Những câu nói bất hủ của Đức Thánh Cha

9/7/2016 4:02:25 PM

Đức Thánh Cha Phanxicô sau khi được bầu làm Giáo Hoàng vào ngày 13-3-2013, Ngài đã là cho nhiều người phải ngạc nhiên vì những hành động và các lời phát biểu của Ngài như là vị cha chung hiền lành và khiêm nhường. Xin cảm tạ Chúa đã ban cho Giáo Hội một vị Giáo Hoàng phản ảnh tình yêu đích thực của Chúa Kitô giữa thế giới vật chất và vô cảm hôm nay. Dưới đây là những câu nói nổi bật của Đức Thánh Cha Phanxicô tổng hợp từ các nguồn tài liệu trên internet mà mọi người có thể học học hỏi và suy tư.

PopeFrancis.jpg
Ảnh: foxnews.com

 

“Cánh đồng đức tin đích thực chính là tâm hồn mỗi người chúng ta, là cuộc sống chúng ta. Chính trong cuộc sống chúng ta mà Chúa Giêsu yêu cầu để cho Lời Ngài đi vào để có thể nẩy mầm và tăng trưởng!”

 

“Chúa Giêsu cống hiến cho chúng ta một cái gì cao cả hơn là Cúp Bóng Đá Thế giới! Ngài cho chúng ta khả năng đạt tới một cuộc sống phong phú, hạnh phúc, và tặng chúng ta một tương lai với Ngài, không bao giờ cùng tận, là đời sống vĩnh cửu.”

 

“Cầu nguyện là nói chuyện hằng ngày với Chúa, Đấng luôn lắng nghe chúng ta.”

 

“Trong Giáo Hội của Chúa Giêsu, chúng ta là những viên đá sống động, và Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta xây dựng Giáo Hội của Ngài; không phải như một nhà nguyện nhỏ chỉ chứa được một nhóm nhỏ. Nhưng Ngài yêu cầu chúng ta làm sao để Giáo Hội sinh động thật rộng lớn để có thể đón nhận toàn thể nhân loại, trở thành nhà của tất cả mọi người!”

 

“Khi tôi hỏi Mẹ Têrêxa Calcutta xem phải làm gì để thay đổi trong Giáo Hội, Mẹ trả lời: chính cha và con!”

“Đức tin là một ngọn lửa càng cháy sáng nếu càng được chia sẻ, thông truyền, để tất cả có thể nhận biết, yêu thương và tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Chúa tể của sự sống và lịch sử”

 

“Chúa Giêsu không đối xử với chúng ta như người nô lệ, nhưng như những người tự do, như bạn hữu, và như những người em.”

 

“Rao giảng Tin Mừng là đích thân làm chứng về tình yêu Thiên Chúa, là vượt thắng sự ích kỷ của chúng ta, là phục vụ bằng cách cúi mình xuống rửa chân cho anh em chúng ta như Chúa Giêsu đã làm.”

 

”Các con hãy ra đi, không sợ hãi, để phục vụ. Khi sống theo 3 điều này, các con sẽ cảm nghiệm được rằng người rao giảng Tin Mừng thì cũng được trở nên Tin Mừng. Ai thông truyền niềm vui đức tin, thì cũng nhận được niềm vui.”

 

“Mang Tin Mừng là mang sức mạnh của Thiên Chúa để nhổ bỏ và phá hủy sự ác và bạo lực; để phá tan và đạp đổ những hàng rào ích kỷ, không bao dung và oán thù. Để kiến tạo một thế giới mới, Chúa Giêsu Kitô hy vọng nơi các bạn!”

  

“Đức tin hay đức cậy hoặc đức mến dĩ nhiên phải lấy Chúa Kitô làm trung tâm. Điều này đồng nghĩa với giáo huấn “Hãy mặc lấy Đức Kitô”, đặt niềm tin nơi Người, chứ không ở nơi ta, hay nơi của cải, tiền bạc, quyền lực.”

“Đặt niềm tin nơi ta, hay nơi của cải, tiền bạc, quyền lực, rất có thể chúng sẽ mang đến cho ta “một cảm giác sung sướng nhất thời, một ảo tưởng hạnh phúc” và cuối cùng, “chúng sẽ chiếm hữu ta, khiến ta luôn muốn có nhiều hơn, không bao giờ được thoả mãn.”

 

“Nếu lấy ‘ta’ ra khỏi trung tâm cuộc đời và đặt ‘Chúa Kitô’ vào đó, ta sẽ được an toàn, mạnh mẽ và hy vọng. Nhìn bề ngoài, không có gì có vẻ thay đổi cả, nhưng tận đáy lòng con người chúng ta, tất cả mọi sự đều thay đổi.”

 

“Khi Thiên Chúa hiện diện, tâm hồn chúng ta thành nơi cư ngụ của sự bình an, ngọt ngào, dịu dàng, can đảm, thanh thản và niềm vui, là tất cả hoa quả của Chúa Thánh Thần.”

 

“Đối với người tin, thập giá Chúa Kitô là cách thế chắc chắn, cách thế chắc chắn duy nhất để được giải thoát và thành tựu.”

 

“Cha muốn mọi người ra đi! Cha muốn Giáo Hội ra ngoài đường phố! Cha muốn chúng ta tự bảo vệ chống lại những gì là thế gian, là định lập, là thoải mái, là giáo sĩ trị, là khép kín vào chính mình…”.

 

“Không phải những sáng tạo mục vụ, hoặc các cuộc họp hay các kế hoạch có thể đảm bảo hoa trái của chúng ta, nhưng chính sự trung thành của chúng ta với Chúa Giêsu, Đấng đã lặp đi lặp lại: ‘Hãy ở lại trong ta và ta cư ngụ trong anh em.’”

 

“Giám mục và linh mục hãy đào tạo người trẻ trong sứ vụ truyền giáo, bằng cách sai họ bước ra và bước tới. Chúa Giêsu đã làm điều này với các môn đệ của Ngài: Người đã không giữ các tông đồ dưới cánh của mình như gà mẹ giữ chặt con dưới cánh. Ngài sai họ ra!”

 

“Giám mục và linh mục không thể giữ cho mình bị đóng kín trong các giáo xứ, trong các cộng đoàn của chúng ta, khi rất nhiều người đang mong chờ Tin Mừng! Không chỉ đơn giản là mở cửa ra chào đón, nhưng chúng ta phải vượt ra khỏi những cánh cửa đó để tìm kiếm và gặp gỡ người dân!”

 

 “Giám mục và linh mục hãy can đảm nhìn vào nhu cầu mục vụ, bắt đầu từ vùng ngoại ô, với những người ở xa nhất, với những người không thường xuyên đi nhà thờ. Họ cũng được mời đến dự bàn tiệc Chúa.”

 

“Không ai có thể tiếp cận và chạm vào Thánh Giá Chúa Giêsu mà không để lại một cái gì đó của chính họ dưới chân Thánh Giá, và không mang lấy một cái gì đó của Thánh Giá Chúa Giêsu vào cuộc sống riêng của mình.”

 

“Chúa Giêsu, với Thánh Giá của Ngài, cùng đi với chúng ta và vác lấy trên vai Ngài những âu lo của chúng ta, những vấn đề của chúng ta, và những đau khổ của chúng ta, ngay cả những khổ đau sâu xa nhất và đau đớn nhất.”

 

“Chúa Giêsu chấp nhận tất cả khổ đau và tội lỗi của nhân loại với vòng tay rộng mở, mang trên vai Thánh Giá của chúng ta và nói với chúng ta rằng: “Hãy can đảm! Các con không vác Thánh Giá một mình, Ta mang nó với các con. Ta đã vượt qua cái chết và Ta đã đến để ban cho các con hy vọng, để mang đến cho các con sự sống.”

 

“Thánh Giá cho chúng ta một kho tàng mà không có sự gì khác có thể mang lại: đó là sự chắc chắn về tình yêu không lay chuyển mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Một tình yêu cao vời đến nỗi Ngài đã bước xuống vũng lầy tội lỗi của chúng ta và tha thứ, đã đi vào đau khổ của chúng ta và ban cho chúng ta sức mạnh để chịu đựng.”

“Với Chúa Kitô, sự ác, đau khổ, và cái chết không có tiếng nói cuối cùng, bởi vì Ngài ban cho chúng ta hy vọng và sự sống: Ngài đã biến Thánh Giá từ một công cụ của sự thù ghét, thất bại và sự chết thành một dấu chỉ của tình yêu, chiến thắng và sự sống.”

 

“Chúa Kitô  luôn hiện diện như một người trong chúng ta, chia sẻ cuộc hành trình của chúng ta cho đến tận cùng. Không có Thánh Giá lớn nhỏ nào trong cuộc sống của chúng ta mà Chúa đã không chia sẻ với chúng ta.”

 

“Thánh Giá của Đức Kitô cũng mời gọi chúng ta hãy để cho mình được chinh phục bởi tình yêu của Ngài, trong khi dạy chúng ta luôn luôn nhìn vào những người khác với lòng thương xót và sự dịu dàng; đặc biệt là những người đau khổ, những người đang cần sự giúp đỡ, những người cần một lời nói hay một hành động cụ thể đòi hỏi chúng ta phải bước ra ngoài chính mình để gặp gỡ họ và chìa tay ra với họ.”

 

“Đôi khi chúng ta có thể giống như Philatô, là người không có can đảm để đi ngược lại lại trào lưu để cứu mạng của Chúa Giêsu, nhưng thay vào đó là rửa sạch bàn tay của mình.”

 

“Chúng ta hãy đặt nơi Thánh Giá Chúa Kitô những niềm vui, đau khổ và thất bại của chúng ta. Nơi đó, chúng ta sẽ tìm thấy một Trái Tim rộng mở, thông cảm, tha thứ cho chúng ta, yêu thương chúng ta và mời gọi chúng ta mang lấy tình yêu này trong cuộc sống của chúng ta, để yêu mỗi người, mỗi anh chị em mình với cùng một tình yêu.”

 

“Khi chúng ta rộng lòng chào đón người khác và chia sẻ điều gì với họ – như một ít thực phẩm, một chỗ, thời giờ của mình – thì không những chúng ta không còn nghèo nữa, mà chúng ta được giàu thêm.”

 

“Không ai có thể tiếp tục vô cảm với sự bất bình đẳng vẫn còn tồn tại trên thế giới này! Mỗi người, tùy theo khả năng và trách nhiệm riêng của mình, phải đóng góp cách cá nhân vào việc chặn đứng quá nhiều bất công xã hội.”

 

“Không được tẩy chay ai! Chúng ta hãy luôn nhớ điều này: chỉ khi nào chúng ta có thể chia sẻ thì chúng ta mới thực sự trở nên giàu có; tất cả những gì được chia sẻ đều sẽ tăng gấp bội! Hãy nghĩ đến việc Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều!”

 

“Mức độ vĩ đại của một xã hội được xác định bởi cách họ đối xử với những người nghèo khổ nhất, những người không có gì ngoài sự nghèo đói của họ.”

 

“Không bao giờ được chán nản, đừng mất niềm tin, đừng bao giờ để cho niềm hy vọng của các con bị dập tắt. Thực trạng có thể thay đổi, con người có thể thay đổi. Các con hãy tìm cách là những người đầu tiên mang lại điều tốt lành, đừng học thói quen làm điều ác, nhưng đánh bại nó bằng điều tốt lành.”

 

“Tất cả chúng ta cần phải nhìn nhau với cặp mắt yêu thương của Đức Kitô, và phải học cách ôm lấy những người nghèo khổ, để cho họ thấy sự gần gũi, cảm tình và lòng yêu thương của chúng ta.”

 

“Đừng để bị người ta cướp mất hy vọng của mình! Và không chỉ có thế, nhưng tôi nói với tất cả chúng ta: chúng ta không được cướp mất hy vọng người khác, chúng ta hãy trở thành những người mang hy vọng!”

 

“Chúng ta có thể là những Giám mục, những Linh mục, Hồng y, Giáo Hoàng, nhưng chúng ta sẽ không là môn đệ của Chúa, nếu chúng ta để Thánh giá lại phía sau.”

 

“Tôi ước muốn một Giáo hội nghèo và cho người nghèo”.

 

“Sự giàu có đích thực là tình yêu Thiên Chúa, được chia sẻ cho anh chị em mình. Tình yêu xuất phát từ Thiên Chúa và làm cho chúng ta biết chia sẻ và giúp đỡ nhau. Ai có kinh nghiệm này thì được bình an trong tâm hồn và không sợ chết.”

 

“Đức tin là một món quà mà người ta không thể giữ cho riêng mình, nhưng phải được chia sẻ: nếu chúng ta muốn chỉ giữ nó cho mình, thì chúng ta sẽ trở thành những Kitô hữu bị cô lập, không sinh hoa quả và bệnh tật.”

 

“Không thể rao giảng Đức Kitô mà không có Hội Thánh. Truyền giáo không bao giờ là một hành động cô lập, cá nhân hay riêng tư, nhưng luôn luôn là hành động của Hội Thánh.”

 

“Bản chất truyền giáo của Hội Thánh không phải là việc cải đạo, nhưng là việc làm chứng của đời sống, là đời sống soi sáng đường đi, mang lại hy vọng và tình yêu.”

 

“Chúng ta đã sa ngã trong sự dửng dưng toàn cầu hoá. Chúng ta đã trở nên coi thường đến sự đau khổ của những kẻ khác khi cho rằng: sự đó không liên can tới tôi; sự đó không dính dáng gì đến tôi; đó không phải là công việc của tôi!”

 

“Người Kitô hữu được kêu gọi sống cam đảm trong sự yếu đuối của mình. Chúng ta phải thừa nhận rằng mình yếu đuối, và đôi khi, chúng ta phải quên đi tội lỗi, không chút luyến tiếc, không nhìn lại phía sau.”

 

“Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu đã dạy chúng ta rằng: đôi khi, trong một vài cơn cám dỗ, giải pháp duy nhất là trốn chạy và đừng cảm thấy xấu hổ khi trốn chạy; hãy nhìn nhận rằng chúng ta yếu đuối và chúng ta phải chạy trốn.”

 

“Đối mặt với tội, chúng ta phải trốn chạy không chút quyến luyến. Sự tò mò không giúp được gì, trái lại, còn gây tổn thương!”

 

“Chúng ta yếu đuối nhưng chúng ta phải can đảm trong sự yếu hèn của chúng ta. Thường sự cam đảm của chúng ta phải được diễn tả bằng việc chạy trốn mà không nhìn lại đàng sau, để không bị rơi vào cạm bẫy của những lưu luyến xấu xa. Đừng sợ và hãy luôn nhìn lên Chúa!”

 

“Cha cảm thấy buồn khi thấy một linh mục hay một nữ tu đi chiếc xe hơi đời mới nhất: thật không thể như thế được!”

 

“Đừng tham vọng, không tìm kiếm chức vụ giám mục. Các ứng viên giám mục cần có tinh thần nghèo khó và không có não trạng trở nên các hoàng tử.”

 

“Nếu các con thích một chiếc xe xinh xắn, hãy nghĩ đến biết bao trẻ em đang chết đói, hãy nghĩ đến điều này thôi. Niềm vui không được sinh ra, cũng không đến từ những thứ người ta có!”

 

“Đừng sợ phải diễn tả niềm vui vì đã trả lời tiếng gọi của Chúa, của sự lựa chọn yêu thương và làm chứng cho tin mừng của Ngài qua việc phục vụ Hội Thánh.”

 

“Khi một linh mục không trở nên ‘người cha’ đối với cộng đoàn của mình, khi một nữ tu không trở nên ‘người mẹ’ với tất cả những ai họ cùng làm việc, thì họ trở nên buồn bã. Cội rễ của buồn phiền trong đời sống mục vụ thực tế nằm ở chỗ thiếu tinh thần của người cha, tinh thần của người mẹ, do việc sống cuộc đời dâng hiến ấy cách tồi tệ, trong khi lẽ ra phải dẫn chúng ta đến việc sinh hoa kết trái.”

 

“Trong thế giới này, sự giàu sang gây ra nhiều sự dữ; điều cần thiết là chúng ta, những linh mục, nữ tu, hết thảy chúng ta phải trở nên rõ ràng với sự nghèo khó của mình!”

 

“Hãy luôn nói sự thật với cha giải tội của các con. Sự minh bạch này mang lại lợi ích cho các con, bởi nó làm cho ta nên khiêm nhường; tất cả chúng ta hãy nói sự thật, đừng che giấu, lấp lửng gì cả, bởi các con đang nói với chính Đức Giêsu trong con người của cha giải tội.”

 

“Hãy minh bạch! Chính Đức Giêsu đang lắng nghe các con. Hãy luôn luôn có sự minh bạch này trước mặt Đức Giêsu qua cha Giải tội!”

 

“Các thánh và những bậc thầy về đời sống thiêng liêng nói với chúng ta rằng: thực hành việc xét mình hàng ngày rất hữu ích, thậm chí không thể thiếu, để giúp ta lớn lên trong chân thực của đời sống chúng ta.”

 

“Một linh mục, một nam tu, một nữ tu không thể nào là một hòn đảo, nhưng phải luôn là một người sẵn sàng gặp gỡ. Tình bạn cũng được nên phong phú nhờ những đoàn sủng khác nhau của các gia đình dòng tu. Nó là một sự phong phú tuyệt vời.”

 

“Hãy ra khỏi bản thân mình để loan báo Tin mừng, nhưng để làm điều này, các con phải ra khỏi chính mình để gặp gỡ Đức Giêsu. Có hai con đường để ra đi: một là hướng về gặp gỡ Đức Giêsu, hướng về tính siêu việt; đường kia là hướng về tha nhân để loan báo Đức Giêsu. Hai con đường này đi đôi với nhau. Nếu bạn chỉ thực hiện một trong hai thì chẳng ích lợi gì.”

 

“Cha muốn một Hội Thánh ra đi truyền giáo nhiều hơn, một Hội Thánh không quá tĩnh lặng. Một Hội Thánh xinh đẹp khi biết ra đi.”

 

“Hãy sống tích cực, nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng; và đồng thời, hãy ra đi, sẵn sàng gặp gỡ mọi người, đặc biệt những ai bị khinh rẻ và bất hạnh. Đừng sợ phải đi ngược dòng.”

 

“Chúng ta sợ rằng Thiên Chúa sẽ bắt chúng ta dấn bước trên những nẻo đường mới lạ, phải bỏ lại sau lưng tất cả nhãn quan chật hẹp, khép kín, vị kỷ của riêng chúng ta, để mở ra những chân trời mới của Ngài. Thật thế, xuyên suốt lịch sử ơn cứu độ, bất cứ khi nào Thiên Chúa tỏ mình ra, Ngài đều đem đến những điều mới mẻ.”

“Ngày hôm nay chúng ta hãy tự hỏi mình: Chúng ta có mở lòng ra cho “những bất ngờ của Thiên Chúa” không? Hay chúng ta đóng kín và sợ hãi trước những mới mẻ của Chúa Thánh Thần? Chúng ta có can đảm bước đi trên những nẻo đường mới và sự mới mẻ của Thiên Chúa đặt ra trước mắt chúng ta không? Hay chúng ta lại phản kháng, bị ngăn trở bởi những cơ chế phù du, đã mất khả năng mở ra cho những điều mới mẻ?”

 

“Chúa Thánh Thần có vẻ như gây mất trật tự trong Giáo hội, bởi vì Ngài đem đến những đoàn sủng và những quà tặng đa dạng; thế mà, dưới sự hoạt động của Ngài, tất cả những điều đó là một nguồn gia sản phong phú, vì Chúa Thánh Thần là Thánh Thần của hiệp nhất, không có nghĩa là đồng nhất.”

 

“Khi chúng ta để Chúa Thánh Thần hướng dẫn mình, thì sự phong phú, khác biệt, đa dạng không bao giờ trở thành nguyên nhân gây ra xung đột, bởi vì Ngài thúc bách chúng ta cảm nghiệm sự đa dạng đó trong sự hiệp thông của Giáo Hội. Cùng bước đi trong Giáo Hội, dưới sự hướng dẫn của các mục tử là những người được ban cho đặc sủng và sứ vụ, đó là dấu chỉ Chúa Thánh Thần đang hoạt động.”

 

“Chúa Thánh Thần thúc bách chúng ta mở rộng cửa và đi ra để loan báo và làm chứng cho Tin Mừng, để thông truyền niềm vui đức tin, để gặp gỡ với Đức Kitô. Chúa Thánh Thần là linh hồn của sứ mạng truyền giáo.”

 

“Chúa Thánh Thần là quà tặng tối cao của Đức Kitô phục sinh ban cho các tông đồ, vậy mà Ngài còn muốn món quà đó cũng đến tay mọi người.”

 

“Hội Thánh không phải là một hội từ thiện, văn hóa hay chính trị, nhưng là một thân thể sống động, hành trình và hành động trong lịch sử. Và thân thể này có một đầu, là Chúa Giêsu, Đấng hướng dẫn nó, nuôi nấng nó và nâng đỡ nó.”

 

“Nếu đầu bị tách ra khỏi phần còn lại của thân thể thì toàn thể con người không còn có thể sống được. Vì vậy, chính trong Hội Thánh, chúng ta phải luôn liên kết mật thiết hơn bao giờ hết với Chúa Giêsu.”

 

“Như một thân thể, điều quan trọng là các mạch máu phải luân chuyển trong đó, cho nên chúng ta phải để cho Chúa Giêsu hoạt động trong chúng ta, để cho Lời Người hướng dẫn chúng ta, để cho sự hiện diện của Người trong bí tích Thánh Thể nuôi dưỡng chúng ta, linh động hóa chúng ta, để cho tình yêu của Người củng cố tình yêu tha nhân của chúng ta.”

 

“Chúng ta hãy luôn hiệp nhất với Chúa Giêsu, chúng ta hãy tín thác nơi Người, chúng ta hãy định hướng đời mình theo Tin Mừng, nuôi dưỡng mình bằng cầu nguyện hàng ngày, bằng lắng nghe Lời Chúa và tham dự các Bí Tích.”

 

“Sự hiệp nhất là một ân sủng mà chúng ta phải cầu xin từ Chúa, để Người giải thoát chúng ta khỏi những cám dỗ về chia rẽ, khỏi những tranh chấp giữa chúng ta, khỏi tính ích kỷ và ngồi lê mách lẻo.”

 

“Xung đột có thể giúp chúng ta lớn lên, nhưng cũng có thể chia rẽ chúng ta. Chúng ta đừng đi theo con đường chia rẽ, con đường tranh chấp giữa chúng ta! Tất cả hãy hiệp nhất, tất cả hiệp nhất với những khác biệt của mình, nhưng luôn thống nhất, luôn luôn: đây là con đường của Chúa Giêsu.”

 

“Đức Giêsu âm thầm nói với chúng ta trong mầu nhiệm Thánh Thể và mọi lúc nhắc nhở chúng ta rằng: đi theo Ngài có nghĩa là đi ra khỏi chính mình và làm cho chính cuộc sống chúng ta không phải trở thành một sự chiếm đoạt, nhưng là một quà tặng cho Ngài và cho người khác.”

 

“Thánh Thể là bí tích của sự hiệp thông, đưa chúng ta ra khỏi chủ nghĩa cá nhân để cùng sống cuộc hành trình bước theo Chúa của chúng ta, sống niềm tin của chúng ta là gắn bó với Ngài.”

 

“Chúa sử dụng điều chúng ta có: những khả năng khiêm tốn của chúng ta, bởi vì chỉ khi chia sẻ, khi trao ban chúng, mà cuộc sống chúng ta trở nên phong phú, sinh hoa kết trái.”

 

“Thiên Chúa đến gần chúng ta; trong hy lễ thập giá Người hạ mình, đi vào sự tăm tối của cái chết để ban cho chúng ta sự sống của Người, sự sống vượt thắng sự dữ, tính ích kỷ, và sự chết.”

 

“Mỗi người trong tất cả chúng ta đều phải là người rao giảng Tin Mừng, đặc biệt là bằng cách sống của mình!”

 

“Đem Tin Mừng chính là bắt đầu bằng việc loan báo và sống sự hòa giải, tha thứ, bình an, hiệp nhất và tình yêu mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta.”

 

“Ngọn lửa của Lễ Ngũ Tuần, tác động của Chúa Thánh Thần, không ngừng phát ra những năng lượng mới cho các sứ vụ, những con đường mới để công bố sứ điệp cứu độ, một lòng can đảm mới để rao giảng Tin Mừng. Chúng ta đừng bao giờ đóng cửa lòng lại với sự tác động này!”

 

“Việc truyền giáo, việc rao giảng về Chúa Giêsu ban cho chúng ta niềm vui; ngược lại, sự ích kỷ cho chúng ta cay đắng, buồn rầu, làm cho chúng ta ra suy đồi. Rao giảng Tin Mừng kéo chúng ta lên cao.”

 

“Nếu không có cầu nguyện, những việc làm của chúng ta trở nên trống rỗng và lời rao giảng của chúng ta không có hồn, vì nó không được sinh động hóa bởi Chúa Thánh Thần.”

 

“Chúa Giêsu chính là Chân Lý: Chân Lý “đã trở thành nhục thể”, đã đến giữa chúng ta để chúng ta biết Chân Lý ấy. Không thể nắm bắt Chân Lý như nắm bắt một sự vật. Chân Lý phải được gặp gỡ. Nó không phải là một vật sở hữu, nhưng là một cuộc gặp gỡ với một Ngôi Vị.”

 

“Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta “vào tất cả Chân Lý” (Ga 16:13); Ngài không những chỉ giúp chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu, sự viên mãn của Chân Lý, mà còn hướng dẫn chúng ta “vào” Chân Lý, làm cho chúng ta đi vào sự hiệp thông sâu xa hơn với Chúa Giêsu, cho chúng ta hiểu biết về những gì thuộc về Thiên Chúa.”

 

“Chúng ta cần phải để cho mình được tràn ngập bởi ánh sáng của Chúa Thánh Thần, để Ngài đưa chúng ta vào Chân Lý của Thiên Chúa, là Chúa duy nhất của cuộc đời chúng ta.”

 

“Một người không thể là một Kitô hữu bán thời gian, nhưng là Kitô hữu trong mọi gây phút! Một cách toàn diện!”

 

“Con người như một khách lữ hành, đang băng qua hoang địa cuộc đời, khát một dòng nước hằng sống, vọt lên và tươi mát, có khả năng làm thỏa mãn ước vọng sâu thẳm tận đáy lòng về ánh sáng, tình yêu, vẻ đẹp và bình an của người ấy. Tất cả chúng ta đều cảm thấy ước vọng ấy! Và Chúa Giêsu ban cho chúng ta nước hằng sống này: đó là Chúa Thánh Thần.”

 

“Một Kitô hữu là một người suy nghĩ và hành động theo Thiên Chúa, trong Chúa Thánh Thần.”

 

“Chúa Thánh Thần dạy chúng ta nhìn bằng đôi mắt của Đức Kitô, sống cuộc sống của mình như Đức Kitô đã sống cuộc sống của Người, hiểu cuộc đời như Đức Kitô đã hiểu.”

 

“Mối quan hệ hiếu thảo với Thiên Chúa không giống như một kho báu được cất giữ trong một góc xó của cuộc đời chúng ta, nhưng phải được phát triển, phải được cho ăn mỗi ngày bằng cách lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện, tham dự các Bí Tích, đặc biệt là Bí Tích Hòa Giải và Thánh Thể, và qua đức ái.”

 

“Mỗi ngày chúng ta phải để cho Đức Kitô biến đổi mình trở thành hình ảnh của Người.”

 

 “Là một Kitô hữu không chỉ là tuân giữ các giới răn, nhưng còn có nghĩa là sống trong Đức Kitô, suy nghĩ như Người, hành động như Người, yêu như Người; có nghĩa là để Người làm chủ cuộc đời chúng ta và thay đổi nó, biến đổi nó, để giải thoát nó khỏi bóng tối sự dữ và tội lỗi.”

 

“Chúng ta hãy nhìn đến quê hương trên trời của mình, chúng ta sẽ có một ánh sáng và sức mạnh mới trong công việc và trong những nỗ lực hàng ngày của chúng ta.”

 

“Sự giầu có đích thực là tình yêu Thiên Chúa, được chia xẻ với các anh chị em… kẻ nào đã có kinh nghiệm về tình yêu Thiên Chúa này không sợ cái chết, vì người ấy nhận được sự bình an trong tâm hồn.”

 

“Nền văn hóa an sinh sung túc làm cho chúng ta nghĩ đến chính mình, làm cho chúng ta không nhạy cảm đối với tiếng kêu than của người khác, làm cho chúng ta sống trong những bong bóng xà bông, nó đẹp nhưng chẳng là gì cả, đó là ảo tưởng về sự phù du, tạm bợ, dẫn tới sự dửng dưng đối với tha nhân.”

 

“Bất cứ ai là một ‘bạn hữu’ của thế gian, thì kẻ ấy là một người sùng bái ngẫu tượng, một người không trung thành với tình yêu của Thiên Chúa!”

 

“Chúng ta hãy xin được ơn để đừng trở thành những kẻ băng hoại, cho dù là những người tội lỗi nhưng xin đừng để chúng ta ra hư nát! Và hãy xin được ơn để tiến bước trên con đường nên thánh”.

 

“Muối Chúa Kitô ban cho chúng ta là muối của đức tin, đức cậy và đức ái… Muối này không nên cất giữ, vì nếu muối đem cất trong lọ thì chẳng làm được gì, và chẳng có ích lợi gì”.

“Muối chúng ta đã nhận được phải được cho đi, để làm cho mọi thứ có hương vị, nếu không sẽ phai nhạt và vô dụng. Chúng ta phải cầu xin Chúa Kitô không để cho chúng ta trở nên những Kitô hữu là muối không mùi vị, là muối cất trong lọ.”

 

“Sự đặc thù của Kitô giáo không phải là sự thuần nhất! Mỗi người chúng ta, với cá tính, các tính tình khác nhau, cùng với nền văn hóa – và cần giữ nguyên như vậy, vì đó là một kho tàng.”

 

”Tin Mừng tính, Giáo Hội tính và Thừa sai tính. 3 từ này xin anh chị em đừng quên!”

 

“Chính Chúa giúp cho Giáo Hội sống, gìn giữ và làm cho tăng trưởng, làm cho thánh thiện, bảo vệ và che chở chống lại thần dữ của thế gian, và những gì thần dữ muốn Giáo Hội trở thành, tóm lại là trở nên trần tục hơn. Đây chính là nguy cơ trầm trọng!”

 

“Một Giáo Hội trần tục, với một tinh thần của thế gian, là một Giáo Hội suy yếu.”

 

“Tất cả chúng ta đều đang đi về Giêrusalem trên Trời, “ngày hạnh phúc là ngày chúng ta sẽ được thấy dung nhan Thiên Chúa, và được ở bên Người mãi mãi, trong tình yêu của Người.”

 

“Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng về tâm linh để gặp Chúa Kitô khi Người lại đến; dụ ngôn các nén bạc nhấn mạnh trách nhiệm của chúng ta là phải biết dùng các tài năng Chúa ban một cách khôn ngoan, khiến cho chúng sinh hoa kết quả.”

 

“Chúng ta sẽ bị phán xét về tình yêu chúng ta dành cho người khác, và nhất là cho những ai thiếu thốn.”

 

“Hãy tùng phục Chúa Thánh Thần, vì Ngài đến giữa chúng ta và làm cho chúng ta bước đi trên con đường thánh thiện.”

 

“Thái độ bất nhất của các tín hữu và các mục tử, giữa điều họ nói và điều họ làm, giữa lời nói và lối sống làm thương tổn uy tín của Giáo Hội.”

 

“Linh mục phải luôn ý thức rõ ràng trách nhiệm chủ chiên của mình là phải mang vào mình ‘mùi của chiên’.”

 

“Các con đừng sợ đi ngược dòng đời, khi mà những giá trị được bày ra cho chúng ta là những giá trị xấu, muốn cướp mất hy vọng của chúng ta.”

 

Cát Minh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *