Câu nói nổi tiếng của Đại Tướng
“Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó.”
“Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam; quyết chiến và toàn thắng!”
—Mệnh lệnh nổi tiếng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Hồ Chí Minh
“Vị tướng giỏi nhất Việt Nam là nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Người Mỹ thua Việt Nam bởi vì chưa hiểu vị tướng ấy”
“Giải phóng dân tộc là nghĩa vụ thiêng liêng nhất của mỗi người Việt Nam yêu nước, của toàn thể dân tộc Việt Nam. Nhân dân chúng tôi quyết tâm chiến đấu bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam và thực hiện hòa bình, thống nhất Tổ quốc.”
“Nghệ thuật quân sự của chúng tôi, là lấy tinh thần chế ngự vật chất, lấy yếu chế ngự mạnh, lấy thô sơ chế ngự hiện đại. Chúng tôi đánh bại quân đội đế quốc hiện đại bằng tinh thần yêu nước của nhân dân cùng với chủ nghĩa anh hùng Cách mạng.”
“Chúng tôi trả lời là từ “lo sợ” không có trong tư duy quân sự của chúng tôi, bởi vì với chúng tôi, không có gì quý hơn độc lập tự do, chúng tôi quyết đánh Mỹ và chúng tôi luôn tin tưởng là sẽ thắng.”
“Quân đội Nhân dân Việt Nam ở cả miền Bắc và miền Nam, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói là một quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng, có tinh thần quyết chiến rất cao, thông minh và sáng tạo. Còn vị tướng dù có công lao lớn đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Chỉ có nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ. Các ngài gọi tôi là vị tướng thần thoại, nhưng tôi tự nghĩ tôi bình đẳng với những người lính của mình.”
Sách báo quốc tế nói về người:
“Tướng Giáp hoàn toàn tận tụy với nhân dân và đất nước”
Ông Giáp đã xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam từ 34 người vào tháng 12 năm 1944 thành một đội quân với hơn một triệu người năm 1975. Ông đã chỉ huy quân đội tốt trong cả hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Tên tuổi ông gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ cùng với nỗi hổ thẹn của Quân lực Hoa Kỳ tại Việt Nam, với học thuyết “Chiến tranh Nhân dân”, với toàn bộ cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước Việt Nam.
Với hơn 50 năm tham gia hoạt động chính trị, trong đó có 30 năm là Tổng tư lệnh Quân đội, ông có uy tín lớn trong Đảng Cộng sản Việt Nam và trong Quân đội Nhân dân Việt Nam. Thông tin chính thống gần đây cho biết: “Tất cả các ý kiến của anh Văn đều được Bộ Chính trị tiếp thu và tán thành trong suốt thời kỳ chiến tranh”. Thượng tướng Trần Văn Trà đã từng gọi Đại tướng Võ Nguyễn Giáp là “tư lệnh của tư lệnh, chính uỷ của chính uỷ”. Thượng tướng Giáo sư Hoàng Minh Thảo khi được hỏi về trình độ đánh trận của các tướng lĩnh Việt Nam đã trả lời:
“Tất nhiên đầu tiên là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thứ hai là tướng Lê Trọng Tấn. Thứ ba là tướng Hoàng Văn Thái và thứ tư là tướng Nguyễn Hữu An.”
— Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo
Với quân đội, ông thực sự là tấm gương sáng cho các thế hệ tướng lĩnh về đạo đức, sự chuẩn mực, tài cầm quân, nghệ thuật chiến đấu, chiến thắng. Ông là hình ảnh rực sáng, là tượng đài sừng sững trong lòng cán bộ, chiến sĩ, những người đào hào trong chiến dịch Điện Biên Phủ, những người đã xẻ dọc Trường Sơn, đào địa đạo Củ Chi đánh Mỹ. Nếu dân gian có câu: “Người lính dũng cảm trong tay người tướng giỏi” thì khi có ông là Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, những người lính của đạo quân này vốn xuất thân từ nông dân đã trở thành những chiến sĩ kiên cường nhất, bất khuất nhất và bách chiến bách thắng. Nhiều tờ báo của Đảng, của Quân đội, cũng như của công chúng và các kênh truyền hình trong nhiều năm nay đã luôn nhắc đến ông như là một thiên tài quân sự kiệt xuất của người Việt.
“Võ Nguyên Giáp là một trong 21 vị danh tướng của thế giới trong 25 thế kỷ qua, từ thời Alexandre Đại đế đến Hannibal rồi đến thời cận hiện đại với Kutuzov, Jukov…, những người đã có chiến công tạo nên bước ngoặt của nghệ thuật chiến tranh.”
— Ducan Townson, sách Những vị tướng lừng danh
“ Từ năm 1944-1975, cuộc đời của Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, khiến ông trở thành một trong những thống soái lớn của mọi thời đại. Với 30 năm làm tổng tư lệnh và gần 50 năm tham gia chính sự ở cấp cao nhất, ông tỏ ra là người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực của chiến tranh. Khó có vị tướng nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính qui. Sự kết hợp đó xưa nay chưa từng có.”
— Tướng Peter Mac Donald, nhà nghiên cứu khoa học lịch sử quân sự người Anh
“Tài thao lược của tướng Giáp về chiến lược, chiến thuật và hậu cần được kết hợp nhuần nhuyễn với chính trị và ngoại giao… Sức mạnh hơn hẳn về kinh tế, tính ưu việt về công nghệ cùng với sức mạnh áp đảo về quân sự và hỏa lực khổng lồ của các quốc gia phương Tây đã phải khuất phục trước tài thao lược của một vị tướng từng một thời là thầy giáo dạy sử.”
— Bách khoa toàn thư quân sự Bộ Quốc phòng Mỹ (xuất bản năm 1993)
“Trong suốt thời gian đó [quá trình chỉ huy quân đội của vị tổng tư lệnh], ông không chỉ trở thành một huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ 20 và một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại… Ông Giáp là vị tướng duy nhất trong lịch sử hiện đại tiến hành chiến đấu chống kẻ thù từ thế vô cùng yếu, thiếu trang bị, thiếu nguồn tài chính, dù mới đầu trong tay chưa có quân, vậy mà vẫn liên tiếp đánh bại tàn quân của đế quốc Nhật Bản, quân đội Pháp (một đế chế thực dân số 2) và quân đội Mỹ (một trong hai siêu cường thế giới)… Ông Giáp là chuyên gia hiện hữu vĩ đại nhất về chiến tranh nhân dân… là một vị tướng hậu cần vĩ đại của mọi thời đại.”
— Nhà sử học quân sự Mỹ Cecil Curay, trong tác phẩm “Chiến thắng bằng mọi giá – Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thiên tài của Việt Nam”
Trong thời gian gần đây, tại các lễ hội, mít tinh, giải thi đấu thể thao lớn nhỏ trong nhà, ngoài trời, nhiều nam nữ thanh niên đã mang ảnh chân dung của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra vẫy cổ động. Điều này cho thấy, ông không chỉ là thần tượng của thế hệ kháng chiến chống giặc ngoại xâm trước đây mà còn là hình ảnh lẫm liệt trong lòng giới trẻ, thanh niên, trí thức ngày hôm nay. Thế hệ trẻ nhìn nhận lịch sử và ngưỡng mộ ông một cách tự nguyện và chân thành nhất.
Danh tiếng của ông không chỉ bó hẹp ở Việt Nam mà bạn bè năm châu bốn biển khi nhắc đến tên Võ Nguyên Giáp đều bày tỏ sự ngưỡng mộ sâu sắc, các dân tộc châu Phi và Mỹ La-tinh tin rằng chiến thắng Điện Biên Phủ do ông chỉ huy là khởi nguồn cho nền độc lập hôm nay của họ.
Nếu như tiêu chí chọn tướng của Hồ Chủ tịch là “Đánh thắng Đại tướng được phong Đại tướng” thì suốt cuộc đời mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lần lượt đọ sức và đánh thắng 10 đại tướng của Pháp và Mỹ (4 Pháp và 6 Mỹ), chưa kể đến nhiều viên đại tướng của chính quyền Việt Nam Cộng hoà. Các tướng lĩnh Mỹ khi nhắc đến ông vẫn thường gọi ông là “Đại tướng 5 sao”, William Westmoreland gọi ông là “Tướng huyền thoại” (Legendary Giap)… Trong Bách Khoa Toàn Thư của Mỹ và của nhiều nước, tên và hình ảnh của ông được ghi lại như là một trong những vĩ nhân quân sự hiển hách nhất.
Kỷ niệm 60 năm ngày phát hành số đầu tiên, Thời báo châu Á (Time Asia) đã ra số đặc biệt giới thiệu các “Anh hùng châu Á”, gồm các nhân vật làm thay đổi cục diện châu lục trong những thập kỷ gần đây. Những nhân vật được giới thiệu gồm Mahatma Gandhi, Jawaharlal Nehru, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thiền sư Thích Nhất Hạnh,…
Trong một cuốn sách được xuất bản tại Anh năm 2008 mang tựa đề Great Military Leaders and Their Campaigns (Những nhà lãnh đạo quân sự lớn và những chiến dịch của họ). Một cuốn sách bề thế, dày hơn 300 trang khổ lớn, với hơn 500 tấm ảnh màu minh hoạ của Nhà xuất bản Thames&Hudson dành để giới thiệu 59 nhân vật danh tiếng nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh của thế giới trong 2.500 năm qua, thứ tự được xếp theo trình tự thời gian từ cổ đến kim. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được lựa chọn là nhân vật thứ 59, tức là nhân vật nổi bật nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai cho tới hiện nay (xếp thứ 58 là Đô đốc Nimitz của Hoa Kỳ, người chỉ huy mặt trận Thái Bình Dương trong Thế chiến II), và Võ Nguyên Giáp cũng là người duy nhất trong 59 nhân vật vẫn còn sống khi cuốn sách được xuất bản.
Đánh giá của tùy viên quân sự các nước
Ngày 5 tháng 5 năm 2009, nhân kỷ niệm 55 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đại tướng Giáp đã tiếp 26 tùy viên quân sự của các nước Lào, Nga, Cuba, CHDCND Triều Tiên, Hoa Kỳ,… tại Việt Nam. Các tùy viên quân sự bày tỏ vinh dự vì được gặp mặt Đại tướng, nhà quân sự tài ba. Họ cũng rất ấn tượng đối với những tác phẩm về chiến thuật quân sự của Đại tướng. Họ xin chữ ký của Đại tướng vào những cuốn sách do Đại tướng viết, và tặng Đại tướng biểu tượng của Đoàn tùy viên quân sự nước ngoài tại Việt Nam.
Nguồn: Wikipedia