Những Câu Nói Hay Của Người Trung Quốc Xưa, Những Điều Đáng Học Hỏi

Tư Mã Quang đời Bắc Tống dành gần 20 năm cuộc đời để chủ biên một bộ sách sử vô cùng quan trọng, cũng là bộ thông sử thể biên niên đầu tiên của Trung Quốc, cùng với Sử ký được gọi là “Sử học song bích”, đó chính là Tư trị thông giám.

Bạn đang xem: Những câu nói hay của người trung quốc xưa

Tư trị thông giám viết từ thời Chu Liệt Vương năm thứ 23 (năm 403 TCN) cho đến thời Chu Thế Tông năm Hiển Đức thứ 6 sau thời Ngũ Đại (năm 959), bao phủ lịch sử 16 triều đại trong 1362 năm. Tống Thần Tông cho rằng bộ sách này “Xem gương việc xưa, lợi cho đạo trị quốc”, do đó đặt tên là Tư trị thông giám (Gương xưa lợi trị quốc).

Luận về vị trí của nó, có thể dùng một câu của Vương Minh Thịnh đời Thanh để khái quát: “Đây là bộ sách không thể thiếu trong trời đất, cũng là bộ sách học giả không thể không đọc”. 

Lời dạy của cổ nhân đọc và suy ngẫm, dưới đây tuyển chọn 30 câu tiêu biểu trong Tư trị thông giám:

1. “Khẩu hữu mật, phúc hữu kiếm”

(Miệng có mật, bụng có kiếm; hoặc: Miệng Nam Mô bụng bồ dao găm)

Miệng thì ôn hòa thân cận ngọt như mật, trong tâm thì tàn độc như kiếm sắc. Đây là cách nói của người thời Đường để khái quát một cách hình tượng về gian thần Lý Lâm Phủ. Tư trị thông giám – Đường kỷ có chép:

“Lý Lâm Phủ làm tể tướng, hễ những người có tài năng, danh vọng, công lao, sự nghiệp xuất sắc và được hoàng thượng hậu đãi, vị thế gần với ông ta, thì ông ta dùng trăm kế tấn công, nhất là đố kỵ các nhân sỹ văn chương. Nhưng biểu hiện ra rất thân thiện, lời lẽ ngọt ngào nhưng ngầm hãm hại”.

Người đời gọi Lý Lâm Phủ miệng lưỡi ngọt như mật ong, tâm địa độc ác như gươm sắc, đã khắc họa rất hình tượng bộ mặt cười mưu mô thâm hiểm gian trá. Từ đó “Khẩu mật phúc kiếm” (Miệng Nam Mô bụng bồ dao găm) đã trở thành từ chuyên dụng hình dung những kẻ mưu mô miệng lưỡi ngọt ngào mà tâm địa độc ác.

*

Lời xu nịnh như mật ắt tâm sắc như dao. (Ảnh: Pinterest)

2. “Dụng nhân như khí, các thủ sở trường”

(Dùng người như dụng cụ, sử dụng sở trường riêng của mỗi người)

Sử dụng người như sử dụng đồ vật dụng cụ, mỗi người chọn sở trường của họ. Đồ vật dụng cụ cần theo chức năng riêng của nó mà sử dụng. Dùng nhân tài cũng phải căn cứ sở trường của mỗi người mà dùng, không những phát huy đầy đủ tác dụng của nhân tài, mà còn có nhân tài dùng không hết. Nếu không nhìn ra ưu điểm, chỉ thấy nhược điểm của họ, thế thì trên đời không có người có thể dùng được rồi.

Đường Thái Tông có thể trở thành một vị quân chủ anh minh, thời kỳ ông cai trị đã xuất hiện thời thịnh trị “Trinh Quán chi trị” nổi tiếng trong lịch sử, có quan hệ mật thiết với quan niệm sử dụng nhân tài và phương pháp sử dụng nhân tài biết người khéo sử dụng của ông.

3. “Phù bất sát sự chi thi phi nhi duyệt nhân tán kỷ, ám mạc thậm yên; bất độ lý chi sở tại nhi a du cầu dung, siểm mạc thậm yên”

(Không xem xét việc đúng sai mà vui vì người khác khen mình, thì ngu tối không gì bằng; Không xem xét cái lý mà a dua lấy lòng người, thì siểm nịnh không gì bằng)

Không phân biệt sự tình đúng sai tốt xấu, chỉ thích người khác ca ngợi mình, thì không gì ngu muội hồ đồ hơn. Không suy nghĩ đạo lý ở bên nào, một mực nịnh hót lấy lòng, không gì khiến người ta chán ghét hơn.

4. “Trách kỳ sở nan, tắc kỳ dị giả bất lao nhi chính; Bổ kỳ sở đoản, tắc kỳ trường giả bất công nhi toại”

(Phụ trách cái khó thì cái dễ không mệt nhọc mà thành; Bổ sung chỗ yếu thì chỗ mạnh không tốn công sức cũng thành)

Làm việc cần tập trung trọng điểm và tinh lực vào chỗ khó, chỉ cần giải quyết được chỗ khó thì chỗ dễ dàng đơn giản tự nhiên sẽ được giải quyết. Làm người cần lấy sở trường bù cho sở đoản, chỉ cần giải quyết được những sở đoản của mình thì sở trường tự nhiên sẽ được tăng cường.

Dụng nhân phải căn cứ vào sở trường của người chứ không phải vì xu nịnh. (Ảnh: Youtube)

Dụng nhân phải căn cứ vào sở trường của người chứ không phải vì xu nịnh. (Ảnh: Youtube)

5. “Tận tiểu giả đại, thận vi giả trứ. Kiêm thính tắc minh, thiên tín tắc ám”

(Dung nạp hết cái nhỏ thì trở thành vĩ đại, cẩn thận với tất cả tiểu tiết thì sáng tỏ. Nghe hết các bên thì sáng suốt, tin theo một phía thì ngu muội)

Nghe ý kiến mọi mặt thì có thể hiểu rõ được lý lẽ sự việc, nghe tin theo ý kiến phiến diện thì ngu muội hồ đồ. Đây là câu cách ngôn nổi tiếng của Ngụy Vy khuyên quân vương nghe can gián. Vương Phù (đời Hán) trong Tiềm phu luận minh ám đã nói: “Vua sở dĩ anh minh, là nghe hết mọi mặt; vua sở dĩ tối tăm, là nghe phiến diện”, lời lẽ cô đọng súc tích khiến người ta cảnh tỉnh sâu sắc.

Hai câu từ hai hiệu quả khác nhau của “minh” (sáng suốt) và “ám” (ngu muội) nói rõ nên “nghe các bên” mà không được “tin một phía”. Chỉ có nghe các bên mới có thể hiểu tình hình toàn diện, phân biệt rõ đúng sai, có quyết định chính xác. Nghe một phía, tin một bên rất có thể sẽ mắc bẫy bị lừa. Nhất là đối với ý kiến bất đồng, càng cần nghiêm túc lắng nghe, như thế mới có thể tránh được sai lầm. Có thể dùng khuyến cáo mọi người nên lắng nghe ý kiến rộng rãi, khắc phục phiến diện.

6. “Đức giả nhân chi sở nghiêm, nhi tài giả nhân chi sở ái; Ái giả dị thân, nghiêm giả dị sơ, thị dĩ sát giả đa tế ư tài nhi di ư đức”

(Người có đức thì mọi người tôn nghiêm, mà người có tài thì mọi người yêu mến. Người yêu mến thì dễ thân, người tôn nghiêm thì dễ xa, là do người ta thường bị tài năng che mắt mà quên mất đức)

Người có đức khiến người ta tôn kính, người có tài khiến người ta yêu thích. Đối với người mình yêu thích thì dễ sùng tín trọng dụng, đối với người mình tôn kính thì dễ xa, do đó người xét chọn nhân tài thường bị tài năng của người ta che mắt, mà quên khảo sát phẩm đức của anh ta.

Người có đức ắt mọi người kính nể, yêu mến. (Ảnh: Soha)

7. “Văn kỳ quá giả, quá nhật tiêu nhi phúc trăn; Văn kỳ dự giả, đằng nhật tổn nhi họa chí”

(Người nghe được lỗi của mình, ngày qua lỗi hết mà phúc đến; Người nghe được ca ngợi mình, ngày qua danh dự tổn mà họa đến)

Thường thường nghe thấy người khác nói ra lỗi lầm của bạn, lỗi lầm sẽ ngày cảng giảm đi mà phúc sẽ đến; Thường thường nghe thấy người khác khen ngợi bạn, danh dự sẽ ngày càng bị tổn hại mà tai họa sẽ giáng xuống. Chúng ta phải nghe nhiều lời trung ngôn nghịch nhĩ hơn, và không được để những lời mỹ miều làm đầu óc mê mẩn. Đương nhiên, “họa” và “phúc” ở đây nên hiểu là nhân sự (việc con người), chứ không phải thiên mệnh.

8. “Kiêu xa sinh ư phú quý, họa loạn sinh ư sơ hốt”

(Kiêu xa sinh từ phú quý, họa loạn sinh từ sao nhãng)

Phú quý sẽ sinh ra kiêu xa (kiêu kỳ xa hoa), sao nhãng sẽ dẫn đến họa loạn. Phú quý tuy không nhất định sinh ra kiêu xa, nhưng kiêu xa thì ắt sinh ta từ phú quý, vì phú quý cung cấp cho kiêu xa điều kiện vật chất và tinh thần, điều này người phú quý không thể không cảnh giác. Sao nhãng sơ ý, lơ là qua quýt, luôn luôn nhìn mà không thấy cái mầm tai họa, khiến nó từ nhỏ trở thành lớn, cuối cùng dẫn đến tai họa xảy ra, điều này phải hết sức cảnh giác. Câu nói này khuyên răn mọi người khi phú quý phải đặc biệt chú ý đề phòng kiêu xa, xử sự cần phải từng giờ từng phút chú ý phòng ngừa sao nhãng.

9. “Đoản ư tòng thiện, cố chí ư bại”

(Kém học hỏi người giỏi nên dẫn đến thất bại)

Không muốn học tập người giỏi, đó chính là nguyên nhân thất bại.

10. “Khẩu thuyết bất như thân phùng, nhĩ văn bất như mục đổ”

(Miệng nói không bằng thân gặp, tai nghe không bằng mắt thấy)

Nghe người ta nói không bằng đích thân trải nghiệm, chính tai mình nghe thấy không bằng chính mắt mình trông thấy.

11. “Đức thắng tài, vị chi quân tử; Tài thắng đức, vị chi tiểu nhân”

(Đức thắng tài gọi là quân tử, tài thắng đức gọi là tiểu nhân)

Đức hạnh vượt tài năng gọi là quân tử, tài năng vượt đức hạnh gọi là tiểu nhân.

*

Nghe không bằng trực tiếp nhìn thấy, cảm nhận. (Ảnh: Youtube)

12. “Mộc tâm bất trực, tắc mạch lý giai tà, cung tuy kình nhi phát thỉ bất trực” 

(Gỗ ruột không thẳng thì mạch cũng tà, làm cung tuy mạnh nhưng bắn tên không thẳng)

Cây gỗ ruột không thẳng thì mạch gỗ cũng cong vẹo, dùng nó làm cung tên thì tuy mạnh cũng bắn tên không thẳng, không trúng đích.

13. “Thiên quân chi nỗ, bất vị hề thử phát cơ; Vạn thạch chi chung, bất dĩ đình trành nhi khởi âm”

(Cái nỏ vạn cân không dùng để bắn chuột nhắt; Cái chuông vạn thạch chẳng vì ngọn cỏ gõ mà kêu)

Cái nỏ nặng ngàn quân (30 cân = 15 kg = 1 quân) không phải để bắn chuột nhắt; Cái chuông lớn nặng vạn thạch (120 cân = 60 kg = 1 thạch) sẽ không vì một cọng cỏ gõ mà phát ra âm thanh. Tài năng lớn không thể dùng cho việc nhỏ, đại sự chẳng khởi sự vì động tĩnh nhỏ.

Xem thêm: Đề Thi Đại Học Văn 2013 – Đề Thi Và Đáp Án Đại Học Môn Ngữ Văn Khối C 2013

14. “Hiếu thắng nhân, sỉ văn quá, sính biện cấp, huyền thông minh, lệ uy nghiêm, tứ cường phức, thử lục giả, quân thượng chi tệ dã”

(Hiếu thắng, xấu hổ nghe người khác nói lỗi lầm mình, thể hiện thông minh, hà khắc, ương bướng, sáu điều này là thói xấu mà bậc quân vương thường mắc phải)

Tranh mạnh hiếu thắng, không muốn nghe người khác nói về khuyết điểm của mình, thích khua môi múa mép thể hiện tài ăn nói, thể hiện mình khôn ngoan, quá hà khắc nghiêm khắc với người khác, ngoan cố ương bướng tự cho mình là đúng. Sáu điểm này, đều là thói xấu mà bậc quân chủ nên đặc biệt chú ý cảnh giác.

*

Bậc vua chúa mà thích nghe lời xu nịnh thì ắt chẳng bền. (Ảnh: Youtube)

15. “Bất thành ư tiều nhi viết thành ư hậu, chúng tất nghi nhi bất tín hỹ” 

(Trước đây không thành thật mà sau này thành thật, mọi người ắt sẽ nghi ngờ mà không tin)

Trước đây không thành thực, sau này thể hiện mình thành thực, điều này ắt sẽ gây cho mọi người nghi ngờ, khiến người khác không tin.

16. “Thông minh lưu thông giả giới ư thái sát, quả văn thiểu kiến giả giới ư ủng tế”

(Người thông minh thông đạt, nên tránh quá xét nét, người kiến văn ít, nên tránh che lấp)

Người thông minh thông đạt phải cảnh giác quá xét nét. Người nghe ít, thấy ít phải tránh che giấu tri thức hạn hẹp của mình.

17. “Năng trạch thiện giả nhi tòng chi, mỹ tự quy kỷ”(Có thể chọn người giỏi mà học theo, cái tốt đẹp sẽ tự đến với mình)

Có thể chọn sở trường của người khác mà học theo, thì sở trường này tự nhiên cũng sẽ thuộc về mình.

18. “Phù biểu khúc giả cảnh tất tà, nguyên thanh giả lưu tất khiết”

(Người dáng cong vẹo thì cái bóng ắt cũng xiêu vẹo, nguồn suối trong thì dòng suối ắt thanh khiết)

Dáng vẽ cong queo thì hình bóng cũng nhất định xiêu xiêu vẹo vẹo. Nguồn nước trong vắt thì dòng nước cũng nhất định tinh khiết.

19. “Đắc tài thất hạnh, ngô sở bất thủ”(Được tài lộc mà mất đức hạnh, ta quyết không lấy)

Có được tài vật mà mất đi đức hạnh (có được tiền tài bất nghĩa), việc như thế này thì ta quyết không làm.

*

Có tài ắt phai có đức song hành. (Ảnh: Pinterest)

20. “Tri quá phi nan, cải quá vi nan; Ngôn thiện phi nan, hành thiện vi nan”

(Biết lỗi không khó, sửa lỗi mới khó; Nói thiện không khó, hành thiện mới khó)

Trên thực tế, nhận thức được lỗi lầm bản thân cũng rất khó. Các phán đoán của con người trong quá trình trải nghiệm hình thành nên kinh nghiệm cố hữu của bản thân. Từ cái “quan điểm của tôi” này mà thẩm xét các sự việc xung quanh mình, luôn luôn mang theo cái quan điểm cá nhân.

Cũng có những quan điểm và phán đoán là chính xác, cũng có những cái sai lầm, vậy làm thế nào? Cách tốt nhất là buông bỏ “quan điểm của tôi”, nghe thêm các ý kiến của người khác, nếu thấy ý kiến của cá nhân nào đó không chuẩn tắc, vậy thì nghe thêm ý kiến mấy người nữa. Khi hiểu rõ ý kiến của đa số người lại trái ngược với ý kiến của mình, thế thì phải thẩm xét lại quan điểm và phán đoán của bản thân để có những điều chỉnh tương ứng.

21. “Trượng phu nhất ngôn hứa nhân, thiên kim bất dịch”

(Trượng phu hứa một lời, ngàn vàng không đánh đổi)

Đại trượng phu đáp ứng người khác một câu, thì dù nghìn vàng cũng không thay đổi.

22. “Tệ hậu ngôn cam, cổ nhân sở úy dã”

(Tiền nhiều lời ngọt là điều người xưa rất sợ)

Lễ vật tặng rất nhiều, lời nói lại vô cùng lọt tai, đây là điều người xưa cảnh giác.

23. “Tài giả đức chi tư dã, đức giả tài chi soái dã”

(Tài là nguồn vốn của đức, đức là thống soái của tài)

Tài năng là nguồn vốn của đức hạnh, đức hạnh là thống soái của tài năng.

*

Nói lời thiện thì dễ làm được mới khó. (Ảnh: Youtube)

24. “Gia bần tư lương thê, quốc loạn tư lương tướng”

(Nhà nghèo mong có vợ giỏi, nước loạn mong có tướng tài)

Khi gia đạo bần cùng thì mong có người vợ giỏi tề gia, khi quốc gia đại loạn thì mong có tể tướng tài giỏi trị quốc.

25. “Minh giả, tiêu họa ư vị manh”

(Người sáng suốt tiêu trừ họa hoạn khi chưa manh nha)

Người thông minh luôn biết tiêu trừ họa hoạn khi nó còn chưa nảy sinh.

26. “Diện tòng hậu ngôn, cổ nhân sở giới”

(Ngoài mặt thuận theo, sau lưng nói xấu, người xưa đại kỵ)

Người xưa kỵ nhất là bề ngoài phục tùng nhưng sau lưng phản đối.

27. “Một xỉ nhi vô oán ngôn, Thánh nhân dĩ vi nan”

(Đến khi rụng hết răng không một lời oán thán, bậc Thánh nhân cũng cho là khó)

Cả đời ngay cả một câu oán thán cũng không nói, e là bậc Thánh nhân cũng khó làm được.

Hiếu trung là đức tính của người nhân nghĩa. (Ảnh: Youtube)

Hiếu trung là đức tính của người nhân nghĩa. (Ảnh: Youtube)

28. “Quân tử hãm nhân nguy, tất đồng kỳ nạn, khởi khả dĩ độc sinh hồ?” 

(Bậc quân tử khiến người khác lâm nguy, ắt sẽ chung hoạn nạn, sao có thể một mình sống được?)

Vì nguyên nhân của bản thân mà khiến người khác rơi vào nguy khốn, bậc quân tử ắt sẽ cùng chung hoạn nạn với người đó, làm sao có thể một mình mình sống được?

29. “Phù đăng tiến dĩ mậu dung, truất thoái dĩ trừng quá, nhị giả điệt dụng lý như tuần hoàn”

(Thăng chức để thưởng công lao, giáng chức để phạt lỗi lầm, hai biện pháp này dùng thay nhau, là cái lý tuần hoàn)

Thăng chức cho người ta là để thưởng công lao người ta, giáng chức người ta là để phạt lỗi lầm người ta, hai biện pháp này thường thường có thể sử dụng thay nhau.

30. “Phàm nhân chi tình, cùng tắc tư biến”

(Phàm là cái tình con người, khi vào đường cùng thì sẽ nghĩ ra cách thay đổi)

Bản tính của con người là đến khi hết biện pháp, thì sẽ nghĩ cách thay đổi hiện trạng.

Theo SoundofhopeHải Sơn biên dịch

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *