Những ảo tưởng về sở hữu

Học xong 4 năm đại học, đi làm thêm 1 năm nữa, tôi mới có người yêu đầu tiên trong đời. Vì là “người yêu đầu tiên” nên cảm xúc rất cao trào và trong toàn bộ quỹ đạo vận hành của cảm xúc, lúc ấy tôi đã nghĩ rằng: Người ấy thuộc về mình. Có lẽ, không riêng gì tôi, nhiều người hẳn đều nghĩ thế, rằng người yêu mình là của mình! Bạn sẽ hỏi: Ủa, người yêu mình không phải là của mình, chẳng nhẽ là của một ông/bà khác?

Bạn hãy chú ý: Chính vì nghĩ “người yêu mình là của mình” nên chúng ta thường có xu thế sở hữu người yêu và với một số người là kiểm soát người yêu. Sự sở hữu/kiểm soát này có thể diễn ra ở một hoặc một chùm những phương diện sau đây: Suy nghĩ, cảm xúc, thời gian, bạn bè, cơ thể. Trong những cơn si mê chếch choáng nào đó của ái tình, nhiều người trong chúng ta vẫn nghĩ, thậm chí cơ thể của người yêu cũng thuộc quyền sở hữu của mình. Và, chính tôi, trong mối tình đầu thiếu kinh nghiệm cũng từng nghĩ như thế.

Sự thực, có phải thế không?

Những ảo tưởng về sở hữu -0

Chắc chắn là không! Dù người kia yêu ta đến bao nhiêu và ngược lại, ta cũng yêu người ấy đến bao nhiêu chăng nữa thì có một sự thực khách quan không thể chối cãi: Cơ thể họ là của họ. Cũng giống như cơ thể ta là của ta. Bạn bè họ là của họ. Suy nghĩ trong đầu họ là của họ. Cảm xúc trong trái tim họ cũng là của họ. Hai người yêu nhau chỉ có những vùng giao thoa nhất định nào đó mà thôi. Có những cặp chỉ giao thoa về cảm xúc. Có những cặp chỉ giao thoa về suy nghĩ. Có những cặp chỉ giao thoa về sở thích/thói quen. Sự giao thoa ở một hoặc một chùm các phương diện không thể là lý do để chúng ta được phép sở hữu toàn bộ cuộc đời họ.

Mà, đừng nói đến người yêu, ngay cả vợ chồng cũng thế. Quan hệ vợ chồng là sự gắn kết bền chặt hơn quan hệ người yêu, vùng giao thoa của vợ chồng thường lớn hơn vùng giao thoa người yêu, nhưng ngay cả khi nó lớn hớn và lớn hơn rất nhiều thì cũng không bao giờ trùng khít.

Xét về mặt thể chất thuần túy, cơ thể vợ/chồng bạn là những khối vật chất được cấu tạo và sinh trưởng ở bên ngoài cơ thể bạn. Xét về mặt suy nghĩ/cảm xúc thì nó cũng là những vận hành ở bên ngoài cơ thể bạn. Làm sao bạn có cái quyền sở hữu những thứ ở bên ngoài mình? Mà, ngay cả khi có cái quyền đó (giả tưởng thôi), làm sao bạn có khả năng kiểm soát những thứ ở bên ngoài mình. Thành thử, nhân danh tình yêu hoặc nhân danh vợ chồng để sở hữu/kiểm soát một nửa còn lại của mình là cực kỳ ấu trĩ.

Trong cơn mê dại của tình yêu hoặc cơn mê muội của sự độc đoán, người ta thường không nhìn ra điều này. Người ta cứ nghĩ đơn giản: Người yêu mình là của mình. Hoàn toàn là của mình. Nhất định phải thuộc sở hữu của mình. Chính từ ảo tưởng sở hữu này mà rất nhiều bi kịch nảy sinh, rất nhiều án mạng xuất hiện và rất nhiều hối hận không có cơ may sửa chữa.

Sau khi hiểu ra điều này, ngay sau mối tình đầu tiên, tôi đã yêu rất khác.

Những ảo tưởng về sở hữu -0

Bên cạnh chuyện tình cảm nam – nữ, có một câu chuyện khác cũng khiến tôi phải vắt tay lên trán suy nghĩ mãi về cái gọi là “quyền sở hữu” của chính mình. Đó là khi tôi có đứa con đầu tiên và tôi cũng chính là người đã đón nó từ tay bác sĩ. Khi một sinh linh bé bỏng, chúm chím nằm trọn trong tay mình, một ý nghĩ lóe lên trong tôi: Đứa con này thuộc về tôi. Suốt 3 tháng đầu tiên thức đêm thức hôm chăm bẵm nó, cái ý nghĩ “đứa con này thuộc về tôi” càng được củng cố trong tôi. Khi đó tôi thấy rất đồng cảm với một phép so sánh của nhiều người quanh tôi: Con cái là “của đề dành” của cha mẹ!

Suy nghĩ này nằm trọn vẹn trong tôi tới năm cháu 3 tuổi, đi gửi trẻ và bị một bạn cùng lớp cắn rách tay. Buổi tối hôm ấy cháu cứ chỉ vào vết cắn và nói nhát được nhát không: “Bạn Te Te cắn! Bạn Te Te…”. Đêm ấy, tôi không nghĩ nhiều về vết cắn của con, mà lại nghĩ: Thôi chết, có những điều diễn ra trong thế giới của một đứa trẻ 3 tuổi, nằm ngoài sự kiểm soát của mình. Việc cháu bị bạn Te Te cắn là việc của cháu và bạn Te Te, diễn ra ở một địa điểm, trong một khoảng thời gian tôi không có mặt.

Rồi tôi nghĩ, cháu sẽ lớn dần lên, sẽ đi học, sẽ trưởng thành, sẽ lấy vợ, sẽ sinh con… và sẽ có hàng ngàn, hàng vạn diễn biến nằm ngoài tầm với của tôi. Làm sao tôi có thể sở hữu những diễn biến ngoài mình. Tôi chỉ có thể nói chuyện, dạy dỗ, định hướng (mà tôi cũng rất thận trọng khi sử dụng khái niệm “định hướng” với ngay cả con mình) để cháu có thể ứng xử với tất cả những điều trên đây một cách hợp lý nhất mà thôi. Vì tôi là một trong hai người sinh ra cháu nên tôi có trách nhiệm với điều đó.

Nhưng, tôi luôn nhắc nhở rằng: Trách nhiệm này cũng luôn có những biên giới của nó. Bởi nếu nhân danh “trách nhiệm” để “vượt qua biên giới” thì có thể tôi sẽ trở thành một ông bố áp đặt. Mà nếu trở thành một ông bố áp đặt, có thể tôi sẽ làm tổn thương con mình.

Tôi đã nhiều lần nói với người bạn ở cùng nhà rằng: Con chúng ta không phải là vật sở hữu của chúng ta. Cái nhà này có thể là vật sở hữu của ta. Cái máy tính này có thể là vật sở hữu của ta. Vì nó là vật sở hữu của ta, nên ta muốn làm gì nó thì làm, muốn áp đặt gì thì tha hồ áp đặt. Nhưng, con ta là một sinh thể độc lập, ta là một trong hai nhân tố tạo nên nó, có trách nhiệm/bổn phận dạy dỗ nó và bắt buộc phải dạy dỗ nó, nhưng nhất định không phải là chủ sỡ hữu của nó.

Đây là điều tôi luôn tâm niệm và cố gắng thực hiện mỗi ngày nhưng không phải lúc nào cũng thực hiện được. Ví dụ như khi tôi mệt quá, sai con đi lấy hộ cái này cái kia, nó không chịu đi, thế là tôi đã nói to với nó, áp đặt nó phải đi. Mặc dù vẫn biết trong quá trình giáo dục một đứa trẻ, việc đôi khi phải “nói to”, phải “áp đặt” là không thể tránh khỏi, nhưng đó chỉ là hạ sách, sau khi việc giải thích, thuyết phục, nói lý với nó thất bại. Đằng này, tôi chưa giải thích, chưa thuyết phục, mới chỉ thấy nó chưa nghe lời là đã “nói to”. Tôi đã phải viết lại những tình huống này để sau đó đọc lại, rút kinh nghiệm. Và, mỗi lần đọc lại, rút kinh nghiệm là một lần tôi tự nhủ: Con mình không thể là một thứ đồ sở hữu, mình cũng không thể là người chủ sở hữu của nó.

Trong những chia sẻ mang tính hàn huyên cá nhân, có lần tiến sĩ, nhà giáo dục Bùi Trân Phượng tâm sự rằng, cô rất thích câu nói: Con mình là CON NGƯỜI. Cô bảo, câu nói đó nhắc nhở cô (trong tư cách một người mẹ) rằng, con mình cũng là một sinh thể độc lập như mình, chứ không phải món đồ sở hữu của mình. Và, cô bảo, nếu không có những nhận thức chính xác về điều này, chúng ta hoàn toàn có thể làm những việc tưởng là “rất thương con” nhưng thực chất lại là “làm tổn thương” con. Trên tư cách một phụ huynh, một người bố, tôi đồng cảm với tâm sự của cô Bùi Trân Phượng.

Như vậy, từ chuyện yêu đương/vợ chồng đến chuyện con cái mới thấy, nếu không cẩn thận, mỗi chúng ta sẽ rất dễ rơi vào những ảo tưởng nguy hiểm về sở hữu. Ngẫm cho cùng, đừng nói đến những đối tượng ngoài mình như người yêu, vợ chồng, con cái, ngay đến cái XÁC THÂN ta đây, ta có thực sự sở hữu được nó không? Có phải lúc nào cái xác thân ta cũng nghe lệnh, vận hành theo những mong muốn của ta không? Có những lúc ta muốn chết mà nó chưa cho ta chết. Có những lúc ta muốn sống mà nó không cho ta sống thêm, dù chỉ 1 giờ. Ta chăm bẵm cái xác thân ta, chiều chuộng, vuốt ve xác thân ta, nhưng ta thực sự sở hữu nó ở cấp độ nào?

Theo Đức Phật, xác thân chúng ta được tạo từ 5 yếu tố: sắc – thọ – tưởng – hành – thức, cả 5 yếu tố này đều vô thường, nghĩa là đều tuân theo quy luật sinh – diệt, bất chấp ý muốn chủ quan của ta. Do vậy, ta cũng không thực sự hoàn toàn sở hữu xác thân ta như ta vẫn nghĩ.

Ảo tưởng về quyền sở hữu chính là một trong 3 cội nguồn đau khổ!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *