờ hồng phúc bệ hạ xin phá giặc ấy. Nhưng xin bệ hạ cho bốn người nữa cùng đi với tôi”.

Không ngoa khi nói rằng Tư Mã Ý là người có tài “thần cơ diệu toán” vì trong Tam Quốc Diễn Nghĩa các dự đoán của ông đều rất chính xác. Sau này kết quả đúng như ông dự báo. Ngoài ra ông còn dự đoán rất đúng các sự kiện diễn ra trong tương lai gần ví như sự kiện ra đi của các vị đại tướng.

Tư Mã Ý cũng dự tính được sự việc các tướng sĩ dưới trướng sẽ gây khó dễ cho ông khi quân Thục dùng kế khích tướng, nên ông cũng đã nhờ Tào Duệ soạn sẵn một chiếu để trấn an tướng sĩ rằng: “Ngươi đến Vị Tân, nên giữ vững thành trì, chớ nên ra đánh. Quân Thục không giở trò gì được, thường hay giả tảng rút về để dụ dịch, ngươi chớ nên đuổi theo. Đợi khi nào bọn chúng cạn lương, tự nhiên phải chạy. Bấy giờ sẽ thừa cơ mà đánh, chắc chắn sẽ thắng dễ dàng, mà quân mã cũng đỡ mỏi mệt. Mẹo hay không gì hơn thế”. Sau này quả nhiên Chiếu của Tào Duệ đã rất hữu dụng cho Tư Mã Ý trong việc trấn an tướng sĩ.

9. Nhịn điều nhỏ, mưu việc lớn

Trước tình thế Nguỵ Diên liên tục khiêu chiến, con trai Tư Mã Ý là Tư Mã Sư cũng liên tục thúc cha xuất binh ra tiến đánh quân Nguỵ. Tư Mã Ý nói: “Thánh nhân có câu rằng: “không biết nhịn điều nhỏ, thì loạn mất mưu lớn”. Ta chỉ nên giữ vững là hơn.”

Câu nói này hàm ý: Không để cảm xúc thức thời làm ảnh hưởng đến Chiến lược lâu dài. Đây là câu nói thể hiện rất đúng tính cách của ông, cả đời nhẫn nhịn, để cuối đời vung kiếm một lần bình thiên hạ. Người đời gọi ông là bậc Đại Nhẫn. 

Có lần Khổng Minh tặng Tư Mã Ý một bộ khăn yếm và quần trắng của đàn bà nhằm khích tướng yêu cầu Tư Mã Ý ra nghênh chiến. Nhưng ngược lại Tư Mã Ý không những không giận dữ nghênh chiến mà còn vui vẻ nhận món đồ, trọng đãi người đưa thư. Đây cũng là khí chất hơn người của Tư Mã Ý.

10. Biết được tầm quan trọng của sức khoẻ

Sau khi hỏi sứ giả về việc ăn ngủ, công việc nhiều ít của Khổng Minh, được sứ giả cho biết “Thừa tướng tôi thức khuya dậy sớm, hình phạt từ hai chục roi trở lên, cũng phải coi xét đến mà mỗi ngày chỉ ăn được vài thưng mà thôi”. Tư Mã Ý đã nói với các tướng rằng: “Khổng Minh ăn ít làm nhiều, sống lâu làm sao được”.

Quả nhiên, Gia Cát Lượng càng thêm trọng Tư Mã Ý vì đã nói trúng vấn đề hao mòn về thể chất lẫn tinh thần của Gia Cát Lượng lúc bấy giờ, chủ bộ Dương Ngung của quân Thục cũng đồng quan điểm với Tư Mã Ý mà thực lòng can gián Gia Cát Lượng rằng:

“Tôi thấy thừa tướng hằng ngày cứ phải soi xét sổ sách, thiết nghĩ không nên. Ôi! Việc trị nước phải có thể thống, trên dưới không xâm phạm tới nhau. Ví như đạo trị việc nhà, tất phải có đứa ở trai coi việc cày bừa, đứa ở gái coi việc thổi nấu, nghề nghiệp không thiếu việc gì, cần cái gì có cái ấy; ông chủ nhà chỉ việc thung dung ngồi một chỗ, nằm cao thảnh thơi, ăn uống mà thôi! Nếu việc nào cũng phải xuất thân làm lấy, thì sức lực mỏi mệt, tinh thần kém sút, mà không nên được việc gì. Đó có phải là trí khôn không bằng kẻ ăn kẻ ở đâu, đạo làm chủ nhà phải thế. Cho nên cổ nhân có nói “ngồi mà bàn đạo lý, gọi là tam công; đứng ra mà làm việc, gọi là sĩ đại phu”.

Ngày xưa, Bính Cát lo việc con trâu thở, không lo gì đến kẻ đánh nhau chết dọc đường; Trần Bình làm tướng, không biết số tiền thóc ở kho bao nhiêu, nói rằng đã có người coi riêng từng việc. Nay thừa tướng thân xét đến cả việc nhỏ nhặt, mồ hôi toát ra cả ngày, chẳng nhọc nhằn lắm ru? Lời Tư Mã Ý nói, xin thừa tướng xét cho mới được”. Khổng Minh nghe xong nước mắt lưng chừng vì tâm tư của ông đã bị đối thủ nhìn thấu.

Lại nói về Tư Mã Ý, đây có lẽ cũng thể hiện phần nào quan điểm của Tư Mã Ý về tầm quan trọng của việc giữ gìn sức khoẻ. Dẫu có áp lực công việc thế nào thì cũng phải biết cân bằng tinh thần và nuôi dưỡng thể lực thật tốt thì mới đi được đường dài. Có sức khoẻ thì mới thực hiện được ước mơ. Đây cũng là một trong những lí do ông sống thọ hơn Lưu Bị, Tào Tháo, Chu Du, Gia Cát Lượng, Tào Phi, Tào Duệ dẫu có nhiều áp lực từ công việc và gia đình.

11. Sử dụng tài “thần cơ diệu toán” để phục vụ cho hoạch định kế hoạch

Tư Mã Ý ở trong doanh trại, một bữa ngóng xem thiên văn, mừng lắm, bảo với Hạ Hầu Bá rằng: “Ta xem tướng tinh đổi ngôi, Khổng Minh chắc hẳn có bệnh, không mấy bữa nữa tất qua đời. Ngươi nên dẫn một nghìn quân đến gò Ngũ Trượng tiễu thám xem sao. Nếu quân Thục nháo nhác, không dám ra đánh thì đúng là Khổng Minh bệnh nặng, ta sẽ thừa thế đánh vào”.

Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa mô tả, Khổng Minh cũng tự xem thiên tượng mà biết số mệnh của mình, bèn lập đàn sao xin tuổi nhưng tiếc là “người tính không bằng trời tính”, khi sao mệnh đã được sáng thì Nguỵ Diên đột nhiên xông vào làm tắt mất, nên Khổng Minh không thể thay đổi được vận mệnh của mình.

Tư Mã Ý mặc dù có năng lực xem thiên văn, “thần cơ diệu toán” đoán được vận mệnh của Khổng Minh đã hết nhưng vẫn rất cẩn trọng cho người đi thám thính thực hư để đối chiếu trước khi hành động. Mặc dù vậy, Khổng Minh cao tay hơn thì đã tính xa hơn cả Tư Mã Ý nên đã bố trí tượng gỗ giả làm Khổng Minh sống để đánh lừa quân của Tư Mã Ý. “Thiên hạ nhân, thiên hạ tài” chính là như vậy.

Lại lần khác, Tư Mã Ý xem thiên văn. Bỗng thấy một ngôi sao to tầy đấu, ánh sáng toả ra vài trượng, từ mé đông bắc núi Thú Sơn sa xuống góc đông nam thành Tương Bình, Tướng sĩ các trại, ai cũng kinh hãi. Riêng Tư Mã Ý lại thấy vui mừng vì biết rằng chỗ sao sa, vào ngày Nhâm Thân tất bắt được Công Tôn Uyên. Quả nhiên diễn ra đúng như vậy, khiến tướng sĩ đều cảm thán ngưỡng mộ rằng: “Thái Uý tính toán như thần”.

12. Am hiểu phép dụng binh

Dưới đây là những câu nói thể hiện tài dụng binh của Tư Mã Ý nói: “quân không cốt gì nhiều; cốt tự người chủ tướng biết dùng mưu mẹo mà thôi”.

Câu nói này thể hiện sự uyên thâm về phép dụng binh của Tư Mã Ý. Trong Binh Pháp Tôn Tử viết “Đánh trận không cốt lấy quân đông, không nên khinh địch tiến liều mà phải tập trung lực lượng, phán đoán tình hình, tranh thủ sự tín nhiệm và ủng hộ của hạ cấp là được. Kẻ không biết nhìn xa trông rộng lại khinh địch ắt hẳn bị địch bắt.” Chính nhờ chiến lược chuyên về phòng thủ của ông, cộng với sự may mắn đã giúp nước Nguỵ giữ vững biên giới trước hàng loạt các cuộc tấn công của nước Thục.

Trong trận tấn công Công Tôn Uyên, Trần Quần hỏi rằng: “Trước kia thái uý đánh Thượng Dong, chia quân làm tám đường, chỉ tám ngày đến thẳng dưới thành, bắt ngay được Mạnh Đạt, lập được công to. Nay đem bốn vạn quân từ xa bốn ngàn dặm đến đây, không sai đánh ngay thành đi, mà để mãi torng đám bùn lầy; lại còn thả cho giặc ra ngoài chăn ngựa kiếm củi. Tôi không biết ý của thái uý ra sao”.

Ý cười nói: “ông không biết binh pháp ư? Khi xưa Mạnh Đạt lương nhiều quân ít mà ta thì quân nhiều lương ít cho nên phải đánh nhau. Thừa lúc vô tình, đột nhiên lại đánh, mới có thể phá được. Nay quân Liêu nhiều, quân ta ít, giặc đói ta no, can chi phải đánh ngay. Nên để cho quân kia bỏ chạy rồi thừa cơ mà đánh. Nay ta mở cho một đường, không bịt đường kiếm củi chăn muông của họ, là có ý để cho quân giặc trốn dần đi.”Một lần khác Ý nói với thị trung Vệ Diễn của Công Tôn Uyên rằng “Phép dụng binh có 5 điều cốt yếu: có thể đánh được thì đánh, không đánh được thì giữ, không giữ được thì chạy, không chạy được thì hàng, không hàng được thì chết. Can gì phải đem con lại làm tin?”. Nói về tài năng tinh thông binh pháp và thiên văn thì chỉ có Tư Mã Ý là đối thủ xứng tầm của Khổng Minh Gia Cát Lượng vậy.

Jessica Thảo Nguyễn

Tham khảo:

Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung

Bạn có thể xem video tại đây:

Xem thêm:

6 lần thần cơ diệu toán tiêu biểu của Gia Cát Lượng trong Tam Quốc Diễn Nghĩa

Cảm ngộ 12 bài học về “Đạo” của Lão Tử trong Đạo Đức Kinh

15 ứng dụng thông thái về Đạo của Lão Tử trong cuộc sống

Luận bàn về Quan Vũ trong Tam Quốc Diễn Nghĩa

9 thuật sử dụng địa hình đỉnh cao trong Binh Pháp Tôn Tử

Lý Thường Kiệt và 6 trận đánh đỉnh cao binh pháp

Youtube Ý Nghĩa Sống

Youtube Jessica Thảo Nguyễn

Tiktok Jessica Thảo Nguyễn

Fanpage Jessica Thảo Nguyễn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *