Nhóm máu có liên quan đến tính cách của bạn không?

Với sự lên ngôi của các bài trắc nghiệm tính cách, chúng ta có nhiều lựa chọn để tìm hiểu về tính cách bản thân. Những bài kiểm tra này hầu hết được thiết kế dựa trên nghiên cứu có sẵn về tính cách và hành vi con người.

Một số khác lại dựa trên các yếu tố mang tính cố định như ngày sinh, nhân tướng, chỉ tay, hoặc trong bài viết này, bài kiểm tra đánh giá con người qua nhóm máu.

Trắc nghiệm nhóm máu là gì?

Trắc nghiệm nhóm máu (ketsueki-gata) là học thuyết cho rằng nhóm máu của một người góp phần quyết định tính cách của họ. Dù được xem là ngụy khoa học (pseudoscience), học thuyết này lại tương đối phổ biến ở Đông Á và bắt đầu lan rộng ở phương Tây.

Ketsueki-gata bắt nguồn từ nghiên cứu của nhà tâm lý học Takeji Furukawa về mối liên hệ giữa tính cách và nhóm máu được đăng tải năm 1927. Nó tiếp tục được nhà báo Masahiko Nomi nghiên cứu vào những năm 1970 cho đến khi ông qua đời năm 1981. Dù học thuyết vẫn chưa được chứng minh, các cuốn sách về nhóm máu của Nomi lại vô cùng phổ biến ở Nhật.

Theo hai nhà nghiên cứu, tính cách con người bao gồm yếu tố sinh lý và tâm lý. Trắc nghiệm nhóm máu đã kết hợp cả hai khía cạnh trên, sử dụng yếu tố sinh lý để giải thích khía cạnh tâm lý của tính cách.

Quá trình hình thành trắc nghiệm nhóm máu?

Theo hệ thống nhóm máu ABO, con người có 4 nhóm máu chính: A (chứa kháng nguyên A), B (chứa kháng nguyên B), AB (chứa cả kháng nguyên A và B) và O (không có kháng nguyên nào). Việc phát hiện ra hệ thống kháng nguyên này giúp đảm bảo an toàn cho việc truyền máu, hiến máu hay hiến tủy.

Trong nghiên cứu, Furukawa đã cho 613 người từ 16 đến 70 tuổi làm trắc nghiệm tính cách dựa trên lý thuyết 4 kiểu khí chất của Hippocrates. Theo đó, Hippocrates đã dựa trên tỉ lệ chất lỏng trong cơ thể mỗi người để xác định 4 nhóm tính cách: Sôi nổi (sanguine) – lạc quan và thích xã giao; ưu tư (melancholic) – suy nghĩ sâu sắc và ít nói; hiếu động (choleric) – nóng nảy và thiếu kiên nhẫn; điềm tĩnh (phlegmatic) – dễ chịu và bình tĩnh. Đây được xem là hệ thống phân loại tính cách lâu đời nhất lịch sử nhân loại.

11may2022220507intext2jpg
Theo nghiên cứu của Furukawa, mỗi nhóm máu thiên về một kiểu khí chất của Hippocrates.

Sau khi cho họ xét nghiệm nhóm máu, ông nhận thấy mỗi nhóm thường thiên về một kiểu khí chất:

Tính cách nhóm máu A

Nhóm A mang khí chất ưu tư: Tự chủ, suy nghĩ sâu sắc, sáng tạo, phối hợp tốt, gọn gàng, ngăn nắp nhưng bướng bỉnh và cứng đầu.

Tính cách nhóm máu B

Nhóm B mang khí chất sôi nổi: Sống phóng khoáng, có đam mê, kiên định nhưng ích kỷ và khó hợp tác. Vì hai khuyết điểm này mà người nhóm B dễ bị phân biệt đối xử.

Tính cách nhóm máu AB

Nhóm AB mang khí chất hiếu động: Sống thiên về lý trí, đáng tin cậy, thích nghi tốt nhưng nóng nảy, hay quên và ít kiên nhẫn.

Tính cách nhóm máu O

Nhóm O mang khí chất điềm tĩnh: Tự tin, nhẫn nại, kiên định, lãnh đạo tốt nhưng khó đoán và lãnh đạm.

Vì sao trắc nghiệm nhóm máu được ưa chuộng?

Trắc nghiệm nhóm máu được ưa chuộng vì ảnh hưởng của hiệu ứng Barnum. Theo đó, ta có xu hướng tin rằng một mô tả đúng với mình, nhưng thật ra nó đúng với số đông.

Ngoài ra, mỗi người đều có nhận định riêng về tính cách của bản thân. Nhưng chúng ta không biết nhận định đó có đồng nhất với những gì người khác nghĩ về mình hay không. Điều này dẫn đến nhu cầu khám phá những khía cạnh của bản thân mà ta chưa hiểu rõ, và các bài trắc nghiệm tâm lý là lựa chọn hoàn hảo cho việc này.

Trắc nghiệm nhóm máu được xây dựng trên một yếu tố cố định về bản thân, không bị tác động bởi môi trường sống. Chính vì vậy nó đem đến cảm giác an tâm và chắc chắn về kết quả.

11may2022220507intext1jpg
Vì được xây dựng trên yếu tố cố định về bản thân, trắc nghiệm nhóm máu đem đến cảm giác chắc chắn về kết quả.

Bên cạnh đó, Nhật Bản là đất nước khá đơn nhất về sắc tộc. Vì vậy, có ý kiến cho rằng trắc nghiệm nhóm máu được ưa chuộng ở nước này vì nó góp phần “đa dạng hoá” dân số.

Trắc nghiệm nhóm máu có ảnh hưởng gì?

Trắc nghiệm nhóm máu khá phổ biến trong mai mối và phỏng vấn xin việc ở Nhật Bản. Thậm chí trong nhiều trường hợp, ứng viên bị phân biệt đối xử vì những đặc tính được gán cho nhóm máu của mình. Điều này cũng xảy ra ở Hàn Quốc và Đài Loan – 2 nước từng là thuộc địa của Nhật trước kia.

Hiện tại, vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh được mối liên hệ giữa nhóm máu và tính cách con người. Không chỉ vậy, quá trình hình thành tính cách còn chịu tác động từ môi trường sống, gia đình và giáo dục của mỗi người. Vì vậy, ta có thể nhìn nhận trắc nghiệm nhóm máu như một nguồn tham khảo, chứ không nên dựa hoàn toàn vào nó để đánh giá bản thân hay người khác.

Tuy nhiên, kiến thức chung về nhóm máu đem lại nhiều lợi ích. Ngoài việc tránh những sai sót trong y học, hiểu biết về nhóm máu của mình có thể giúp bạn xác định nguy cơ mắc một số bệnh, cũng như điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp cho bản thân.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *