Nhà thơ nói, ông đến Văn nghệ Quân đội, đến với bộ đội như là “về nhà”, bởi ông đã từng là một văn nghệ sĩ “đầu quân”, từng là Trưởng ban Văn nghệ bộ đội những năm kháng chiến chống Pháp. Ông tâm sự với các nhà văn áo lính nhiều chuyện, trong đó có những chuyện thơ, chuyện đời. Là người có mặt hôm đó, tôi xin ghi lại đôi dòng như là những chuyện “bên lề” câu chuyện chính của nhà thơ.
Tại sao lại không?
Nói về lớp nhà văn đầu tiên của cách mạng, kháng chiến, Tố Hữu nhắc đến những tên tuổi: Võ Huy Tâm, Siêu Hải, Bàn Tài Đoàn… Đặc biệt, ông nhấn mạnh thơ của Bàn Tài Đoàn. Ông bảo, Bàn Tài Đoàn viết rất hiện đại. Bàn Tài Đoàn thực sự là “cầu nối” giữa cách mạng và dân tộc Dao. Câu thơ: Mẹ tôi sinh ra tôi ở trong hang/ Như con khỉ của nhà thơ lão thành người Dao được Tố Hữu đọc đi đọc lại mấy lần và nói, “đó là câu thơ vừa hiện đại, vừa có sức lay động lòng người thời bấy giờ rất lớn. Nó rất khác với những câu như: Đêm Hà Nội buốt tê/ Mái buồn nghe sấu rụng… mặc dù cả hai câu thơ đều hay!”.
Một nhà thơ khác là nhà thơ của làng quê và đa tình Nguyễn Bính cũng được Tố Hữu nhắc tới. Ông bảo, ông rất thích thơ Nguyễn Bính. Rồi ông đặt câu hỏi: “Tại sao lại không trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho Bàn Tài Đoàn?” và ông tiếp: “Tôi đề nghị trao tặng Nguyễn Bính Giải thưởng Hồ Chí Minh!”…
Nhà thơ Tố Hữu (người ôm hoa) và một số nhà văn quân đội, năm 1994. (Ảnh: Xuân Hải)
Bịa rất nguy hiểm
Nhà thơ Tố Hữu nói thơ phải bay bổng như liên tưởng… Ông kể lại, khi làm bài thơ “Bà má Hậu Giang” năm 1941 và bài “Lá thư Bến Tre” năm 1962, ông chưa từng đặt chân đến Nam Bộ, chưa hề biết đất Bến Tre. Nghĩ đến phong trào đấu tranh trong đó, muốn góp một tiếng nói đồng cảm mà thôi… Lúc bấy giờ cứ nghĩ Bến Tre chắc phải rất nhiều tre, không ngờ sau này đất nước thống nhất, vô mới hay ở đó chỉ có dừa! Hú vía, trong bài chỉ nói đến mía, đến dừa mà không nói đến tre: Như cây dừa cháy lại xanh chồi/… Mía mọc xanh um đất, mật đường… Mới hay, với văn chương, bịa rất nguy hiểm và với thơ, bịa còn nguy hiểm hơn!
Tôi là “anh biên niên sử”
Nói về lớp viết văn trẻ hôm nay, khi trả lời câu hỏi rằng: “Bác nghĩ thế nào về người viết văn trẻ?”, Tố Hữu nói vui: “Văn nghệ không có tuổi” và chỉ vào nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Như Khoa chẳng hạn, anh ta hai lần hai mươi tuổi”. Ông tâm sự, ông rất tin vào lứa tuổi bốn mươi, lứa tuổi “tứ thập nhi bất hoặc” vì tuổi này không những đã trải qua đấu tranh giữ nước mà còn được học hành khá cơ bản. Ông nhắn nhủ: “Lớp trẻ hãy tự tin ở chính mình, đừng tự ti, đừng coi rẻ mình…”.
Phần ông, ông chỉ nhận mình là “anh biên niên sử”. Thế nên khi đọc thơ ông, hãy “dòm” vào các con số ghi tháng năm dưới mỗi bài để đặt vào đúng bối cảnh ra đời của nó.
Thà bỏ hết thơ Tố Hữu chứ đừng bỏ bài “Bác ơi!”
Trả lời câu hỏi “Nhà thơ thích nhất tập thơ nào trong số các tập Từ ấy, Việt Bắc, Máu và hoa, Một tiếng đờn?” và “Trong số 170 bài trong Tuyển tập thơ Tố Hữu mà Nhà xuất bản Văn học mới in, ông tâm đắc nhất bài nào?”, Tố Hữu nói: “Tôi không thể nói thích tập nào, tâm đắc nhất bài nào. Câu trả lời này xin dành cho các bạn, nhường cho bạn đọc của tôi”. Và ông kể: Mấy năm trước, có người làm công việc biên soạn sách giáo khoa đến hỏi ông về việc in bài nào, bỏ bài nào của ông, ông đã trả lời “tùy” và xin một điều rằng, thà bỏ hết thơ Tố Hữu đi, chứ đừng bỏ bài “Bác ơi!”.
Bài “Bác ơi!” là bài thơ Tố Hữu viết ngày 6-9-1969 trong dịp cả nước đau thương vĩnh biệt Bác Hồ!
E một mai me không còn lá
Tố Hữu là đỉnh cao của thơ trữ tình chính trị. Điều này ít người có ý kiến khác. Nhưng có ý kiến cho rằng, ông là người xa lạ với thơ tình, thậm chí “dị ứng” với thơ tình. Thật là… “oan” cho ông, bởi so với những bài thơ trữ tình chính trị thì thơ tình của ông có ít hơn, nhưng ít không phải là không có. Ông vốn xuất thân trong một gia đình Nho học, từ nhỏ đã say mê văn chương, tuổi niên thiếu là một chàng trai tuấn tú học Trường Quốc học Huế, giữa đất mộng mơ lẽ nào lại xa lạ, lại “dị ứng” với tình yêu, với thơ tình?
Đọc lại tiểu sử ông, dõi theo hành trình thơ của ông thấy ông có mối tình đầu rất say mê với một thiếu nữ mà ông gọi là “bé Xanh”. Ông đã từng làm nhiều câu thơ về người đó, trong đó có bài “Sợ” với những câu: Đêm lạnh lều rơm không liếp cửa/ Hai đứa mình ôm nhau trên sàn nứa/ Nằm bên em nghe má ấm trong tay/ Sợ tiếng gà gáy sáng hết đêm nay… và đặc biệt là bài “Mưa rơi” sáng tác năm 1948. Bài này đã được nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc và trở thành một trong những bài tình ca hay nhất, được nhiều thế hệ yêu thích (với giọng ca của ca sĩ Thái Bảo)… Trong câu chuyện về thơ tình với anh chị em sinh viên Văn khoa, khi trả lời câu hỏi về thơ tình hôm nay, Tố Hữu cười và bảo: “Thơ tình hôm nay nhiều quá. Có cái lá me thôi mà cứ rơi hoài… Tôi e một mai, me trên các con đường sẽ không còn lá!”.
Bác Hồ sửa thơ Tố Hữu
Tướng Văn Phác (tức Tám Trần) kể, năm 1964, lúc ông đang làm Chủ nhiệm (Tổng biên tập) Tạp chí Văn nghệ Quân đội và phụ trách Báo Quân đội nhân dân thì được cấp trên cử đi chiến trường Nam Bộ, đi bí mật bằng đường biển (từ bãi biển Đồ Sơn, Hải Phòng vào thẳng cửa sông Cổ Chiên thuộc tỉnh Trà Vinh), cùng đi có 4 đồng chí nữa. Trước hôm lên đường, Bộ Chính trị tổ chức chiêu đãi đoàn tại Nhà khách Bộ Quốc phòng (33 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội). Trong buổi tiễn đoàn, cùng với các đồng chí trong Bộ Chính trị và các tướng lĩnh cao cấp, Bác Hồ đến rất đúng giờ hẹn. Người ân cần hỏi thăm từng cán bộ, nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng của đoàn công tác và yêu cầu nhà thơ Tố Hữu đọc thơ tiễn đoàn. Nhà thơ bị bất ngờ nhưng đã “ứng khẩu” kịp thời hai câu như sau:
Tiễn đưa nhớ buổi hôm nay
Bạn về chúc bạn ngày ngày thành công.
Bác tỏ ra hài lòng nhưng đề nghị nhà thơ thay từ “về” bằng từ “đi”. Rồi Bác đọc lại:
Tiễn đưa nhớ buổi hôm nay
Bạn đi chúc bạn ngày ngày thành công.
Mọi người rất vui vẻ. Bác đi một vòng xem xét chỗ ngồi và thức ăn của mọi người đâu vào đấy, rồi trở về chỗ của mình. Bác lại chỉ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nói: “Bây giờ đề nghị đồng chí Văn hô “xung phong”. Đại tướng đứng dậy vui vẻ: Tối nay, các đồng chí được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương cử đi làm nhiệm vụ ở chiến trường. Vậy theo lệnh của Bác, tất cả “xung phong”!
NGÔ VĨNH BÌNH